Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 112/2007/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 16 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC NHẰM NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM NÔNG, LÂM NGHIỆP - THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ KHÓA XVI,
KỲ HỌP THỨ MƯỜI MỘT

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 23 tháng 11 năm 2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2006 - 2010; Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp - thủy sản giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1423/TTr-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2007 của ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê duyệt Chương trình ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp - thủy sản giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành, thông qua: Chương trình ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp - thủy sản giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015, với các nội dung sau:

I - ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

- Phú Thọ đã sớm quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng đưa các thành tựu về công nghệ sinh học vào phát triển sản xuất nông nghiệp và thu được những kết quả bước đầu, nổi bật nhất là trong lĩnh vực giống cây trồng, giống vật nuôi. ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất đã góp phần tạo bước đột phá tăng nhanh về năng suất, từng bước cải thiện về chất lượng các sản phẩm nông, lâm nghiệp - thủy sản; tăng năng suất lao động, tăng giá trị và hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển sản xuất theo hướng đẩy mạnh liên doanh, liên kết, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Nghiên cứu và ứng dụng nhanh các thành tựu công nghệ sinh học về giống kết hợp với các biện pháp thâm canh, tăng vụ trong sản xuất đã tạo bước đột phá về năng suất, đưa sản lượng lương thực tăng liên tục từ 32,48 vạn tấn năm 2001 lên 43,02 vạn tấn năm 2005, đã đảm bảo an toàn lương thực trên địa bàn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản trên thị trường. Đã ứng dụng thành công các phương pháp nhân giống như vi ghép đỉnh sinh trưởng, nuôi cấy mô tế bào; phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với lợn, bò; đã phổ biến nuôi rộng rãi các giống vịt siêu trứng, gà thả vườn, ngan Pháp,… ứng dụng thành công công nghệ sản xuất cá rô phi dòng GIFT, cá chép lai V1 và một số giống thủy sản có giá trị kinh tế.

- Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ và chăm sóc cây trồng, vật nuôi từng bước giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, hướng sản xuất theo phương thức an toàn và bền vững.

- Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực xử lý chất thải như công nghệ Bioga, công nghệ ủ phân compos đã giảm thiểu được ô nhiễm môi trường tại các khu chăn nuôi, tái tạo nguyên liệu làm chất đốt, phân bón sạch, an toàn,…

- Ứng dụng công nghệ sinh học truyền thống trong lĩnh vực bảo quản và chế biến nông, lâm nghiệp - thủy sản như bảo quản hạt giống, bảo quản nông sản thực phẩm góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản sau thu hoạch.

Tuy nhiên việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại, hạn chế là: Việc ứng dụng các thành tựu về công nghệ sinh học vào sản xuất chưa toàn diện, mới chỉ tập trung ở một số khâu, một số đối tượng cây, con nhất định. Kết quả đạt được chủ yếu là ứng dụng công nghệ sinh học truyền thống, công nghệ sinh học cận đại; việc tiếp cận, ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học hiện đại kết quả rất hạn chế. Công nghệ sinh học chưa góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng sản phẩm, thay đổi tập quán sản xuất của nông dân. Công tác tổng kết, rút kinh nghiệm và chỉ đạo nhân rộng mô hình chậm; trong chỉ đạo có lúc, có nơi xác định bước đi chưa phù hợp. Chưa hình thành được các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, các điểm vệ tinh ứng dụng có kết quả công nghệ sinh học vào sản xuất rõ nét; chưa xây dựng được mô hình nổi trội về công nghệ, tạo ra những sản phẩm công nghệ cao.

II - NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC NHẰM NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM NÔNG, LÂM NGHIỆP - THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015

1. Quan điểm

- Ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng gắn với thị trường để sản xuất hàng hóa có chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững và gắn với bảo vệ môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiên tai.

