Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2018/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH NỘI DUNG, MỨC CHI ĐẶC THÙ THUỘC THẨM QUYỀN CỦA HĐND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XV - KỲ HỌP THỨ 6

(Từ ngày 04/7/2018 đến ngày 06/7/2018)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/6/2017;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;

Căn cứ Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xửvi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKHĐT-BTTTT ngày 15/02/2012 của Liên Bộ: Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư - Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Thông tư 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 349/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về thanh, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin;

Căn cứ Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02/01/2018 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Căn cứ Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017 của Bộ Xây dựng công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng;

Xét các Tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố: số 87/TTr-UBND ngày 14/6/2018 về việc ban hành quy định một số nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội, số 95/TTr-UBND ngày 02/7/2018; các báo cáo thẩm tra số 34/BC-HĐND ngày 26/6/2018 và số 55/BC-HĐND ngày 04/7/2018 của Ban Kinh tế và Ngân sách; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định một số nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội, cụ thể:

1. Quy định mức hỗ trợ hàng tháng đối với công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin tại các cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc của thành phố Hà Nội (Chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo).

2. Quy định về định mức chi phí quản lý dự án và nội dung chi quản lý dự án của Ban Quản lý xã đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 (Chi tiết tại Phụ lục 02 kèm theo).

3. Quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố Hà Nội từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông giai đoạn 2019-2020 và quy định một số nội dung, mức chi đặc thù phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND Thành phố (Chi tiết tại Phụ lục 03 kèm theo).

4. Quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Thành phố (Chi tiết tại Phụ lục 04 kèm theo).

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức thực hiện các quy định của Nghị quyết.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố, các Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 05/7/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2018 đến hết ngày 31/12/2020./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội;
- Ban công tác ĐB của UBTVQH;
- Các Bộ: Tư pháp, Tài chính, KH&ĐT, Công an, Giao thông vận tải;
- Thường trực Thành ủy Hà Nội;
- Đoàn ĐBQH Thành phố HN;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Thành phố;
- Đại biểu HĐND Thành phố;
- Các Ban HĐND Thành phố;
- VP Thành ủy, các Ban Đảng Thành ủy;
- VP HĐND TP, VP UBND TP;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- TT HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- Công báo Thành phố, Cổng GTĐT TP;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bích Ngọc

 

PHỤ LỤC 01

QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ HÀNG THÁNG ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CHUYÊN TRÁCH VỀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TẠI CÁC CƠ QUAN ĐẢNG, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRỰC THUỘC CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 05/7/2018 của HĐND thành phố Hà Nội)

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định mức hỗ trợ hàng tháng đối với công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc của thành phố Hà Nội.

2. Đối tượng áp dụng

Công chức, viên chức có bằng chuyên môn về CNTT (gồm: ngành đúng đào tạo về CNTT hoặc các ngành gần đào tạo về CNTT theo quy định) được giao nhiệm vụ chuyên trách (trực tiếp chỉ đạo; điều hành; quản lý nhà nước; triển khai; quản trị hệ thống) về CNTT theo đúng đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại các cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc của thành phố Hà Nội.

Những người sau đây không thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định này:

- Những người làm nhiệm vụ nhập thông tin, dữ liệu hoặc thực hiện những nội dung thuần túy sử dụng, ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý đã được quy định về định mức, đơn giá trong các văn bản quy định khác.

- Những người có bằng cấp chuyên môn về CNTT nhưng không được giao nhiệm vụ chuyên trách về CNTT.

3. Quy định mức hỗ trợ hàng tháng đối với công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin tại các cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc của thành phố Hà Nội

a) Người có trình độ đại học hoặc trên đại học được hưởng mức hỗ trợ: 2 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

b) Người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp được hưởng mức hỗ trợ: 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

c) Mức lương cơ sở được áp dụng thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

4. Nguồn kinh phí thực hiện:

a) Kinh phí thực hiện mức hỗ trợ hàng tháng đối với công chức, viên chức chuyên trách về CNTT của cơ quan, đơn vị thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo theo quy định.

b) Đối với các cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc của thành phố Hà Nội do ngân sách đảm bảo chi hoạt động thường xuyên: Chi từ dự toán thường xuyên được giao hàng năm (Kinh phí không thường xuyên đối với các cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước và kinh phí không tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách đảm bảo chi hoạt động thường xuyên).

c) Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, tự đảm bảo chi thường xuyên và đảm bảo một phần chi thường xuyên, mức hỗ trợ hàng tháng chi từ nguồn thu của đơn vị.

