Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2011/NQ-HĐND

Hà Tĩnh, ngày 16 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SẮP XẾP, KIỆN TOÀN CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN VÀ TỔ CHỨC HỘI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức hoạt động các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức hoạt động các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước;

Sau khi xem xét Tờ trình số 397/TTr-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh, báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Ban quản lý dự án và tổ chức Hội.

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện, đảm bảo mục tiêu làm cho bộ máy HCSN tinh gọn, thông suốt, hiệu quả, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp lý cho người lao động khi thực hiện tinh giản biên chế, giải thể tổ chức.

Trong quá trình triển khai thực hiện, cần làm việc với các bộ, ngành liên quan để tạo sự thống nhất; nếu có nội dung cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung, Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Điều 3. Thường trực HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết đã được HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI, kỳ họp thứ 2 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Văn phòng Bộ Tư lệnh QK4;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- VP Tỉnh uỷ, VP UBND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐ, CV VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- TT Thông tin VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- TT Công báo - Tin học VP UBND tỉnh;
- Lưu: VP. HH200b

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

ĐỀ ÁN

SẮP XẾP, KIỆN TOÀN CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN VÀ TỔ CHỨC HỘI
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2011 của HĐND tỉnh)

A. THỰC TRẠNG VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

I. THỰC TRẠNG

1. Cơ quan hành chính

Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính của tỉnh Hà Tĩnh hiện có như sau:

+ Sở, ban, ngành cấp tỉnh có 23 đơn vị, chi cục và tương đương có 17 đơn vị, phòng chuyên môn có 158 phòng (không tính các phòng của chi cục và tương đương). Biên chế hành chính năm 2011 giao 1.440 biên chế; giao hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 117 định biên.

+ Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có 12 đơn vị, phòng chuyên môn có 144 phòng; biên chế hành chính năm 2011 giao 1.088 biên chế; giao hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 38 định biên.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ và các Thông tư của các Bộ, liên Bộ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện về cơ bản được tổ chức theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiệu quả, tránh được sự chồng chéo, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, không bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh thông suốt theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Cơ cấu bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện đã có bước điều chỉnh mạnh, giảm đầu mối tổ chức, khắc phục tình trạng phân tán và nhiều tầng nấc trung gian. Hoạt động của các phòng, ban chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản thực hiện thông suốt đúng quy định và phát huy hiệu quả.

Tuy vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện còn có một số nhiệm vụ chưa bổ sung kịp thời hoặc hoạt động còn tồn tại, hạn chế:

- Một số chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức được Chính phủ quy định nhưng bộ, ngành liên quan và địa phương chưa soát xét, bổ sung kịp thời như:

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước. Nhiệm vụ thông tin đối ngoại quy định tại Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ thuộc Sở Thông tin và Truyền thông. Quy định thành lập Chi cục Biển và Hải đảo tại Thông tư liên tịch số 26/2010/TTLT-BTNMT-BNV ngày 05/11/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ. Quản lý Trụ sở tiếp công dân giữa Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh và Thanh tra tỉnh theo Quyết định số 858/2010/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ về bồi thường nhà nước thuộc Sở Tư pháp, phòng Tư pháp cấp huyện quy định tại Thông tư số 18/2011/TTLT-BTP-BNV ngày 19/10/2011 của liên bộ Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ.

Đối với Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố: Quy định đổi tên phòng Công Thương thành phòng Kinh tế và Hạ tầng theo Nghị định số 12/2010/NĐ-CP ngày 26/02/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ.

- Một số nhiệm vụ thực hiện chưa thống nhất, khó khăn, thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị như:

Đối với sở, ban, ngành: Quản lý về thủ công nghiệp và phát triển ngành nghề nông thôn giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương; quản lý về khai thác vật liệu xây dựng giữa Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường; quản lý về thông tin đối ngoại giữa Sở Ngoại vụ và Sở Thông tin và Truyền thông; quản lý về tin học hoá hành chính giữa Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông; quản lý về quyền tác giả, bản quyền và sở hữu trí tuệ giữa Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; quản lý rừng giữa Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang với các Hạt kiểm lâm: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê thuộc Chi cục Kiểm lâm. Công tác quản lý rừng và bảo vệ rừng đang do 2 chi cục thực hiện, không tạo sự liên kết trong chỉ đạo, có lúc trùng lặp. Công tác quản lý nhà nước về thú y, bảo vệ thực vật giữa các phòng thuộc sở và chi cục hiệu quả chưa cao.