- Tập trung nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các thành tựu công nghệ sinh học vào sản xuất là khâu đột phá, là nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Lựa chọn đầu tư đúng hướng, đúng trọng tâm và đồng bộ; thực hiện phương châm đi tắt đón đầu đưa nhanh các thành tựu công nghệ sinh học hiện đại vào sản xuất, đồng thời phát huy các công nghệ truyền thống đã được khẳng định có kết quả tốt.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học trong công tác sản xuất giống cây, con có năng suất, chất lượng cao và các giống cây, con đặc sản của địa phương; xây dựng đồng bộ quy trình ứng dụng công nghệ sinh học từ khâu giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến sản phẩm.

- Ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm.

- Tăng cường xây dựng tiềm lực công nghệ sinh học thông qua đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu, đào tạo phổ cập cho lực lượng ứng dụng ở các địa phương, cơ sở sản xuất. Từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ứng dụng công nghệ sinh học đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu ứng dụng và triển khai.

- Phấn đấu đưa Phú Thọ trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

b) Các chỉ tiêu cụ thể

Phấn đấu đến 2010, công nghệ sinh học đóng góp khoảng từ 20 đến 30% và đến năm 2015 là 40 đến 50% giá trị gia tăng trong sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản của tỉnh.

Trong từng lĩnh vực cụ thể:

Lĩnh vực trồng trọt:

- Phấn đấu đến năm 2010: Diện tích trồng các giống cây trồng nông nghiệp chính (cây lương thực, rau, chè, cây ăn quả,…) được tạo ra bằng công nghệ sinh học chiếm từ 30 đến 35% tổng diện tích gieo trồng; đưa vào sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng biến đổi gen. Hình thành vùng sản xuất rau an toàn với quy mô khoảng 1 ngàn ha; từ 1,5 đến 2 ngàn ha chè.

- Phấn đấu đến năm 2015: Diện tích trồng các giống cây trồng nông nghiệp chính được tạo ra bằng công nghệ sinh học chiếm từ 50% đến 60% tổng diện tích gieo trồng; tiếp tục đưa vào sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng biến đổi gen. Hình thành vùng sản xuất rau an toàn với quy mô khoảng 5 ngàn ha; từ 6 đến 7 ngàn ha chè.

Lĩnh vực chăn nuôi:

- Phấn đấu đến 2010: Nâng tỷ lệ đàn lợn có từ 2/3 máu ngoại trở lên chiếm từ 45 đến 50% tổng đàn và đàn bò lai chất lượng cao chiếm từ 40 đến 45% tổng đàn. áp dụng tổng hợp các biện pháp như tiêm phòng, vệ sinh khử trùng tiêu độc đảm bảo sản xuất được an toàn, từng bước hình thành vùng chăn nuôi an toàn.

- Phấn đấu đến 2015: Tỷ lệ đàn lợn có từ 2/3 máu ngoại trở lên chiếm từ 55 đến 60% tổng đàn và đàn bò lai chất lượng cao chiếm từ 55 đến 60% tổng đàn. Hình thành và phát triển vùng chăn nuôi hàng hóa an toàn.

Lĩnh vực thủy sản:

- Phấn đấu đến 2010: Các giống thủy sản đặc sản và các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao chiếm trên 25% cơ cấu giống. Từng bước đưa vào sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc nuôi dưỡng, xử lý nguồn nước và phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm thủy sản có chất lượng cao, tồn dư kháng sinh trong sản phẩm dưới mức cho phép.

- Phấn đấu đến năm 2015: Trên 30% cơ cấu giống thủy sản nuôi là các giống thủy sản đặc sản và các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao. Hình thành và phát triển các cùng nuôi thủy sản hàng hóa an toàn, tập trung và bền vững.

Lĩnh vực lâm nghiệp:

Đẩy mạnh sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô; tổ chức sản xuất giống theo quy mô công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2010 đáp ứng khoảng 20% và đến năm 2015 đáp ứng trên 50% nhu cầu cây giống cây lâm nghiệp được sản xuất theo phương pháp nuôi cấy mô tại địa phương.