 

PHỤ LỤC 02

QUY ĐỊNH VỀ ĐỊNH MỨC CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN VÀ NỘI DUNG CHI QUẢN LÝ DỰ ÁN CỦA BAN QUẢN LÝ XÃ ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 05/7/2018 của HĐND thành phố Hà Nội)

1. Phạm vi điều chỉnh:

Nghị quyết này quy định về định mức chi phí quản lý dự án và nội dung chi quản lý dự án của Ban quản lý xã đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

2. Đối tượng áp dụng:

Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

3. Quy định về định mức chi phí quản lý dự án và nội dung chi quản lý dự án của Ban Quản lý xã đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020

a) Định mức chi phí quản lý dự án:

- Công trình xây dựng dân dụng:

2,63%

- Công trình công nghiệp:

2,76%

- Công trình giao thông:

2,35%

- Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn:

2,49%

- Công trình hạ tầng kỹ thuật :

2,21%

- Chi phí quản lý dự án trong tổng mức đầu tư xác định theo định mức tỷ lệ phần trăm (%) nhân với chi phí xây dựng và chi phí thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng) trong tổng mức đầu tư xây dựng của hồ sơ xây dựng công trình được duyệt. Chi phí quản lý dự án trong dự toán công trình, xác định theo định mức tỷ lệ phần trăm (%) (cùng định mức tỷ lệ % sử dụng để tính chi phí quản lý dự án trong tổng mức đầu tư) nhân với chi phí xây dựng và thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng) của dự toán công trình.

- Trường hợp chi phí thiết bị chiếm tỷ trọng ≥ 50% tổng chi phí xây dựng và thiết bị trong tổng mức đầu tư được duyệt thì điều chỉnh định mức chi phí quản lý dự án với hệ số k = 0,8

b) Nội dung chi quản lý dự án:

- Phụ cấp kiêm nhiệm quản lý dự án: Mức chi phụ cấp kiêm nhiệm quản lý dự án một tháng cho một cá nhân tối đa bằng 50% tiền lương và phụ cấp lương một tháng của cá nhân đó.

- Chi tiền công trả cho lao động theo công việc cụ thể, theo thỏa thuận trong hợp đồng và phù hợp quy định của pháp luật.

- Chi thanh toán dịch vụ công cộng: Tiền điện, tiền nước, vệ sinh môi trường, các dịch vụ khác.

- Chi mua vật tư văn phòng: Công cụ, dụng cụ văn phòng, văn phòng phẩm, bảo hộ lao động, khác.

- Chi thanh toán thông tin, tuyên truyền, liên lạc: Cước phí điện thoại, bưu chính, Fax, Internet, sách, báo, tài liệu quản lý.

- Chi phí hội nghị: Thực hiện theo Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị, Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND ngày 05/12/2017 của HĐND Thành phố quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

- Chi thanh toán công tác phí: Thực hiện theo Thông tư số 40/2017/TT- BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị, Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND ngày 05/12/2017 của HĐND Thành phố quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

- Chi phí khác: Nộp thuế, phí, lệ phí.

- Dự phòng: Tối đa bằng 10% của dự toán.

 

PHỤ LỤC 03

QUY ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ KINH PHÍ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG BỔ SUNG CÓ MỤC TIÊU CHO NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI TỪ NGUỒN THU XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN TOÀN GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2019-2020 VÀ QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG, MỨC CHI ĐẶC THÙ PHỤC VỤ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
(Kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 05/7/2018 của HĐND thành phố Hà Nội)

1. Phạm vi điều chỉnh:

- Quy định này quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Ngân sách thành phố Hà Nội từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông giai đoạn 2019-2020.

- Quy định này quy định một số nội dung chi, mức chi đặc thù phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Các nội dung, mức chi khác phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội không quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02/01/2018 và các quy định khác có liên quan.

2. Đối tượng áp dụng:

- Ban An toàn giao thông Thành phố.

- Ban An toàn giao thông quận, huyện, thị xã.

