HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 163/2006/NQ-HĐND | Vinh, ngày 15 tháng 12 năm 2006 |
VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH
NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 7080/TTr.UBND ngày 05 tháng 12 năm 2006;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế & Ngân sách và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành báo cáo của UBND tỉnh về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 10 năm (1996-2005) và quan điểm, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển; phương hướng, các phương án phát triển và các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch đến năm 2020, cụ thể như sau:
1. Tiếp tục đổi mới và tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở phát huy nội lực gắn với tranh thủ tối đa ngoại lực trong thế chủ động hội nhập và cạnh tranh quốc tế; hợp tác chặt chẽ với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung.
2. Tập trung nguồn lực tạo ra các cực tăng trưởng, khu trọng điểm và phát triển mạnh một số lĩnh vực, sản phẩm đột phá nhằm tạo đà cho tăng trưởng nhanh nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại.
3. Phát triển nhanh các ngành dịch vụ du lịch, thương mại, giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các ngành công nghiệp có lợi thế tại các khu, cụm công nghiệp. Xây dựng nền nông - lâm nghiệp đa dạng gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái.
4. Đảm bảo đạt đồng thời 3 mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị và nền hành chính vững mạnh.
5. Coi trọng phát triển kết cấu hạ tầng ở các vùng để tạo điều kiện phát triển sản xuất, thu hút đầu tư và khai thác các nguồn lực khác trên địa bàn.
1. Mục tiêu tổng quát:
Phấn đấu đưa Nghệ An thóat khỏi tình trạng tỉnh nghèo và kém phát triển vào năm 2010; cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020; quyết tâm đưa Nghệ An sớm trở thành một trong những tỉnh khá của cả nước. Xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, giáo dục, y tế, văn hóa và khoa học - công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại và đồng bộ; có nền văn hóa lành mạnh và đậm đà bản sắc xứ Nghệ; có nền quốc phòng, an ninh vững mạnh; đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Mục tiêu kinh tế:
- GDP (giá hiện hành) bình quân đầu người đạt 850 - 1.000 USD năm 2010, 1.560 USD năm 2015 và trên 3.100 USD năm 2020.
- Tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân hằng năm giai đoạn 2006-2010 đạt 12-13%, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12,1% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,6%.
- Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, để đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP đạt 39%, dịch vụ 37% và nông, lâm, thủy sản khoảng 24%; cơ cấu tương ứng năm 2015 là 41,4%; 40,4% và 18,2%; năm 2020 là 43%; 43% và 14%.
- Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2010 trên 350 triệu USD, năm 2015 đạt 850 triệu USD và năm 2020 khoảng 1.900 triệu USD.
- Tăng thu ngân sách nhằm đảm bảo các nhiệm vụ chi của tỉnh và từng bước có tích luỹ. Phấn đấu tỷ lệ thu ngân sách đạt mức 11,5% GDP vào năm 2010; 14,6% năm 2015 và 18,4% năm 2020.
2.2. Mục tiêu xã hội:
- Giảm mức sinh bình quân hàng năm từ 0,2-0, 3‰ để ổn định quy mô dân số khoảng 3, 5 triệu người vào năm 2020; tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm trong cả giai đoạn quy hoạch là 0,96%.
- Bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 30-32 ngàn lao động trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 28-30 ngàn lao động trong 10 năm tiếp theo. Đảm bảo 85-86% lao động trong độ tuổi có việc làm vào năm 2010 và nâng tỷ lệ này lên 87-88% vào năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 40% vào năm 2010 (trong đó đào tạo nghề chiếm 25-27%) và 65-70% vào năm 2020.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 11-12% vào năm 2010 và 5% vào năm 2020. Hằng năm tăng từ 15-20% số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc.
- Hoàn thành phổ cập giáo dục phổ thông trung học cho 95% học sinh tại thành phố, thị xã và thị trấn và 85% học sinh ở các vùng, xã miền núi khó khăn (bao gồm học nghề, giáo dục chuyên nghiệp, phổ thông và bổ túc). Kiên cố hóa toàn bộ trường và lớp học.
- Phấn đấu đến năm 2010 các chỉ tiêu giường bệnh, bác sỹ /vạn dân là 16 giường, 5, 8 bác sĩ; năm 2020 có 25 giường và 8, 2 bác sĩ. Nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh ở cả 3 tuyến. Nâng tuổi thọ trung bình lên 72 tuổi vào năm 2010 và trên 75 tuổi vào năm 2020.
- Có 95% số dân được xem truyền hình và 100% được nghe đài phát thanh vào năm 2010 và nâng các tỷ lệ này lên 100% vào năm 2020.