Đối với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố: thực hiện chức năng, nhiệm vụ Phòng Y tế khó khăn, kém hiệu quả; chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý Y tế giữa Phòng Y tế với Bệnh viện Đa khoa cấp huyện, Trung tâm Y tế dự phòng cấp huyện, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Trạm Y tế cấp xã.

- Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức được Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định nhưng một số đơn vị chưa thực hiện hoặc tổ chức chưa phù hợp như:

Đối với sở, ban, ngành: Phòng Quản lý nhà và Kinh doanh bất động sản thuộc Sở Xây dựng và phòng Công nghệ thông tin thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo chưa bố trí nhân sự; nhiệm vụ thanh tra ngành Công Thương còn được quy định tại phòng Nghiệp vụ - Thanh tra - Tổng hợp thuộc Chi cục Quản lý thị trường là chưa đúng quy định; hướng dẫn chỉ đạo thành lập hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã do Liên minh Hợp tác xã thực hiện chưa phù hợp vì Liên minh Hợp tác xã không phải là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, nhiệm vụ này được quy định tại Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn.

Đối với Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố: Quản lý về đăng ký kinh doanh giữa các phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Công Thương của Ủy ban nhân dân các huyện: Nghi Xuân, Kỳ Anh; quản lý về lĩnh vực gia đình và du lịch của Phòng Văn hoá - Thông tin thuộc các huyện, thị xã, thành phố chưa được quan tâm.

Về đội ngũ cán bộ, công chức: Một số đơn vị có chất lượng cán bộ, công chức cao, có kinh nghiệm công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành và bố trí, sắp xếp phù hợp theo đúng cơ câú đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP và tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ được quan tâm, kết quả từ năm 2008-2010 đã thực hiện chuyển đổi được 366 vị trí (sở, ban, ngành 309 vị trí, huyện, thị xã, thành phố là 57 vị trí) và tinh giản biên chế thực hiện trong 3 năm và 6 tháng đầu năm 2011 được 775 người (quản lý nhà nước 84 người, sự nghiệp 667 người).

Bên cạnh đó còn có một số đơn vị chất lượng cán bộ, công chức chưa cao, việc bố trí, quản lý, sử dụng chưa phù hợp. Do chưa tuyển dụng được công chức, nên hầu hết đơn vị còn hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ của các phòng chuyên môn, nhất là Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Việc chuyển đổi vị trí công tác và tinh giản biên chế một số đơn vị làm chưa tốt.

2. Đơn vị sự nghiệp (không tính sự nghiệp giáo dục phổ thông thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố)

Căn cứ Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, Thông tư liên tịch giữa các Bộ, văn bản của Trung ương có liên quan và yêu cầu tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập các đơn vị sự nghiệp thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất để các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Hiện nay, tổng số đơn vị sự nghiệp có 428 đơn vị.

- Phân loại đơn vị sự nghiệp theo thẩm quyền quản lý: Sự nghiệp thuộc tỉnh có 6 đơn vị; sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành có 384 đơn vị; sự nghiệp thuộc huyện, thị xã, thành phố có 38 đơn vị.

- Phân loại đơn vị sự nghiệp theo lĩnh vực: Sự nghiệp giáo dục (không tính sự nghiệp giáo dục phổ thông) có 7 đơn vị; sự nghiệp y tế có 315 đơn vị; sự nghiệp văn hoá, thể thao, du lịch có 29 đơn vị; sự nghiệp nghiên cứu khoa học có 23 đơn vị; sự nghiệp khác có 54 đơn vị.

- Biên chế sự nghiệp năm 2011 giao 7.173 biên chế, hiện có là 6.534 người, chưa tuyển dụng 639 biên chế (không tính biên chế sự nghiệp giáo dục phổ thông, Ban Quản lý dự án, Hội); Hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP giao 144 định biên, hiện có 139 người.

Các đơn vị sự nghiệp cơ bản đã tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiệu quả. Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp đảm bảo thực hiện giúp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ công. Một số đơn vị hoạt động hiệu quả và tạo được nguồn thu đáng kể như: Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng). Tổ chức các đơn vị sự nghiệp được tập trung theo đầu mối của các cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng phân tán, nhiều tầng nấc trung gian, như: Thành lập Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm với Trung tâm Khuyến ngư và giống thuỷ sản, thành lập Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp - Dạy nghề các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên.

