HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/NQ-HĐND | Khánh Hòa, ngày 11 tháng 5 năm 2018 |
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHÓA VI, KỲ HỌP BẤT THƯỜNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Căn cứ Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 251/2006/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2006-2020;
Căn cứ Quyết định 879/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035;
Căn cứ Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Xét Tờ trình số 4016/TTr-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 30/BC-HĐND ngày 09 tháng 5 năm 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Phát triển công nghiệp theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII; Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa V, kỳ họp thứ 11 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020; gắn với sự phát triển công nghiệp của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung, bảo đảm khai thác được lợi thế của tỉnh và gắn kết chặt chẽ các mối liên kết vùng để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp tỉnh.
Đổi mới phương thức tăng trưởng công nghiệp từ phát triển theo chiều rộng sang chú trọng tăng trưởng theo chiều sâu, từng bước cơ cấu lại các ngành công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, phát triển ổn định và bền vững.
Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ. Lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tiêu tốn ít tài nguyên, thân thiện môi trường, có khả năng tạo ra giá trị kinh tế cao, đóng góp lớn vào tổng giá trị GDP của tỉnh. Đồng thời tăng nhanh hàm lượng khoa học, công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm công nghiệp. Chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào những lĩnh vực, ngành công nghiệp mà các nhà đầu tư trong nước còn yếu và thiếu kinh nghiệm.
Phát triển công nghiệp gắn với phát triển bền vững, luôn dành quỹ đất cho phát triển giai đoạn tiếp theo và đón những dự án lớn, công nghệ hiện đại góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu công nghiệp.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch, thương mại, bảo vệ môi trường gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
a) Mục tiêu chung
Phát huy tối đa các lợi thế, huy động mọi nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá về cách thức tăng trưởng công nghiệp, trong đó trọng tâm là: đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp, đổi mới mô hình thu hút đầu tư, phát triển lực lượng lao động kỹ thuật có trình độ cao, xây dựng chính sách khuyến khích ưu tiên phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn đến năm 2020: Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP của tỉnh chiếm 42% - 44%, trong đó GRDP công nghiệp chiếm 34% - 36,5%, tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP ngành công nghiệp - xây dựng đạt 6,9% - 7,3%/năm.
- Giai đoạn 2021 - 2025: Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP tỉnh chiếm 45% - 47%, trong đó GRDP công nghiệp chiếm 37% - 39,5%, đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 40%. Tỷ lệ sản phẩm công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 45%.
a) Định hướng phát triển công nghiệp theo vùng kinh tế trọng điểm:
- Khu kinh tế Vân Phong:
+ Phát triển khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung thu hút các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như: lọc hóa dầu, công nghiệp điện, đóng tàu, cảng biển, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ;
+ Xây dựng khu vực Bắc Vân Phong là khu công nghệ cao (theo quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong);
- Khu vực Vịnh Cam Ranh: Phát triển tổng hợp kinh tế biển nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển của khu vực với công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tập trung phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, hàng hải, vận tải biển, dịch vụ cảng biển. Chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu tại chỗ, du lịch và xuất khẩu nhằm tăng thêm thu nhập cho người lao động, giải quyết việc làm và góp phần từng bước hiện địa hóa nông thôn.
- Thành phố Nha Trang - Diên Khánh: Xây dựng hạ tầng khu công nghệ cao phía Tây thành phố Nha Trang và thu hút các dự án phát triển các ngành công nghệ - kỹ thuật cao như: công nghiệp điện tử - tin học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp nông thôn, công nghiệp phục vụ du lịch thu hút lao động để giải quyết việc làm cho các lao động nông nghiệp dôi dư do quá trình đô thị hóa.
b) Định hướng phát triển theo lĩnh vực, ngành nghề:
- Tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp có lợi thế trong giai đoạn tới. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng để bảo đảm nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu. Chú trọng thu hút các dự án ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, đảm bảo các yêu cầu về môi trường, có đóng góp lớn cho ngân sách.
