Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------

Số: 05/2005/NQ-HĐ

Vĩnh Yên, ngày 22 tháng 7 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN, LAO ĐỘNG Ở VÙNG DÀNH ĐẤT PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, DỊCH VỤ VÀ ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2005-2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26-11-2003;
Căn cứ Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn”;
Căn cứ Quyết định 1000/2005/QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động thương binh và Xã hội ngày 07-6-2005 về phê duyệt đề án xã hội hoá dạy nghề đến năm 2010;
Căn cứ Thông tư liên bộ số 65/2004/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 02-7-2004 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện kinh phí hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn;
Trên cơ sở tờ trình số: 1796/TTr-UBND ngày 17-6-2005 của UBND tỉnh về dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động ở vùng dành đất phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2005-2010, báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh và thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

I. Nhất trí thông qua Đề án số: 1795/UBND-ĐA ngày 17-6-2005 của UBND tỉnh về dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động ở vùng dành đất phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2005-2010, với những nội dung như sau:

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

Dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động ở vùng dành đất phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị trên địa bàn tỉnh, nhằm trang bị cho người lao động một nghề hoặc kiến thức khoa học kỹ thuật để giúp người lao động tạo việc làm và chuyển đổi nghề từ lao động nông nghiệp sang các nghề công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp, làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, nâng cao đời sống, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Từ năm 2005 - 2010 dạy nghề cho trên 14 vạn người;

- Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 26,4% năm 2004 lên 45% năm 2010, trong đó đào tạo nghề chiếm 34,5%;

- Tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng - dịch vụ từ 29,5% năm 2004 lên 45% năm 2010; chuyển lao động làm việc trong lĩnh vực nông - lâm - thuỷ sản từ 70,5% năm 2004 xuống còn 55% năm 2010.

- Nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn từ 83,9% năm 2004 lên 90% năm 2010.

2. Đối tượng ngành nghề đào tạo:

a) Đối tượng:

Là lao động thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có nhu cầu học nghề.

Ưu tiên lao động ở vùng dành đất phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị; lao động thuộc diện chính sách, dân tộc thiểu số, lao động đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; lao động nữ và lao động chưa có việc làm.

Không áp dụng đối với những đối tượng được xét tuyển đào tạo nghề trong kế hoạch của các trường công lập, những người đã được hỗ trợ đào tạo nghề trong chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh.

b) Ngành nghề đào tạo:

- Các nghề phục vụ nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; chế biến, bảo quản nông - lâm - thuỷ sản, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp...

- Các nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp: Thêu ren, mây, tre đan, chạm khắc đá, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, mộc xây dựng, gốm, rèn...

- Các nghề mà doanh nghiệp trên địa bàn đang có nhu cầu tuyển dụng như: Điện, cơ khí, máy động lực, sửa chữa ô tô, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt, may công nghiệp... 

3. Giải pháp:

a) Công tác lãnh đạo và tuyên truyền:

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền chủ trương chính sách về dạy nghề của Trung ương và địa phương để các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ sở dạy nghề và người lao động ở nông thôn, ở vùng dành đất phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị trên địa bàn tỉnh có nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện có hiệu quả chủ trương dạy nghề của tỉnh.

b) Tăng cường năng lực, mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo, đẩy mạnh xã hội hoá công tác đào tạo nghề:

Đẩy mạnh liên kết đào tạo với các cơ sở dạy nghề Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, củng cố và phát triển các cơ sở đào tạo; khuyến khích phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập; đẩy mạnh xã hội hoá công tác đào tạo nghề; khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo và sử dụng lao động; mở rộng ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên; mở các lớp dạy nghề lưu động tại các địa phương;

c) Hỗ trợ học phí cho người học nghề:

- Điều kiện được hỗ trợ: Người học nghề theo chương trình đào tạo nghề từ 01 tháng trở lên tại cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo có chức năng dạy nghề thực hiện theo chương trình, giáo trình được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt trong kế hoạch đào tạo nghề hàng năm của tỉnh.

- Thời gian hỗ trợ:

Người học nghề dài hạn được hỗ trợ trong thời gian không quá 10 tháng/khoá học, học nghề dài hạn hệ bổ túc văn hoá + nghề được hỗ trợ trong thời gian không quá 15 tháng/khoá học, học nghề ngắn hạn được hỗ trợ không quá 70% thời gian khoá học (tính theo tháng).

- Mức hỗ trợ:

Học viên là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh; học viên là con của liệt sĩ, con của thương binh, con của bệnh binh được hưởng chính sách như thương binh; học viên mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa. Mức hỗ trợ đối với dạy nghề dài hạn là: 150.000 đồng/học viên/tháng, đối với dạy nghề dài hạn (hệ bổ túc văn hoá + nghề) là: 100.000 đồng/học viên/tháng, đối với dạy nghề ngắn hạn là: 150.000 đồng/học viên/tháng.

Học viên thuộc các dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ; học viên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, học viên thuộc hộ nghèo. Mức hỗ trợ đối với dạy nghề dài hạn là: 100.000 đồng/học viên/tháng, đối với dạy nghề dài hạn (hệ bổ túc văn hoá + nghề) là: 80.000 đồng/học viên/tháng, đối với dạy nghề ngắn hạn là: 100.000 đồng/học viên/tháng.

Các đối tượng còn lại mức hỗ trợ đối với dạy nghề dài hạn là: 60.000 đồng/học viên/tháng, đối với dạy nghề dài hạn (hệ bổ túc văn hoá + nghề) là: 50.000 đồng/học viên/tháng, đối với dạy nghề ngắn hạn là: 60.000 đồng/học viên/tháng.

Riêng mức hỗ trợ đối với học viên thuộc các hộ gia đình dành đất phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, giao cho UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh quy định cụ thể đối tượng và mức hỗ trợ cho phù hợp, đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống người dân.

d) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên:

Hỗ trợ 200.000 đồng/giáo viên/tháng trong thời gian không quá 03 tháng cho giáo viên các cơ sở dạy nghề công lập thuộc tỉnh được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề, tin học, ngoại ngữ theo kế hoạch của UBND tỉnh.

e) Hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở dạy nghề:

Hàng năm, ngân sách tỉnh phân bổ kinh phí để hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề công lập thuộc tỉnh quản lý để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung máy móc, thiết bị dạy nghề.

Ngân sách tỉnh hỗ trợ học phí học nghề, đào tạo bồi dưỡng giáo viên được phân bổ và cấp thông qua các cơ sở đào tạo nghề, không cấp trực tiếp cho người học.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với HĐND tỉnh.

Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khoá XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21-7-2005./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trịnh Đình Dũng