3. Các nhiệm vụ trọng tâm

- Nghiên cứu và ứng dụng chuyển giao nhanh các giống cây trồng, vật nuôi mới ra sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp;

- ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, trong bảo quản, chế biến nông, lâm sản hàng hóa;

- Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp, các chế phẩm sinh học trong việc làm sạch nước sinh học, xử lý môi trường chăn nuôi, làng nghề nông thôn,…;

- Đổi mới công tác quản lý, triển khai ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp.

4. Các giải pháp chủ yếu

a) Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phổ biến về vị trí, vai trò của công nghệ sinh học nói chung và công nghệ sinh học nông nghiệp nói riêng. Tổ chức phổ biến quán triệt sâu rộng Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết của HĐND tỉnh; các quan điểm, mục tiêu, nội dung và các giải pháp chủ yếu của Chương trình tới cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong toàn tỉnh.

b) Đầu tư phát triển tiềm lực công nghệ sinh học

- Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về công nghệ sinh học cho đội ngũ cán bộ công chức của ngành nông nghiệp và các ngành có liên quan. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đội ngũ thực hành viên.

- Thu hút các cán bộ, chuyên gia có trình độ cao về lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp; lựa chọn một số kỹ sư trẻ chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi - thú ý, lâm sinh, thủy sản đang công tác trong ngành gửi đi đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ về công nghệ sinh học tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Trước mắt, tập trung đào tạo đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật về sản xuất hạt giống lúa lai, ngô lai và nuôi cấy mô tế bào.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cơ sở, các chủ trang trại, các hộ nông dân sản xuất giỏi làm hạt nhân ở cơ sở.

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho các phòng thí nghiệm, xét nghiệm tại các trung tâm, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp phục vụ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học. Đầu tư xây dựng các điểm vệ tinh, các vùng thực nghiệm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn. Xây dựng, nối mạng với hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin Quốc gia về công nghệ sinh học nông nghiệp.

c) Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công nghệ sinh học

- Công tác quản lý Nhà nước trong nông nghiệp phải tập trung giải quyết 3 vấn đề quan trọng là: Điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sinh học vào sản xuất và định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện nghiên cứu và ứng dụng chuyển giao các thành tựu công nghệ sinh học.

- Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, đảm bảo thực sự có hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp trên địa bàn.

- Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện các đề tài, dự án, các mô hình sản xuất thử nghiệm, các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư trên địa bàn để có biện pháp chỉ đạo nhân ra diện rộng.

- Phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến vào sản xuất đại trà.

d) Huy động nguồn lực đầu tư

Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; có cơ chế huy động vốn đầu tư cho các nội dung trọng điểm. Công nghệ sinh học là lĩnh vực khoa học mới, đòi hỏi chi phí đầu tư cao và dài hạn, do vậy trong thời gian trước mắt nguồn vốn ngân sách phải đảm bảo giữ vai trò chủ đạo; chủ yếu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực.

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư phục vụ chương trình giai đoạn 2006 - 2010 là: 290.000 triệu đồng, trong đó:

- Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các đề tài, dự án công nghệ sinh học ưu tiên là 35.000 triệu đồng (Trung ương là 23.400 triệu đồng và ngân sách tỉnh là 11.600 triệu đồng ), bằng 12,07%;

- Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, dịch vụ sản xuất là 45.000 triệu đồng, bằng 15,52%;

- Nguồn vốn của các hộ nông dân đầu tư để mua giống mới, các chế phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, vaccin, xây dựng cơ sở sản xuất,… là 210.000 triệu đồng, bằng 72,41%.

đ) Mở rộng quan hệ hợp tác phát triển công nghệ sinh học

- Đẩy mạnh hợp tác với các vụ, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp để phát triển nhanh các thành tựu công nghệ sinh học mới, hiện đại. Đồng thời, thông qua đó tranh thủ nguồn vốn và đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực.

- Mở rộng hợp tác, liên kết “4 nhà” để gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất, sớm đưa các sản phẩm nghiên cứu vào sản xuất.

- Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; liên kết sản xuất, kinh doanh.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết;

- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVI, kỳ họp thứ mười một thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2007.

 

 

CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng