Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 203/2007/NQ-HĐND

Vinh, ngày 14 tháng 12 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ NĂM 2008

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về "Tình hình kinh tế – xã hội năm 2007 và kế hoạch phát triển năm 2008", báo cáo thẩm tra của các Ban và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành với những nội dung đánh giá thực hiện nhiệm vụ năm 2007, phương hướng nhiệm vụ năm 2008 với các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2007.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn khách quan như: thời tiết diễn biến phức tạp (nắng hạn, lụt bão), dịch bệnh gia súc, gia cầm, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… nhưng tình hình kinh tế - xã hội năm 2007 của tỉnh tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá cao, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước đạt 10,5%. Tổng sản lượng lương thực đạt 1,053 triệu tấn. Công nghiệp - Xây dựng, dịch vụ tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu tăng 34,02% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.010 tỷ đồng. Một số lĩnh vực Văn hoá - xã hội có tiến bộ, công tác xoá đói giảm nghèo đạt kết quả tốt, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đạt được những kết quả nêu trên, trước hết là sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh; sự điều hành tích cực của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, các địa phương; sự giám sát thường xuyên của các cơ quan dân cử, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh uỷ, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội năm 2007 còn những hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế mới đạt ngưỡng dưới của kế hoạch đề ra, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm; một số khoản thu ngân sách chưa đạt kế hoạch; tiến độ xây dựng một số công trình xây dựng cơ bản còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, đặc biệt công trình trái phiếu Chính phủ; công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều yếu kém, một số dự án trọng điểm tiến độ rất chậm. Tệ nạn ma tuý, tình hình an ninh biên giới, an ninh nông thôn còn diễn biến phức tạp. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành chưa thật quyết liệt.

II. CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI CHỦ YẾU NĂM 2008.

1. Chỉ tiêu kinh tế:

-Tốc độ tăng trưởng Tổng SP trong tỉnh (GDP) : 11,0 - 12, 0%.

+ Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng: 5, 0% - 5,5%

+ Giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng  ăng: 19% - 20%

Trong đó: giá trị sản xuất công nghiệp tăng : 18% - 19%

+ Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng: 11,5% - 12,5%

- Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm ngư nghiệp: 29,32%; Công nghiệp - Xây dựng: 33,64%; Dịch vụ: 37, 04%

- Thu ngân sách : 2.188 tỷ đồng

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng: 20% - 21%

- Tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội: 17.000 - 18.000 tỷ đồng

- Sản lượng lương thực 1, 0 triệu tấn

2. Chỉ tiêu xã hội:

- Mức giảm tỷ lệ sinh : 0,4%o - 0,5%o

- Tỷ lệ hộ nghèo :  18%

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng: 23,5%

- Số trường đạt chuẩn quốc gia 500 trường

- Tạo việc làm 32.000 - 34.000 người; Xuất khẩu lao động 10.000 người

- Tỷ lệ lao động được đào tạo: 36%.

Trong đó: Tỷ lệ đào tạo nghề 24,5%

- Số huyện đạt chuẩn phổ cập THCS: 19/19

- Xã chuẩn quốc gia về y tế: 55%

- Tỷ lệ trạm xá xã có Bác sỹ: 85%

- Tỷ lệ gia đình văn hóa : 75%

3. Chỉ tiêu môi trường:

- Tỷ lệ dân được dùng nước hợp vệ sinh: 79%

- Tỷ lệ hộ nông thôn có công trình vệ sinh hợp vệ sinh: 60%

- Tỷ lệ che phủ rừng:  50%

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU.

1. Tiếp tục đổi mới chính sách và tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tốc độ phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế.

a) Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp

Ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu và thâm canh nông nghiệp; chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến bằng các phương án cụ thể cho từng cây, từng con: chè, mía, dứa, sắn, lạc, vừng, cà phê, cao su, nguyên liệu giấy, lợn, bò, tôm, cá. Tổ chức giao ban vùng gắn với thời vụ để chỉ đạo kịp thời theo chương trình, dự án phát triển đã được phê duyệt.

Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Thực hiện đề án cải tạo rừng nghèo thành rừng giàu đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Phát triển các dịch vụ kỷ thuật để tăng hiệu quả nuôi trồng và khai thác. Mở rộng diện tích đi đôi với đầu tư thâm canh nuôi tôm, cua xuất khẩu vùng ven biển.

Lập bản đồ để phòng chống bão lụt, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng, phòng chống thiên tai.

b) Sản xuất công nghiệp:

Khuyến khích phát triển mạnh sản xuất công nghiệp gắn với nâng cao chất lượng. Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh.Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong chương trình hội nhập WTO.

Tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất hiện có, phát huy công suất tối đa, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường đối với các sản phẩm có lợi thế như xi măng, dầu thực vật, gỗ mỹ nghệ, gạch granit, may mặc, sợi, tinh bột sắn, sữa, nước dứa, nước khoáng, đường kính, chè búp khô, thuỷ sản chế biến, bao bì và các sản phẩm có khả năng tăng thêm lớn năm 2008: Giấy kráp, bột đá trắng siêu mịn, bia, dược phẩm, thức ăn gia súc...

Tổ chức giao ban theo nhóm sản phẩm : công nghiệp chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng, hàng xuất khẩu; tăng cường phối hợp ngành hàng, hiệp hội trong chỉ đạo thực hiện.

c) Các ngành dịch vụ:

Tạo bước phát triển mạnh mẽ của khu vực dịch vụ. Mở rộng thị trường hàng hoá trong và ngoài nước. Tăng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trên thị trường xã hội và tăng kim ngạch xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Kiểm soát giá cả.

Triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch 2008-2010. Tạo điều kiện phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đào tạo, y tế, công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, vận tải...

2. Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn vốn gắn với quản lý vốn đầu tư có hiệu quả.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008. Tăng cường giải pháp chỉ đạo từng mục tiêu thu hút đầu tư gắn với thu ngân sách trong Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính, mở rộng thực hiện cơ chế một cửa liên thông: thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư, địa điểm, giao đất, cấp phép xây dựng…

Triển khai ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 8043/ BKH.KCHT ngày 02/10/2007 về danh mục dự án gọi vốn đầu tư theo Hợp đồng BOT, BT tỉnh Nghệ An theo tinh thần Nghị định số 78/NĐ.CP trong quý 1/2008.

Chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch XDCB theo hướng: giao ban tháng, điều chỉnh theo quý (từ quý 3); tăng cường giám sát của cộng đồng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

3. Phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm.

Thực hiện Nghị quyết số: 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006 - 2010. Khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư xây dựng các trường Đại học và Cao đẳng.Triển khai các giải pháp đồng bộ để tạo ra những đột phá về nâng cao chất lượng và hiệu quả của đào tạo nhân lực. Nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo theo nhu cầu của xã hội.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Chú trọng công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở.

Xây dựng chính sách về nhân tài; có cơ chế phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài; khuyến khích phát huy tài năng, đặc biệt là tài năng của lớp trẻ.

Có chính sách giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp bị thu hồi đất sản xuất, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn. Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, tăng nhanh số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

4. Phát triển các lĩnh vực văn hóa- xã hội, khoa học, công nghệ.

Rà soát lại các chỉ tiêu xã hội đạt thấp để tập trung chỉ đạo điều hành từ kế hoạch 2008 nhằm phấn đấu đạt các chỉ tiêu Đại hội XVI vào năm 2010 như: Trạm xá xã có bác sỹ, trường chuẩn quốc gia, thiết chế văn hóa thể thao đồng bộ...Bảo đảm phát triển kinh tế gắn liền với việc giải quyết ngày càng tốt hơn các vấn đề văn hoá, xã hội. Đổi mới cơ chế chính sách, nhất là cơ chế chính sách tài chính để khuyến khích phát triển nhanh sự nghiệp giáo dục đào tạo và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, nâng cao đạo đức nhà giáo. Chú trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá; chất lượng dạy và học.

Làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Phấn đấu để mọi người dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao. Tăng cường các biện pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh phong trào xoá đói giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách người có công và các chính sách xã hội khác.

Tiếp tục thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Củng cố lực lượng thể thao chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ của báo chí trong tỉnh.

