Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2020/NQ-HĐND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 3 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ CHO CHỦ TRƯƠNG VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỂ PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19; HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TÁC ĐỘNG BỞI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ MƯỜI CHÍN

(Ngày 27 tháng 3 năm 2020)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

Căn cứ Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch;

Căn cứ Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế;

Căn cứ Công văn số 828/BYT-KHTC ngày 21 tháng 02 năm 2020 của Bộ Y tế về việc bổ sung chế độ đặc thù đối với người thực hiện cách ly y tế tại cơ sở y tế và tại cơ sở khác trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19;

Căn cứ Công văn số 2453/BTC-HCSN ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tài chính có về việc chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

t Tờ trình số 1106/TTr-UBND ngày 26 tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về một số chế độ chi của thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cho người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19; Báo cáo thẩm tra của số 185/BC-HĐND ngày 26 tháng 3 năm 2020 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân thành phố ghi nhận kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Thành phố đã cùng cả nước triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và đồng bộ công tác phòng, chống dịch từ truyền thông đến giám sát, quản lý các nguồn lây nhiễm dịch, xây dựng các bệnh viện dã chiến, tổ chức tốt hoạt động cách ly kiểm dịch và cách ly điều trị.

Điều 2. Để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cho người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19, Hội đồng nhân dân thành phố thông qua chủ trương về một số chế độ chính sách chi cho phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cụ thể như sau:

1. Về hỗ trợ tiền ăn

a) Đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ:

- Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế (kể cả tại khu dân cư được khoanh vùng để kiểm dịch, phân loại trước khi chuyển đến khu cách ly tập trung và không bao gồm cách ly tại nhà, nơi lưu trú), người đang điều trị Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố: mức hỗ trợ 90.000 đồng/người/ngày.

- Công an, quân đội và các lực lượng khác tham gia phối hợp phòng chống dịch Covid-19: mức hỗ trợ 90.000 đồng/người/ngày.

- Nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch: mức hỗ trợ 120.000 đồng/người/ngày.

b) Thời gian hỗ trợ: Thực hiện trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế và điều trị Covid-19.

2. Về chính sách hỗ trợ khẩu trang:

a) Đối tượng hỗ trợ:

- Học sinh, học viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp công lập.

- Công nhân vệ sinh (thu gom rác, vận chuyển rác, quét đường, thoát nước) làm việc tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị, Công ty TNHH MTV Thoát nước thành phố, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích 22 quận, huyện trực tiếp tham gia chống dịch.

b) Định mức hỗ trợ: 03 cái/người/tháng (loại khẩu trang kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng 10 lần).

c) Thời gian hỗ trợ: 03 tháng.

3. Về chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn do tác động của dịch Covid-19:

a) Đối tượng hỗ trợ:

Người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của nhà nước), bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ.

b) Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/tháng.

c) Thời gian hỗ trợ: Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày thực tế mà người lao động bị mất việc. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

d) Số lượng người lao động được hỗ trợ (dự kiến): 600.000 lao động.

4. Về tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19:

Trước tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến hết sức phức tạp, việc trang bị xe ô tô chuyên dùng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 là rất cần thiết và cấp bách. Để đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch Hội đồng nhân dân thành phố có ý kiến thống nhất về tiêu chuẩn, định mức sử dụng 10 xe ô tô chuyên dùng cho Trung tâm cấp cứu 115 để Ủy ban nhân dân thành phố kịp thời trang bị cho công tác phòng, chống dịch cụ thể như sau:

- Đối tượng: Trung tâm Cấp cứu 115 - thuộc Sở Y tế.

- Số lượng: 10 chiếc.

- Chủng loại: Xe ô tô chuyên dùng áp lực âm. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố căn cứ mức giá thị trường và nhu cầu thực tế xem xét quyết định mức giá mua xe tối đa để trang bị cho các đơn vị phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch bệnh và đảm bảo tiết kiệm.

5. Nguồn kinh phí thực hiện tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 2: tổng kinh phí khoảng 2.753 tỷ đồng. Chi từ ngân sách dự phòng thành phố.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân thành phố:

- Có kế hoạch tổ chức triển khai cụ thể, phân công rõ ràng, chặt chẽ, thực hiện đảm bảo không trùng lắp theo quy định và thực hiện thống nhất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết.

- Căn cứ tình hình diễn biến của dịch Covid-19 để quyết định thời gian thực hiện hỗ trợ, đảm bảo không vượt thời gian hỗ trợ quy định theo quyết nghị của Hội đồng nhân dân thành phố. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh và những điểm quy định chưa phù hợp, Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp quy định.

- Riêng đối với chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn do tác động của dịch Covid-19: Ủy ban nhân dân thành phố cần quy định đầy đủ, chặt chẽ về đối tượng áp dụng, phạm vi áp dụng, đặc biệt trong đó lưu ý điều kiện, thời gian được hưởng chính sách này (sớm có hướng dẫn, kể cả quy trình đảm bảo công khai, minh bạch, tránh phát sinh quá nhiều thủ tục, hồ sơ).

- Ủy ban nhân dân thành phố sớm ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng 10 xe ô tô chuyên dùng cho Trung tâm cấp cứu 115 - thuộc Sở Y tế, để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 khẩn cấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức mua sắm theo quy định về quản lý ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả.

- Trước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của dịch bệnh, tác động toàn diện đến kinh tế, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân. Hội đồng nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp sau:

+ Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương.

+ Hoàn thiện các phương án, kịch bản chống dịch bệnh ở các quy mô khác nhau; bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nhân lực để phòng, chống dịch trong tình huống dịch bùng phát mạnh.

+ Động viên Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, cùng tham gia phòng, chống dịch. Kịp thời chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người lao động phải tạm ngừng việc, những người trong vùng dịch.

+ Tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh; có kế hoạch tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của Nhân dân.

Điều 4. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố khóa IX phối hợp với Hội đồng nhân dân các quận, huyện tổ chức giám sát, kịp thời đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên phối hợp giám sát, tuyên truyền, phổ biến, động viên các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện Nghị quyết; kịp thời phát hiện, phản ánh những vấn đề cần điều chỉnh bổ sung với các cơ quan có thẩm quyền.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, kỳ họp thứ mười chín thông qua ngày 27 tháng 3 năm 2020./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu Quốc hội;
- Bộ Tài chính; Bộ Y tế;
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
- Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố;
- Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố;
- Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam thành phố;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố;
- Các sở, ban, ngành thành phố;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN 24 quận, huyện;
- Văn phòng ĐĐBQH và HĐND TP: CVP, PVP;
- Lưu: VT, (P.CTHĐ-Tú).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Lệ