Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2021/NQ-HĐND

Tuyên Quang, ngày 16 tháng 7 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP, THỦY SẢN HÀNG HÓA; SẢN PHẨM OCOP VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
KHÓA XIX, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thuỷ lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Xét Tờ trình số 64/TTr-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra số 80/BC-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị quyết này áp dụng đối với các đối tượng liên quan đến tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, cụ thể:

1. Cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại (sau đây gọi chung là cá nhân).

2. Hợp tác xã; doanh nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức).

3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Trong Nghị quyết này, các tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện của nội dung hỗ trợ nào thì được hưởng chính sách hỗ trợ của nội dung đó theo quy định.

2. Trong thời gian thực hiện Nghị quyết này, một nội dung nếu có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau (kể cả từ các chương trình, dự án khác) các tổ chức, cá nhân thụ hưởng được lựa chọn áp dụng 01 chính sách hỗ trợ có lợi nhất, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

3. Việc xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện chính sách được thực hiện cùng với kỳ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách hằng năm; trình tự xây dựng kế hoạch, lập và giao dự toán ngân sách được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc quyết toán kinh phí thực hiện chính sách theo các quy định của pháp luật hiện hành.

5. Nội dung chính sách quy định tại Điều 5 Nghị quyết này chỉ áp dụng hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn tại các ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

6. Các tổ chức, cá nhân được thụ hưởng chính sách có trách nhiệm sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng phát huy hiệu quả.

Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Nguồn ngân sách địa phương.

2. Nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

3. Nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn từ các chương trình, dự án hợp pháp khác.

Chương II

CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỤ THỂ

MỤC 1. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP, THỦY SẢN HÀNG HÓA; SẢN PHẨM OCOP

Điều 5. Chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng

1. Hỗ trợ hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các hợp tác xã vay vốn để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá, sản phẩm OCOP. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất theo thực tế nhưng tối đa không quá 5,0 tỷ đồng/hợp tác xã. Thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 18 tháng đối với hợp tác xã vay đầu tư sản xuất thuộc nhóm cây trồng hằng năm, chăn nuôi lợn, gia cầm; không quá 36 tháng đối với hợp tác xã vay đầu tư sản xuất thuộc nhóm cây trồng lâu năm, cây lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, thủy sản và phát triển sản phẩm OCOP đã có quyết định công nhận phân hạng đạt từ 3 sao trở lên.

b) Điều kiện hỗ trợ: Các hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; có phương án hoặc dự án sản xuất kinh doanh khả thi.

2. Hỗ trợ chủ trang trại

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho chủ trang trại vay vốn để sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Mỗi chủ trang trại được hỗ trợ lãi suất 01 lần vay. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 1,0 tỷ đồng/trang trại. Thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 18 tháng đối với trang trại vay đầu tư sản xuất thuộc nhóm cây trồng hằng năm, chăn nuôi lợn, gia cầm; không quá 36 tháng đối với trang trại vay đầu tư sản xuất thuộc nhóm cây trồng lâu năm, cây lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, thủy sản.

b) Điều kiện hỗ trợ: Cá nhân, chủ hộ gia đình, chủ trang trại có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đáp ứng các tiêu chí kinh tế trang trại theo quy định hiện hành.

3. Hỗ trợ nuôi cá đặc sản, cá chủ lực

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn nuôi cá đặc sản, cá chủ lực. Mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất 01 lần vay. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 1,0 tỷ đồng/tổ chức, cá nhân; thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 36 tháng.

b) Điều kiện hỗ trợ: Đối với cá đặc sản, tổng thể tích lồng, bể nuôi từ 100 m3 trở lên hoặc tổng diện tích ao, hồ nuôi từ 1,0 ha trở lên; đối với cá chủ lực, tổng thể tích lồng nuôi từ 500 m3 trở lên hoặc tổng diện tích ao, hồ nuôi từ 2,0 ha trở lên.

4. Hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò sinh sản

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay đối với cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 50% lãi suất tiền vay đối với cá nhân thuộc hộ khác (trừ trang trại) vay vốn mua trâu, bò nuôi sinh sản. Mỗi cá nhân được hỗ trợ lãi suất 01 lần vay. Mức cho vay có hỗ trợ lãi suất tối đa 35,0 triệu đồng/con trâu cái sinh sản; 25,0 triệu đồng/con bò cái sinh sản. Tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 100,0 triệu đồng/cá nhân; thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 36 tháng.

b) Điều kiện hỗ trợ: Đối với cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo quy mô tối thiểu từ 02 con trâu, bò trở lên; đối với cá nhân thuộc hộ khác quy mô tối thiểu từ 03 con trâu, bò trở lên.

5. Hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn (kéo dài tuổi rừng lên trên 10 năm). Mỗi diện tích rừng thực hiện chuyển hoá, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất tiền vay 01 lần/đơn vị diện tích đó. Mức cho vay có hỗ trợ lãi suất tối đa 70,0 triệu đồng/ha; thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 36 tháng.

b) Điều kiện hỗ trợ: Rừng trồng sản xuất bằng cây keo đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định, tuổi rừng từ đủ 7 tuổi trở lên; quy mô diện tích tập trung từ 10,0ha trở lên đối với tổ chức và từ 1,0ha trở lên đối với cá nhân; có cam kết thực hiện chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn theo quy trình kỹ thuật quy định hiện hành.

6. Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ lãi suất thực hiện đồng thời với quá trình vay vốn.

Điều 6. Chính sách hỗ trợ về vật tư, giống cây trồng, vật nuôi

1. Hỗ trợ ghép cải tạo giống vườn cây ăn quả

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần chi phí cho các tổ chức, cá nhân thực hiện ghép cải tạo vườn cây ăn quả. Định mức hỗ trợ 50.000 đồng/cây.

b) Điều kiện hỗ trợ: Diện tích có trong quy hoạch, kế hoạch cải tạo vườn cây ăn quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Cây gốc được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, có trên 70% số mắt ghép đã liền vết ghép và nảy mầm.

c) Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện sau khi vườn cây được cải tạo và nghiệm thu kết quả theo quy định.

2. Hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân (trừ doanh nghiệp) thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò. Định mức hỗ trợ: 200.000 đồng/con bê, nghé.

b) Điều kiện hỗ trợ: Bê, nghé được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

c) Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện sau khi bê, nghé sinh ra và được nghiệm thu kết quả theo quy định.

3. Hỗ trợ nuôi lợn đực giống để khai thác tinh

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần 50% kinh phí mua lợn đực giống nội, lợn đực giống ngoại dùng để khai thác tinh cho hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân nhằm nâng cao chất lượng giống lợn địa phương. Mức hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 25,0 triệu đồng/con, định mức hỗ trợ 01con/hợp tác xã, cá nhân.

b) Điều kiện hỗ trợ: Mua mới lợn đực giống nội, lợn đực giống ngoại đảm bảo tiêu chuẩn để khai thác tinh; có cam kết chăn nuôi bảo đảm vệ sinh phòng dịch, bảo vệ môi trường và thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác lợn đực giống trong thời gian ít nhất 24 tháng (trừ trường hợp chết do thiên tai, dịch bệnh).

c) Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hằng năm và sau khi đã mua con giống, được nghiệm thu kết quả theo quy định.

4. Hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng tập trung, làm giàu rừng tự nhiên sản xuất

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ cây giống lâm nghiệp (gồm cây keo lai được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô; cây keo tai tượng được gieo ươm từ hạt giống nhập ngoại; cây dổi ăn hạt, cây sấu, cây trám trắng được nhân giống bằng phương pháp ghép) để hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất tập trung, làm giàu rừng tự nhiên sản xuất. Mức hỗ trợ: 100% cây giống trồng chính theo mật độ quy định trong quy trình kỹ thuật trồng rừng của cấp có thẩm quyền đối với từng loài cây cụ thể và chi phí vận chuyển cây giống đến trung tâm xã theo đơn giá được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, giao dự toán hằng năm; chi phí khảo sát, thiết kế, lập hợp đồng 50.000 đồng/ha và 10% chi quản lý trực tiếp (của chi phí cây giống và phí vận chuyển).

b) Điều kiện hỗ trợ: Có đất trong quy hoạch phát triển rừng sản xuất (thực hiện trồng rừng tập trung), hoặc đất có rừng tự nhiên là rừng sản xuất (thực hiện làm giàu rừng) đã được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng ổn định không tranh chấp; diện tích đất tập trung từ 0,3 ha trở lên.

c) Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hằng năm và theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 7. Chính sách hỗ trợ sản xuất nông sản xuất khẩu

1. Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% chi phí đầu tư thực tế nhưng tối đa không quá 1,0 tỷ đồng/dự án cho các doanh nghiệp, hợp tác xã để đầu tư thực hiện dự án sản xuất nông sản xuất khẩu. Định mức hỗ trợ cụ thể:

a) Chi phí giống: Thực hiện theo định mức quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

b) Chi phí cải tạo đất: Theo thực tế nhưng tối đa không quá 20,0 triệu đồng/ha.

c) Chi phí hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước: Thực hiện theo định mức quy định tại Điều 8 Nghị quyết này.

d) Chi phí cấp mã số vùng trồng: Theo thực tế nhưng tối đa không quá 100,0 triệu đồng/dự án.

đ) Chi phí áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc quốc tế: Thực hiện theo định mức quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị quyết này.