- Cải thiện cơ bản về kết cấu hạ tầng, bao gồm hệ thống giao thông đến tận thôn bản, cấp điện, cấp nước sạch. Đảm bảo ít nhất 90% số hộ gia đình được dùng nước hợp vệ sinh, 98% số hộ có điện sử dụng vào năm 2010 và nâng các tỷ lệ này lên 100% vào năm 2020.
- Số m2 nhà ở khu vực đô thị đạt 10 m2/người vào năm 2010, 12 m2/người vào năm 2015, 18-20 m2/người vào năm 2020.
- Đảm bảo an toàn xã hội và quốc phòng - an ninh. Giảm tối đa các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy và tai nạn giao thông; đảm bảo 100% người nghiện ma tuý được phát hiện, quản lý, cai nghiện và hạ thấp tỷ lệ tái nghiện.
2.3. Mục tiêu bảo vệ môi trường
- Phủ xanh cơ bản đất trống, đồi núi trọc; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và chất lượng của độ che phủ, đạt 53% vào năm 2010 và 60% vào năm 2020.
- Đảm bảo môi trường sạch cho cả khu vực đô thị và nông thôn: 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; 80% rác thải được thu gom, xử lý trong giai đoạn đến năm 2010 và 95-100% vào năm 2020.
III. CÁC KHÂU ĐỘT PHÁ THEO NGÀNH VÀ LĨNH VỰC:
1. Hình thành các cực tăng trưởng, vùng trọng điểm: Khu kinh tế Đông Nam, thành phố Vinh, Hoàng Mai, Thái Hoà, Con Cuông, vùng ven biển, các Khu công nghiệp.
2. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tiềm lực khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển.
3. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ ở cả đô thị và nông thôn.
4. Tập trung đầu tư để hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực trong những ngành và lĩnh vực có lợi thế so sánh (nhất là dịch vụ) nhằm tạo ra thế và lực cho sự phát triển lâu dài của tỉnh.
5. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới cơ chế chính sách nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
6. Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa; phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ngoại vi và các điểm dân cư nông thôn nhằm tạo ra một bức tranh phân bố dân cư mới.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC:
1. Công nghiệp - Xây dựng:
- ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và thị trường ổn định; quan tâm phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao để tạo đột phá cho tăng trưởng của tỉnh.
- Nhịp độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 18,9 - 20,7%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 14,2%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,2%/năm.
- Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, phấn đấu đến năm 2010 giá trị công nghiệp chế biến đạt 83,5% so với tổng giá trị ngành công nghiệp, năm 2015 đạt 86% và năm 2020 đạt 88,9%.
- Phát triển các lĩnh vực công nghiệp chủ yếu:
1.1. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng:
Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, khuyến khích phát triển các sản phẩm mới, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu. Các sản phẩm chủ yếu là xi măng, đá trắng, đá bazan, đá ốp lát các loại, gốm sứ cao cấp, gạch ngói.
1.2. Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm:
Tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm thế mạnh của tỉnh như: mía đường, chè các loại, cà phê hoà tan, dứa và một số loại quả khác, thịt các loại, sản xuất giấy và bột giấy, các sản phẩm đồ gỗ cao cấp, thủy sản, nước khóang.
1.3. Công nghiệp khai thác và chế biến khóang sản:
Tập trung khai thác, tinh luyện thiếc và khai thác, chế biến đá trắng.
1.4. Công nghiệp cơ khí, hóa dầu và công nghiệp công nghệ cao:
- Hướng tới phát triển công nghiệp cơ khí, hóa dầu, công nghiệp điện tử - tin học - viễn thông, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp sản xuất vật liệu mới, thiết bị tự động hóa, công nghệ sinh học, trở thành công nghiệp quan trọng, có giá trị gia tăng lớn trong sản xuất công nghiệp của Tỉnh.
1.5. Công nghiệp dệt may:
Từng bước hình thành các cụm dệt may tại Vinh, Cửa Lò và các địa bàn có lợi thế, phấn đấu giảm dần hình thức may gia công, tiến dần đến xuất khẩu trực tiếp.
1.6. Phát triển khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, TTCN và làng nghề.
Triển khai thực hiện đề án khu kinh tế Đông Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghiệp Nam Cấm, quy hoạch chi tiết để triển khai xây dựng khu công nghiệp Hoàng Mai, Phủ Quỳ, nghiên cứu để thành lập thêm các khu công nghiệp ở Hưng Nguyên (Hưng Tây), Nghi Lộc (Nghi Hoa), Anh Sơn, Thanh Chương.
Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các cụm công nghiệp và các làng nghề tại địa bàn các huyện, phấn đấu mỗi huyện có ít nhất từ 1-2 cụm công nghiệp.
