Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2009/NQ-HĐND

Quy Nhơn, ngày 15 tháng 7 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ AN NHƠN THEO HƯỚNG ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ LOẠI IV

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;

Sau khi xem xét Tờ trình số 54 /TTr-UBND ngày 30/6/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy hoạch chung đô thị An Nhơn theo hướng đạt chuẩn đô thị loại IV; Báo cáo thẩm tra số 16/BCTT-KT&NS ngày 11/7/2009 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Quy hoạch chung đô thị An Nhơn theo hướng đạt chuẩn đô thị loại IV, (có nội dung quy hoạch kèm theo).

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Nghị quyết có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khoá X, kỳ họp thứ 15 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà

 

NỘI DUNG

QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ AN NHƠN THEO HƯỚNG ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ LOẠI IV
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/2009/NQ-HĐND ngày 15/7/2009 đã được HĐND tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 15 thông qua)

1. Phạm vi quy hoạch:

Lấy toàn bộ huyện An Nhơn để tiến hành lập quy hoạch. Giai đoạn ngắn hạn (đến năm 2020) tiến hành quy hoạch xây dựng khu vực nội thị bao gồm thị trấn Bình Định, thị trấn Đập Đá, xã Nhơn Hưng, xã Nhơn Thành. Giai đoạn dài hạn (đến năm 2030) quy hoạch mở rộng nội thị sang xã Nhơn Hòa.

2. Quan điểm quy hoạch:

- Quy hoạch chung đô thị An Nhơn phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Quy hoạch phải gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.

- Lấy thị trấn Bình Định và thị trấn Đập Đá làm hạt nhân phát triển mở rộng không gian đô thị bao gồm toàn bộ huyện An Nhơn hiện nay. Đô thị An Nhơn phải đảm bảo đủ diện tích và các điều kiện khác để trở thành đô thị loại IV với đầy đủ các khu chức năng, có đầy đủ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

- Quy hoạch chung xây dựng đô thị phải dựa trên cơ sở vừa cải tạo chỉnh trang vừa xây dựng mới hướng đến đô thị xanh sạch đẹp và phát triển bền vững.

3. Mục tiêu quy hoạch:

- Quy hoạch chung xây dựng làm cơ sở để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phù hợp với định hướng phát triển chung của toàn tỉnh theo định hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, bảo đảm để đô thị phát huy đầy đủ vài trò của mình trong vùng phía Nam của tỉnh Bình Định.

- Giai đoạn đầu đến năm 2020 tập trung xây dựng nội thị và các công trình thiết yếu để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đến năm 2010 đủ điều kiện để nâng cấp đô thị đạt loại IV và thành lập thị xã An Nhơn.

4. Tính chất đô thị:

Trong tương lai đô thị An Nhơn là đô thị vệ tinh của thành phố Quy Nhơn, là một trong những trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố Quy Nhơn và ngược lại; có mối tác động qua lại mật thiết với thành phố Quy Nhơn, khu kinh tế Nhơn Hội, hành lang Đông Tây; là một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội – dịch vụ du lịch của thị xã An Nhơn trong tương lai và khu vực phía Nam tỉnh; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng, tuyến phòng thủ chiến lược quốc phòng, an ninh của tỉnh.

5. Động lực phát triển chính:

- An Nhơn là nơi đóng đô của 2 Vương triều trong lịch sử nên có nhiều truyền thống văn hóa, di tích lịch sử, làng nghề nổi tiếng nên có điều kiện để phát triển du lịch, có nhiều cơ sở kinh tế công, nông nghiệp phát triển, là một trong những đầu mối giao thương hàng hóa của tỉnh.

- An Nhơn có quy mô dân số khá lớn, cư trú tập trung. Nhân dân có truyền thống yêu nước, lao động cần cù, có nguồn nhân lực dồi dào để phục vụ CNH – HĐH tại địa phương.

6. Cơ cấu kinh tế đô thị:

Công nghiệp, Thương mại – dịch vụ, Du lịch, Nông nghiệp.

7. Quy mô đô thị:

- Diện tích tự nhiên toàn huyện An Nhơn: 24.264 ha (năm 2009); diện tích tự nhiên của thị xã An Nhơn theo quy hoạch: 24.264 ha.

- Quy mô dân số toàn đô thị: Hiện trạng huyện An Nhơn năm 2008: 193.311 người; dự báo dân số giai đoạn ngắn hạn (đến 2020): 230.000 người; dự báo dân số giai đoạn dài hạn (đến 2030): 270.000 người.

- Quy mô dân số và đất đai xây dựng khu vực nội thị: Dân số hiện trạng khu vực dự kiến nội thị năm 2008: 70.000 người; dân số nội thị giai đoạn ngắn hạn (đến 2020): 110.000 người; Diện tích đất xây dựng: 1.650 ha; dân số nội thị giai đoạn dài hạn (đến 2030): 150.000 người; diện tích đất xây dựng: 2.250 ha.

