HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2009/NQ-HĐND | Quy Nhơn, ngày 15 tháng 7 năm 2009 |
VỀ VIỆC QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ BỒNG SƠN, HUYỆN HOÀI NHƠN THEO HƯỚNG ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ LOẠI IV
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;
Sau khi xem xét Tờ trình số 55/TTr-UBND ngày 30/6/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy hoạch chung đô thị Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn theo hướng đạt chuẩn đô thị loại IV; Báo cáo thẩm tra số 16/BCTT-KT&NS ngày 11/7/2009 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Quy hoạch chung đô thị Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn theo hướng đạt chuẩn đô thị loại IV, (có nội dung quy hoạch kèm theo).
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân tỉnh, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 4. Nghị quyết có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá X, kỳ họp thứ 15 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ BỒNG SƠN THEO HƯỚNG ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ LOẠI IV
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2009/NQ-HĐND ngày 15/7/2009 đã được HĐND tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 15 thông qua)
- Phạm vi quy hoạch bao gồm thị trấn Bồng Sơn và 06 xã Hoài Đức, Hoài Tân, Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Hải và Hoài Mỹ. Tổng diện tích tự nhiên 18.049 ha.
- Thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị chủ yếu tập trung khu vực nội thị bao gồm: Thị trấn Bồng Sơn và các thôn Lại Khánh, Bình Chương, Văn Cang (xã Hoài Đức) Đệ Đức1, Đệ Đức 2, Đệ Đức 3 (xã Hoài Tân) có diện tích tự nhiên 1.050 ha.
- Quy hoạch đô thị Bồng Sơn phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Bình Định đến năm 2020. Quy hoạch xây dựng phải gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.
- Lấy thị trấn Bồng Sơn làm hạt nhân phát triển mở rộng không gian đô thị (nội thị và ngoại thị) bao gồm 6 xã: Hoài Tân, Hoài Đức, Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Hải và Hoài Mỹ. Đô thị Bồng Sơn phải bảo đảm đủ diện tích và các điều kiện khác để trở thành đô thị loại IV với đầy đủ các khu chức năng, có đầy đủ các hệ thống hạ tầng kỹ thật và hạ tầng xã hội.
- Quy hoạch chung xây dựng đô thị trên cơ sở vừa cải tạo - chỉnh trang – nâng cấp các khu vực hiện trạng, vừa xây dựng mới hướng đến đô thị hiện đại và phát triển bền vững.
- Quy hoạch chung xây dựng làm cơ sở để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn phù hợp với định hướng phát triển của toàn tỉnh theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm để đô thị Bồng Sơn phát huy đầy đủ vai trò là trung tâm phía Bắc của tỉnh Bình Định.
- Giai đoạn đầu đến năm 2020 tập trung xây dựng nội thị và các công trình thiết yếu để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đến năm 2010 đủ điều kiện để nâng cấp đô thị loại IV và thành lập thị xã Bồng Sơn.
- Là đô thị trung tâm vùng phía Bắc tỉnh Bình Định có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện phía Bắc tỉnh.
- Là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp vùng phía Bắc tỉnh Bình Định.
- Là đô thị hạt nhân phía Bắc tỉnh Bình Định trong hệ thống đô thị toàn tỉnh, phát triển theo hướng đô thị bền vững.
5. Động lực phát triển đô thị:
- Khu vực thị trấn Bồng Sơn và các xã phía Nam huyện Hoài Nhơn được hình thành và phát triển qua các thời kỳ lịch sử; là khu vực có quy mô dân số tập trung lớn, nhân dân có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo và có tinh thần cách mạng kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm; là vùng có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời; là vùng trung tâm phát triển của khu vực Bắc tỉnh Bình Định qua nhiều thời kỳ và có tốc độ đô thị hóa cao.
- Bồng sơn và khu vực phía Nam huyện Hoài Nhơn có sự hội tụ đầy đủ các lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội cũng như các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật (hạ tầng xã hội: giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao...; hạ tầng kỹ thuật: giao thông, điện nước, quỹ đất xây dựng lớn) có quy mô phục vụ cấp vùng.