2. Dịch vụ:
Phát triển dịch vụ với tốc độ nhanh, bền vững, với mức tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng GDP của toàn nền kinh tế của tỉnh trong giai đoạn sau năm 2010. Nâng cao hơn nữa vai trò của dịch vụ đối với nền kinh tế, hỗ trợ, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm dịch vụ lớn của vùng Bắc Trung bộ.
Nhịp độ tăng trưởng dịch vụ bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 10,9 - 11,5%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13,8%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13,8%/năm. Chuyển dịch cơ cấu khu vực dịch vụ theo hướng tăng nhanh các dịch vụ chủ lực; hình thành các phân ngành, các sản phẩm dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao phù hợp với lợi thế của tỉnh; tăng dần các dịch vụ cao cấp, chất lượng cao; tăng tỷ trọng của khu vực tư nhân.
Phát triển các phân ngành dịch vụ chủ yếu:
2.1. Du lịch:
Phát triển du lịch Nghệ An nhằm đưa ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Dự kiến mức tăng trưởng khách du lịch bình quân thời kỳ 2006 - 2010 là 13,6%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 29,7%/năm, thời kỳ 2011 - 2020 tương ứng là 12,9%/năm và 10,3%/năm. Phấn đấu để Nghệ An có đô thị du lịch (Vinh, Cửa Lò) và khu du lịch Quốc gia (Kim Liên - Nam Đàn).
Phát triển đa dạng các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tắm biển, văn hóa - lịch sử, nghiên cứu tìm hiểu thiên nhiên, giải trí cao cấp, du lịch hỗn hợp; với các địa bàn trọng điểm: Nam Đàn và vùng phụ cận; thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, tuyến đường Hồ Chí Minh, Vườn quốc gia Pù Mát và vùng phụ cận, khu vực nước khóang nóng Giang Sơn - Đô Lương, Quỳ Châu - Quế Phong, vùng du lịch biển Quỳnh Lưu - Diễn Châu - Nghi Lộc.
2.2. Thương mại:
Phát triển nhanh thị trường nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, tạo điều kiện để phát triển thương mại nông thôn, miền núi. Xây dựng Vinh - Cửa Lò trở thành trung tâm thương mại lớn của vùng Bắc Trung Bộ. Phát triển mạnh thương mại cửa khẩu nhằm góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất, nhập khẩu. Dự kiến tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội tăng bình quân 15,7%/năm giai đoạn 2006-2010; 14,2% giai đoạn 2011 - 2015 và 13,2%/năm giai đoạn 2016-2020.
Hoàn thiện mạng lưới bán buôn và bán lẻ hàng hóa, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại.
2.3. Tài chính - Ngân hàng:
Tạo điều kiện và đảm bảo cho các tổ chức tín dụng hoạt động, kinh doanh, thu hút các ngân hàng lớn trong và ngoài nước, các công ty chứng khóan thành lập các chi nhánh tại tỉnh. Tăng cường đầu tư vốn vay trung và dài hạn phục vụ các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, phát triển thị trường chứng khóan.
Mở rộng và phát triển đa dạng các dịch vụ bảo hiểm, phổ cập dịch vụ bảo hiểm trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Có cơ chế ưu đãi để khuyến khích phát triển bảo hiểm nông dân, nghiên cứu các sản phẩm mới trong lĩnh vực bảo hiểm phục vụ phát triển nông, lâm, ngư nghiệp.
2.4. Vận tải, kho bãi:
Phát triển đa dạng loại hình vận tải, tận dụng hiệu quả các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển và đường không; tạo đột phá trong vận tải biển, phát triển dịch vụ hàng hải và vận tải hành khách đường không. Từng bước nâng cao trình độ công nghệ vận tải và chất lượng dịch vụ. Tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ vận tải.
Phát triển bưu chính, viễn thông thành một trong những dịch vụ mũi nhọn, đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp ngày càng lớn cho GDP. Phát triển nhanh, vững chắc, lành mạnh các ngành dịch vụ tư vấn, khoa học công nghệ, kinh doanh tài sản, đầu tư, dịch vụ phục vụ cá nhân và cộng đồng.
3. Nông, lâm, thủy sản:
Nhịp độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 5,3%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 5,2%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,9%/năm.
- Đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành nông nghiệp trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu, hình thành một số vùng cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả tập trung, quy mô lớn gắn với các cơ sở chế biến như: mía, lạc, vừng, chè, cà phê, cao su, cam, dứa.
- Phát triển mạnh chăn nuôi trâu, bò, lợn và một số gia cầm; đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, chiếm trên 50% giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn sau 2010. Đầu tư hình thành và phát triển đồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc.
- Khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp, phát triển trồng các loại cây để có nguyên liệu phục vụ sản xuất đồ gỗ cao cấp, ván ép thanh, giấy. Làm tốt công tác bảo vệ rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ đầu nguồn.
- Phát triển thủy sản một cách toàn diện, bao gồm đánh bắt và nuôi trồng, chú trọng mở rộng nuôi trồng trên biển, đưa nhanh diện tích mặt nước các hồ đập lớn vào nuôi trồng thủy sản. Mở rộng diện tích nuôi trồng đi đôi với đầu tư thâm canh các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao và thị trường ổn định. Phấn đấu đưa cơ cấu ngành thủy sản đạt 9,6% năm 2010; 12,2% năm 2015 và 15,4% năm 2020.
- Mở rộng các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản.
4. Các lĩnh vực xã hội:
4.1. Giáo dục, đào tạo: Xây dựng Nghệ An thành một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo đại học. Đầu tư nâng cấp trường Đại học Vinh trở thành hạt nhân trong đào tạo đại học và nghiên cứu của vùng Bắc Trung Bộ. Quy hoạch phát triển một số trường đại học khác và kêu gọi đầu tư nước ngoài xây dựng Trường đại học đạt tiêu chuẩn Quốc tế.
Nâng cấp và bổ sung mạng lưới các trường dạy nghề, đảm bảo yêu cầu phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ.
Hoàn chỉnh mạng lưới các trường phổ thông, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền. Cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia chiếm khoảng 60% năm 2010 và 90% năm 2020.
Huy động đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi cao.
4.2. Y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng: Xây dựng Trung tâm y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ tại thành phố Vinh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bệnh viện đa khoa 700 giường, thành lập Trường Đại học Y dược, phấn đấu sau năm 2010 có bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế, nâng cấp Trung tâm y tế dự phòng của tỉnh. Nhanh chóng xây dựng theo hướng hiện đại các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, thành lập Trung tâm kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng Trung tâm Sức khoẻ lao động - Môi trường. Củng cố, phát triển các Trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện tuyến huyện. Chú trọng phát triển y học cổ truyền dân tộc. Nâng cấp cơ sở vật chất và tăng cường nhân lực cho các cơ sở y tế cấp xã, phường, thị trấn đảm bảo 100% đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2020.
4.3. Văn hóa, thông tin: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn phát triển văn hóa xứ Nghệ. Tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh. Hoàn thiện cơ bản việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa. Xây dựng, nâng cấp hiện đại hóa cơ sở vật chất của ngành văn hóa thông tin.
4.4. Thể dục, thể thao: Xây dựng Nghệ An thành trung tâm thể dục thể thao mạnh của cả nước. Phát triển thể thao thành tích cao để luôn đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Có định hướng cụ thể và đầu tư thỏa đáng cho các môn thể thao thế mạnh của tỉnh.
4.5. Khoa học và công nghệ: Ưu tiên chuyển giao và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống; tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý khoa học, công nghệ theo hướng xã hội hóa, vận hành theo cơ chế thị trường. Phân công, phân cấp mạnh mẽ trong quản lý khoa học, tạo tự chủ trong nghiên cứu và hoạt động.
4.6. Lao động, việc làm: Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, tạo nhiều việc làm và tăng mức thu nhập cho người lao động; phát triển đào tạo nghề để tăng cơ hội tìm việc cho người lao động. Đẩy mạnh việc hình thành và phát triển thị trường lao động. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.
4.7. Quốc phòng, an ninh:
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng một số công trình phòng thủ ở một số điểm trọng yếu trên địa bàn tỉnh.
4.8. Môi trường: Bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của bụi khói, chất thải, khí độc. Làm tốt công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.
5. Phát triển kết cấu hạ tầng:
5.1. Giao thông:
Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện phát triển mạnh dịch vụ vận tải.
5.1.1. Đường bộ:
- Đón đầu việc xây dựng đường cao tốc Vinh - Hà Nội. Mở rộng đoạn Vinh - Quán Hành, xây dựng cầu vượt đường sắt tại các điểm trọng yếu.
- Xây dựng cầu Bến Thủy nối đường tránh Vinh tại xã Hưng Lợi và cầu vượt sông Lam tại Cửa Hội qua Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
- Nâng cấp và hoàn thiện các tuyến đường Quốc lộ 48, 15A; xây dựng đường Quốc lộ 46 tránh thành phố Vinh từ Quán Bánh cắt Quốc lộ 1A tránh TP Vinh đến Nam Đàn với quy mô 06 làn xe.