Tuy vậy, còn có những bất cập, hạn chế về cơ cấu tổ chức, thực hiện nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động thấp:

Chính phủ chưa ban hành Nghị định về quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp, do đó phân cấp quản lý nhà nước đơn vị sự nghiệp chưa thống nhất, nhất là đơn vị sự nghiệp cấp huyện. Còn có ngành quản lý đơn vị sự nghiệp đến cấp huyện, cơ sở (y tế, thú y, bảo vệ thực vật), trong lúc hầu hết các ngành đều phân cấp về cơ sở.

Một số sở, ban, ngành sau khi tổ chức lại theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ nhưng chưa căn cứ tình hình thực tế của địa phương nên vẫn còn tình trạng nhiều đầu mối, cồng kềnh, quy mô nhỏ, hiệu quả thấp như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Việc thực hiện quyền tự chủ và xã hội hoá theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết các đơn vị còn đánh giá chung chung, không xác định rõ đơn vị thuộc loại nào, kết quả tự chủ và khả năng kinh phí của đơn vị, hiệu quả thấp. Một số sở đã thực hiện phân cấp tuyển dụng viên chức cho đơn vị sự nghiệp và đã thực hiện tốt (Sở Nông nghiệp & PTNT), nhưng hầu hết các sở, ban, ngành chưa thực hiện phân cấp tuyển dụng viên chức cho đơn vị sự nghiệp.

Hoạt động của một số đơn vị không hiệu quả, chất lượng cán bộ, viên chức thấp, như: Trung tâm Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh (Sở Giáo dục và Đào tạo), Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Giống chăn nuôi, Trung tâm Giống thuỷ sản, Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Tư vấn dịch vụ kế hoạch hoá gia đình (Sở Y tế) hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định như Trung tâm Dịch thuật và Dịch vụ đối ngoại (Sở Ngoại vụ), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ giáo viên (Sở Giáo dục và Đào tạo).

Mô hình đơn vị sự nghiệp về lĩnh vực phát triển quỹ đất, đăng ký quyền sử dụng đất đang tổ chức thực hiện chưa thống nhất: Uỷ ban nhân dân thành phố thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất còn đa số các huyện đã có quyết định thành lập: Trung tâm Phát triển quỹ đất - Đăng ký quyền cấp sử dụng đất nhưng chưa tổ chức hoạt động hoặc mới tổ chức hoạt động. Tổ chức giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề ở huyện, thị xã, thành phố thực hiện chưa thống nhất.

Một số hoạt động của đơn vị sự nghiệp mà các thành phần kinh tế khác như doanh nghiệp, hợp tác xã cũng tham gia hoạt động và có hiệu quả: Trung tâm Giống chăn nuôi, Trung tâm Giống thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Tư vấn kỹ thuật giao thông (Sở Giao thông vận tải).

3. Các Ban quản lý dự án

Hiện nay Ban Quản lý dự án thuộc tỉnh có 04 Ban (02 Ban Quản lý dự án trong nước, gồm: Ban Quản lý khu vực mỏ sắt Thạch Khê, Ban Quản lý dự án công trình thuỷ điện Ngàn Trươi - Cẩm trang và 02 Ban Quản lý có vốn ODA: Ban Quản lý dự án ISDP - HIRDP, Ban Điều phối dự án cải thiện tham gia thị trường người nghèo (IMPP)) và 01 Ban Quản lý dự án không chuyên trách (Ban Quản lý dự án năng lượng nông thôn II (REII) sẽ kết thúc dự án vào cuối năm 2011). Tổng biên chế viên chức giao 34 biên chế (trong đó có 02 HĐ 68), hiện có: 34 người.

Ban Quản lý dự án chuyên ngành thuộc các sở, ban ngành có 39 Ban (trong đó có 07 Ban Quản lý dự án chuyên trách và 32 Ban Quản lý dự án không chuyên trách), biên chế giao 14, hiện có 12 người.

