Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 181/NQ-HĐND

Kiên Giang, ngày 28 tháng 12 năm 2023

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH KIÊN GIANG NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Trên cơ sở Báo cáo số 596/BC-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang năm 2024

1. Mục tiêu tổng quát

a) Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của cả nước theo các kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ.

b) Triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở phát huy sức mạnh toàn dân, huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

c) Đẩy mạnh phát triển kinh tế số và xã hội số; Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo chuyển biến mang tính đột phá trong việc cải thiện hình ảnh của tỉnh với nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

d) Tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông đảm bảo theo kế hoạch. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; phấn đấu hoàn thành các dự án trọng điểm đưa vào khai thác, nhất là các dự án phát triển hạ tầng thiết yếu như: giao thông, y tế, giáo dục, du lịch,... gắn việc phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế.

đ) Triển khai hiệu quả đề án nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng thu hút, đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn phù hợp cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từng bước nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế của tỉnh.

e) Phát triển kinh tế du lịch, tăng cường công tác xúc tiến, nghiên cứu đề xuất các mô hình du lịch phù hợp với tỉnh. Nghiên cứu phát triển kinh tế ban đêm tại các địa bàn phù hợp. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

g) Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần Nhân dân; thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh,.. kết hợp xây dựng các chương trình nghệ thuật đặc sắc, quảng bá cho văn hóa, lịch sử, truyền thống và hỗ trợ sự phát triển cho ngành du lịch. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

(1) Tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% trở lên.

(2) GRDP bình quân đầu người đạt 81,6 triệu đồng/người.

(3) Cơ cấu kinh tế:

+ Nông - lâm - thủy sản: 35,43%;

+ Công nghiệp - xây dựng: 20,82%;

+ Dịch vụ: 38,87%;

+ Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: 4,88%;

(4) Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành Nông lâm thủy sản đạt 1,52% trở lên.

(5) Tốc độ tăng giá trị sản xuất Công nghiệp tăng 10% trở lên;

(6) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12% trở lên. Thu hút 9,2 triệu lượt khách đến tham quan du lịch. Tổng doanh thu đạt 16.900 tỷ đồng.

(7) Tổng thu ngân sách 16.906 tỷ đồng.

(8) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 45.000 tỷ đồng;

(9) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 36,3%.

(10) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 58%.

(11) Tỷ lệ huy động học sinh từ 6-14 tuổi đến trường đạt từ 97% trở lên.

(12) Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trên 95%.

(13) Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 10,14.

(14) Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 33,2 (không bao gồm giường trạm y tế).

(15) Giải quyết việc làm cho 35.000 lượt lao động.

(16) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52%.

(17) Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều duy trì dưới 2%.

(18) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,5%;

(19) Thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới; công nhận thêm 12 xã nông thôn mới nâng cao và 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

(20) Thêm 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới[1].

(21) Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 89,38%.

(22) Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 64,6%.

(23) Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải y tế đạt 98%.

(24) Tỷ lệ che phủ rừng duy trì 11% trở lên.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

a) Tập trung thực hiện các chính sách góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững.

- Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen; chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử dịch vụ công trực tuyến, thanh toán qua ngân hàng, triển khai hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.

- Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách địa phương theo hướng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách địa phương; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững, an ninh, an toàn tài chính địa phương. Quản lý chặt chẽ các khoản chi thường xuyên, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng.

b) Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh

- Thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước 5 năm giai đoạn 2021-2025; Chương trình chuyển đổi số quốc gia phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh. Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình kết nối, liên thông cổng dịch vụ công Quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Cổng Dịch vụ công quốc gia. Công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi đến người dân, doanh nghiệp để kêu gọi thu hút đầu tư. Cải cách các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, giao thông,… nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng và thuận lợi.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên cập nhật công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2023 về nâng cao chỉ số chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang năm 2023 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2022 của UBND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025; Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2024; Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2024. Tiếp tục phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã theo hướng đa dịch vụ. Củng cố, kiện toàn các hợp tác xã đủ mạnh để thực hiện tốt vai trò tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

c) Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án, kế hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới[2]. Tập trung tái cơ cấu quy mô sản xuất, xây dựng các vùng chuyên canh, các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và lộ trình thực hiện theo các ngành hàng chủ lực của tỉnh (trọng tâm là lúa và thủy sản, đặc biệt là phát triển mô hình lúa hữu cơ - tôm) tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương... Duy trì ổn định sản lượng lúa và sản xuất lúa có chất lượng cao, sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, theo chuỗi giá trị, theo hướng an toàn bền vững, an toàn, hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với du lịch sinh thái, nhất là lồng ghép sản phẩm của địa phương. Tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây màu, cây ăn quả, với một số cây chủ lực phù hợp với các địa phương như: khóm, cây ăn quả các loại…tăng cường chuyển giao giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị vào sản xuất. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả, bền vững; áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ; triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất, các hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản hiệu quả, tiên tiến.

- Khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại; chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Triển khai có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu đàn chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài vật nuôi có giá trị, có thị trường tiêu thụ gắn với triển khai thực hiện hiệu quả “Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 tỉnh Kiên Giang”. Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ.

- Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, đảm bảo cơ cấu phù hợp ổn định giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Trong đó, phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, với các sản phẩm chủ lực theo nhu cầu của thị trường phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái; hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô, diện tích lớn phù hợp với nhu cầu của thị trường, tạo sản phẩm hàng hóa lớn phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh phát triển nuôi ven biển, ven đảo và xa khơi, một số đối tượng nuôi có tiềm năng lớn và có giá trị kinh tế cao như: cá bớp, cá bống, ngọc trai, rong sụn... thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. Tiếp tục cơ cấu lại đội tàu, giảm áp lực khai thác ven bờ, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng ven biển và vùng lộng. Đầu tư hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản; hướng dẫn việc quản lý khai thác thủy sản theo đúng quy định trong nước và phù hợp với các quy định theo thông lệ quốc tế nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác trái phép, không đăng ký, không khai báo, thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

- Tăng cường bảo vệ diện tích rừng hiện có, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, chặt phá rừng ven biển, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Đẩy mạnh trồng rừng trên đất bãi bồi ven biển góp phần chống sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu phát triển, trồng tái tạo các loài cây bản địa, góp phần nâng cao độ che phủ rừng và chất lượng rừng. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững. Tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao làm cơ sở từng bước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao chất lượng đời sống khu vực nông thôn, vùng ven biển và hải đảo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gắn với mô hình hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm, khôi phục, công nhận và phát triển thêm một số làng nghề truyền thống.

- Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ về đầu tư, vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, nhất là trong khu vực chế biến, chế tạo. Rà soát tình hình đầu tư của các dự án công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án có giá trị gia tăng cao; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án sớm đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới, tạo dư địa cho tăng trưởng. Đẩy nhanh thực hiện hoàn chỉnh các thủ tục về quy hoạch và ưu tiên phát triển các nhà máy chế biến sâu về nông sản, thủy sản ngay tại vùng nguyên liệu sẵn có, gắn với quy hoạch đồng bộ phát triển vùng nguyên liệu, nhất là vùng nuôi biển, nuôi tôm công nghiệp, trong đó, đảm bảo đầu tư và hoàn thành một số dự án để bù đắp phần giá trị bị thiếu hụt từ những dự án triển khai chậm hoặc không có khả năng triển khai trong kỳ kế hoạch. Tăng cường xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, gắn với thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, giao thương kết nối xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.

- Thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP,... tham gia các hoạt động, chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm... trong và ngoài nước, đặc biệt là tham gia sàn thương mại điện tử Kiên Giang để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2023 về thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030 để mở rộng thị trường và mở rộng xuất khẩu. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thông tin kịp thời những nội dung của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm giúp doanh nghiệp khai thác, tận dụng những cơ hội mở rộng thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá theo Kế hoạch số 256/KH-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2023 thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, nhất là các mặt hàng thiết yếu và xăng dầu.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Cơ cấu lại ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Đề án phát triển du lịch cộng đồng, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP; phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, đưa vào khai thác các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, sản phẩm truyền thống gắn với phát triển và phục vụ du lịch. Tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm đến các khu, điểm du lịch.

