Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2016/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 27 tháng 7 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2017

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002; Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3787/TTr-UBND ngày 29/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2017 thay thế Nghị quyết 189/2015/NQ- HĐND ngày 23/3/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh và ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 55/BC-HĐND ngày 21/7/2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2017 thay thế Nghị quyết số 189/2015/NQ-HĐND ngày 23/3/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh, như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ

1.1. Phạm vi điều chỉnh

a) Ngoài được hưởng ưu đãi quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị quyết này quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung dành cho các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất vào sản phẩm nông nghiệp đặc thù trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2017.

b) Trong cùng một nội dung hỗ trợ, nếu có nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất.

1.2. Đối tượng áp dụng

Nhà đầu tư được nhận ưu đãi và hỗ trợ là doanh nghiệp thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, đầu tư vào các dự án nông nghiệp đặc thù của tỉnh.

1.3. Giải thích từ ngữ

a) Dự án nông nghiệp đặc thù ưu đãi đầu tư bao gồm những dự án thuộc các lĩnh vực sau đây:

- Đầu tư sản xuất giống lợn Móng Cái, giống gà Tiên Yên và một số loại giống thủy sản chủ lực, cần xây dựng thương hiệu do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể;

- Đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp;

- Đầu tư cơ sở bảo quản, sơ chế và chế biến các sản phẩm từ nông, lâm, dược liệu, thủy sản theo công nghệ mới, công nghệ tiên tiến.

b) Dự án theo chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm là dự án có vùng nguyên liệu đảm bảo ít nhất 50% nhu cầu nguyên liệu và có hệ thống bảo quản, kho chứa, cơ sở chế biến bảo đảm yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hợp đồng.

2. Điều kiện, nguyên tắc áp dụng hỗ trợ đầu tư

2.1. Dự án đầu tư được hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Điều kiện chung:

- Dự án sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương và đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

- Dự án nằm trong quy hoạch được duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chấp thuận cho phép đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh nếu chưa có quy hoạch được duyệt;

- Nội dung hỗ trợ phải được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt thiết kế, dự toán hạng mục, công trình hoặc phê duyệt thiết kế, tổng dự toán của cả dự án trước khi triển khai;

- Nhà đầu tư có văn bản cam kết nếu không thực hiện dự án đúng mục đích, tiến độ phải hoàn trả phần hỗ trợ (tính cả lãi suất theo lãi suất vay của ngân hàng thương mại tại thời điểm hoàn trả).

b) Điều kiện về quy mô, công suất hoặc tổng mức đầu tư tối thiểu:

- Quy mô sản xuất: Giống lợn Móng Cái: 4 nghìn con giống/năm; giống gà Tiên Yên: 100 nghìn con giống/năm; giống thủy sản: 5 triệu cá giống nước mặn, lợ/năm, 15 triệu cá giống nước ngọt hoặc giống thủy sản khác/năm.

- Công suất giết mổ gia súc, gia cầm: Dự án đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng phải đạt công suất tối thiểu 200 con gia súc hoặc 2.000 con gia cầm/ngày, đêm.

- Dự án đầu tư cơ sở bảo quản, sơ chế và chế biến các sản phẩm từ nông, lâm, dược liệu, thủy sản theo công nghệ mới, công nghệ tiên tiến có quy mô vốn đầu tư là 15 tỷ đồng trở lên (không tính vốn lưu động).

2.2. Nguyên tắc áp dụng hỗ trợ đầu tư

a) Sau khi khởi công xây dựng dự án thì được tạm ứng 35% mức vốn hỗ trợ và được thanh toán tiếp 35% mức vốn hỗ trợ theo tiến độ thực hiện hạng mục, gói thầu; sau khi dự án hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu thì được giải ngân 30% mức vốn hỗ trợ còn lại.

b) Phần vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước được nhà nước bảo lãnh khi doanh nghiệp vay vốn đầu tư từ ngân hàng thương mại để thực hiện dự án đó.

c) Các dự án đã sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, vốn bảo lãnh tín dụng của nhà nước không thuộc đối tượng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách quy định tại Nghị quyết này.

3. Các chính sách hỗ trợ

3.1. Hỗ trợ chung

a) Hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thuê đất, thuê mặt nước

- Hỗ trợ tương đương 50% chi phí giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt do nhà đầu tư ứng trước đối với phần không được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án.

- Nhà đầu tư thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư thì được hỗ trợ 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước theo mức giá thấp nhất của loại đất tương ứng trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cho 03 năm đầu tiên kể từ khi khởi công dự án.

b) Hỗ trợ lãi suất

- Nhà đầu tư được hỗ trợ lãi suất tiền vay tại các ngân hàng thương mại để thực hiện dự án; mức hỗ trợ lãi suất là 6%/năm/số dư nợ thực tế.

- Nếu nhà đầu tư có dự án theo chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, hoặc khi xây dựng vùng nguyên liệu mà có hợp đồng liên kết sản xuất nguyên liệu ổn định với người dân, hoặc có dự án đầu tư tích tụ đất hình thành vùng nguyên liệu thông qua hình thức hộ gia đình, cá nhân góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với các dự án không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ 100% lãi suất/số dư nợ thực tế/dự án.