Ban Quản lý dự án thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có 12 Ban Quản lý dự án chuyên trách (chưa giao biên chế). Riêng Ban Quản lý chuyên trách đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư công trình thuỷ lợi - thuỷ điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang được giao 09 biên chế, hiện có 09 người. Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân cấp huyện còn có các Ban Quản lý dự án không chuyên trách của từng dự án riêng như: Ủy ban nhân dân huyên Lộc Hà có 24 Ban, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân có 04 Ban...... Ở cấp xã khi có dự án, Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập Ban Quản lý dự án không chuyên trách để quản lý.

Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND ngày 22/7/2008 (nay được thay thế bằng Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh) đã tạo điều kiện các Ban Quản lý dự án tổ chức và hoạt động; giúp cho cơ quan chủ quản, Chủ dự án và các Ban Quản lý dự án về cơ bản đã thực hiện tốt việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, một số Ban Quản lý dự án hoạt động có hiệu quả như: Ban Quản lý dự án ISDP - HIRDP, Ban Điều phối dự án cải thiện tham gia thị trường người nghèo (IMPP) hay Ban Quản lý công trình và Ban Quản lý dự án Cải thiện đô thị Miền Trung thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tĩnh…. Mặc dù bộ máy của Ban Quản lý dự án hầu hết là kiêm nhiệm nhưng trong những năm qua đã cơ bản thực hiện đúng nhiệm vụ, năng lực điều hành, quản lý được nâng lên. Một số dự án hoạt động có hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng một số yêu cầu về đời sống của nhân dân ở những vùng được hưởng lợi của dự án, ví dụ: Dự án hệ thống kênh mương, dự án phòng chống lụt bão, dự án phát triển giao thông nông thôn….

Tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong tổ chức và hoạt động quản lý các dự án, như:

Một số đơn vị chưa bám sát nội dung của Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND ngày 22/7/2008 (nay được thay thế bằng Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh); việc đánh giá tổ chức và hoạt động Ban Quản lý dự án của các cấp, ngành thiếu cụ thể.

Các tổ chức quản lý dự án (nhất là cấp huyện, cấp xã) chủ yếu là kiêm nhiệm và phải thay đổi thường xuyên. Trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của một số cán bộ tham gia Ban Quản lý dự án còn yếu, thiếu kinh nghiệm. Cơ cấu tổ chức đầu mối về quản lý không thống nhất, còn phân tán. Do đó công tác quản lý nhà nước đối với dự án trên địa bàn còn hạn chế, không đủ năng lực theo quy định.

Số lượng Ban Quản lý dự án không chuyên trách tại một số sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố còn nhiều, dàn trải. Vì vậy, chất lượng hoạt động của Ban Quản lý dự án không chuyên trách đạt hiệu quả không cao. Bện cạnh đó, công tác phối, kết hợp giữa các Ban Quản lý dự án với lãnh đạo chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt, chưa đồng bộ, còn có biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu.

Các dự án thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý chủ yếu do Ban Quản lý dự án cấp huyện (Ban A) phụ trách, ngoài ra đối với các dự án yêu cầu chuyên ngành thì có sự phối hợp của các phòng chuyên môn hoặc trực tiếp cán bộ, công chức phòng chuyên môn tham gia (phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đối với các dự án về lĩnh vực nông nghiệp, phòng Công Thương đối với lĩnh vực Công nghiệp). Đối với dự án thuộc cấp xã quản lý thì có sự tham gia của cán bộ, công chức cấp xã. Nên chất lượng thực hiện một số dự án của ở cấp huyện, cấp xã chưa cao.

Chưa bố trí chuyên trách quản lý dự án theo Khoản 6 Điều 5 Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND ngày 22/7/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh (nay được thay thế bằng Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh).

4. Tổ chức Hội

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có 46 hội cấp tỉnh và 02 tổ chức Phi Chính phủ, trong đó có 11 hội cấp tỉnh được giao biên chế: Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật, Hội Chữ thập đỏ, Hội người mù, Hội Khuyến học, Hội Y học cổ truyền, Hội Nhà báo, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, Hội Luật gia, Liên minh Hợp tác xã, Liên hiệp hội các tổ chức hữu nghị và Ban Chấp hành hội người cao tuổi tỉnh. Tổng số biên chế giao cho các hội trên là 75 biên chế, hiện có 72 biên chế. Các hội do Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quản lý được giao biên chế như sau: Hội Chữ thập đỏ ở cấp huyện bố trí 25 biên chế, hiện có 26 người (riêng Hội Chữ thập đỏ Hương Khê thừa 01 người); Hội Người mù cấp huyện được bố trí 24 biên chế, hiện có: 18 người; Hội Người cao tuổi cấp huyện được bổ trí 12 biên chế, hiện có 12 người.