- Nâng cấp và hoàn chỉnh các tuyến tỉnh lộ và hệ thống giao thông vùng nguyên liệu, phục vụ du lịch, các khu công nghiệp, các tuyến đường đến trung tâm xã, các tuyến đường kinh tế kết hợp với quốc phòng, các tuyến đường tuần tra biên giới, các tuyến đường giao thông biên giới, hệ thống giao thông nội thành, nội thị:
Xây dựng trục đường ven biển từ Cửa Lò - Diễn Thành (Diễn Châu) - Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Đầu tư xây dựng các tuyến đường trục chính vùng nguyên liệu chè Anh Sơn, Thanh Chương, mía giai đoạn 2 Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông; đường Dinh - Lạt, Lạt - Cây Chanh, đường Sen - Sở, đường tả ngạn sông Lam.
Xây dựng cầu Yên Xuân sang vùng 05 Nam của huyện Nam Đàn và nối với huyện Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh.
Xây dựng hệ thống cầu qua sông Lam và sông Hiếu thuộc các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong... và hệ thống đường vùng tả ngạn khoảng 120 km.
Hoàn thành xây dựng các tuyến đường nối các huyện miền Tây Nghệ An: Đường Châu Thôn - Tân Xuân (điểm đầu tại đường Tây Nghệ An, điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh), dài 127 km. Đường Xiêng Thù - Yên Tĩnh qua hai huyện Kỳ Sơn, Tương Dương.
Tiếp tục xây dựng để hoàn thành các tuyến đường Tây Nghệ An: tuyến chính dài 233 km, từ Mường Xén (Kỳ Sơn) đến Bản Pảng (Quế Phong), một số tuyến nhánh vào trung tâm các xã và một số đồn biên phòng, với chiều dài khoảng 47 km.
Xây dựng đường vào trung tâm các xã chưa có đường ô tô dài 167 km. Nâng cấp đường vào các xã chỉ đi được một mùa, tổng chiều dài khoảng 266 km.
Nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các đô thị mới theo quy hoạch. Xây dựng và trang bị hệ thống thiết bị điều khiển, xử lý giao thông tự động tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các đô thị khác.
5.1.2. Đường sắt:
Xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Vinh - Hà Nội; khôi phục tuyến Quán Hành - Cửa Lò, nâng cấp tuyến Nghĩa Đàn - Cầu Giát, mở mới tuyến Đô Lương - Quán Hành.
5.1.3. Đường hàng không:
Xây dựng nâng cấp Sân bay Vinh đạt cấp cảng hàng không 4C (theo ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Mở thêm một số tuyến bay mới Vinh - Viêng Chăn, Vinh - Đông Bắc Thái Lan, Vinh - Hải Nam (Trung Quốc).
5.1.4. Đường thủy:
- Đầu tư nâng cấp cảng Cửa Lò. Nạo vét luồng lạch cho tàu 3 vạn tấn ra vào thuận lợi. Nâng công suất cảng đạt 6-8 triệu tấn vào năm 2020 gắn với hình thành và phát triển Khu kinh tế Đông Nam.
- Nâng cấp, đầu tư xây dựng các cảng Cửa Hội, Bến Thủy, Lạch Quèn, Lạch Thơi, Cửa Vạn phục vụ khai thác hải sản, vận tải hàng hóa.
5.2. Thủy lợi:
Thường xuyên làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống hồ đập để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, cung cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Tiếp tục nâng cấp hệ thống thủy nông Bắc và thủy nông Nam đảm bảo tưới ổn định cho 70.000 ha. Tiếp tục thực hiện chương trình bê tông hóa kênh mương, đặc biệt chú trọng kênh cấp I và cấp II.
Phát triển hệ thống thủy lợi tưới tiêu chủ động cho vùng chuyên canh lạc, vùng cây công nghiệp tập trung.
Củng cố hệ thống đê biển, đê sông một cách vững chắc để chống sạt lở ven biển, ven sông.
Xây dựng công trình thủy lợi lớn như Bản Mồng (Quỳ Hợp), Thác Muối (Thanh Chương).
5.3. Hệ thống cấp điện:
- Đường dây 220 KV: xây dựng mới 168 km đường dây mạch kép thủy điện Bản Vẽ - Đô Lương - Hưng Đông; 75 km đường dây 1 mạch Hưng Đông - Nghi Sơn.
- Đường dây 110 KV: xây dựng đường dây mạch kép, mạch đơn và cải tạo hệ thống mạch kép để đấu nối các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ vào hệ thống và cung cấp điện cho các phụ tải. Xây dựng mới đường dây mạch kép và đường dây mạch đơn đến các xã, các khu, cụm công nghiệp.