- Các ngành công nghiệp trọng điểm sẽ được ưu tiên phát triển trong giai đoạn đến 2020 và giai đoạn 2021 -2025 là:
+ Công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị và gia công kim loại, trong đó tập trung các ngành sản xuất công nghiệp chế tạo và sửa chữa tàu thủy; cơ khí nặng; kết cấu thép; thiết bị siêu trường, siêu trọng; chi tiết, thiết bị máy công cụ; máy móc sử dụng trong công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản;
+ Công nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử, trong đó ưu tiên sản xuất các sản phẩm điện tử công nghiệp, điện tử viễn thông, thiết bị văn phòng, máy tính, điện thoại di động và linh kiện điện tử phục vụ lắp ráp và xuất khẩu;
+ Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo, trong đó tập trung sản xuất, chế tạo thiết bị và phụ tùng và linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, tàu thủy, máy CNC, các sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao;
+ Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất và lắp ráp điện tử, chủ yếu tập trung vào sản xuất đèn led, chip điện tử, IC, bo mạch điều khiển và các chi tiết nhựa trong sản phẩm điện tử;
+ Công nghiệp điện trong đó tập trung đầu tư dự án nhiệt điện Vân Phong, nhiệt điện BOT, các dự án năng lượng mới năng lượng tái tạo, thu hút đầu tư phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh;
+ Công nghiệp hóa chất, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực sản xuất hóa mỹ phẩm và hóa dược; phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu (khi điều kiện cho phép);
+ Công nghiệp dệt may, da giày tập trung vào sản xuất hàng may mặc, giày dép và sản xuất phụ kiện cho sản xuất sản phẩm từ da;
+ Phát triển ngành công nghiệp chế biến NLTS phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng các thị trường Nhật Bản, Châu Mỹ, EU, ASEAN và một số thị trường khác;
+ Không thu hút đầu tư những dự án gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu và giá trị gia tăng thấp. Không thu hút dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
- Di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.
- Huy động mọi nguồn lực, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo cơ bản các khu, cụm công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi xả thải ra môi trường.
- Định hướng phát triển các ngành công nghiệp theo thứ tự ưu tiên: (1) Ngành cơ khí (đóng, sửa chữa tàu, công nghiệp hỗ trợ, lắp ráp ô tô...); (2) Ngành thiết bị điện, điện tử (công nghiệp hỗ trợ, lắp ráp...); (3) Ngành chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm.
Để đạt được mục tiêu và phương hướng phát triển công nghiệp ước tính nhu cầu vốn đầu tư cho công nghiệp đến năm 2025 vào khoảng 227.799 tỷ đồng. Cụ thể nhu cầu vốn đầu tư như sau:
- Nguồn vốn huy động từ ngân sách: Dự kiến ngân sách nhà nước cần để hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nhất là cho cụm công nghiệp, xúc tiến kêu gọi đầu tư, các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ khác khoảng 3.417 tỷ đồng.
- Nguồn vốn doanh nghiệp và vốn vay: Huy động vốn tự có của các doanh nghiệp và vốn vay của doanh nghiệp. Dự báo huy động được 107.065,5 tỷ đồng, chiếm khoảng 47% tổng nguồn vốn.
- Nguồn vốn nước ngoài: Dự báo khả năng thu hút từ các nguồn vốn nước ngoài khoảng 117.316,5 tỷ đồng, chiếm khoảng 51,5%.
- Phân chia về nhu cầu vốn theo các giai đoạn như sau:
+ Giai đoạn đến năm 2020:
Nguồn vốn Ngân sách: 977 tỷ đồng;
Nguồn vốn doanh nghiệp và vốn vay: 30.590 tỷ đồng;
Nguồn vốn nước ngoài: 33.520 tỷ đồng.
+ Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025:
Nguồn vốn Ngân sách: 2.440 tỷ đồng;
Nguồn vốn doanh nghiệp và vốn vay: 76.475,5 tỷ đồng;
Nguồn vốn nước ngoài: 83.796,5 tỷ đồng.
5. Các giải pháp và chính sách thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp ngắn hạn:
- Phát triển công nghiệp công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao;
- Đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp.
