Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2018/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 29 tháng 3 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHOÁ IX, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020;

Xét Tờ trình số 537/TTr-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 - 2020.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết theo đúng quy định.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Khóa IX, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29 tháng 3 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 09 tháng 4 năm 2018./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Tâm

 

QUY ĐỊNH

NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND Ngày 29/3/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 – 2020.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là sở, ngành tỉnh và cấp huyện).

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 - 2020.

Điều 3. Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020

1. Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 - 2020 phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương.

3. Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 - 2020.

4. Ưu tiên bố trí vốn cho các vùng dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và ấp đặc biệt khó khăn.

5. Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 - 2020.

Điều 4. Tiêu chí về phân bổ vốn

Tiêu chí về phân bổ vốn gồm 05 nhóm tiêu chí được xác định vào thời điểm cuối năm 2015, như sau:

1. Tiêu chí dân số.

2. Tiêu chí dân tộc thiểu số.

3. Tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo và quy mô hộ nghèo.

4. Tiêu chí diện tích đất tự nhiên.

5. Tiêu chí về đơn vị hành chính của các huyện, xã.

Điều 5. Quy định tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 - 2020

Hằng năm, ngân sách địa phương (tỉnh + huyện) đối ứng tối thiểu bằng 15% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình; đối với huyện được phân bổ kinh phí: ngân sách tỉnh 10%, ngân sách huyện 5% và thực hiện theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức tại Quy định này.

Chương II

XÁC ĐỊNH HỆ SỐ CỦA TỪNG TIÊU CHÍ THEO TỪNG DỰ ÁN

Điều 6. Chương trình 135 (Dự án 01)

1. Phạm vi hỗ trợ

16 xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối tượng áp dụng

a) 16 xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135;

b) Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo;

c) Người lao động thuộc hộ có mức sống trung bình (hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh);

d) Nhóm hộ, cộng đồng dân cư;

e) Tổ chức và cá nhân có liên quan;

f) Tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về thuộc hộ nghèo được tham gia dự án;

g) Cộng đồng, cán bộ cơ sở các xã biên giới.

3. Các tiêu chí cụ thể và điểm chuẩn

a) Tiêu chí dân số: 20 điểm;

b) Tiêu chí dân tộc thiểu số: 20 điểm;

c) Tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo: 20 điểm;

d) Tiêu chí diện tích đất tự nhiên (km2): 20 điểm;

e) Tiêu chí số ấp của xã: 20 điểm;

4. Cách tính điểm và hệ số k

a) Công thức tính điểm tiêu chí dân số

([Dân số của xã – dân số bình quân 1 xã] x 2/1.000) + 20;

b) Công thức tính điểm tiêu chí dân tộc thiểu số

([Số người Dân tộc thiểu số của xã – số người Dân tộc thiểu số bình quân 1 xã] x 7/100) + 20;

c) Công thức tính điểm tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo

([Tỷ lệ hộ nghèo của xã - tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1 xã] x 5/1) + 20;

d) Công thức tính điểm tiêu chí diện tích đất tự nhiên (km2)

([Diện tích của xã - diện tích bình quân 1 xã] x 2/10) + 20;

d) Công thức tính điểm tiêu chí số ấp

([Số ấp của xã - số ấp bình quân 1 xã] x 3/1) + 20;

đ) Công thức tính hệ số k

([Tổng điểm của xã - số điểm bình quân 1 xã] x 0,1/10) + 1.

5. Phương pháp tính mức vốn được phân bổ cho xã

Mức vốn phân bổ cho từng xã = (M : N) x hệ số k của xã đó.

Trong đó:

M: Tổng vốn đầu tư phát triển + Tổng kinh phí sự nghiệp được ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đầu tư cho Chương trình 135/năm.

N: Là tổng hệ số K của 16 xã thuộc Chương trình 135.

Điều 7. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135 (kinh phí sự nghiệp), (Dự án 2)

1. Phạm vi hỗ trợ

64 xã ngoài Chương trình 135.

2. Đối tượng áp dụng

a) Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo;

b) Nhóm hộ, cộng đồng dân cư;

c) Tổ chức và cá nhân có liên quan;

d) Tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về... thuộc hộ nghèo được tham gia dự án.

3. Các tiêu chí cụ thể và điểm chuẩn

a) Tiêu chí quy mô hộ nghèo: 50 điểm;

b) Tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo: 50 điểm.

4. Cách tính điểm và hệ số k

a) Công thức tính điểm quy mô hộ nghèo

([Số hộ nghèo của huyện, thành phố – Số hộ nghèo bình quân 1 huyện, thành phố] x 3/50) + 50;

b) Công thức tính điểm tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo

([% tỷ lệ hộ nghèo của huyện, thành phố – % tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1 huyện, thành phố] x 22/1) + 50;

c) Công thức tính hệ số k

([Tổng điểm của huyện, thành phố - số điểm bình quân 1 huyện, thành phố] x 0,1/10) + 1.

5. Phương pháp tính mức vốn được phân bổ cho huyện, thành phố

Mức vốn phân bổ cho từng huyện = (M : N) x hệ số k của huyện, thành phố đó.

Trong đó:

M: Tổng vốn phân bổ của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương trong năm.

N: Là tổng hệ số K của 09 huyện, thành phố.

Điều 8. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin (kinh phí sự nghiệp), (Dự án 3)

1. Phạm vi hỗ trợ

Các đơn vị, địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 - 2020, ưu tiên vùng khó khăn, biên giới.

2. Đối tượng áp dụng

a) Người dân, cộng đồng dân cư;

b) Các tổ chức và cá nhân có liên quan.

3. Định mức phân bổ

a) Giao Sở Thông tin và Truyền thông 50% tổng kinh phí được ngân sách Trung ương và tỉnh phân bổ thực hiện Dự án 3 trong năm để tổ chức các hoạt động giảm nghèo về thông tin;

b) Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 50% tổng kinh phí được ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện Dự án 3 trong năm để tổ chức các hoạt động truyền thông về giảm nghèo.

Điều 9. Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình từ kinh phí sự nghiệp (Dự án 4)

1. Phạm vi hỗ trợ

Các đơn vị, địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 - 2020, ưu tiên vùng khó khăn, biên giới.

2. Đối tượng áp dụng

a) Đối với hoạt động nâng cao năng lực: Cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp (cán bộ ấp, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín), ưu tiên nâng cao năng lực cho cán bộ nữ;

b) Đối với công tác giám sát đánh giá: Cơ quan chủ trì Chương trình các cấp, các cơ quan chủ trì các dự án thành phần/nội dung trong các dự án thành phần các cấp và các cán bộ được phân công phụ trách và tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá.

c) Các tổ chức và cá nhân có liên quan.

3. Định mức phân bổ vốn

a) Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 50% tổng kinh phí phân bổ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh;

b) 50% kinh phí còn lại phân bổ cho các huyện, thành phố được thực hiện theo tiêu chí phân bổ, cách tính điểm và hệ số k và phương pháp tính mức vốn phân bổ cho từng huyện, thành phố theo quy định tại Khoản 3, 4, 5 Điều 7 Quy định này./.