- Xây mới, cải tạo mạng đường dây trung thế (loại 22KV, 35KV). Tiếp tục phát triển, cải tạo mạng lưới điện và hệ thống các trạm ở các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn.
- Xây dựng các trạm 220KV, 110KV tương thích với việc truyền tải điện từ các nhà máy sản xuất điện đến nơi tiêu thụ.
- Xây dựng xong các nhà máy thủy điện theo quy hoạch (Bản Vẽ, Khe Bố, Hủa Na, Sao Va, Bản Cốc, Nhãn Hạc,...). Xúc tiến kêu gọi đầu tư để xây dựng nhà máy nhiệt điện dùng than ở Quỳnh Lưu.
5.4. Bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin:
Xây dựng kết cấu hạ tầng bưu chính, viễn thông hiện đại, đồng bộ và rộng khắp, cung cấp các dịch vụ đa dạng, chất lượng cao, quan tâm phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông nông thôn và vùng miền núi cao. Phát triển mạng bưu cục, điểm bưu điện một cách hợp lý. Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, hoàn chỉnh xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin.
Phấn đấu đạt 30, 4 máy điện thoại/100 dân vào năm 2010; 53, 2 máy/100 dân vào năm 2015 và 71, 4 máy/100 dân vào năm 2020 (bao gồm điện thoại cố định và di động); tỷ lệ số thuê bao Internet trên 100 dân vào các năm 2010, 2015 và 2020 tương ứng là 10; 24, 6 và 60,5.
5.5. Cấp thóat nước:
Xây dựng quy hoạch về nguồn nước cung cấp cho các đô thị và nông thôn nhất là các vùng kinh tế trọng điểm và các vùng khan hiếm nước. Xây dựng hệ thống các nhà máy nước đáp ứng đủ nhu cầu cho các đô thị. Sử dụng tổng hợp các biện pháp cung cấp nước sinh hoạt đáp ứng yêu cầu của nhân dân vùng nông thôn như: xây dựng nhà máy, nối mạng từ nhà máy ở các đô thị, giếng đào, giếng khoan, cấp nước tự chảy...
V. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN:
1. Đô thị:
Tiến hành quy hoạch hệ thống đô thị của tỉnh, từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị có cơ sở hạ tầng kinh tế -xã hội và kỹ thuật hiện đại, môi trường trong sạch, phân bố hợp lý trên địa bàn cả tỉnh, đảm bảo cho mỗi đô thị phát triển ổn định, cân bằng và bền vững.
- Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 17% vào năm 2010; 26% vào năm 2015 và khoảng 37% vào năm 2020.
- Phát triển thành phố Vinh thành đô thị loại I, là đô thị trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung Bộ, phát triển thị xã Cửa Lò thành đô thị loại 3 và đủ tiêu chuẩn để trở thành đô thị du lịch.
- Xây dựng các trung tâm đô thị cấp tỉnh: Hoàng Mai, Thái Hoà, Con Cuông, Diễn Châu, Đô Lương.
- Tăng cường đầu tư để phát triển các đô thị trung tâm cấp huyện, trung tâm các khu dân cư nông thôn (đô thị trung tâm cấp khu vực).
2. Nông thôn:
- Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tăng hiệu quả và trình độ công nghệ. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn phù hợp với thế mạnh của tỉnh và điều kiện thị trường. Phục hồi, củng cố các làng nghề đã có và hình thành các làng nghề mới.
- Phát triển toàn diện các lĩnh vực xã hội, chú trọng phổ cập giáo dục, lĩnh vực y tế dự phòng. Nâng cấp các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, thể thao ở nông thôn.
- Xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, xanh, sạch đẹp, có hạ tầng phát triển theo hướng hiện đại, gắn với đô thị hóa. Đầu tư xoá đói, giảm nghèo, trước hết đối với vùng miền núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Có chính sách bảo đảm cung cấp giống, vật tư sản xuất với giá cả hợp lý cho vùng sâu, vùng xa.
- Phát triển rộng khắp mạng lưới thương mại nông thôn, miền núi.
- Làm tốt công tác nghiên cứu dự báo thông tin thị trường cho nông dân và doanh nghiệp.
3. Phát triển không gian kinh tế:
3.1. Vùng miền núi (bao gồm 10 huyện):
- Tập trung đầu tư phát triển sản xuất các loại cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả như: mía, chè, cà phê, cao su, cam, dứa; phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt; các loại cây trồng trên đất lâm nghiệp để phục vụ chế biến đồ gỗ, bột giấy và giấy.
- Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản; công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch ốp lát, gạch ngói nung), sản xuất và cung cấp nguyên liệu để chế biến bột đá trắng, khai thác và sản xuất các sản phẩm từ đá bazan; khai thác và tinh luyện thiếc; xây dựng các nhà máy thủy điện; phát triển công nghiệp dệt may.
- Phát triển du lịch sinh thái gắn với các cảnh quan tự nhiên (Vườn Quốc gia Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt...). Phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với các cửa khẩu đã có và sẽ xây dựng như Nậm Cắn (Kỳ Sơn), Thanh Thủy (Thanh Chương), Thông Thụ (Quế Phong).
3.2. Vùng đồng bằng, ven biển:
- Phát triển các loại cây lương thực, nhất là lúa, hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao; cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả như: lạc, vừng, dứa; chăn nuôi gia súc, gia cầm: lợn, bò thịt, gà; nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản.
- Phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: xi măng (Quỳnh Lưu, Đô Lương), gạch, ngói lợp (bao gồm các sản phẩm truyền thống và vật liệu mới), đá ốp lát nhân tạo; đồ gốm, sứ cao cấp; hóa chất (Sô đa); công nghiệp hóa dầu (ở khu công nghiệp Hoàng Mai); các loại sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm (ở thành phố Vinh và vùng phụ cận, khu kinh tế Đông Nam Nghệ An); tàu thủy (ở các huyện ven biển); chế biến nông - lâm - thủy sản (dứa; hàng thủy sản đông lạnh và các sản phẩm truyền thống của thủy sản: thịt gia súc, gia cầm; giấy, bột giấy, đồ gỗ cao cấp, hàng thủ công mỹ nghệ).
- Đẩy mạnh phát triển du lịch (du lịch biển, các di tích lịch sử, di tích văn hóa) và dịch vụ: vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế).
VI. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH:
1. Huy động nguồn vốn đầu tư:
Để đáp ứng nhu cầu vốn cho thời kỳ quy hoạch, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi về giá thuê đất, chính sách sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, cung cấp dịch vụ hạ tầng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Nghệ An. Tăng cường hơn nữa công tác quảng bá, giới thiệu ra nước ngoài về các tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các đầu mối tiếp xúc. Đa dạng hóa hình thức huy động vốn đầu tư.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư cơ sở hạ tầng; huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất để phát triển đô thị, hạ tầng khu công nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Ngân sách nhà nước đảm bảo đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm, mang tính gắn kết cao giữa các vùng.
2. Phát triển nguồn nhân lực:
- Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, có chính sách hấp dẫn để khuyến khích đội ngũ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Thu hút các chuyên gia giỏi, lao động trình độ cao từ bên ngoài vào những lĩnh vực ưu tiên mà lực lượng tại chỗ còn thiếu.
- Thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo phù hợp đối với từng đối tượng là cán bộ quản lý và chuyên gia, đội ngũ các doanh nhân, đội ngũ công nhân kỹ thuật.
3. Phát triển khoa học và công nghệ:
- Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ: Đẩy mạnh tốc độ chuyển giao công nghệ, nhất là những công nghệ phục vụ phát triển sản xuất các sản phẩm trọng điểm của tỉnh. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở dữ liệu thông tin khoa học công nghệ đáp ứng kịp thời công tác nghiên cứu triển khai. Tạo điều kiện thu hút các chuyên gia giỏi tham gia các chương trình khoa học công nghệ của tỉnh.
- Nâng cao năng lực ứng dụng khoa học và công nghệ đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý theo hướng đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học công nghệ.
4. Giải pháp về cơ chế, chính sách:
4.1. Đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư:
- Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích trong việc thuê đất, sử dụng đất thực hiện dự án. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng; có cơ chế phối hợp cụ thể trong quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo hài hòa giữa quốc phòng và phát triển kinh tế.
- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư để thu hút các nguồn đầu tư ngoài tỉnh, ODA, FDI. Ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư phù hợp cho một số địa bàn.
- Ban hành các chính sách kích cầu để khuyến khích nhân dân đầu tư công sức và vốn vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
4.2. Hỗ trợ phát triển các ngành:
Tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, như hỗ trợ công tác khuyến nông, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin thị trường, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn.
Hỗ trợ hình thành và phát triển những ngành công nghiệp mới của tỉnh, những ngành có khả năng tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, nhất là công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, truyền thông và các lĩnh vực công nghệ cao khác.
4.3. Củng cố và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm:
Quan tâm mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước. Giảm giá thành, nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường một cách vững chắc, quan tâm hơn nữa việc tạo dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa có tiềm năng phát triển. Nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa của nông dân. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tìm kiếm phát triển thị trường.
4.4. Cải cách hành chính:
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc công tác cải cách hành chính. Thực hiện tốt việc phân công, phân cấp. Cải cách hành chính gắn với thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, cải cách hành chính đồng bộ ở tất cả các ngành, các cấp và các nội dung, trước hết tập trung cải cách thể chế hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.
