Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2011/NQ-HĐND

Vĩnh Long, ngày 09 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC LUÂN CHUYỂN VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC CÔNG TÁC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
KHOÁ VIII KỲ HỌP LẦN THỨ 03

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg , ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo;

Sau khi xem xét Tờ trình số 69/TTr-UBND ngày 21/11/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc quy định chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức luân chuyển và chính sách đối với những người tốt nghiệp đại học công tác tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân; đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận và thống nhất,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức luân chuyển và chính sách đối với những người tốt nghiệp đại học công tác tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, như sau:

I. CÁN BỘ, CÔNG CHỨC LUÂN CHUYỂN:

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng:

Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể (sau đây gọi tắt là cán bộ lãnh đạo, quản lý) thuộc diện quy hoạch ở các ngành, địa phương khi thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền về luân chuyển công tác theo quy định gồm:

a) Luân chuyển từ tỉnh về huyện, thành phố;

b) Luân chuyển từ tỉnh về xã, phường, thị trấn;

c) Luân chuyển từ huyện, thành phố về xã, phường, thị trấn;

2. Thời hạn hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ:

Chế độ, chính sách hỗ trợ theo quy định này chấm dứt khi hết thời hạn luân chuyển.

3. Chế độ lương và phụ cấp:

Cán bộ, công chức được luân chuyển theo quy định này được hưởng các chế độ sau:

a) Được giữ nguyên chế độ tiền lương, hệ số phụ cấp chức vụ và hệ số phụ cấp khác (nếu có). Trường hợp mức lương (hoặc phụ cấp) mới cao hơn thì hưởng theo mức lương (hoặc phụ cấp) mới.

b) Ngoài ra còn được hưởng phụ cấp luân chuyển, gồm:

- Cán bộ, công chức luân chuyển từ tỉnh về thành phố Vĩnh Long được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 0,7 so với mức lương tối thiểu chung;

- Cán bộ, công chức luân chuyển từ tỉnh về các huyện được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1.0 so với mức lương tối thiểu chung;

- Cán bộ, công chức luân chuyển từ tỉnh về xã, phường thuộc thành phố Vĩnh Long (giữ chức vụ: Bí thư, Phó bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân) được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 0,7 so với mức lương tối thiểu chung;

- Cán bộ, công chức luân chuyển từ cấp tỉnh về xã, thị trấn thuộc các huyện (giữ chức vụ: Bí thư, Phó bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân) được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1,5 so với mức lương tối thiểu chung;

- Cán bộ, công chức luân chuyển từ huyện về xã, thị trấn thuộc huyện được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 0,7 so với mức lương tối thiểu chung;

- Cán bộ, công chức luân chuyển từ thành phố Vĩnh Long về các xã, phường thuộc thành phố Vĩnh Long được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 0,5 so với mức lương tối thiểu chung;

Chế độ phụ cấp ưu đãi theo quy định này không dùng để trích đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

4. Quản lý biên chế:

a) Cán bộ, công chức tỉnh luân chuyển về huyện, thành phố thì biên chế được tính vào biên chế của đơn vị mới, tiền lương do đơn vị mới chi trả.

b) Cán bộ, công chức tỉnh, huyện, thành phố luân chuyển về xã, phường, thị trấn thì biên chế và tiền lương vẫn giữ tại đơn vị cũ.

II. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC CÔNG TÁC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN:

Đối với những người tốt nghiệp đại học công tác tại xã, phường, thị trấn, nhưng chưa được bố trí vào những chức danh cán bộ chuyên trách, công chức, thì được hưởng hệ số phụ cấp sinh hoạt phí là 2,16/người/tháng; đồng thời ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tương đương 18% mức lương tối thiểu chung, thông qua đơn vị sử dụng lao động.

* Nguồn kinh phí và thời gian thực hiện:

1. Kinh phí hỗ trợ chính sách đối với những người tốt nghiệp đại học công tác tại xã, phường, thị trấn và chênh lệch tiền lương, phụ cấp của cán bộ, công chức được luân chuyển do bảo lưu tiền lương, phụ cấp và phụ cấp luân chuyển được ngân sách địa phương chi trả.

2. Kinh phí chi trả chế độ theo quy định này, ngân sách các cấp sẽ phân bổ cho đơn vị trực tiếp chi trả tiền lương cán bộ, công chức được luân chuyển.

3. Chính sách luân chuyển cán bộ, công chức và chính sách đối với những người tốt nghiệp đại học công tác tại xã, phường, thị trấn được áp dụng kể từ ngày 01/01/2012.

Điều 2. Bãi bỏ Nghị quyết 26/2006/NQ-HĐND ngày 16/02/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức đi học và cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường về công tác xã tỉnh Vĩnh Long.

Bãi bỏ mục VII của phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 115/2009/NQ-HĐND ngày 10/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ấp, khóm.

Điều 3. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khoá VIII, kỳ họp lần thứ 03 thông qua ngày 09/12/2011, có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua và./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Lực