Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/2017/NQ-HĐND

Đà Nẵng, ngày 07 tháng 07 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC TRỢ CẤP TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC, SAU ĐẠI HỌC VÀ TRỢ CẤP HẰNG THÁNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA BỒI DƯỠNG THEO VỊ TRÍ VIỆC LÀM, KỸ NĂNG NGHIỆP VỤ CHUYÊN NGÀNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG,
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 4819/TTr-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về đối tượng và mức trợ cấp tốt nghiệp đại học, sau đại học và trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia bồi dưỡng theo vị trí việc làm, kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định đối tượng được hưởng trợ cấp tốt nghiệp đại học, sau đại học và trợ cấp hằng tháng khi tham gia bồi dưỡng theo vị trí việc làm, kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành

1. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

2. Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, quận, huyện, phường, xã; những người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã.

3. Nhân viên y tế trong biên chế, hợp đồng lao động theo Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đang công tác tại các trạm y tế phường, xã.

4. Người lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội (được giao số lượng người làm việc) từ cấp thành phố đến quận, huyện, phường, xã.

Điều 2. Quy định mức trợ cấp tốt nghiệp đại học, sau đại học và mức trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng được tham gia bồi dưỡng theo vị trí việc làm, kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành

1. Mức trợ cấp tốt nghiệp đại học, sau đại học

a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này tự sắp xếp thời gian hợp lý, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngành nghề đi học phù hợp với công việc, vị trí đang đảm nhận; tự túc kinh phí đi học sau đại học và được cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định cử đi học, sau khi tốt nghiệp được trợ cấp một lần như sau:

- Tiến sĩ

: 15.000.000 đồng;

- Bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II

: 10.000.000 đồng; khoa cấp II

- Thạc sĩ, bác sĩ nội trú

: 8.000.000 đồng;

- Bác sĩ chuyên khoa cấp I, dược sĩ chuyên khoa cấp I

: 6.000.000 đồng, khoa cấp I

b) Đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết này được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo bác sĩ, sau khi tốt nghiệp được trợ cấp một lần 4.000.000 đồng.

2. Mức trợ cấp bồi dưỡng kiến thức theo vị trí việc làm, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành trong thành phố từ 01 (một) tháng trở lên

a) Đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị quyết này khi được cử tham gia các lớp bồi dưỡng theo vị trí việc làm, kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành trong thành phố từ 01 (một) tháng trở lên, mỗi tháng học tập trung tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được trợ cấp 0,4 lần mức lương cơ sở (tính theo số ngày thực tế đi học).

b) Ngoài ra, các đối tượng sau còn được trợ cấp thêm hàng tháng với mức cụ thể như sau:

- Cán bộ, công chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã: 0,2 lần mức lương cơ sở;

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nữ: 0,2 lần mức lương cơ sở;

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số: 0,25 lần mức lương cơ sở;

c) Đối tượng được hưởng nhiều mức trợ cấp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này chỉ được hưởng một mức trợ cấp cao nhất.

Điều 3. Kinh phí trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng

Nguồn kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp tốt nghiệp đại học, sau đại học và chế độ trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao tham gia bồi dưỡng theo vị trí việc làm, kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2017.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 07 tháng 7 năm 2017.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ, VP Chủ tịch nước;
- Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- BTV Thành ủy, cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy;
- ĐB HĐND thành phố; Đoàn ĐBQH thành phố;
- UBND, UBMTTQVN thành phố;
- VP Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND thành phố;
- Các Sở, ngành, đoàn thể thành phố;
- Quận, huyện ủy; HĐND, UBND, UBMTTQVN các quận, huyện, HĐND, UBND các phường, xã;
- Báo ĐN, Báo CATP ĐN, Đài PTTH ĐN, Trung tâm TTVN (VTV8), Cổng TTĐT thành phố;
- Lưu: VT, TH.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Anh