Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 04/2007/NQ-HĐND

Sóc Trăng, ngày 11 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

V/V PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CỦA NHÀ NƯỚC, TỈNH SÓC TRĂNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 137/2006/NĐ-CP , ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ Quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 35/2007/TT-BTC , ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP , ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ Quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg , ngày 31 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Quy chế Quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập;
Sau khi xem xét Tờ trình số 07/TTr-UBND, ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước; Báo cáo thẩm định của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận, đóng góp của các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
và phát biểu giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua nội dung phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, theo Tờ trình số 07/TTr-UBND, ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh (chi tiết theo phụ lục đính kèm).

Điều 2.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước, áp dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.;

2. Giữa 2 kỳ họp nếu có vấn đề phát sinh, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh trao đổi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định và báo cáo với Hội đồng nhân dân trong kỳ họp gần nhất.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khoá VII, kỳ họp thứ 10 thông qua.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH;
- Ban Công tác đại biểu;
- Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- VP. Chủ tịch nước;
- VP. Quốc hội (bộ phận phía Nam);
- Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính;
- TT.TU, TT.HĐND; UBND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh ST;
- Đại biểu HĐND tỉnh khoá VII;
- Các Sở, Ban ngành tỉnh
 (Đảng, Chính quyền, Đoàn thể);
- TT.HĐND,UBND các huyện, TP;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Lệ Hồng

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ NƯỚC, TỈNH SÓC TRĂNG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2007/NQ-HĐND, ngày 11/7/2007 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng)

A. VỀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

I. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước, tỉnh Sóc Trăng theo quy định tại Nghị định 137/2006/NĐ-CP , ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ và Thông tư số 35/2007/TT-BTC , ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP , ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ Quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.

II. Đối tượng áp dụng:

- Cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước.

- Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị , tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập) được giao trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

- Các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

B. VỀ NỘI DUNG PHÂN CẤP:

I. Phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập:

1. Đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà nước:

a) Những tài sản nhà nước phải đăng ký quyền quản lý, sử dụng bao gồm:

- Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

- Xe ô tô các loại (kể cả xe ô tô chuyên dùng);

- Các tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên tính cho một đơn vị tài sản.

b) Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước giao trực tiếp quản lý, sử dụng những tài sản nêu trên phải đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà nước với Sở Tài chính. Đối với những tài sản cố định còn lại, đơn vị sử dụng phải lập thẻ tài sản để theo dõi và hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành.

c) Trường hợp phát hiện đơn vị không thực hiện đăng ký các loại tài sản nêu tại điểm a trên, cơ quan tài chính được phép ngừng cấp kinh phí phục vụ hoạt động của những tài sản không đăng ký theo quy định; đồng thời thực hiện chế độ xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

d) Nội dung, trình tự, thủ tục đăng ký tài sản nhà nước được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 35/2007/TT-BTC , ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP , ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ.

2. Thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm, sửa chữa đối với tài sản nhà nước là nhà, công trình kiến trúc và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

3. Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa đối với tài sản nhà nước là phương tiện giao thông vận tải, máy móc, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:

a. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định:

- Mua sắm xe ô tô các loại;

- Mua sắm, sửa chữa đối với các loại tài sản nhà nước có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên, tính trên một đơn vị tài sản.

Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

b. Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh quyết định mua sắm, sửa chữa đối với tất cả các loại tài sản có giá trị dưới 200 triệu đồng tính trên một đơn vị tài sản, trong đó:

- Tự quyết định và tổ chức thực hiện mua sắm, sửa chữa đối với tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng tính trên một đơn vị tài sản;

- Quyết định thực hiện mua sắm, sửa chữa tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng tính trên một đơn vị tài sản, sau khi có ý kiến của Sở Tài chính.

c. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ quy định này phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm, sửa chữa tài sản thuộc phạm vi quản lý, sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh.

d. Việc tổ chức đầu tư mua sắm, sửa chữa tài sản quy định tại các điểm a, b, c nêu trên được thực hiện theo các quy định hiện hành về đầu tư mua sắm, sửa chữa tài sản.

4. Thẩm quyền thu hồi tài sản nhà nước:

a) Tài sản nhà nước bị thu hồi trong các trường hợp sau:

- Đầu tư xây dựng mới, mua sắm, điều chuyển, thu hồi, bán, chuyển đổi sở hữu, vượt tiêu chuẩn định mức, không đúng thẩm quyền do nhà nước quy định;

- Đơn vị quản lý tài sản nhưng không sử dụng và không đề nghị phương án xử lý có hiệu quả;

- Sử dụng sai mục đích, sai chế độ;

- Bán, chuyển nhượng, cho, tặng không đúng thẩm quyền;

- Các trường hợp phải thu hồi khác theo quy định của pháp luật.

b) Thẩm quyền thu hồi tài sản nhà nước:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi, phê duyệt phương án thu hồi các tài sản nêu tại điểm a, mục 1, khoản II, phần B này trong phạm vi toàn tỉnh theo đề nghị của Sở Tài chính.

- Giám đốc Sở Tài chính quyết định thu hồi các loại tài sản đối với các đơn vị sử dụng tài sản cấp tỉnh theo phương án được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, trừ các loại tài sản nêu tại điểm a, mục 1, khoản II, phần B này.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quyết định thu hồi, phê duyệt phương án thu hồi các loại tài sản do mình quản lý theo đề nghị của Phòng Tài chính - Kế hoạch, trừ các loại tài sản nêu tại điểm a, mục 1, khoản II, phần B này.

c) Nội dung, trình tự, thủ tục thu hồi được thực hiện theo quy định tại khoản 6.2 phần II của Thông tư số 35/2007/TT-BTC , ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính.