8. Định hướng phát triển đô thị:

a. Cấu trúc đô thị:

- Mô hình cấu trúc thị xã An Nhơn: Dân cư được phân bố theo mô hình chùm các đô thị, bao gồm: Khu đô thị trung tâm (nội thị); khu đô thị Cảnh Hàng (xã Nhơn Phong); khu đô thị Nam Tượng (xã Nhơn Tân); khu đô thị An Thái (xã Nhơn Phúc); khu đô thị Nhơn Mỹ.

- Xác định khu vực nội thị: Diện tích khoảng 1.500 ha, bao gồm thị trấn Bình Định, thị trấn Đập Đá, khu vực Gò Găng xã Nhơn Thành, xã Nhơn Hưng và một phần xã Nhơn Hòa (khu vực giáp cầu Bà Gi).

- Khu vực phía Nam Quốc lộ 19 bố trí chủ yếu các khu công nghiệp, kho tàng trung chuyển cho tuyến hành lang Đông Tây khối Asean và các công trình quốc phòng.

b. Định hướng phát triển không gian khu vực nội thị:

* Hướng phát triển nội thị: Trong giai đoạn ngắn hạn phát triển mở rộng nội thị một phần về các xã Nhơn Thành (phía Bắc), xã Nhơn Hưng (nằm giữa thị trấn Bình Định và Đập Đá); trong giai đoạn dài hạn tiếp tục phát triển về phía Nam xã Nhơn Hòa và Trung tâm các xã vùng ven còn lại của đô thị.

* Phân khu chức năng:

Khu đô thị Đập Đá – Gò Găng: Phát triển tiểu thủ công nghiệp – làng nghề; khu du lịch, văn hóa, lịch sử; khu trung tâm – thương mại, giao dịch; trong xây dựng cần lưu ý không xâm phạm di tích Thành Hoàng Đế.

Khu đô thị Bình Định – Nhơn Hưng và một phần Nhơn Hòa: Trung tâm tài chính, dịch vụ - du lịch; trung tâm hành chính, chính trị của thị xã An Nhơn tương lai; trung tâm thể dục thể thao, văn hóa, xã hội An Nhơn.

* Bố cục kiến trúc cảnh quan đô thị:

- Các khu đô thị cũ: Cần có kế hoạch cải tạo chỉnh trang đồng bộ về kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật đô thị.

- Các khu đô thị mới: Xây dựng đúng quy hoạch được duyệt, tuân thủ các quy định về khoảng lùi, tầng cao, cốt xây dựng..., đảm bảo không vi phạm các quy định bảo vệ các khu di tích, các công trình quốc phòng, sân bay...

* Công viên cây xanh, mặt nước:

Đô thị An Nhơn ngoài tuyến công viên mặt nước lớn là sông Côn, sông Tân An, sông Gò Chàm, sông Đập Đá, sông Quai Vạt, sông Cầu Dài, hồ Núi Một còn phải hình thành nhiều công viên cây xanh tại các khu đô thị mới Nhơn Hưng, Nhơn Thành, bổ sung các công viên cây xanh trong các khu đô thị cũ chỉnh trang (Bình Định - Đập Đá).

9. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường:

a. Chuẩn bị kỹ thuật: San nền tôn trọng địa hình tự nhiên, giữ gìn bảo vệ lớp đất màu và cảnh quan hiện có, đảm bảo giao thông vượt lũ và thoát nước tốt.

b. Phương án thoát nước mưa: Hệ thống thoát nước mưa thiết kế theo nguyên tắc tự chảy.

c. Giao thông: Mặt cắt ngang các loại đường giao thông đối ngoại, gồm:

- Đường cao tốc Bắc Nam đoạn đi qua đô thị An Nhơn dự kiến lộ giới đường 100 mét.

- Quốc lộ 1A có tổng chiều dài qua đô thị 12,5 Km, mặt cắt ngang đường 52m (giữ nguyên theo quy hoạch chung chuỗi đô thị An Nhơn năm 2000).

- Đường tỉnh ĐT636: Chia làm hai đoạn, đoạn 1 điểm đầu từ Quốc lộ 1A đi về thị trấn Phú Phong có mặt cắt ngang đường 30m; đoạn 2 đi xã Cát Tiến có mặt cắt ngang đường 45m.

d. Cấp nước: Đến năm 2020 có thể khai thác nguồn nước ngầm để cấp cho khu vực nội thị từ 3 trạm đầu mối Bình Định, Đập Đá, Nhơn Thành. Sau năm 2020 cần sử dụng nguồn nước mặt từ kênh Văn Phong và hồ núi Một để bổ sung nước cấp cho toàn đô thị.

e. Cấp điện: Nguồn điện từ lưới điện Quốc gia. Tổng nhu cầu phụ tải: Năm 2020: 450.000 kwh; đến năm 2030: 530.000 kwh.

f. Thoát nước thải và vệ sinh môi trường. Đối với các thị trấn hiện hữu (các khu phố cũ) hiện tại đã có hệ thống thoát nước chung sẽ xây dựng hệ thống cống bao thu nước bẩn về hệ thống xử lý nước thải, sử dụng hệ thống cống thoát nước chung thành hệ thống cống thoát nước nửa đi riêng. Đối với khu đô thị mới và mở rộng sẽ xây dựng hệ thống thu gom nước bẩn và nước mưa đi riêng. Toàn bộ nước bẩn đô thị sẽ được tập trung về các Trạm xử lý nước thải.

g. Vệ sinh môi trường: Hiện nay đang có dự án xây dựng bãi chôn lấp và xử lý CTR tại phía Nam xã Nhơn Thọ, quy mô lâu dài 50 ha. Công nghệ xử lý phù hợp, đảm bảo không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

h. Nghĩa trang: Giai đoạn ngắn hạn tập trung chôn cất vào các nghĩa trang đã được quy hoạch của đô thị. Giai đoạn dài hạn kết hợp thêm phương pháp hỏa táng (kết hợp khu hỏa táng tại thành phố Quy Nhơn).

II. QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐỢT ĐẦU.

Nhu cầu đất xây dựng dân dụng đến năm 2020: 1.500 ha.

1. Khu dân cư, khu công nghiệp, kho tàng:

- Tập trung phát triển quỹ đất ở các khu dân cư đô thị tại Bình Định, Đập Đá, Gò Găng. Xây dựng mới một số công trình công cộng phục vụ đô thị.

- Xây dựng khu công nghiệp Nhơn Hòa, phát triển các cụm công nghiệp địa phương.

- Nâng cấp các cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, ưu tiên cho giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn.

2. Các chương trình và dự án ưu tiên đợt đầu:

a. Xây dựng và lấp đầy 90% khu công nghiệp Nhơn Hòa, các cụm công nghiệp Nhơn Mỹ và Nhơn Phong.

b. Các dự án đầu tư hạ tầng xã hội:

- Nhà ở: Giai đoạn đến năm 2015: tiến hành chỉnh trang các khu vực đông dân cư, tạo thuận lợi cho đầu tư HTKT đô thị đồng bộ. Giai đoạn đến năm 2020 tiếp tục chỉnh trang, xây dựng mới các khu vực phía Đông đô thị. Đặc biệt chú trọng đến các khu nhà ở biệt thự, nhà vườn tại các khu vực khai thác cảnh quan đô thị và dọc sông Kôn, Gò Chàm, Tân An.

- Dịch vụ – thương mại: Nhanh chóng triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ Gò Găng, Đập Đá, Bình Định và các chợ ngoại thành, siêu thị, trung tâm thương mại tại các khu đô thị Bình Định, Đập Đá, Gò Găng, đáp ứng kịp thời nhu cầu và sự phát triển đô thị trọng điểm phía Nam của tỉnh.

- Cây xanh – TDTT: Cải tạo nâng cấp mở rộng sân vận động hiện có của thị trấn Bình Định giai đoạn 2015, đầu tư xây mới các sân thể thao cấp phường kết hợp với khu công viên cây xanh khu ở. Xây dựng hệ thống công viên cây xanh dọc theo các bờ sông Tân An, Gò Chàm..., Triển khai dự án xây dựng các khu công viên sinh thái trong các đô thị hiện hữu.

- Cơ sở y tế: Nâng cấp bệnh viện Bình Định lên bệnh viện đa khoa cấp vùng có quy mô 350 giường bệnh và trung tâm y tế dự phòng.

- Giáo dục - đào tạo: Cải tạo các trường hiện có theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Bổ sung thêm một số trường theo yêu cầu thực tế. Nâng cấp Trường trung học kinh tế - kỹ thuật Bình Định, từng bước nâng cấp lên thành trường cao đẳng, đại học.

- Cơ quan – công sở : Triển khai xây dựng các công trình hành chính đô thị trong các dự án đã được duyệt, đặc biệt các khu hành chính dịch vụ cấp phường.

c. Các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật:

- Cải tạo Bến xe Bình Định hiện nay thành bến xe nội thị, quy hoạch bến xe đối ngoại tại khu vực Nhơn Hưng trên tuyến giao thông quốc lộ 1A hiện nay.

- Nâng cấp hệ thống cầu bắt qua sông Kôn để phục vụ cho nhu cầu phát triển giao thông đô thị trong tương lai.

- Xây dựng hệ thống thoát nước mưa cho thị trấn Bình Định, Đập Đá và các khu dân cư mới.

- Đưa vào sử dụng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Bình Định, Đập Đá và Gò Găng đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu là đô thị loại IV năm 2010.

- Cải tạo và nâng cấp, chuyển đổi toàn bộ hệ thống điện trung thế 10kV(15kV) sang 22 hoặc 35 KV; xây dựng mới hệ thống đường dây 0,4kV đã xuống cấp và chưa đồng bộ với việc phát triển chung của ngành điện; xây dựng trạm biến áp 22/0,4kV bổ sung cho các khu vực quá tải; đầu tư xây dựng 1 số tuyến cấp điện đi ngầm trên trục đường chính trong nội thị để tạo mỹ quan trong đô thị.

- Hoàn thành bãi xử lý chất thải rắn xã Nhơn Thọ giai đoạn đầu.

- Đến năm 2020 bổ sung giải pháp hỏa thiêu (phối hợp với thành phố Quy Nhơn) để giải quyết vấn đề mai táng cho đô thị./.