Việc tổ chức, hoạt động và quản lý hội thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý các mặt tổ chức - hoạt động hội như cho phép thành lập, phê duyệt điều lệ hoạt động, biên chế tiền lương và kinh phí hoạt động (đối với những hội được giao biên chế và hỗ trợ kinh phí). Nhìn chung đã có sự phân công, phân cấp để cho hội viên tổ chức, hoạt động. Nhờ đó hoạt động của các hội và hội viên chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tuy vậy, trong quá trình tổ chức, quản lý hội còn có những tồn tại, hạn chế:

Một số hội còn lúng túng trong hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Một số hội chưa tổ chức các hoạt động thường xuyên, hoạt động chưa đều trên các lĩnh vực; việc chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên, các tổ chức hội trên cùng một lĩnh vực còn hạn chế. Nhiều hội không thực hiện báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hàng năm cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Kinh phí hoạt động của các hội còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách, chưa thực hiện đúng nguyên tắc tự chủ, tự trang trải kinh phí, ngoài phần được Nhà nước hỗ trợ, phần các hội tự tạo lập được còn ít, việc thu hội phí của các hội viên không nhiều, nên trong hoạt động gặp nhiều khó khăn; chỉ có số ít các hội tìm kiếm được các nguồn viện trợ, tài trợ trong và ngoài nước để đẩy mạnh hoạt động của hội; số còn lại đa số chỉ dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách hoặc chỉ hoạt động mang tính hình thức, dựa vào số hội phí ít ỏi thu được, việc huy động nguồn lực còn hạn chế.

Có những bất cập, tồn tại như trên do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, trong đó có tính lịch sử và của nhiều thế hệ.

Xuất phát từ những tồn tại, bất cập và vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện gắn với tình hình thực tế của địa phương và các quy định hiện hành, đặt ra một yêu cầu cấp thiết cấn phải rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các ban quản lý dự án, tổ chức hội trong toàn tỉnh để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động, quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật Tổ chức Chính phủ năm 2011.

- Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003.

- Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức hoạt động các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức hoạt động các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 26/02/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2008/NĐ-CP; Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

- Quyết định số 838/QĐ-UBND ngày 31/3/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; Quyết định số 964/QĐ-UBND ngày 07/4/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện và các văn bản khác có liên quan; các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, đã kiện toàn tổ chức sớm đi vào ổn định để hoạt động.

- Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17/8/2006 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước

- Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ về việc Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 của Chỉnh phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Chính phủ

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19/6/2009; Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; Luật Đấu thầu ngày 29/11/2005; Luật Quy hoạch đô thị ngày 19/6/2009.

- Thông tư 03/2007/TT-BKH ngày 12/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý chương trình, dự án ODA; Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ban hành quy định một số nội dung về quản lý đầu tư xây dựng công trình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Thông tư số 11/2010/TT-BNV ngày 26/11/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ; Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định hội có tính chất đặc thù.

- Các văn bản khác có liên quan.

B. MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ NGUYÊN TẮC SẮP XẾP, KIỆN TOÀN

I. Mục tiêu:

Sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Ban quản lý dự án và tổ chức hội để nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tính ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp; không trùng lắp, không bỏ sót nhiệm vụ; phân định rành mạch giữa quản lý nhà nước với đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; giảm bớt đầu mối; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo về số lượng, chất lượng, đồng thời giảm chi ngân sách của tỉnh, của nhà nước.

II. Yêu cầu:

- Đây là một khâu đột phá của nội dung cải cách hành chính. Việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn phải đảm bảo dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật đồng thời phù hợp với tình hình thực tế của địa phương

- Bảo đảm hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị không bị gián đoạn, xáo trộn; sau sắp xếp, kiện toàn lại hoạt động tốt hơn, hiệu quả cao hơn; tập trung huy động, phát huy tiềm năng đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có.