- Khảo sát công nhận thêm các khu, điểm du lịch đáp ứng đủ điều kiện để tạo điểm nhấn phục vụ du khách đến Kiên Giang tham quan, trải nghiệm, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành khai thác các điểm du lịch, sản phẩm dịch vụ du lịch mới. Triển khai các giải pháp, chương trình kích cầu du lịch, nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hình thành, phát triển các tour du lịch mới kết nối Kiên Giang với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Ứng dụng hệ thống tích hợp video thực tế ảo để quảng bá hình ảnh du lịch, hệ thống mua vé trực tuyến, ứng dụng di động (mobile app). Nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng, nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Triển khai xúc tiến, quảng bá hợp tác phát triển du lịch tại các thị trường trọng điểm du lịch trong và ngoài nước như: Ấn Độ, Vương Quốc Anh, thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai... Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm, thí điểm tại một số địa phương, địa bàn các mô hình kinh tế ban đêm phù hợp để đầu tư phát triển.

- Tiếp tục nghiên cứu mở tuyến vận tải ven biển Việt Nam - Campuchia -Thái Lan. Phát triển đội tàu biển để kết nối giao thông vận tải giữa đất liền với các huyện đảo; phát triển giao thông vận tải biển kết nối với các nước trong khu vực như: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển, khai thác có hiệu quả tiềm năng du dịch biển. Tập trung xây dựng Đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia và Dự án Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Kiên Giang - giai đoạn 2.

d) Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm, có tính liên kết vùng

- Tập trung xây dựng đồng bộ, từng bước hoàn chỉnh và hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành trung ương triển khai các công trình, dự án trong Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long , gồm: Dự án đường bộ ven biển kết nối tỉnh Kiên Giang với tỉnh Cà Mau; nâng cấp, mở rộng đường ĐT.963 đoạn QL80 - Vị Thanh qua huyện Tân Hiệp và huyện Giồng Riềng nối huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ,... Tổ chức xây dựng bến thủy Xẻo Nhàu, Luỳnh Huỳnh quy mô cảng tổng hợp và các bến, cảng du lịch tại các huyện đảo Kiên Lương và Hòn Tre. Tiếp tục kiến nghị Trung ương đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá và cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Xây dựng hoàn thành Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc; nâng cấp, mở rộng cảng Bãi Vòng, cảng Rạch Giá; xây dựng cảng tổng hợp tại Mũi Đất Đỏ, cảng Vịnh Đầm - Phú Quốc, cảng Hòn Chông,...

- Thực hiện Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đầu tư phát triển giao thông nông thôn; năm 2024 dự kiến đầu tư xây dựng mới 270km và nâng cấp, mở rộng 260km với tổng các nguồn dự kiến bố trí 493 tỷ đồng. Nâng tổng số chiều dài đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh lên 7.353km/9565km, đạt 76,8% số km đường giao thông nông thôn được quy hoạch.

- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, sớm đưa quy hoạch vào triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi thu hút, kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tranh thủ và huy động các nguồn vốn để triển khai dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Thạnh Lộc 2, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Xẻo Rô. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư của các dự án thứ cấp trong cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam - giai đoạn 1, để đảm bảo lấp đầy trên 60%, làm cơ sở kêu gọi và triển khai đầu tư cụm công nghiệp Cái Tư, huyện Gò Quao.

- Tiếp tục thu hút đầu tư, nhất là các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, xử lý nước thải, rác thải, cấp nước sinh hoạt,... Ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án FDI, dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

đ) Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ

- Thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích đào tạo, đào tạo lại, thu hút nhân tài và nâng cao thu nhập nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhất là đối với khu vực, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo. Thực hiện tốt công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học; quan tâm đầu tư trường đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình quy định.

- Tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tập trung, từng bước đào tạo tiếp cận với trình độ các nước trong khu vực và thế giới.

- Đẩy mạnh việc triển khai nhân rộng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ đã được đánh giá, nghiệm thu đạt kết quả cao vào sản xuất và đời sống; đảm bảo các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng vào thực tiễn từ 75% trở lên. Thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hợp tác công - tư cho phát triển khoa học và công nghệ. Tăng cường hoạt động hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế; đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ trong sản xuất.