2. Điều kiện hỗ trợ: Doanh nghiệp, hợp tác xã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có theo quy định của pháp luật hiện hành); có hợp đồng xuất khẩu nông sản với đơn vị có đủ năng lực thực hiện xuất khẩu.

3. Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện sau khi dự án được triển khai và được nghiệm thu theo quy định.

Điều 8. Chính sách hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

1. Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần cho các tổ chức, cá nhân 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Mức hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 40,0 triệu đồng/ha.

2. Điều kiện hỗ trợ: Đối với cá nhân, quy mô khu tưới tối thiểu 0,1ha; đối với tổ chức, quy mô khu tưới tối thiểu 1,0ha và có hợp đồng liên kết với hộ gia đình hoặc cá nhân trực tiếp sản xuất.

3. Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện sau khi hệ thống tưới được xây dựng và nghiệm thu theo quy định.

Điều 9. Chính sách hỗ trợ cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn, quy chuẩn

1. Hỗ trợ kinh phí xây dựng và quản lý nhãn hiệu; cấp mã số, mã vạch

a) Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần cho các tổ chức, cá nhân 100% kinh phí xây dựng và quản lý nhãn hiệu (bao gồm cả thiết kế và in bao bì cho sản phẩm hàng hoá) và cấp mã số, mã vạch (bao gồm cả thiết kế và in tem truy xuất nguồn gốc) cho sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản. Mức hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 100,0 triệu đồng/sản phẩm và mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ thực hiện tối đa không quá 02 sản phẩm.

b) Điều kiện hỗ trợ: Tổ chức, cá nhân có sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản được quản lý sản xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

c) Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân hoàn thành xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và cấp mã số, mã vạch.

2. Hỗ trợ đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần cho các tổ chức, cá nhân 80% kinh phí thực tế đánh giá và cấp giấy chứng nhận áp dụng quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc Quốc tế do một tổ chức chứng nhận phù hợp cấp theo quy định. Mức hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa 100,0 triệu đồng/sản phẩm đối với tiêu chuẩn trong nước; tối đa 300,0 triệu đồng/sản phẩm đối với tiêu chuẩn Quốc tế.

b) Điều kiện hỗ trợ: Tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản đảm bảo tiêu chuẩn.

c) Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn.

Điều 10. Chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP và xúc tiến thương mại

1. Hỗ trợ chi phí tư vấn

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ chi phí tư vấn cho các chủ thể sản phẩm lập hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Định mức hỗ trợ 10,0 triệu đồng/sản phẩm.

b) Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hằng năm và theo các quy định của pháp luật hiện hành.

2. Hỗ trợ điểm giới thiệu, bán các sản phẩm

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% tổng chi phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị bảo quản sản phẩm cho tổ chức thực hiện việc giới thiệu và bán các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP nhưng tối đa không quá 100,0 triệu đồng/điểm đối với trong tỉnh; không quá 200,0 triệu đồng/điểm đối với thành phố Hà Nội. Định mức hỗ trợ: 01 điểm/huyện, tối đa 03 điểm/thành phố Tuyên Quang và 01 điểm tại thành phố Hà Nội.

b) Điều kiện hỗ trợ: Trang thiết bị bảo quản mới 100%; tổ chức có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hoặc phương án đầu tư sản xuất; có cam kết dành ít nhất 70% diện tích để trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP trong thời gian tối thiểu 03 năm liên tục; đáp ứng các tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm theo quy định của Bộ Công Thương.

c) Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hằng năm và theo các quy định của pháp luật hiện hành.

3. Hỗ trợ gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân có gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP tại các hội chợ, hội nghị, sự kiện ngoài tỉnh. Mức hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 20,0 triệu đồng/tổ chức, cá nhân. Đối với hội chợ, hội nghị, sự kiện tổ chức ở nước ngoài thực hiện hỗ trợ theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Định mức hỗ trợ tối đa không quá 03 lần/tổ chức, cá nhân.

b) Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân đã tham gia hội chợ, hội nghị, sự kiện (đối với gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị, sự kiện ngoài tỉnh).

4. Hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP

a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ cho chủ thể có sản phẩm được công nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Cụ thể: Sản phẩm đạt 3 sao hỗ trợ 10,0 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm đạt 4 sao hỗ trợ 20,0 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm đạt 5 sao hỗ trợ 50,0 triệu đồng/sản phẩm. Đối với nâng hạng sao: Nâng hạng 3 sao lên hạng 4 sao hỗ trợ 10,0 triệu đồng/sản phẩm; nâng hạng 4 sao lên hạng 5 sao hỗ trợ 30,0 triệu đồng/sản phẩm; nâng hạng 3 sao lên hạng 5 sao hỗ trợ 40,0 triệu đồng/sản phẩm.

b) Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện sau khi sản phẩm đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP.