5. Thẩm quyền điều chuyển tài sản:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chuyển các loại tài sản nêu tại điểm a, mục 1, khoản II, phần B này giữa các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo đề nghị của Sở Tài chính và các cơ quan liên quan.

b) Giám đốc Sở Tài chính quyết định điều chuyển đối với các loại tài sản của các đơn vị sử dụng tài sản cấp tỉnh theo phương án được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, trừ các loại tài sản nêu tại điểm a, mục 1, khoản II, phần B này.

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quyết định điều chuyển đối với các loại tài sản do mình quản lý theo đề nghị của Phòng Tài chính - Kế hoạch, trừ các loại tài sản nêu tại điểm a, mục 1, khoản II, phần B này.

6. Thẩm quyền bán, chuyển đổi hình thức sở hữu tài sản nhà nước:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bán, chuyển đổi hình thức sở hữu đối với tài sản nhà nước nêu tại điểm a, mục 1, khoản II, phần B này trong phạm vi toàn tỉnh theo đề nghị của Sở Tài chính.

b) Giám đốc Sở Tài chính quyết định bán, chuyển đổi hình thức sở hữu các loại tài sản của các đơn vị sử dụng tài sản cấp tỉnh theo phương án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, trừ các loại tài sản nêu tại điểm a, mục 1, khoản II, phần B này.

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bán, chuyển đổi hình thức sở hữu tài sản nhà nước đối với các loại tài sản nêu tại điểm a, mục 1, khoản II, phần B này.

- Quyết định bán, chuyển đổi hình thức sở hữu tài sản nhà nước đối với các loại tài sản do mình quản lý theo đề nghị của Phòng Tài chính - Kế hoạch trừ các loại tài sản nêu điểm a, mục 1, khoản II, phần B này.

d) Thẩm quyền quyết định bán, chuyển đổi hình thức sở hữu tài sản nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại Điều 16 của Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg , ngày 31 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập.

7. Thanh lý tài sản nhà nước:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thanh lý tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý, gồm:

- Nhà, công trình xây dựng phải phá dỡ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Nhà, công trình xây dựng khác, bị hư hỏng không còn sử dụng được hoặc nếu tiếp tục sử dụng phải chi phí lớn, không có hiệu quả;

- Các loại tài sản nêu tại điểm a, mục 1, khoản II, phần B này.

b) Đối với các loại tài sản do các cơ quan cấp tỉnh quản lý, trừ các loại tài sản nêu tại điểm a, mục 1, khoản II, phần B này được thực hiện như sau:

- Giám đốc Sở Tài chính quyết định thanh lý đối với tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 200 triệu đồng trở lên tính trên một đơn vị tài sản theo phương án được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Thủ trưởng các đơn vị sử dụng tài sản quyết định tổ chức thanh lý đối với tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 200 triệu đồng tính trên một đơn vị tài sản theo phương án được Sở Tài chính thẩm định.

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quyết định thanh lý đối với tài sản nhà nước thuộc địa phương quản lý theo đề nghị của Phòng Tài chính - Kế hoạch, trừ các loại tài sản nêu tại điểm a, mục 1, khoản II, phần B này.

d) Thẩm quyền thanh lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định hiện hành tại Điều 18 của Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg , ngày 31 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

8. Kiểm kê thống kê tài sản nhà nước:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều tra, thống kê tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm kê tài sản nhà nước tại đơn vị định kỳ hàng năm theo đúng quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.

9. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

a) Thẩm quyền quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được quy định như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong phạm vi toàn tỉnh.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các Sở, ngành cấp tỉnh quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của mình.

b) Khi thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra, kiểm tra có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra xuất trình các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Nếu phát hiện vi phạm, có quyền xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

II. Thẩm quyền xác lập quyền sở hữu nhà nước:

1. Thẩm quyền xác lập quyền sở hữu tài sản của nhà nước đối với tài sản:

a) Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật bị tịch thu sung quỹ nhà nước:

- Thẩm quyền quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Thẩm quyền quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với tài sản của người bị kết án được thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự.

- Thẩm quyền quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với vật chứng vụ án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

b) Đối với các tài sản khác:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xác lập quyền sở hữu của nhà nước theo quy định của pháp luật đối với:

+ Bất động sản trên địa bàn được xác định là vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu.

+ Di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng người đó không được quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản.

+ Tài sản của các dự án sử dụng vốn ngoài nước do địa phương quản lý sau khi kết thúc hoạt động được chuyển giao cho tỉnh.

+ Tài sản được chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu dưới hình thức biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật cho các tổ chức thuộc cấp tỉnh quản lý.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quyết định xác lập quyền sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật đối với tài sản được chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu dưới hình thức biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật cho các tổ chức thuộc địa phương quản lý.

2) Thẩm quyền lập, phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước:

a) Thẩm quyền lập phương án xử lý tài sản:

Cơ quan đang quản lý hoặc được giao tạm quản lý tài sản có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

b) Thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quyết định phương án xử lý đối với các loại tài sản theo thẩm quyền nêu tại mục 1, khoản III, phần B này.

c) Phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi liên quan đến việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước

- Phân cấp nguồn thu từ việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước: số tiền thu được từ việc xử lý tài sản được xác lập sở hữu của nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp nào phê duyệt phương án xử lý thì nộp toàn bộ vào ngân sách cấp đó, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan.

- Phân cấp nhiệm vụ chi liên quan đến việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước:

+ Chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản xác lập quyền sở hữu của nhà nước được sử dụng từ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản;

+ Trường hợp xử lý tài sản không có nguồn thu hoặc số thu không đủ bù đắp chi phí, thì chi phí do ngân sách của cấp phê duyệt phương án chi trả.