- Các lực lượng trực tiếp tham gia đảm bảo TTATGT.

- Công an Thành phố.

- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm TTATGT.

3. Nguồn kinh phí:

Kinh phí thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội được đảm bảo từ các nguồn:

- Ngân sách các cấp của Thành phố bố trí hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành trong dự toán chi thường xuyên của các đơn vị.

- Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố Hà Nội để thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Các khoản hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động đảm bảo TTATGT.

- Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

4. Quy định mức phân bổ và một số nội dung, mức chi đặc thù:

4.1. Quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố Hà Nội từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông giai đoạn 2019-2020, cụ thể:

- 70% cho Công an thành phố,

- 30% cho các lực lượng khác của Thành phố tham gia công tác bảo đảm TTATGT

4.2. Quy định một số nội dung chi, mức chi đặc thù phục vụ công tác đảm bảo TTATGT của thành phố Hà Nội:

a) Các nội dung chi thuộc cấp Thành phố:

- Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT: 2.000.000 đồng/người. Mức độ bị thương tai nạn do Thủ trưởng đơn vị được giao dự toán xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

- Chi hỗ trợ ban đầu cho gia đình cán bộ hy sinh đang làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT: 5.000.000 đồng/người.

- Chi hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng công an và các lực lượng khác: 100.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên).

- Chi bồi dưỡng cán bộ Thanh tra giao thông trực tiếp tham gia bảo đảm TTATGT: 1.000.000 đồng/người/tháng. Số lượng, đối tượng tham gia trực tiếp do Thủ trưởng đơn vị được giao dự toán phân công, tự chịu trách nhiệm.

- Chi bồi dưỡng cho thành viên của Ban An toàn giao thông Thành phố: 700.000 đồng/người/tháng.

- Chi bồi dưỡng cho tổ giúp việc của Ban An toàn giao thông Thành phố: 500.000 đồng/người/tháng.

- Chi bồi dưỡng cho cán bộ, lực lượng khác thuộc các tổ chức, đơn vị của Thành phố tham gia trực tiếp, phối hợp giữ gìn TTATGT: 50.000 đồng/người/ca.

b) Các nội dung chi thuộc cấp quận, huyện, thị xã:

- Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT: 2.000.000 đồng/người.Mức độ bị thương tai nạn do Thủ trưởng đơn vị được giao dự toán xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

- Chi hỗ trợ ban đầu cho gia đình cán bộ hy sinh đang làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT: 5.000.000 đồng/người.

- Chi bồi dưỡng cho thành viên của Ban An toàn giao thông Quận, huyện, thị xã: 600.000 đồng/người/tháng.

- Chi bồi dưỡng cho cán bộ, lực lượng khác thuộc các tổ chức, đơn vị tham gia trực tiếp, phối hợp giữ gìn TTATGT: 50.000 đồng/người/ca.

4.3. Trong trường hợp mức phân bổ ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố Hà Nội từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, nội dung chi khác và các mức chi đặc thù cần phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn; để kịp thời tổ chức thực hiện, UBND Thành phố trình Thường trực HĐND Thành phố xem xét, thống nhất trước khi thực hiện và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất theo quy định.

 

PHỤ LỤC 04

QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP THÀNH LẬP MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 05/7/201 8 của HĐND thành phố Hà Nội)

1. Phạm vi điều chỉnh:

Nghị quyết này quy định về mức kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

2. Đối tượng áp dụng:

- Các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp mới, đáp ứng tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017.

- Các hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập doanh nghiệp mới.

3. Quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố Hà Nội

- Hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới: 300.000 đồng/1 doanh nghiệp.

- Hỗ trợ kinh phí làm 01 (một) dấu pháp nhân cho doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp thành lập mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh: theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/1 doanh nghiệp.

- Hỗ trợ kinh phí chuyển phát nhanh cho doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp thành lập chuyển đổi từ hộ kinh doanh có nhu cầu nhận kết quả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại nhà hoặc trụ sở làm việc: theo giá cước thực tế của Chi nhánh Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Bưu điện thành phố Hà Nội (đơn vị được chỉ định thực hiện dịch vụ công ích theo quyết định 41/2011/QĐ-TTg ngày 04/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

4. Nguồn kinh phí: Ngân sách Thành phố.