- Thời gian hỗ trợ lãi suất: Tối đa 03 năm, tính từ ngày bắt đầu vay vốn thực hiện dự án và được tính theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại.

- Mức hỗ trợ lãi suất được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế do Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

c) Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ

Ngoài hỗ trợ chi phí đầu tư thiết bị được quy định tại Mục 3.2, nhà đầu tư được hỗ trợ 50% chi phí, nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án để thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chi phí chuyển giao công nghệ bao gồm: Bí quyết kỹ thuật, kiến thức về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu;

- Chi phí nguyên liệu, năng lượng sản xuất thử;

- Chi phí hỗ trợ trả tiền công cho người lao động và cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia trong thời gian sản xuất thử;

- Chi phí kiểm tra chất lượng sản phẩm sản xuất thử, chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm;

- Chi phí hỗ trợ đào tạo, tập huấn về kỹ năng tay nghề, năng lực quản lý công nghệ và đổi mới công nghệ cho cán bộ kỹ thuật.

d) Hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào dự án

Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì được hỗ trợ 70% chi phí, nhưng không quá 5 tỷ đồng đầu tư xây dựng các hạng mục này.

đ) Hỗ trợ san lấp mặt bằng

Trường hợp dự án phải san lấp mặt bằng thì được hỗ trợ 80% chi phí san lấp mặt bằng nhưng không quá 5 tỷ đồng/dự án.

3.2. Hỗ trợ theo các lĩnh vực

a) Hỗ trợ đầu tư sản xuất giống lợn Móng Cái, giống gà Tiên Yên, giống thủy sản chủ lực cần xây dựng thương hiệu

- Hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 7,5 tỷ đồng/dự án để xây dựng các hạng mục: Cơ sở hạ tầng về hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, đê bao, kè, công trình xử lý nước thải, nhà lưới, vật liệu làm giống và mua thiết bị để nâng công suất, công nghệ tiên tiến. Dự án có quy mô, công suất lớn hơn so với quy mô, công suất tối thiểu quy định tại Tiết b Điểm 2.1 Khoản 2 Điều này thì mức hỗ trợ tối đa được tăng tương ứng (theo số lần tăng về quy mô, công suất) nhưng không quá 30 tỷ đồng/dự án.

- Hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 750 triệu đồng/nhiệm vụ: (1) Nghiên cứu chọn tạo; (2) Sản xuất thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm nghiệm và khu vực hóa các giống mới; (3) Phục tráng, gia hóa những giống có đặc tính tốt; (4) Nghiên cứu quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản giống; (5) Nhập nội nguồn gen, thu thập, lưu giữ nguồn gen.

- Hỗ trợ một lần 70% chi phí nhưng không quá 1 (một) tỷ đồng/dự án để mua giống gốc, đầu dòng, siêu nguyên chủng, giống cụ kỵ, giống ông bà (hỗ trợ cả nhập ngoại), giống bố mẹ đối với giống lai, nhưng không quá 30% chi phí sản xuất giống lai đối với một số loại giống cần khuyến khích.

b) Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp

- Hỗ trợ 60% chi phí nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án để xây dựng các hạng mục: Cơ sở hạ tầng về điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị để nâng công suất,

công nghệ tiên tiến. Dự án có quy mô, công suất lớn hơn so với quy mô, công suất tối thiểu quy định tại Tiết b Điểm 2.1 Khoản 2 Điều này thì mức hỗ trợ tối đa được tăng tương ứng (theo số lần tăng về quy mô, công suất), nhưng không quá 30 tỷ đồng/dự án.

- Đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã đầu tư đúng quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, nếu tiếp tục đầu tư mở rộng nâng công suất và sử dụng công nghệ tiên tiến phải lập dự án đầu tư mở rộng trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt sẽ được xem xét hỗ trợ phần đầu tư mở rộng; mức hỗ trợ 60% chi phí phần bổ sung mở rộng đối với các hạng mục: Cơ sở hạ tầng về điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị để nâng công suất, công nghệ tiên tiến, nhưng không quá 5,0 tỷ đồng/dự án.

c) Hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản, sơ chế và chế biến các sản phẩm từ nông, lâm, dược liệu, thủy sản theo công nghệ mới, công nghệ tiên tiến

Hỗ trợ 60% chi phí nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án. Dự án có tổng mức đầu tư lớn hơn so với mức vốn tối thiểu quy định tại Tiết b Điểm 2.1 Khoản 2 Điều này thì mức hỗ trợ tối đa được tăng tương ứng (theo số lần tăng về quy mô vốn), nhưng không quá 30 tỷ đồng/dự án.

4. Nguồn vốn

Ngân sách địa phương bố trí lồng ghép từ các nguồn: Vốn đầu tư tập trung, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn khoa học công nghệ, kinh phí sự nghiệp kinh tế theo phân cấp chi ngân sách hiện hành.

Điều 2. Thời gian áp dụng chính sách:

Các chính sách hỗ trợ nêu trên được áp dụng kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2017 và thay thế Nghị quyết số 189/2015/NQ-HĐND ngày 23/3/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2017.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh các yêu cầu cần điều chỉnh, bổ sung hoặc các trường hợp đặc biệt khác để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, giao Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 27 tháng 7 năm 2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 8 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đọc