4.5. Tăng cường hợp tác với các tỉnh và các nước trong khu vực:
Tăng cường hợp tác với Hà Nội về du lịch và công nghiệp hướng về xuất khẩu như: dệt may, điện tử. Đẩy mạnh hợp tác với Thanh Hóa về công nghiệp hóa dầu sau khi đưa vào vận hành khu lọc dầu Nghi Sơn. Nghiên cứu khả năng hợp tác với Hà Tĩnh trong phát triển các ngành cơ khí, chế tạo sử dụng công nghiệp khai thác, luyện kim của Hà Tĩnh. Phát triển công nghiệp phụ trợ cung cấp bán thành phẩm cho một số tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng, cả cấp đại học, cao đẳng và dạy nghề.
Đẩy mạnh hợp tác với các nước bạn Lào, Thái Lan về du lịch, vận tải biển.
5. Dự kiến danh mục các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư (như phụ lục kèm theo).
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH:
- Sau khi quy hoạch được phê duyệt, tiến hành công bố rộng rãi, tuyên truyền, quảng bá, thu hút sự chú ý của toàn dân, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để huy động tham gia thực hiện quy hoạch.
- Xây dựng quy hoạch phát triển của các ngành và lĩnh vực, các quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành phố, thị xã.
- Triển khai quy hoạch bằng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Kế hoạch hàng năm phải bám vào các mục tiêu quy hoạch đã được duyệt và các chỉ tiêu đặt ra trong từng thời kỳ.
- Giám sát, kiểm tra việc thực hiện đầu tư phát triển theo quy hoạch. Tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành và địa phương trong việc thực hiện quy hoạch. Cuối mỗi kỳ quy hoạch tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch của từng thời kỳ, bổ sung và điều chỉnh lại mục tiêu của kỳ tới cho phù hợp với tình hình thực tế.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành nâng cao hơn nữa hiệu lực chỉ đạo, điều hành, đổi mới và cải tiến phương pháp tổ chức nhằm thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra trong quy hoạch. Trong quá trình thực hiện, nếu có những phát sinh cần điều chỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thường trực, các Ban và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử trong việc giám sát thực hiện Nghị quyết này.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh nhà phát huy tính năng động, sáng tạo, gương mẫu, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, khai thác tốt mọi nguồn lực, vượt qua khó khăn, thử thách phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu của quy hoạch để đưa Nghệ An phát triển, trở thành một trong những tỉnh khá của cả nước.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15 tháng 12 năm 2006./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Nghị quyết 123/2014/NQ-HĐND điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020
- 2 Nghị quyết 165/NQ-HĐND năm 2015 xử lý kết quả rà soát Nghị quyết quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành từ ngày 31/12/2014 trở về trước đang còn hiệu lực thi hành
- 3 Quyết định 814/QĐ-UBND năm 2016 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành hết hiệu lực thi hành toàn bộ hoặc một phần
- 4 Quyết định 814/QĐ-UBND năm 2016 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành hết hiệu lực thi hành toàn bộ hoặc một phần
- 1 Nghị quyết 194/NQ-HĐND17 năm 2015 phê duyệt danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa và dự án thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 2 Nghị quyết 79/2015/NQ-HĐND bổ sung danh mục công trình, dự án sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; danh mục công trình, dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng thực hiện năm 2015 và danh mục công trình phải cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2015 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 3 Nghị quyết 02/NQ-HĐND năm 2015 bổ sung Danh mục dự án cần thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia, công cộng kèm theo Nghị Quyết 38/NQ-HĐND năm 2014 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 4 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Nghị quyết 123/2014/NQ-HĐND điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020
- 2 Nghị quyết 165/NQ-HĐND năm 2015 xử lý kết quả rà soát Nghị quyết quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành từ ngày 31/12/2014 trở về trước đang còn hiệu lực thi hành
- 3 Nghị quyết 79/2015/NQ-HĐND bổ sung danh mục công trình, dự án sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; danh mục công trình, dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng thực hiện năm 2015 và danh mục công trình phải cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2015 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 4 Nghị quyết 02/NQ-HĐND năm 2015 bổ sung Danh mục dự án cần thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia, công cộng kèm theo Nghị Quyết 38/NQ-HĐND năm 2014 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 5 Nghị quyết 194/NQ-HĐND17 năm 2015 phê duyệt danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa và dự án thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 6 Quyết định 814/QĐ-UBND năm 2016 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành hết hiệu lực thi hành toàn bộ hoặc một phần