Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2016/NQ-HĐND

Hải Dương, ngày 05 tháng 10 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 33/2005/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh về dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006-2020; Nghị quyết số 31/2012/NQ-HĐND  ngày 06 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 91/2008/NQ-HĐND  ngày 22 tháng 02 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 61/TTr-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh Quy hoạch Phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Điều chỉnh Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, chuyên canh cao, dần tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ;

- Phát triển các loại cây trồng, vật nuôi dựa trên cơ sở khai thác lợi thế của từng vùng sinh thái nông nghiệp;

- Khuyến khích tích tụ ruộng đất để có điều kiện đầu tư xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung;

- Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn;

- Nâng cao giá trị trên 1 ha đất nông nghiệp, tạo việc làm, gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp; Gắn phát triển nông nghiệp với việc thực hiện các chính sách xã hội và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

- Phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng một số mô hình, vùng sản xuất có công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm.

- Phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất chính; phát triển đàn lợn, đàn gia cầm theo mô hình sản xuất, chế biến tập trung gắn với bảo vệ môi trường.

- Đẩy mạnh nuôi trồng các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, nhất là các giống con đặc sản.

- Quản lý, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng tự nhiên. b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi - thủy sản và giảm tỷ trọng trồng trọt - lâm nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng trồng trọt - lâm nghiệp là 49%, chăn nuôi - thủy sản là 45% và dịch vụ là 6%.

- Tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1,7%/năm - 2,0%/năm.

- Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,4%.

- Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 150 triệu đồng/ha vào năm 2020.

- Diện tích gieo trồng lúa đạt 58.000 ha với tổng sản lượng đạt 745.000 tấn; diện tích cây rau màu 39.500 ha (diện tích cây vụ đông 21 nghìn ha).

- Duy trì ổn định diện tích cây ăn quả từ 20 - 22 nghìn ha, tổng sản lượng đạt 220.000 tấn.

- Tổng sản lượng thịt hơi các loại 150.000 tấn (trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt 117.000 tấn).

- Sản lượng thịt gia cầm đạt 30.000 tấn.

- Sản lượng thủy sản đạt 75.000 tấn.

- Tỷ lệ che phủ rừng trên tổng diện tích đất rừng đạt 93%.

- Tăng năng suất lao động, kết hợp phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trong nông thôn, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 27%.

c) Mục tiêu đến năm 2030

Đảm bảo diện tích trồng lúa khoảng 55.000 ha, sản lượng khoảng 700.000 tấn; diện tích cây rau màu 40.000 ha, sản lượng khoảng 750.000 tấn; diện tích cây ăn quả 22.000 ha, sản lượng khoảng 250.000 tấn; Sản lượng thịt lợn hơi khoảng 150.000 tấn; sản lượng thịt gia cầm khoảng 35.000 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản 10.500 ha, sản lượng khoảng 78.000 tấn.

3. Định hướng phát triển các ngành nông nghiệp chính

a) Trồng trọt:

Phát triển trồng trọt với tốc độ tăng trưởng 0,8%/năm. Hướng trọng tâm vào việc bố trí sản xuất 2 nhóm cây trồng chính là lúa và cây thực phẩm (rau, củ, quả các loại); duy trì ổn định diện tích canh tác lúa khoảng 58.000 ha, tổng sản lượng khoảng 745.000 tấn vào năm 2020. Ngoài việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp, nghiên cứu chuyển đổi và sử dụng linh hoạt khoảng 3.000 - 5.000 ha đất trồng lúa sang trồng cây rau màu, cây hàng năm khác và các mô hình canh tác kết hợp có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa (nhưng vẫn đảm bảo trồng lúa trở lại khi cần thiết) để tăng diện tích rau màu từ 38.500 ha như hiện nay lên 39.500 ha vào năm 2020. Trong đó, ổn định diện tích cây vụ đông ở mức 21.000 ha/năm, tăng diện tích rau màu vụ xuân, rau màu hè thu lên 18.500 ha vào năm 2020.

b) Chăn nuôi:

Phát triển chăn nuôi với tốc độ tăng trưởng 2,9%/năm. Hướng trọng tâm là bố trí phát triển 3 loại vật nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chăn nuôi là lợn, gia cầm và bò thịt. Đến năm 2020, sản lượng thịt lợn hơi đạt 117.000 tấn, sản lượng thịt trâu, bò đạt 3.000 tấn, sản lượng thịt gia cầm đạt 30.000 tấn.

c) Thủy sản:

Phát triển thủy sản với tốc độ tăng trưởng bình quân 3,3%/năm. Duy trì ổn định diện tích mặt nước nuôi thủy sản khoảng 10.300 ha; năng suất nuôi bình quân đạt 75 tạ/ha; hoàn thành việc xây dựng các khu nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt; xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở những địa phương có điều kiện phù hợp; đẩy mạnh thâm canh để nâng cao năng suất.