- Các dự án đầu tư xây dựng đang được tiến hành triển khai với mục tiêu nâng cấp, từng bước hoàn thiện các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
- Bồng sơn và khu vực phía Nam huyện Hoài Nhơn là đầu mối giao thương khu vực phía Bắc tỉnh Bình Định bao gồm QL1A, đường sắt Bắc – Nam nối với tỉnh Quảng Ngãi; đường tỉnh ĐT629 nối liền thị trấn Bồng Sơn với các huyện phía Tây – Bắc; đường tỉnh ĐT630 đi các huyện phía Tây- Nam; đường tỉnh ĐT639 nối từ Quy Nhơn đến Tam Quan.
- Có tiềm năng phát triển kinh tế biển, du lịch.
6. Cơ cấu kinh tế đô thị: Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp.
- Quy mô dân số toàn đô thị: Hiện trạng năm 2008 (thị trấn Bồng Sơn và 6 xã): 104.789 người; dự báo giai đoạn ngắn hạn đến năm 2015: 110.000 người; dự báo giai đoạn dài hạn đến năm 2030: 125.000 người.
- Quy mô dân số khu vực nội thị: Hiện trạng năm 2008: 40.358 người; dự báo giai đoạn dài hạn đến năm 2030: 70.000 người.
- Quy mô đất đai xây dựng đô thị: Nhu cầu đất cần thiết xây dựng khu vực nội thị đến năm 2015 là 1.050 ha và đến năm 2030 là 1.560 ha.
8. Định hướng phát triển không gian đô thị:
a. Dự kiến địa giới hành chính thị xã Bồng Sơn:
Dự kiến địa giới hành chính thị xã Bồng Sơn bao gồm thị trấn Bồng Sơn hiện nay và 6 xã bao gồm: Hoài Đức, Hoài Tân, Hoài Xuân, Hoài Hải, Hoài Mỹ và Hoài Hương với tổng diện tích tự nhiên: 18.049ha.
b. Khu vực nội thị:
Xác định khu vực nội thị bao gồm thị trấn Bồng Sơn, các thôn Lại Khánh, Bình Chương, Văn Cang (xã Hoài Đức), Đệ Đức 1, Đệ Đức 2, Đệ Đức 3 (xã Hoài Tân) có diện tích tự nhiên khoảng 1.050ha. Giai đoạn sau năm 2030 có thể mở rộng về một phần xã Hoài Xuân bao gồm các thôn Hòa Trung, Thuận Thượng, Song Khánh và một phần xã Hoài Tân gồm các thôn An Dưỡng, Giao Hội.
Khi lập thủ tục thành lập thị xã Bồng Sơn, đồng thời lập thủ tục thành lập mới huyện Hoài Nhơn bao gồm thị trấn Tam Quan và các xã còn lại, trong đó thị trấn Tam Quan được mở rộng về phía Đông bao gồm cả xã Tam Quan Bắc để đảm nhiệm chức năng đô thị huyện lỵ.
a. Khu vực nội thị: Dự kiến quy hoạch chỉnh trang và phát triển thành 4 khu vực đô thị:
- Khu vực đô thị trung tâm (khu vực trung tâm thị xã).
- Khu vực đô thị chỉnh trang phía Đông.
- Khu vực đô thị chỉnh trang phía Nam.
- Khu đô thị mới phía Bắc.
b. Khu vực ngoại thị: Bao gồm các khu dân cư tập trung: Xã Hoài Hương, Hoài Hải, một phần xã Hoài Mỹ gắn với phát triển kinh tế biển; phát triển gắn với ĐT639 theo hướng Bắc Nam; phát triển du lịch khu vực Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ. Khu vực xã Hoài Xuân, Hoài Mỹ là khu dân cư nông thôn trực tiếp cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho đô thị, phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi.
