Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2013/NQ-HĐND

 Yên Bái, ngày 18 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2014

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVII - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Trên cơ sở xem xét báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã nêu trong Báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành hữu quan.

Đánh giá chung:

Năm 2013, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, giám sát có hiệu quả của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự điều hành tập trung, linh hoạt, có hiệu quả của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kết thúc năm 2013 dự ước 32/33 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 16 chỉ tiêu vượt kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,2%; thu cân đối ngân sách vượt dự toán; đến nay đã có 10 xã đạt 10 tiêu chí, 60 xã đạt 5 tiêu chí nông thôn mới; Đề án phát triển giao thông nông thôn được nhân dân đồng tình ủng hộ, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2013. Kinh tế đối ngoại và thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả; hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển; kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn được ưu tiên và thu được nhiều kết quả; lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta nhận thấy vẫn còn một số tồn tại hạn chế: Thu nhập bình quân trên đầu người dự ước đạt được 20,14 triệu đồng so với bình quân chung cả nước còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; một số chỉ tiêu trong sản xuất nông, lâm nghiệp không đạt kế hoạch và giảm so với những năm trước; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chưa đủ mạnh; một số nhiệm vụ trong xây dựng chính sách còn chậm so với yêu cầu quản lý; tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính chưa đạt kết quả mong muốn; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm; chỉ đạo, điều hành ở một số địa phương, đơn vị thiếu chủ động và quyết liệt; còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức năng lực hạn chế, chưa nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ…

Điều 2. Thống nhất mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2014, cụ thể như sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Duy trì tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung phát triển công nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông; đầu tư xây dựng các xã theo tiêu chí nông thôn mới. Mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường quốc phòng, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Các chỉ tiêu về kinh tế

1- Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (giá SS 2010) 11%, trong đó: Nông, lâm nghiệp 5,0%; Công nghiệp - Xây dựng 12,3%; Dịch vụ 14,6%.

2- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân đầu người 23 triệu đồng.

3- Tổng sản lượng lương thực có hạt 274.500 tấn, trong đó thóc 195.000 tấn.

4- Sản lượng chè búp tươi 85.000 tấn.

5- Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính 28.000 tấn; Tổng đàn gia súc chính tăng 4%.

6- Trồng mới rừng 15.000 ha.

7- Tổng số xã đạt từ 5 tiêu chí nông thôn mới trở lên là 70 xã; Số xã đạt từ 10 tiêu chí nông thôn trở lên là 15 xã.

8- Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7% so với năm 2013. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 7.000 tỷ đồng.

9- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10.300 tỷ đồng.

10- Kim ngạch xuất khẩu trực tiếp 49 triệu USD.

11- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 1.155 tỷ đồng, trong đó: thu cân đối ngân sách 1.070 tỷ đồng.

12- Tổng vốn đầu tư phát triển 8.950 tỷ đồng.

b) Các chỉ tiêu về xã hội

13- Tạo việc làm mới cho 17.500 lao động.

14- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 42,6%.

15- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% so với năm 2013, riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm 6% so với năm 2013.

16- Tổng số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là 171.

17- Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia 178 trường.

18- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 19,8%.

19- Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng 98,5%.

20- Tỷ lệ dân số mắc bệnh sốt rét 0,059%.

21- Tỷ lệ dân số mắc bệnh bướu cổ 6,2%.

22- Mức giảm tỷ lệ sinh 0,2%0. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 12%0.

23- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 82,5%.

24- Tổng số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 42.

25- Mật độ điện thoại 61,5 máy/100 dân.

26- Tỷ lệ dân số được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, xem Truyền hình Việt Nam 93%.

27- Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa 69%.

28- Tỷ lệ làng, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa 47%.

29- Tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa 76%.

c) Các chỉ tiêu về môi trường

30- Tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 82%.

31- Tỷ lệ dân cư đô thị được dùng nước sạch 74%.

32- Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh 53,2%.

33- Tỷ lệ che phủ rừng 61,2%.

Điều 3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Triển khai thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020. Trong quý I/2014 phải xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động tái cơ cấu theo lĩnh vực, ngành hoặc vùng thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được giao.

2. Triển khai thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, trong quý I/2014 phải thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu; xây dựng kế hoạch hành động chi tiết triển khai thực hiện Đề án: xác định rõ mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020; xác định nhiệm vụ chủ yếu đối với từng lĩnh vực cụ thể; đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững. Phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, kết hợp chăn nuôi trang trại và hộ gia đình. Đẩy nhanh tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp; trồng rừng, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên rừng. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, các chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Chủ động phòng chống bão lũ, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.

3. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu và chế biến những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh, phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, giao thông nông thôn, thủy lợi, y tế, giáo dục...

Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm bố trí vốn tập trung, không dàn trải. Tăng cường vận động, thu hút đầu tư cho các dự án trọng điểm của tỉnh; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, các nguồn vốn nước ngoài; chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản.

4. Thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát thị trường và giá cả hàng hóa; đảm bảo lưu thông hàng hóa, ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, các mặt hàng chính sách phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Khai thác các tuyến du lịch truyền thống, khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính viễn thông, vận tải, tài chính, ngân hàng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác.

5. Đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước; chống thất thu thuế, nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2014. Thực hiện cơ cấu chi ngân sách theo hướng ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, cải cách chế độ tiền lương, các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững; tiết kiệm chi, chống lãng phí, tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân sản xuất – kinh doanh, hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

6. Về phát triển văn hóa - xã hội:

Triển khai thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án, kế hoạch, chính sách để phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục đào tạo. Nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học, bậc học. Tiếp tục rà soát, sắp xếp về hợp lý về quy mô, mạng lưới trường lớp, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức và công tác tuyển dụng, hợp đồng lao động ngành giáo dục và đào tạo. Chú trọng phát triển giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục chất lượng cao.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh, phòng chống thiên tai. Củng cố mạng lưới y tế cơ sở; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về lĩnh vực y tế, dân số. Tăng cường kiểm tra, giám sát về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực y tế.

 Triển khai có chất lượng, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, việc làm, đào tạo nghề, bảo trợ xã hội và xóa đói giảm nghèo bền vững. Chú trọng nâng cao năng lực xoá đói giảm nghèo cho người dân, tập trung vào vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đầu tư phát triển hệ thống dạy nghề, chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với người có công và các đối tượng chính sách khác.

Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin tuyên truyền, dịch vụ viễn thông; duy trì và phát triển các hoạt động báo chí, phát thanh truyền hình, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

7. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020. Tập trung vào các đề tài khoa học mới, có tính ứng dụng cao, nhất là chuyển giao ứng dụng giống mới, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ.

8. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; hiện đại hóa nền hành chính nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định của pháp luật.

 9. Tăng cường công tác an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Thực hiện các chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy. Tổ chức tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, dân tộc; xử lý kịp thời, có hiệu quả các vấn đề nảy sinh.

10. Tổ chức phối hợp tốt giữa Ủy ban nhân dân với Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp trong quá trình lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Tăng cường phân công, phân cấp, bảo đảm cho các ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Phát huy dân chủ trong hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp, vai trò trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, gắn với tăng cường trách nhiệm của các thành viên, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Điều 4. Tổ chức thực hiện.

1. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, điều hành các cấp, các ngành tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014.

2. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, các Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVII - Kỳ họp thứ 9 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Dương Văn Thống