4. Quy hoạch phát triển các lĩnh vực

a) Quy hoạch phát triển ngành trồng trọt

- Quy hoạch phát triển cây lúa, vùng sản xuất lúa:

+ Về cơ cấu giống: Tăng tỷ lệ diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao từ 52%/năm lên 60%/năm, lúa lai từ 6%/năm lên 10%/năm. Đến năm 2030 tỷ lệ lúa lai đạt 12% và lúa chất lượng cao đạt 68%.

+ Vùng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, chuyên canh lúa lai: Diện tích khoảng

25.000 ha, tập trung tại 11 huyện, thị xã trong tỉnh.

- Quy hoạch phát triển cây thực phẩm:

+ Tăng diện tích rau màu từ 38.500 ha lên 39.500 ha vào năm 2020; tổng sản lượng đạt 700.000 tấn. Đến năm 2030, diện tích rau màu 40.000 ha, tổng sản lượng đạt 750.000 tấn. Ổn định diện tích cây vụ đông ở mức 21.000 ha/năm. Tăng diện tích rau màu vụ xuân, rau màu hè thu lên 18.500 ha vào năm 2020. Tập trung sản xuất chủ yếu tại các huyện: Gia Lộc, Kim Thành, Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Miện, Kinh Môn.

+ Duy trì và mở rộng các vùng sản xuất tập trung cây rau màu truyền thống, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao; Mở rộng diện tích rau sản xuất an toàn và rau hữu cơ phục vụ xuất khẩu; phát triển mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

- Quy hoạch phát triển cây ăn quả:

+ Đến năm 2020 diện tích khoảng 22.000 ha; sản lượng khoảng 220.000 tấn/năm, chủ yếu trồng 3 loại cây vải, ổi, na tại huyện Thanh Hà, thị xã Chí Linh. Đến năm 2030 giữ nguyên 22.000 ha diện tích cây ăn quả, sản lượng khoảng 250.000 tấn (do áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để tăng năng suất). Chuyển đổi một phần diện tích trồng vải kém hiệu quả sang trồng thanh long, cam mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; mở rộng mô hình sản xuất vải quả xuất khẩu.

+ Xây dựng và quảng bá thương hiệu các loại trái cây của tỉnh như: vải, ổi Thanh Hà; na Chí Linh... tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

b) Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi:

- Quy hoạch chăn nuôi lợn: Đến năm 2020 tổng đàn lợn đạt 600.000 con; chất lượng con giống được cải thiện; tăng trọng lượng xuất chuồng lên 75 đến 80 kg/con; tăng hệ số quay vòng từ 2,5 đến 3,0 lứa/năm; nâng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 117.000 tấn. Phát triển lợn thịt giống ngoại và lai trên 75% máu ngoại nuôi công nghiệp; nuôi theo phương thức trang trại, gia trại đạt trên 50%. Đến năm 2030, đàn lợn đạt 900 nghìn con (trong đó lợn thịt chiếm 80 - 85%); sản lượng thịt lợn hơi đạt 150.000 tấn.

- Quy hoạch chăn nuôi bò thịt: Ổn định và tăng nhẹ đàn bò với số lượng 22.000 con vào năm 2020; tập trung nâng cao chất lượng giống bằng công tác thụ tinh nhân tạo, tạo ưu thế lai theo hướng lấy thịt chất lượng cao. Đến năm 2020, tỷ lệ bò lai chiếm 85 - 90% có tỷ lệ từ 1/2 - 7/8 máu ngoại theo hướng lấy thịt. Tập trung phát triển đàn bò ở những địa phương miền núi, vùng bãi bồi ven sông như các huyện: Nam Sách, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Kim Thành, Kinh Môn và thị xã Chí Linh.

