HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/NQ-HĐND | Cần Thơ, ngày 07 tháng 7 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH HỆ THỐNG BẾN THỦY NỘI ĐỊA THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ NĂM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa;
Xét Tờ trình số 57/TTr-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thông qua Quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban đô thị; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát:
- Phát triển hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố Cần Thơ phù hợp với các chiến lược, quy hoạch Trung ương và của thành phố Cần Thơ đảm bảo tính kết nối giữa các phương thức giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển.
- Xây dựng và phát triển hệ thống bến thủy nội địa phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, theo hướng bền vững đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn đến 2030; đảm bảo an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu - nước biển dâng.
- Rà soát, sắp xếp, phân loại và nâng cấp theo quy hoạch hoặc xóa bỏ hệ thống bến thủy nội địa vi phạm vùng cấm xây dựng và không đáp ứng điều kiện hoạt động của bến.
- Huy động mọi nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động đầu tư, khai thác và bảo trì hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn 2017 - 2020:
+ Xây dựng hệ thống bến thủy nội địa theo tiêu chuẩn phân loại bến thủy nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải với khối lượng vận chuyển hơn 5 triệu tấn hàng hoá và hơn 7 triệu hành khách vào năm 2020.
+ Rà soát, sắp xếp, phân loại và nâng cấp theo quy hoạch các bến hiện hữu hoặc xóa bỏ hệ thống bến thủy nội địa nếu vi phạm vùng cấm xây dựng và không đáp ứng điều kiện hoạt động của bến theo quy định.
- Giai đoạn 2021 - 2030:
+ Tiếp tục hoàn thiện hệ thống bến thủy nội địa theo tiêu chuẩn phân loại bến thủy nội địa, nhằm đảm bảo năng lực thông qua với khối lượng vận chuyển hơn 10 triệu tấn hàng hoá và 10 triệu hành khách vào năm 2030.
+ Tiếp tục rà soát, sắp xếp, phân loại và nâng cấp theo quy hoạch các bến hiện hữu hoặc xóa bỏ hệ thống bến thủy nội địa nếu vi phạm vùng cấm xây dựng và không đáp ứng điều kiện hoạt động của bến theo quy định.
2. Tiêu chí quy hoạch
a) Đối với bến hiện hữu:
- Xóa bỏ các bến thủy nội địa không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định.
- Đối với những tuyến sông, kênh chưa xác định cấp kỹ thuật và luồng tàu chạy, sau khi được cơ quan quản lý công bố cấp kỹ thuật, luồng tàu chạy và hành lang bảo vệ luồng, tiến hành rà soát, sắp xếp, nâng cấp hệ thống bến thủy nội địa theo quy định. Đối với những bến không đủ điều kiện tồn tại sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng mới tại những vị trí thích hợp đáp ứng tiêu chuẩn phân loại bến thủy nội địa.
- Đối với trường hợp đặc biệt (hệ thống đường bộ chưa đáp ứng, chưa xây dựng được bến tổng hợp lớn, trường hợp luồng hẹp, …) sẽ được xem xét tồn tại và phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
- Đối với những tuyến sông, kênh khi đã được đầu tư những bến tổng hợp lớn đáp ứng lưu lượng hàng hóa thông qua và những tuyến đường bộ kết nối được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ thì tiến hành xóa bỏ những bến hiện hữu vi phạm điều kiện hoạt động của bến.
b) Đối với bến mở mới:
- Bến thủy nội địa mở mới phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng điều kiện hoạt động và tiêu chuẩn phân loại bến thủy nội địa.
- Đối với trường hợp đặc biệt không đáp ứng điều kiện hoạt động hoặc tiêu chuẩn phân loại bến thủy nội địa cần phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
3. Quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố Cần Thơ
a) Hệ thống bến hàng hóa:
- Giai đoạn 2017 - 2020:
+ Xóa bỏ các bến nằm trong hành lang an toàn đường thủy hoặc đường bộ; Các bến trên các tuyến sông, kênh không đạt tiêu chuẩn cấp kỹ thuật đường thủy nội địa.
+ Nâng cấp các bến hàng hóa chưa đạt tiêu chuẩn phân loại bến thủy nội địa đối với từng cấp sông, kênh.