- Có biện pháp giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, nhân sự đúng quy định và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

III. Nguyên tắc:

- Việc rà soát, sắp xếp lại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Ban Quản lý dự án thuộc các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và tổ chức hội được tiến hành đồng bộ, toàn diện từ việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị với tình hình thực tiễn của địa phương đến việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các phòng ban, chi cục, đơn vị sự nghiệp, Ban quản lý dự án, tổ chức hội gắn với việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức phù hợp và đảm bảo chất lượng, số lượng để nâng cao hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc sắp xếp phải gắn với đẩy mạnh công tác phân cấp quản lý.

- Sắp xếp, kiện toàn phải đảm bảo nguyên tắc cùng nhóm nhiệm vụ chỉ có một tổ chức, đơn vị thực hiện, đồng thời phù hợp với các điều kiện về kinh tế của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh chia nhỏ, phân tán, chồng chéo. Những nhiệm vụ mà doanh nghiệp hoặc thành phần kinh tế khác thực hiện được thì chuyển giao; đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả thấp thì giải thể; đơn vị sự nghiệp có khả năng khai thác nguồn thu thì chuyển sang tự trang trải kinh phí; một số đơn vị đặc thù thì phải củng cố lại.

- Việc giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo đúng quy định và đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người lao động; tránh tình trạng sắp xếp theo cách làm số cộng mà phải đặt yêu cầu chất lượng, ổn định lâu dài của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lên hàng đầu; gắn việc sắp xếp với việc tinh giản biên chế theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế và Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển đổi vị trí công tác công chức, viên chức.

C. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, KIỆN TOÀN

I. CƠ QUAN HÀNH CHÍNH

1. Thành lập:

1.1. Thành lập Chi cục Biển và Hải đảo thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (Sau khi thành lập Chi cục thì xem xét điều chỉnh lại nhiệm vụ của Phòng Tài nguyên nước - Khí tượng thuỷ văn và điều chỉnh thành Phòng Tài nguyên-Khí tượng thuỷ văn). Về biên chế: Bố trí một số biên chế của Phòng Tài nguyên nước - Khí tượng thuỷ văn và một số biên chế của các phòng khác thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, đề nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ giao biên chế khi thành lập Chi cục.

1.2. Xem xét thành lập Chi cục Chất lượng nông lâm thuỷ sản sau khi sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm.

2. Tổ chức lại:

2.1. Sở, ban, ngành:

- Sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm, đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng đi đôi với quản lý phát triển rừng.

- Sáp nhập Phòng Trồng trọt với Chi cục Bảo vệ thực vật; sáp nhập Phòng Chăn nuôi với Chi cục Thú y. Về biên chế bố trí lại cho phù hợp.

- Quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Thông tư liên tịch 02/2011/TTLT-VPCP-BNV của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Bổ sung nhiệm vụ quản lý thông tin đối ngoại cho Sở Thông tin và Truyền thông theo quy định tại Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Bổ sung nhiệm vụ về bồi thường nhà nước cho Sở Tư pháp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BTP-BNV ngày 19/10/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ.

- Bố trí công chức Phòng Quản lý nhà và Kinh doanh bất động sản thuộc Sở Xây dựng trong tổng biên chế hành chính hiện có của đơn vị.

- Kiện toàn, đổi tên phòng Nghiệp vụ - Thanh tra - Tổng hợp thuộc Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

- Tổ chức lại các phòng chuyên môn thuộc Sở Giáo dục & Đào tạo.

- Chuyển nhiệm vụ hướng dẫn chỉ đạo thành lập hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã từ Liên minh Hợp tác xã sang Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chuyển Trụ sở Tiếp công dân tỉnh và phòng Tiếp dân và xử lý đơn thư từ Thanh tra tỉnh sang Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới tiếp công dân, Quyết định số 2919/QĐ-UBND ngày 08/10/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp công dân tại tỉnh Hà Tĩnh. Về biên chế: Chuyển một số biên chế hành chính của phòng Tiếp dân và xử lý đơn thư thuộc Thanh tra tỉnh sang Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Bổ sung nhiệm vụ pháp chế, bố trí công chức chuyên trách làm công tác pháp chế tại các Sở theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ (sau khi có Thông tư hướng dẫn thực hiện).

- Chi cục Văn thư - Lưu trữ thuộc Sở Nội vụ sắp xếp lại thành 03 phòng: Phòng Nghiệp vụ Văn thư, Lưu trữ (bộ phận thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp), Phòng Quản lý Văn thư Lưu trữ, Phòng Hành chính tổng hợp.