- Quy hoạch chăn nuôi gia cầm tập trung: Đến năm 2020, tổng đàn gia cầm đạt khoảng 13 triệu con, sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 30.000 tấn; tỷ lệ gia cầm chuyên thịt chiếm 70%, gia cầm sinh sản hướng trứng và sản xuất giống chiếm 30%; tỷ lệ gia cầm nuôi trang trại công nghiệp chiếm 20 - 25%, gia trại chiếm 45 - 50%. Tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung tại thị xã Chí Linh và các huyện: Tứ Kỳ, Ninh Giang, Cẩm Giàng, Bình Giang sau đó mở rộng sang các huyện: Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn, Gia Lộc. Đến năm 2030 tổng đàn gia cầm đạt 15 - 16 triệu con, trong đó: đàn gà đạt 12 triệu con.

c) Quy hoạch phát triển ngành thủy sản:

- Đến năm 2020 sản xuất 48 - 50 triệu con giống cá chủ lực và giống thủy sản truyền thống với chất lượng tốt, sạch bệnh; duy trì ổn định diện tích mặt nước nuôi thủy sản khoảng 10.300 ha; năng suất nuôi bình quân đạt 75 tạ/ha; hoàn thành việc xây dựng các khu nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt.

- Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 10.500 ha (trong đó nuôi thâm canh đạt 1.700 ha, nuôi bán thâm canh đạt 4.500 ha; nuôi quảng canh cải tiến đạt 4.300 ha); sản lượng nuôi đạt 78.000 tấn.

- Quy hoạch phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh hợp lý, đảm bảo an toàn dịch bệnh thủy sản và vệ sinh môi trường.

- Phấn đấu tốc độ phát triển ngành thủy sản bình quân tăng 3,3%/năm. d) Quy hoạch phát triển ngành lâm nghiệp:

- Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2020 khoảng 11.263,9 ha, trong đó: rừng đặc dụng: 1.543,3 ha; rừng phòng hộ: 4.683,7 ha; rừng sản xuất 5.036,9 ha.

- Đến năm 2020 phấn đấu trồng mỗi năm được 1 triệu cây phân tán; tỷ lệ che phủ rừng/diện tích đất rừng là 93%.

- Từ năm 2020 đến năm 2030, kế hoạch mỗi năm trồng 1,5 triệu cây phân tán; đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng/diện tích đất rừng đạt 95%.

5. Các giải pháp chủ yếu thực hiện Quy hoạch

a) Giải pháp về đất đai: Thực hiện “Dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn” khắc phục tình trạng đất sản xuất manh mún, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất tập trung, sử dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả công tác kế hoạch, quy hoạch liên quan đến sử dụng đất đai; kịp thời thu hồi diện tích đất được cấp quá thời gian quy định mà không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích.

b) Giải pháp về nâng cao nhận thức để thực hiện quy hoạch: Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà khoa học, những người có trình độ, có tay nghề cao; Thường xuyên tập huấn, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

c) Giải pháp về phát triển thị trường và xúc tiến thương mại: Từng bước đầu tư phục tráng các giống cây trồng, vật nuôi quý và tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho các sản phẩm như: hành, tỏi ở Nam Sách, Kinh Môn; cà rốt ở Cẩm Giàng, vải ở Thanh Hà, Chí Linh,… Tăng cường quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng các chợ đầu mối nông sản để thu mua nông - lâm sản tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển sản xuất ổn định.

d) Giải pháp về nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ: Đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao vào sản xuất là một giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu quy hoạch đề ra; Tổ chức thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản;

e) Giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch (giao thông nông thôn, thủy lợi): Tiếp tục thực hiện các Đề án: “Xây dựng và phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương”; “Kiên cố hóa hệ thống kênh tưới trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013 - 2020”.

g) Giải pháp về đổi mới và xây dựng hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ: Tăng cường hoạt động của mạng lưới dịch vụ khuyến nông; tổ chức tốt công tác tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất. Phổ biến nhân rộng các mô hình thâm canh có hiệu quả cao với chế độ luân canh hợp lý trên đồng ruộng.

h) Giải pháp về tổ chức thực hiện: Để thực hiện điều chỉnh Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, các cấp triển khai đồng bộ theo chức năng, nhiệm vụ.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVI, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 05 tháng 10 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hiển