+ Mở mới một số bến hàng hóa tập trung trên các tuyến sông, kênh có nhu cầu thông qua hàng hóa lớn.
- Giai đoạn 2021 - 2030:
+ Tiếp tục xóa bỏ các bến không đáp ứng tiêu chuẩn phân loại bến thủy nội địa; Những bến nằm trong hành lang an toàn đường bộ hoặc đường thủy. Những bến xóa bỏ có thể được ưu tiên lập thành bến mới tại những vị trí đảm bảo điều kiện hoạt động và đáp ứng tiêu chuẩn phân loại theo cấp sông, kênh.
+ Mở các bến hàng hóa tập trung phục vụ các khu chức năng đặc thù phát triển kinh tế của các quận, huyện trên địa bàn thành phố có khả năng kết nối giao thông đường thủy. Ưu tiên mở các bến hàng hóa tập trung tại các khu tiểu thủ công nghiệp được quy hoạch ở các quận, huyện.
+ Tiếp tục mở mới một số bến tập trung khác trên các sông, kênh có nhu cầu thông qua hàng hóa lớn trong giai đoạn này.
b) Hệ thống bến hành khách:
- Nâng cấp bến hành khách đạt tiêu chuẩn phân loại theo từng cấp sông, kênh.
- Xây dựng các bến hành khách để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và định hướng phát triển du lịch của thành phố nói riêng.
c) Hệ thống bến khách ngang sông:
- Giai đoạn 2017 - 2020:
+ Tiến hành xóa bỏ các bến khách ngang sông tại vị trí đã có cầu vượt sông đã và đang xây dựng.
+ Nâng cấp các bến khách ngang sông theo tiêu chuẩn phân loại bến thủy nội địa với từng cấp sông, kênh.
+ Tiến hành mở mới một số bến theo tiêu chuẩn phân loại tương ứng với từng tuyến sông, kênh. Trong giai đoạn này mở mới một số bến trên địa bàn quận, huyện: Ninh Kiều, Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền.
- Giai đoạn 2021 - 2030:
+ Xóa bỏ các bến đã được phân loại và tiếp tục nâng cấp các bến đã được nâng cấp trong giai đoạn 2017 - 2020 nhưng vẫn chưa đạt chuẩn.
+ Xem xét các bến khách ngang sông tại những vị trí có kế hoạch xây dựng cầu vượt sông. Khi dự án xây dựng cầu hoàn thành, tiến hành xóa bỏ các bến khách ngang sông này.
+ Tiếp tục xây dựng những bến khách ngang sông đạt tiêu chuẩn phân loại theo tuyến sông, kênh tại những vị trí tập trung lớn nhu cầu qua lại mà hệ thống cầu đường bộ chưa được đầu tư xây dựng.
4. Kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện
Tổng kinh phí để thực hiện quy hoạch là 390 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa (tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia đầu tư). Trong đó:
- Giai đoạn 2017 - 2020: 110 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2021 - 2030: 280 tỷ đồng.
5. Nhu cầu quỹ đất dành cho phát triển hệ thống bến thủy nội địa
- Giai đoạn đến 2020: 42,03 ha.
- Giai đoạn 2021 - 2030: 49,78 ha.
Điều 2. Trách nhiệm và hiệu lực thi hành
1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định và cụ thể hóa các giải pháp nhằm đảm bảo triển khai thực hiện tốt Quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đáp ứng mục tiêu quy hoạch đề ra.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
2. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa IX, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 07 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày ký ban hành./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 1798/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh chi tiết phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 2 Quyết định 2657/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 3 Quyết định 22/2017/QĐ-UBND quy định giá dịch vụ sử dụng cảng, bến thủy nội địa được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
- 4 Quyết định 348/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập quy hoạch điều chỉnh chi tiết phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 5 Quyết định 555/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt bổ sung Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 6 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 7 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT quản lý cảng, bến thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 8 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014
- 9 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 1 Quyết định 1798/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh chi tiết phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 2 Quyết định 2657/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 3 Quyết định 22/2017/QĐ-UBND quy định giá dịch vụ sử dụng cảng, bến thủy nội địa được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
- 4 Quyết định 348/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập quy hoạch điều chỉnh chi tiết phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 5 Quyết định 555/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt bổ sung Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030