Điều 11. Chính sách hỗ trợ hợp tác xã thành lập mới

1. Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50,0 triệu đồng/hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản thành lập mới để mua máy vi tính và trang thiết bị văn phòng.

2. Điều kiện hỗ trợ: Hợp tác xã thành lập mới có tổ chức sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

3. Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện sau khi hợp tác xã được thành lập và đã mua máy vi tính, trang thiết bị văn phòng.

MỤC 2. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Điều 12. Chính sách hỗ trợ xây dựng đường giao thông ngõ, xóm

1. Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% xi măng, ống cống (nếu có) và chi phí vận chuyển, bốc xếp đến địa điểm thi công gần nhất ô tô vận chuyển được để cứng hóa đường ngõ, xóm đảm bảo tỷ lệ đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao quy định.

2. Điều kiện hỗ trợ: Các xã khu vực nông thôn có tỷ lệ đường ngõ, xóm theo quy hoạch được cứng hóa chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao hiện hành.

3. Nguyên tắc hỗ trợ

a) Hỗ trợ cho các xã trong kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2021-2025 nhằm cứng hóa đường ngõ, xóm theo quy hoạch để đảm bảo tỷ lệ đạt chuẩn ở mức tối thiểu theo từng Bộ tiêu chí quy định.

b) Mức hỗ trợ xây dựng công trình đường ngõ, xóm được tính bằng tiền theo suất đầu tư được xác định trên cơ sở thiết kế mẫu, dự toán mẫu và đã có mặt bằng thi công.

c) Hỗ trợ cho các thôn vận động được nhân dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, tham gia đóng góp nguồn lực và trực tiếp thi công công trình theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”.

d) Áp dụng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn theo các quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền; khuyến khích sử dụng quy mô (nền, mặt đường) lớn hơn khi có đủ mặt bằng, sự đồng thuận của nhân dân và trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện, thành phố

4. Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hằng năm và theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 13. Chính sách hỗ trợ xây dựng bể Biogas hoặc bể tự hoại

1. Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp 01 lần bằng tiền cho hộ gia đình xây dựng mới bể Biogas hoặc bể tự hoại. Định mức hỗ trợ 5,0 triệu đồng/hộ.

2. Điều kiện hỗ trợ

a) Các hộ gia đình thực hiện xây dựng mới bể Biogas hoặc bể tự hoại có cam kết xây dựng nhà tắm, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh và đảm bảo 03 sạch theo quy định.

b) Các hộ gia đình thuộc các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tương đương.

3. Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện sau khi hộ gia đình đã xây dựng mới bể Biogas hoặc bể tự hoại và được nghiệm thu theo quy định.

Điều 14. Chính sách hỗ trợ cải tạo vườn hộ gia đình đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới’; xây dựng thôn đạt chuẩn” Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”

1. Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp 01 lần bằng tiền. Mức hỗ trợ 10,0 triệu đồng/vườn hộ gia đình đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới”; 20,0 triệu đồng/thôn đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”.

2. Điều kiện hỗ trợ: Vườn hộ gia đình đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới”; thôn đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu” theo quyết định công nhận của cấp có thẩm quyền.

3. Phương thức hỗ trợ: Việc hỗ trợ thực hiện theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hằng năm và theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 16. Điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này thay thế các văn bản

a) Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

b) Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

c) Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2018-2021.

d) Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 12/2014/NQ- HĐND ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi và Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2018-2021.

đ) Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

e) Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

2. Nghị quyết này bãi bỏ các văn bản

a) Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vay vốn được hỗ trợ kinh phí và lãi suất tiền vay để phát triển chăn nuôi (trâu, bò, lợn) có kết hợp xây dựng hầm Biogas bằng vật liệu nhựa composite.

b) Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 21/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung quy định cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vay vốn được hỗ trợ kinh phí và lãi suất tiền vay để phát triển chăn nuôi (trâu, bò, lợn) có kết hợp xây dựng hầm Biogas bằng vật liệu nhựa composite ban hành kèm theo Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

c) Quyết định số 303/QĐ-CT ngày 24/7/2014 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành về việc cho hội viên, nông dân thuộc 07 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh được vay vốn và hỗ trợ lãi suất tiền vay để xây dựng công trình nhà tiêu và hệ thống chuồng trại chăn nuôi.

3. Các tổ chức, cá nhân đang thực hiện hoặc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện các nội dung chính sách quy định trong các Nghị quyết, Quyết định tại khoản 1 Điều này trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hưởng chính sách theo các quy định của chính sách cũ.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XIX, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 16 tháng 7 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Các Văn phòng: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Các Ban của HĐND tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Các Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn;
- Báo Tuyên Quang, Công báo Tuyên Quang;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Trang thông tin điện tử Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Lưu: VT (T.Anh).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phạm Thị Minh Xuân