b) Giải pháp đồng bộ:
- Giải pháp và chính sách về vốn:
+ Vốn của Nhà nước tập trung cho hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giao thông, điện, nước, môi trường, phát triển nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ. Tập trung cao nguồn vốn ngân sách nhà nước cho hỗ trợ hoàn thành các công trình hạ tầng, vốn tích lũy của các doanh nghiệp và vốn vay nên tập trung cho đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, một phần dùng xây dựng hạ tầng kỹ thuật;
+ Rà soát lại các mục tiêu đầu tư, xác định rõ các trọng tâm, trọng điểm để tập trung đầu tư và chỉ đạo điều chỉnh cơ cấu đầu tư phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng; thực hiện đúng quy trình, quy chế quản lý đầu tư đảm bảo tiến độ và chất lượng của các dự án; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm toán việc sử dụng vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là các khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước;
+ Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất là thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Khuyến khích các Công ty cổ phần có thương hiệu, uy tín trên địa bàn tỉnh niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam để thu hút được nguồn vốn từ thị trường này để phục vụ nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất;
+ Tạo vốn thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng để tạo sức hút đầu tư cho các doanh nghiệp, đồng thời các ngân hàng cần cải tiến thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc vay vốn như: nới rộng điều kiện thế chấp (có thể thế chấp bằng tài sản, thiết bị được hình thành từ khoản vay); cải tiến cơ chế cho vay, nâng cao năng lực của cán bộ thẩm định, cho vay của các cơ quan tín dụng; đa dạng hóa các hoạt động tín dụng. Cải tiến các hình thức đầu tư tín dụng theo hướng thuận tiện, đơn giản cho người đi vay mà vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và an toàn vốn vay;
+ Áp dụng chính sách tạo vốn đầu tư bằng cách thuê mướn tài chính, nhất là thuê mướn tài chính của các tổ chức nước ngoài. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh làm lành mạnh hóa tài chính của các doanh nghiệp, các chủ đầu tư. Xây dựng cơ chế thỏa đáng để huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu; liên doanh liên kết trong hợp tác sản xuất. Hàng năm có báo cáo tài chính minh bạch để các cổ đông nắm được các chiến lược phát triển công ty, phát triển sản phẩm để từ đó thu hút thêm vốn đầu tư mở rộng sản xuất.
- Giải pháp và chính sách về nguồn nhân lực:
+ Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 29 tháng 6 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Chương trình phát triển nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020, mục tiêu đến năm 2020 cơ bản đáp ứng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đội ngũ nhân lực có sức khỏe tốt, phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, có năng lực tự học, năng động, sáng tạo, có trí thức và kỹ năng làm việc trong môi trường hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng Khánh Hòa từng bước trở thành Trung tâm đào tạo nhân lực của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên;
+ Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, tập trung phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nhân, lao động có tay nghề cao; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo lại nhân lực bằng các hình thức Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo theo địa chỉ;
+ Khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công nhân kỹ thuật; ưu tiên đào tạo nghề cho các ngành: điện, điện tử, tin học, cơ khí, tự động hóa. Xây dựng đội ngũ lao động tỉnh có chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ mới, hiện đại.
+ Xây dựng kế hoạch liên kết với các địa phương khác để tạo ra nguồn lao động ổn định cho các doanh nghiệp, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh việc liên kết với các trung tâm đào tạo lớn của cả nước để tiến hành đào tạo theo chuyên ngành công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp nền tảng và các ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến. Chú trọng đào tạo “đón đầu” các dự án, đặc biệt là các dự án yêu cầu số lượng lao động lớn, kỹ thuật cao;
+ Sớm đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại hóa và chuyên môn hóa các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh; ổn định tổ chức và quản lý để phát huy hiệu quả đào tạo và xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi;
+ Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn;
+ Đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo cơ chế “ba bên” là Nhà nước - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp cùng tham gia/phối hợp thực hiện, gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, từng bước thực hiện đào tạo theo yêu cầu và địa chỉ, nhằm đảm bảo cho lao động đào tạo ra được làm việc theo đúng chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ của chương trình đã theo học. Liên thông các loại hình, hình thức đào tạo nghề nghiệp, chuyên môn, kỹ năng từ ngắn hạn đến dài hạn, từ kỹ năng đơn giản đến kỹ năng nâng cao, phức tạp để tạo ra được lực lượng lao động có chất lượng, tay nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng của các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Giải pháp và chính sách về khoa học và công nghệ:
+ Chuyển mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ gắn với thị trường; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp đặt hàng với các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài tỉnh; Xây dựng lộ trình và các cơ chế thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn tham gia tích cực vào thị trường khoa học và công nghệ thông qua các hoạt động mua bán, đặt hàng, trao đổi công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư, có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện đổi mới công nghệ, trang bị công nghệ hiện đại; Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm mang tính cạnh tranh cao của Khánh Hòa;
+ Khuyến khích các doanh nghiệp lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để chủ động đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản lý;
+ Lựa chọn áp dụng công nghệ phù hợp với từng thời kỳ phát triển đối với các dự án đầu tư mới. Kiên quyết không nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu, đã qua sử dụng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện nhất quán và đồng bộ các quan điểm nâng cao trình động công nghệ sản xuất bằng phương thức tiếp nhận chuyển giao là chính, theo định hướng sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình hợp tác để khai thác tối đa sự chuyển giao công nghệ hiện đại từ đối tác nước ngoài cho phát triển công nghiệp;
+ Tiếp tục thực hiện chủ trương khuyến khích hỗ trợ và chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế: ISO, HACCP, TQM, tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội SA 8000... thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác sản phẩm và quyền sở hữu công nghiệp phục vụ cho quá trình hội nhập.