- Phấn đấu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội đạt 15,3% (trong đó: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 12,44%; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 2,59%); Tỷ lệ bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,1%. Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám và điều trị bệnh. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại nâng cao trình độ chuyên môn, y đức cho đội ngũ cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở để đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng.

e) Chú trọng chăm lo phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội

- Tiếp tục chăm lo phát triển văn hóa thể thao, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, gia đình văn hóa. Huy động, sử dụng tốt nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa cơ sở; xây dựng một số công trình văn hóa trung tâm tạo điểm nhấn tại các đô thị lớn như: xây dựng hoàn thành công trình tượng đài Bác Hồ tại Phú Quốc; Trung tâm Triển lãm nghệ thuật và Bảo tồn di sản văn hóa. Đầu tư nâng cấp, tôn tạo, bảo vệ các di tích văn hóa, lịch sử, di tích cách mạng và các danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng; ưu tiên phát triển thể thao thành tích cao; kết hợp xây dựng hệ thống các sân bãi tập luyện; có chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa công năng nhà thi đấu đa năng và các cơ sở vật chất hiện có, phục vụ tập luyện, thi đấu và dịch vụ.

- Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học năm học 2022-2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tích cực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình mục tiêu Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Xây dựng kế hoạch điều chỉnh giáo viên thừa - thiếu cục bộ gắn với việc tinh giản biên chế; Tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá đội ngũ nhà giáo; đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện công tác rà soát, đánh giá, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phù hợp với năng lực chuyên môn và thực tiễn từng đơn vị. Tăng cường đảm bảo an ninh trường học, phòng chống bạo lực học đường.

- Nâng cao chất lượng công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; gắn với kết nối hệ thống thông tin thị trường lao động của tỉnh với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm; triển khai sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm tại các địa phương trong tỉnh.

- Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, chi trả trợ cấp kịp thời chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Huy động nguồn lực xã hội, phát triển các hình thức trợ giúp để tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế vượt qua hoàn cảnh, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phù hợp với trẻ em, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện các chương trình, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống tệ nạn xã hội.

- Tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hỗ trợ, khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; tổ chức tốt các Lễ, Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số; đảm bảo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc.

g) Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai

- Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản; rà soát, định hướng cho việc cung cấp, đáp ứng yêu cầu về vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm của tỉnh, trong đó có các đường cao tốc theo chủ trương của Chính phủ. Tăng cường giám sát và kiểm soát các chất thải gây ô nhiễm môi trường; xử lý các chất thải y tế và các chất thải độc hại đúng quy trình, nhân rộng việc phân loại rác tại nguồn theo quy định.

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn, xói lỡ bờ sông, bờ biển,…) để phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung xây dựng Đề án phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển Quốc gia.

h) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 thật sự hiệu quả; đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao các chỉ số đo lường công tác chỉ đạo, điều hành của cấp chính quyền địa phương. Xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Tiếp tục sắp xếp bộ máy nhà nước và kiện toàn tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

- Tiếp tục cải cách hành chính tư pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp, thi hành án. Thực hiện tốt Luật Tiếp công dân; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đối với pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Nhân dân ở xã, phường, thị trấn để giảm lượng đơn thư khiếu nại sai, vượt cấp.

i) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế

- Giữ vững quốc phòng - an ninh, tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình, chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phát sinh, không để bị động bất ngờ. Đảm bảo công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu giao.

- Thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trên biên giới, vùng biển. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động đối ngoại với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại và xây dựng năng lực cạnh tranh phù hợp trong tình hình mới.

k) Đẩy mạnh công tác thông tin, báo chí, truyền thông

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội, qua các cơ quan Báo, Đài trong và ngoài tỉnh.

- Tăng cường ứng dụng, tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên hệ thống Văn phòng điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trong gửi nhận văn bản điện tử và tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm tăng tỷ lệ số hóa hồ sơ và trả kết quả điện tử cho người dân, doanh nghiệp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Các cơ quan nhà nước phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.

4. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang khóa X, Kỳ họp thứ Hai mươi thông qua ngày 26 tháng 12 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày ký./.

CHỦ TỊCH




Mai Văn Huỳnh



[1] Huyện An Minh, huyện Kiên Hải.

[2] Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Đề án sản xuất giống nông - lâm - thủy sản; Đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030;…