Khu vực ngoại thị còn bố trí các khu chức năng, bao gồm: Khu công nghiệp Bồng Sơn tại xã Hoài Đức quy mô 100 ha; cụm công nghiệp Hoài Đức tại xã Hoài Đức quy mô 60 ha; cụm công nghiệp Thiết Đính tại thị trấn Bồng Sơn quy mô 10ha và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.
c. Các khu trung tâm đô thị:
- Khu trung tâm hành chính - chính trị.
- Khu trung tâm văn hóa.
- Khu trung tâm thương mại - dịch vụ.
d. Các công viên cây xanh, khu di tích bảo tồn: Bao gồm các công trình dọc sông Lại Giang, xây dựng bến du thuyền, khu thể thao kết hợp công viên cây xanh, khu tưởng niệm...
10. Quy hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị:
- Cải tạo và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang bộ mặt đường phố khu đô thị trung tâm (thị trấn Bồng Sơn).
- Cần tập trung xây dựng theo quy hoạch với các tiêu chuẩn thiết kế phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với các khu phố mới, khu đô thị mới.
- Ngoài tuyến công viên mặt nước lớn là sông Lại Giang còn hình thành hai tuyến công viên cây xanh - mặt nước hoàn chỉnh là: Tuyến xanh dọc sông Cạn và tuyến xanh dọc kênh tưới Bồng Thanh Tân; xây dựng đập ngăn sông Lại Giang.
11. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường:
a. Giao thông:
- Tuyến giao thông đối ngoại của đô thị bao gồm: QL1A, ĐT629, ĐT630 và đường sắt Bắc – Nam.
- Trong khu vực nội thị, mạng lưới đường chủ yếu bố trí theo mạng ô bàn cờ. Mặt cắt ngang đường nội thị tuân thủ tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng đô thị và tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị hiện hành.
- Quy hoạch 5 nút giao thông giao nhau giữa đường nội thị và QL1A là các nút giao thông cùng mức, tự điều khiển và điều khiển theo tín hiệu, có ưu tiên hướng giao thông trên QL1A.
b. Chuẩn bị kỹ thuật:
San nền tuân thủ nguyên tắc tôn trọng địa hình tự nhiên, giữ gìn bảo vệ lớp đất màu và cảnh quan hiện có, vượt cốt ngập lũ, không phá hủy các dòng chảy tự nhiên.
c. Phương án thoát nước mưa:
Khu vực quy hoạch xây dựng mới chọn hệ thống thoát nước riêng: Nước mưa và nước thải sinh hoạt đi riêng. Khu vực nội thị dự kiến chia thành 5 lưu vực thoát nước mưa, hướng thoát chủ yếu về sông Cạn, kênh Bồng Thanh Tân và sông Lại Giang. Mạng lưới cống thoát nước theo hình thức tự chảy, kết cấu cống tròn, cống hộp và kênh mương xây có nắp.
d. Cấp nước:
Hiện tại thị trấn Bồng Sơn đang thực hiện dự án xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt đô thị với quy mô công suất giai đoạn 1 là 3.850 m3/ng.đ. Trong tương lai cần nâng cấp, cải tạo mở rộng mặt bằng và nâng công suất nhà máy nước.
e. Cấp điện:
- Chỉ tiêu cấp điện:
+ Giai đoạn đầu đến năm 2015: 350 Kwh/người.năm.
+ Tương lai đến năm 2030: 1000 Kwh/người.năm.
- Tổng phụ tải điện tính toán:
+ Đợt đầu đến năm 2015: 16.480KW (tương đương 15.511KVA).
+ Dài hạn đến năm 2030: 43.360KW (tương đương 40.809KVA).
