Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2012/NQ-HĐND

Trà Vinh, ngày 08 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2013

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Tỉnh ủy Trà Vinh;

Trên cơ sở xem xét báo cáo của UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan; ý kiến thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2012

Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được một số thành tựu, 13 trong tổng số 20 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Sản lượng lúa vượt kế hoạch và tăng cao so năm 2011, góp phần đảm bảo an ninh lượng thực; một số lĩnh vực đã hồi phục, sản xuất ổn định; thị trường hàng hóa, giá cả ổn định, đảm bảo cung cầu; lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; thu nội địa hoàn thành dự toán trên giao; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; tình hình quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định

Tuy nhiên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Tốc độ tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra và ở mức thấp so năm 2011. Khó khăn về tài chính, tín dụng của doanh nghiệp tuy có khắc phục, nhất là từ khi có Nghị quyết số 13 của Chính phủ, nhưng việc tiếp cận của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn; một số mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, than, điện... tăng giá, làm giá đầu vào của nhiều ngành hàng tăng, cước vận chuyển tăng, nên chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng. Năng lực sản xuất nền kinh tế tỉnh tuy được bổ sung thông qua các dự án đầu tư mới triển khai, nhưng số doanh nghiệp giải thể từ đầu năm nhiều hơn, vẫn còn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, có nguy cơ phá sản. Một số nhà đầu tư không triển khai dự án như cam kết với tỉnh. Biến động của nền kinh tế thế giới có tác động trực tiếp đối với nền kinh tế của tỉnh, cụ thể là xuất khẩu thuỷ sản và các sản phẩm từ cây dừa giảm mạnh. Tiến độ thi công và giải ngân các nguồn vốn chậm so với kế hoạch được giao, nhiều công trình phải thay đổi nhà thầu. Mức thu viện phí tăng, ảnh hưởng không nhỏ đời sống nhân dân trong điều kiện giá tăng, thu nhập bấp bênh. Tệ nạn trộm cắp, mất trật tự ở nông thôn đang nổi lên. Việc phối hợp giữa các ngành, địa phương trong một số lĩnh vực chưa tốt, còn đùn đẩy trách nhiệm. Công tác cung cấp thông tin, báo cáo chưa được thực hiện nghiêm.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2013

1. Mục tiêu:

Nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với ổn định đời sống và việc làm của người lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, góp phần ổn định kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2012, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Các chỉ tiêu kinh tế

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013 như sau:

- Tổng giá trị GDP tăng 10,5% so năm 2012.

- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 7.300 tỷ đồng, tăng 8,9% so năm 2012.

- Thu nội địa 1.057 tỷ đồng, tăng 27,8% so năm 2012; thu xổ số kiến thiết 350 tỷ đồng, tăng 9,4% so năm 2012.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu 280 triệu USD, tăng 7,7% so năm 2012. b) Các chỉ tiêu xã hội

- Tỷ lệ sinh giảm 0,3%0; tốc độ tăng dân số tự nhiên 1,1%.

- Tạo việc làm mới cho 22.000 lao động, trong đó đưa 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi: Tiểu học đạt 99,3%; trung học cơ sở đạt 93%; trung học phổ thông đạt 66%.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%, trong đồng bào dân tộc Khmer giảm 4%.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm 1,5%.

- Số giường bệnh/10.000 dân: 16,4 giường(1); số bác sĩ/10.000 dân: 5,2 bác sĩ.

- Có thêm 3 - 4 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa.

- Trong 17 xã điểm nông thôn mới, hoàn thành 2 xã (xã Long Đức - thành phố Trà Vinh, xã Phú Cần - huyện Tiểu Cần), các xã còn lại hoàn thành từ 3 tiêu chí quốc gia xây dựng xã nông thôn mới trở lên.

- Tỷ lệ hộ được dùng điện đạt 97,4%.

- Xây dựng 500 căn nhà tình nghĩa. c) Các chỉ tiêu môi trường

- Cung cấp nước hợp vệ sinh cho 72,1% dân số nông thôn, 95,7% dân số đô thị.

- Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 90%

- Tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế 100%

- Tỷ lệ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng 76%

- Tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2013 đạt 42,98% (độ che phủ rừng toàn tỉnh 3,27%).

d) Chỉ tiêu quốc phòng - an ninh

- Hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân, huấn luyện, diễn tập; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đủ số lượng biên chế theo quy định.

- Xây dựng, củng cố 95% trở lên xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng - an ninh.

- Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phấn đấu huy động khoảng 7.300 tỷ đồng, chiếm 31,4% GDP, tăng 8,9% so năm 2012. Tập trung vốn đầu tư các công trình, dự án bức xúc; ưu tiên đầu tư các công trình, dự án lớn như phòng chống thiên tai, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và các công trình hoàn thành trong năm 2013. Khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu

(1) Dự kiến tăng 200 giường (Bệnh viện tuyến tỉnh).

tư vào sản xuất kinh doanh, đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường rà soát, kiểm tra quá trình thi công nâng cao chất lượng công trình. Tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư đúng quy trình, rút ngắn thời gian lập dự án, thẩm định hồ sơ… để đảm bảo tiến độ; thực hiện đúng kế hoạch vốn được giao. Thực hiện tốt các giải pháp, nhằm giải ngân nhanh vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn trái phiếu chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả, đúng quy định; tổng kết các chương trình, đề án thuộc ngành, lĩnh vực. Quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn ODA; thu hút có chọn lọc các dự án FDI. Tích cực hỗ trợ, phối hợp các ngành Trung ương triển khai thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

2. Tập trung thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng lúa; áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Khuyến khích tập trung ruộng đất, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hoá, nhất là thực hiện quy hoạch vùng lúa chất lượng cao, mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tăng cường cơ giới hóa trong khâu sản xuất, thu hoạch và làm đất tại các vùng sản xuất tập trung. Giữ ổn định diện tích sản xuất lúa, phấn đấu sản lượng lúa đạt trên 1,2 triệu tấn. Phát triển cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả phù hợp điều kiện sinh thái của từng địa phương. Mở rộng các hình thức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Nâng cao năng lực hệ thống thủy lợi hiện có, đảm bảo tưới tiêu phục vụ trồng trọt và nuôi thuỷ sản. Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y và an tòan thực phẩm. Tổ chức các hoạt động tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo đề xuất từ cấp xã. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đẩy mạnh nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản; kiểm soát chất lượng con giống, đảm bảo lịch thời vụ, môi trường và phòng chống dịch bệnh thủy sản, phục hồi diện tích nuôi tôm sú và phấn đấu tăng sản lượng để bù đắp sụt giảm của năm 2012; hạn chế khai thác ven bờ, chuyển sang khai thác xa bờ, vận động ngư dân thành lập tổ - đội khai thác hải sản trên biển để hỗ trợ nhau trong khai thác và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân. Tăng cường công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng; khuyến khích phát triển, mở rộng diện tích rừng phòng hộ và trồng cây phân tán. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã nông thôn mới, gắn với quy hoạch phát triển ngành nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

3. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu. Tiếp tục duy trì, phát triển các ngành sản xuất có lợi thế của tỉnh; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường,… Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống; củng cố, phát triển nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất kinh doanh. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế, các Khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch và dự án được duyệt gắn với công tác xúc tiến mời gọi đầu tư, công tác khuyến công. Phấn đấu tăng sản lượng các sản phẩm chủ yếu của tỉnh, khuyến khích phát triển sản phẩm mới. Quản lý có hiệu quả tình hình họat động của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Long Đức, doanh nghiệp công nghiệp có sử dụng nhiều lao động, kiểm sóat chặt chẽ việc xử lý chất thải, nước thải của các doanh nghiệp. Tăng hiệu quả đầu tư trên một đơn vị diện tích đất cho thuê.

4. Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ có thế mạnh, lợi thế, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xã hội; chú trọng phát triển hệ thống phân phối hàng hóa; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất đầu mối đưa hàng về nông thôn. Đẩy mạnh phương thức tiêu thụ sản phẩm của nông dân thông qua hợp đồng, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất giới thiệu nông – thuỷ sản hàng hoá tiêu thụ tại siêu thị Co.op Mart và siêu thị Vinatex Trà Vinh. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu, tập trung vào thị trường có sức mua lớn nhưng hiện chiếm tỷ trọng thấp, mở rộng thị trường mới; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển từ gia công, ủy thác xuất khẩu sang xuất khẩu trực tiếp; giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu là nguyên liệu thô, sơ chế, đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu; giá trị kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 280 triệu USD. Hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thiết bị công nghệ lạc hậu.

5. Quản lý chặt chẽ thu - chi ngân sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế và công dân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế; tăng cường công tác kiểm tra, chống thất thu thuế, phấn đấu thu nội địa đạt chỉ tiêu trên giao. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ chi ngân sách thường xuyên, nâng cao hiệu quả chi đầu tư phát triển, hoãn những nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; chủ động ứng vốn cho các công trình đê kè, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh,…Tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện chế độ quyết toán theo quy định. Thực hiện nghiêm khung lãi suất theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng, cơ cấu nợ hợp lý,... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.

6. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quan tâm vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khmer; đổi mới phương pháp dạy và học. Tiếp tục củng cố, duy trì và phát huy kết quả công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và kết quả phổ cập trung học cơ sở; triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục trung học phổ thông ở những nơi có điều kiện. Rà soát quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề phù hợp Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Trà Vinh đến năm 2020. Thực hiện kế hoạch đào tạo bám sát tinh thần hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhân rộng mô hình dạy nghề có hiệu quả, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ, gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Nâng chất lượng hoạt động trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở các huyện. Thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục.

7. Tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phấn đấu để mỗi người dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng, giảm tỷ lệ mắc bệnh; giảm quá tải tại bệnh viện tuyến tỉnh; nâng số giường bệnh đạt 16,4 giường/vạn dân. Tiếp tục triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; chú trọng phát triển đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn, kỹ thuật bổ sung cho các bệnh viện; luân chuyển y, bác sĩ phù hợp giữa các tuyến nhằm cải thiện năng lực khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến dưới, phấn đấu đạt 5,2 bác sĩ/vạn dân. Chủ động triển khai công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Triển khai có hiệu quả các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, phấn đấu đạt 56.000 người; từng bước thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, nâng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế lên 56%. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình Bệnh viện. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động y tế ngoài công lập, phát huy hiệu quả hoạt động các bệnh viện, trạm xá quân dân y kết hợp; khuyến khích phát triển hệ thống y tế tư nhân và hình thức chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Tăng cường kiểm tra và quản lý tốt các cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Tuyên truyền, vận động và giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật dân số, kế hoạch hoá gia đình; tiếp tục triển khai Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển; phấn đấu đạt mức giảm sinh 0,3%0.

8. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, tăng hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm, tạo chuyển biến cơ bản về năng suất, chất lượng sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với UBND tỉnh; tăng cường hoạt động liên kết với các trường, các Viện và các nhà khoa học; nâng cao chất lượng và gắn các đề tài nghiên cứu khoa học vào nhu cầu phát triển sản xuất của doanh nghiệp và hộ dân. Tập trung đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ; kiện toàn hệ thống trạm, trại thực nghiệm và phòng thí nghiệm hiện có. Tăng cường các hoạt động kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm.

9. Phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; duy trì tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, chỉ đạo xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hoá; tập trung đầu tư xây dựng thiết chế huyện điểm văn hóa Trà Cú. Nâng cao nhận thức vị trí, vai trò và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đẩy mạnh các phong trào văn nghệ quần chúng; củng cố hoạt động và nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao; nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong các trường học; khôi phục và phát triển các môn thể thao truyền thống; đầu tư nâng cấp, mở rộng Trung tâm thể dục thể thao các huyện. Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch. Xã hội hoá và đa dạng hoá nguồn lực đầu tư lĩnh vực văn hoá, thể dục thể thao và du lịch.

10. Tăng cường các hoạt động phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động Cổng thông tin điện tử tỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn các cuộc tấn công mạng; sử dụng có hiệu quả hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện giữa tỉnh với huyện, thành phố và các Sở, ngành với trung ương. Củng cố và đầu tư phát triển mạng lưới truyền thanh huyện, xã (phường, thị trấn), các xã vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở giai đoạn 2011 - 2015; đề án Phát triển thông tin, truyền thông nông thôn giai đọan 2011 - 2020; Chương trình hỗ trợ ứng dụng dịch vụ VTCI giai đọan 2011 - 2015; dự án “Nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính theo cơ chế 01 cửa”; ứng dụng văn phòng điện tử M-Office, phần mềm mã nguồn mở. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động thông tin, truyền thông.

11. Chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình tạo việc làm, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề thu hút nhiều lao động; phát triển các trung tâm giới thiệu việc làm, tăng cường các hoạt động thông tin, tư vấn, giới thiệu, giao dịch việc làm trên thị trường; phấn đấu tạo việc làm mới cho 22.000 lao động, đưa 200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tăng cường các hoạt động dạy nghề và hỗ trợ lao động học nghề; thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 33%. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án giảm nghèo bền vững huyện Trà Cú theo Quyết định 615 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các chế độ cho các đối tượng, thực hiện tốt chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động mất việc làm. Vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với nước, gia đình thương binh - liệt sĩ. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Đảm bảo chế độ, chính sách đối với trẻ em.

12. Tăng cường các hoạt động nghiệp vụ nắm tình hình, duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; tổ chức diễn tập khu vục phòng thủ các huyện, diễn tập “Chiến đấu trị an” cấp xã, phường, thị trấn; tổ chức tốt công tác gọi thanh niên nhập ngũ năm 2013, đạt 100% chỉ tiêu trên giao. Đẩy mạnh các phong trào thi đua quyết thắng, thi đua đột kích, thi đua cao điểm; xây dựng lực lượng chính quy; tổ chức huấn luyện giỏi, chiến sỹ khỏe,...; triển khai kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng. Kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng an ninh, đối ngoại, tiếp tục xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị “Về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới”. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm; bảo vệ chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh thông tin,... giữ vững thế trận an ninh nhân dân. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông. Thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy.

13. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 30c của Chính phủ về Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020. Tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000, 9001: 2008; duy trì, nâng cao chất lượng và mở rộng việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với đổi mới phương thức điều hành, tạo sự công khai minh bạch trong công tác quản lý nhà nước. Tiếp tục rà soát điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, biên chế, quy chế hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả bảo đảm sự điều hành tập trung, thống nhất; nghiên cứu xã hội hoá một số dịch vụ công. Phân định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước từng cấp. Nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức cả về chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất chính trị. Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội. Tổ chức quán triệt, thực hiện đạt hiệu quả thiết thực Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khoá X về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung); Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; các Chương trình hành động của Chính phủ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, triển khai, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết này.

Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh và các tổ chức thành viên của Mặt trận tăng cường công tác giám sát và tích cực vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các cấp, các ngành trong tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, tính năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thử thách, thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Trà Vinh khóa VIII - kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2012 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013./.

 

 

CHỦ TỊCH



 
Dương Hoàng Nghĩa