Tập trung 9 chương trình KHCN trọng tâm là: Phát triển các loại nông sản hàng hoá, thuỷ sản xuất khẩu; Các đề tài đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm công nghiệp.

5. Tăng cường quốc phòng, an ninh.

Tiếp tục thực hiện NQ 107 của HĐND tỉnh; Chỉ thị số 23 của Tỉnh ủy về “3 yên, 3 giảm”. Đề án 05 của Tỉnh ủy về củng cố hệ thống chính trị vùng giáo, vùng dân tộc; đề án 06 về đấu tranh bảo vệ chính quyền. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chỉ đạo nâng cao chất lượng cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu.

Khẩn trương triển khai các Đề án bảo đảm an ninh quốc gia, và trật tự an toàn xã hội, các dự án phòng thủ, xây dựng công trình quốc phòng; Bảo đảm an ninh kinh tế, tạo môi trường lành mạnh để thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài và ngoại tỉnh. Thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách làm giảm tai nạn giao thông.

6. Công tác quy hoạch, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Năng cao chất lượng công tác quy hoạch. Khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể và triển khai quy hoạch chi tiết Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An theo Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết TW 4 về Chiến lược Biển.

Khẩn trương triển khai quy hoạch tổng thể KT-XH của tỉnh thời kỳ 2006-2020; Triển khai quy hoạch phát triển các ngành, huyện. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2010; Xây dựng quy hoạch nhà ở, quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Kiểm soát chặt chẽ chất thải, nhất là chất thải độc hại. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường. Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là thu gom, xử lý chất thải.

7. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

a) Cải cách hành chính:

Tiếp tục triển khai chương trình cải cách hành chính của tỉnh theo tinh thần Quyết định số 135/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và đôn đốc kiểm tra của các ngành, các cấp. Đánh giá, phân loại khách quan các ngành, các cấp về cải cách hành chính. Phân loại, xử lý số cán bộ công chức không đáp ứng yêu cầu.

Đẩy mạnh công tác thi tuyển công chức, chọn người tài theo hướng chú trọng chuyên môn, nghiệp vụ.

Rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật đang thực hiện để điều chỉnh, bổ sung, thay thế kịp thời đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của các ngành theo quy định của Chính phủ.

Chỉ đạo việc xử lý vướng mắc và xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong quá trình giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chỉ đạo tốt hơn công tác giải phóng mặt bằng tại: Khu kinh tế Đông Nam, các Khu công nghiệp, các dự án đầu tư…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000.

Tăng cường đốc thúc kiểm tra để xử lý kịp thời những vướng mắc trong công các cải cách hành chính.

b) Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí:

Tổ chức thực hiện tốt các nội dung trong chương trình hành động số 07/CTr-TU ngày 07/11/2006 của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TW của BCH TW Đảng khoá X; Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí của UBND tỉnh.

Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí và các cơ quan dân cử. Đề cao trách nhiệm của cấp uỷ Đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường vai trò của Ban chỉ đạo phòng chống, tham nhũng.

Giải quyết tốt đơn thư, khiếu nại tố cáo, mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân. Người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo giải quyết khiếu nại của công dân ở địa phương mình.

8. Xúc tiến chương trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thông tin về WTO. Đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới. Nâng cao chất lượng cạnh tranh hàng hóa và dịch vụ để đảm bảo hội nhập. Rà soát các chính sách của tỉnh để đảm bảo phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế.

9. Rà soát các chỉ tiêu đại hội XVI , đánh giá giữa nhiệm kỳ 2006-2010.

Rà soát lại các chương trình dự án trọng điểm, đánh giá nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết X- Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội XVI tỉnh Đảng bộ.

Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các kết luận, thông báo ý kiến kết luận của Thường trực Tỉnh ủy. Tăng cường kiểm tra các ngành, các cấp việc thực hiện Nghị quyết đại hội XVI tỉnh đảng bộ và Nghị quyết của ngành, cấp mình.

Tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành TW để bổ sung một số chương trình, đề án lớn trong Nghị quyết 01/NQ.TU ngày 26/12/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI cho phù hợp với vận hội mới của đất nước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2008.

Thường trực, các Ban và các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh nhà phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2007, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, khai thác tốt mọi nguồn lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2008.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2007.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Trung