- Giải pháp và chính sách về đầu tư:
+ Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung danh mục các dự án sản xuất công nghiệp khuyến khích đầu tư ban hành theo hướng bổ sung có chọn lọc danh mục các dự án công nghiệp công nghệ cao ban hành theo Quyết định số 49/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Danh mục công nghiệp hỗ trợ ban hành theo Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ;
+ Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư đến các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn trong nước, các doanh nghiệp nằm trong danh sách VNR 500 của Việt Nam, các doanh nghiệp có tiềm lực đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các Tập đoàn đa quốc gia của các nước Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Đài Loan... vào đầu tư tại Khánh hòa;
+ Không nhất thiết phải thu hút đầu tư bằng mọi giá, thu hút đầu tư cần bám sát định hướng là nâng cao chất lượng dự án, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh các nguồn vốn từ bên ngoài, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, có công nghệ cao, công nghệ nguồn;
+ Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quảng bá, giới thiệu về các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho các nhà đầu tư tiềm năng trên nhiều kênh thông tin;
+ Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các dự án; tăng cường công tác giám sát đầu tư sau cấp phép đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, thực hiện không đúng tiến độ đã cam kết để giao cho các nhà đầu tư khác có đầy đủ năng lực;
+ Hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, đạt trình độ tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu;
+ Ưu tiên các dự án có quy mô lớn của các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu và để tiếp nhận công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, điều hành tiên tiến.
- Giải pháp và chính sách về quản lý:
+ Tăng cường sự quan tâm và chỉ đạo của tỉnh đối với phát triển sản xuất công nghiệp. Nâng cao vị trí của các cơ quan quản lý Nhà nước, thực hiện cải cách hành chính theo hướng: các cơ quan quản lý Nhà nước hướng mạnh về doanh nghiệp, vì doanh nghiệp, tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo lập môi trường bình đẳng, thông thoáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;
+ Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, quyền sở hữu công nghiệp, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp, tạo sự công bằng, thu hút được các nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh chân chính và phát triển theo quy hoạch;
+ Tập trung tổ chức, triển khai công tác quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh là cơ sở quan trọng cho mọi cấp, ngành, doanh nghiệp định hướng phát triển, lựa chọn dự án đầu tư sản xuất và xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể hàng năm;
+ Thường xuyên giám sát, đôn đốc các đơn vị đang thực hiện đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp thực hiện đúng tiến độ đã đề ra, nhất là trong lĩnh vực đầu tư các công trình trọng điểm;
+ Nghiên cứu ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về công nghiệp trên địa bàn để thống nhất cho công tác quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp;
+ Rà soát, sửa đổi các quy định của tỉnh về quản lý đầu tư, xây dựng theo hướng thông thoáng, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giảm bớt các thủ tục hành chính. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép đầu tư bằng những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hồ sơ, thời gian giải quyết.... Thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” để giải quyết nhanh chóng, thuận tiện cho các nhà đầu tư.
- Giải pháp và chính sách về quản lý phát triển các khu, cụm công nghiệp:
+ Tập trung phát triển khu công nghiệp chuyên sâu, công nghệ cao để thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm xuất khẩu, đồng thời với việc tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp;
+ Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết để đáp ứng nhu cầu các dự án đầu tư theo các ngành nghề phù hợp với qui hoạch phát triển của các khu, cụm công nghiệp. Chú trọng các vấn đề như kết nối giao thông; hệ thống nước sạch; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; hệ thống cấp điện và hệ thống thông tin liên lạc;
+ Đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư và tập trung cao thu hút các dự án đầu tư thứ cấp, với mục tiêu đến năm 2020 lấp đầy diện tích đất công nghiệp; xem xét thu hồi phần diện tích còn lại chậm được cho thuê để quản lý phục vụ công tác xúc tiến, thu hút đầu tư;
+ Nghiên cứu phát triển một số cụm công nghiệp để di chuyển các doanh nghiệp nằm trong đô thị, khu dân cư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có mặt bằng sạch đầu tư với chi phí hợp lý;
+ Có chính sách yêu cầu các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp mới dành lại từ 10% - 15% diện tích mặt bằng sạch của khu, cụm công nghiệp cho tỉnh có quỹ đất để xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao;
+ Ban hành quy định quản lý giá và phí thuê cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp theo hướng: yêu cầu các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp đăng ký giá cho thuê và các loại phí để cơ quan quản lý giá thẩm định và thống nhất với nhà đầu tư ban hành mức giá, phí cho thuê (mức giá trần) để làm cơ sở xúc tiến, thu hút đầu tư;
+ Đối với quản lý khu công nghiệp, cần nhất quán triển khai quản lý theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ;
+ Đối với quản lý cụm công nghiệp, cần nhất quán triển khai mô hình quản lý theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp;
+ Xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển khu, cụm công nghiệp như: xúc tiến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; di dời vào cụm công nghiệp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường đang ở xen kẽ với khu vực dân cư; xây dựng, mua sắm thiết bị công nghệ xử lý nước thải, chất thải của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp; đào tạo nghề cho lao động để làm việc trong các doanh nghiệp thuộc khu, cụm công nghiệp;
+ Xây dựng quy định mức và bố trí vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh để thực hiện các hạng mục sau: đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp trước khi thành lập; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình sinh hoạt cộng đồng phục vụ công nhân làm việc trong khu, cụm công nghiệp.