- Nguồn điện: Lưới điện quốc gia.
f. Thoát nước thải và vệ sinh môi trường:
Nước thải công nghiệp được xử lý riêng theo các khu, cụm công nghiệp. Khu xử lý nước thải sinh hoạt phục vụ cho đô thị tại khu vực phía Đông xã Hoài Xuân cách xa khu dân cư và tổ chức đường ống vận chuyển về cuối dòng sông Lại Giang bằng hệ thống cống tròn, sau khi nguồn nước bẩn đã được xử lý tại trạm xử lý với quy mô 2,5 - 3,0 ha.
g. Vệ sinh môi trường:
Thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp không nguy hại (CTR). Bãi xử lý rác thải đô thị đang triển khai dự án xây dựng tại địa điểm Tiểu khu 105 thuộc thôn Lại Đức, xã Hoài Đức, với quy mô > 20,0ha. Đối với các xã phía Đông (Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Mỹ) để thuận lợi cho quá trình thu gom, bảo vệ môi trường, bố trí bãi rác tại khu vực gần khu nghĩa địa mới thuộc thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, với quy mô diện tích khoảng 10ha.
h. Nghĩa trang:
Nghĩa địa được xây dựng mới tại khu vực phía Đông của Hồ Thiết Đính, bên phải của suối Bến Tắm, quy mô khoảng 27,5ha. Khu hỏa táng cho giai đoạn sau sẽ được bố trí tại khu vực gần khu nghĩa địa Bồng Sơn, tại núi Thiết Đính.
Hiện tại các xã phía Đông (Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Mỹ) cách xa khu vực thị trấn, nên ở mỗi xã đã có dự án đầu tư xây dựng khu nghĩa trang nhân dân cho từng xã.
- Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Bồng Sơn, các cụm công nghiệp Hoài Đức, Thiết Đính.
- Triển khai xây dựng các công trình hành chính đô thị trong các dự án đã được duyệt, đặc biệt là dự án khu hành chính dịch vụ và dân cư tuyến đường Bạch Đằng.
- Tiến hành chỉnh trang các khu vực đông dân cư, tạo thuận lợi cho đầu tư HTKT đô thị đồng bộ, hình thành các khu dân cư mới, khu đô thị mới.
- Triển khai xây dựng, nâng cấp chợ Bồng Sơn, xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại.
- Nâng cấp bệnh viện Bồng Sơn lên bệnh viện Đa khoa cấp vùng có quy mô 350 giường bệnh và trung tâm y tế dự phòng.
- Bến xe Bồng Sơn hiện nay cải tạo thành bến xe nội thị, quy hoạch bến xe đối ngoại tại khu vực trên tuyến giao thông quốc lộ 1A hiện nay, diện tích đất 3,08 ha theo hướng đạt chuẩn loại II.
- Kiến nghị đưa Ga Bồng Sơn vào hoạt động vận chuyển khách và hàng hóa trong khu vực.
- Cầu Bồng Sơn trên QL1A cũ hiện nay cần nâng cấp sửa chữa để phục vụ cho nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai.
- Nâng cấp, mở rộng đúng lộ giới các tuyến đường nội thị.
- Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa cho khu vực thị trấn Bồng Sơn và vùng lân cận./.
- 1 Quyết định 3052/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị trung tâm xã Giao Thạnh huyện Thạnh Phú do tỉnh Bến Tre ban hành
- 2 Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐND thông qua đồ án quy hoạch chung tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình đến năm 2030 do tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 3 Nghị quyết 09/2009/NQ-HĐND quy hoạch chung đô thị An Nhơn theo hướng đạt chuẩn đô thị loại IV do tỉnh Bình Định ban hành
- 4 Nghị định 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị
- 5 Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 về việc ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 7 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 3052/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị trung tâm xã Giao Thạnh huyện Thạnh Phú do tỉnh Bến Tre ban hành
- 2 Nghị quyết 09/2009/NQ-HĐND quy hoạch chung đô thị An Nhơn theo hướng đạt chuẩn đô thị loại IV do tỉnh Bình Định ban hành
- 3 Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐND thông qua đồ án quy hoạch chung tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình đến năm 2030 do tỉnh Thái Nguyên ban hành