- Giải pháp và chính sách hợp tác liên vùng và phối hợp phát triển:
Phối hợp chặt chẽ, tận dụng tối đa lợi thế về liên kết vùng, liên kết tuyến để đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh để làm động lực thúc đẩy sự phát triển chung của vùng và cả nước. Hợp tác phát triển công nghiệp của tỉnh với các địa phương khác trong vùng có thể triển khai theo các phương thức:
+ Liên doanh, liên kết cùng triển khai dự án phát triển các mặt hàng công nghiệp đáp ứng nhu cầu thay thế nhập khẩu hoặc hướng về xuất khẩu (kể cả gia công, lắp ráp sản phẩm công nghiệp);
+ Hợp tác theo mô hình công ty mẹ đặt tại một địa phương trong vùng, hoặc tuyến hành lang và các công ty con đặt tại các tỉnh lân cận để phân công sản xuất chuyên môn hóa hoặc cung cấp công nghệ thích hợp cho nhau (chế biến nông sản, sản xuất máy móc, thiết bị, và các đồ dùng văn phòng khác....);
+ Phát huy lợi thế của tỉnh về vị trí địa lý và tiềm năng để thúc đẩy công nghiệp phát triển. Đồng thời chủ động hợp tác xây dựng và triển khai những chương trình phát triển công nghiệp công nghệ cao thích hợp cho tỉnh, vùng như công nghiệp phần mềm, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến thực phẩm chất lượng cao....
- Giải pháp và chính sách bảo vệ môi trường:
Phát triển công nghiệp kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường. Khi triển khai phát triển công nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường
+ Đối với các khu, cụm công nghiệp đã xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung, tỉnh cần yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp phải xây dựng ngay khu xử lý nước thải tập trung;
+ Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường. Thường xuyên tiến hành việc đánh giá hiện trạng môi trường đối với các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất hiện có, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp vi phạm về môi trường;
+ Xây dựng kế hoạch di dời các doanh nghiệp công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đang sản xuất xen lẫn trong các khu dân cư tập trung ra các khu, cụm công nghiệp tập trung, đồng thời phải xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp này khi phải di dời địa điểm sản xuất;
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra và hướng đến sự phát triển công nghiệp bền vững, các chính sách quản lý về môi trường cần hướng vào việc tăng hỗ trợ, khuyến khích việc xử lý chất thải công nghiệp trước khi phát thải ra môi trường ở các cơ sở sản xuất và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm và mạnh các hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường và không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa Khóa VI, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Kỳ họp bất thường thông qua ngày 11 tháng 5 năm 2018./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐND về quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 2 Quyết định 895/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035
- 3 Quyết định 485/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 4 Quyết định 604/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, có xét đến năm 2030
- 5 Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp
- 6 Nghị quyết 34/NQ-HĐND năm 2015 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 7 Nghị định 114/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 8 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 9 Quyết định 879/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 11 Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 12 Kết luận 53-KL/TW năm 2012 xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 13 Nghị quyết 06/NQ-HĐND năm 2012 về Chương trình phát triển nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020
- 14 Quyết định 1483/QĐ-TTg năm 2011 về Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15 Quyết định 49/2010/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16 Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 17 Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 18 Quyết định 251/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 19 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐND về quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 2 Quyết định 895/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035
- 3 Quyết định 485/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 4 Quyết định 604/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, có xét đến năm 2030