2.2. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

- Điều chỉnh lại Quyết định số 964/QĐ-UBND ngày 07/4/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện để đổi tên phòng Công Thương thành phòng Kinh tế và Hạ tầng phù hợp với quy định tại Nghị định số 12/2010/NĐ-CP ngày 26/02/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ.

- Bổ sung nhiệm vụ về bồi thường nhà nước cho phòng Tư pháp cấp huyện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BTP-BNV ngày 19/10/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ.

- Chuyển nhiệm vụ tiếp dân từ Thanh tra cấp huyện sang Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định.

3. Giải thể hoặc giảm biên chế:

3.1. Giải thể Phòng Quy hoạch và Xây dựng cơ bản thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo; biên chế bố trí lại cho phù hợp.

3.2. Trước mắt chuyển 06 biên chế hành chính của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Tĩnh sang biên chế sự nghiệp sau khi thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị và Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tĩnh.

4. Ban hành Quy chế phối hợp giữa các ngành chức năng để tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan:

4.1. Quy chế phối hợp quản lý về thủ công nghiệp và phát triển ngành nghề nông thôn giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương.

4.2. Quy chế phối hợp quản lý về khai thác vật liệu xây dựng giữa Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường.

4.3. Quy chế phối hợp quản lý về thông tin đối ngoại giữa Sở Ngoại vụ và Sở Thông tin và Truyền thông.

4.4. Quy chế phối hợp quản lý về quyền tác giả, bản quyền và sở hữu trí tuệ giữa Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

4.5. Quy chế phối hợp về quản lý hành chính giữa Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với Uỷ ban nhân dân huyện Hương Sơn và các ngành liên quan.

4.6. Quy chế quản lý diện tích rừng giữa Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang với các Hạt kiểm lâm: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê thuộc Chi cục Kiểm lâm.

II. ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP

1. Thành lập:

- Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Hà mới thành lập nên nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều, do đó đề nghị cho thành lập Ban Đền bù giải phóng mặt bằng chuyên trách.

- Uỷ ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh: Thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị.

2. Giải thể:

- Giải thể Trung tâm Giống Chăn nuôi, chuyển giao cán bộ, viên chức, lao động sản xuất giống lợn cho doanh nghiệp; chuyển giao nhiệm vụ về hoạt động sự nghiệp khoa học, công tác giống trâu, bò và thụ tinh nhân tạo giống lợn cho Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư.

- Giải thể Trung tâm Giống Thuỷ Sản và chuyển giao nhiệm vụ sự nghiệp khoa học cho Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư.

- Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng: chuyển nhiệm vụ phát hành phim về Trung tâm Văn hoá tỉnh và chuyển Đội chiếu bóng lưu động huyện Vũ Quang về Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Du lịch huyện Vũ Quang.

- Giải thể Trung tâm Tư vấn dịch vụ dân số kế hoạch hoá gia đình tỉnh.

3. Tổ chức lại:

3.1. Kiện toàn:

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trên cơ sở Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27/7/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông - Bộ Nội vụ Hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, sau khi phân cấp Đài huyện về Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.

- Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, tiếp nhận nhiệm vụ về hoạt động sự nghiệp khoa học, công tác giống trâu, bò và thụ tinh nhân tạo giống lợn của Trung tâm Giống chăn nuôi và nhiệm vụ sự nghiệp khoa học của Trung tâm Giống Thủy sản sau khi giải thể.

- Trung tâm Văn hoá tỉnh, tiếp nhận nhiệm vụ chiếu phim phục vụ ngày lễ lớn và phim thiếu nhi của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng sau khi giải thể.

- Đoàn Ca, múa, kịch tổ chức lại theo hướng: nhiệm vụ biểu diễn gắn với hoạt động tự chủ còn nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống thì Uỷ ban nhân dân tỉnh giao kinh phí tổ chức thực hiện.

- Kiện toàn Trung tâm Phát triển quỹ đất - Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Uỷ ban nhân dân các huyện thành Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất.

- Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp huyện: Bổ sung nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BVHTTDL ngày 26/02/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cấp huyện: bổ sung nhiệm vụ Khuyến nông khuyến ngư theo quy định tại Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ và phù hợp tình hình địa phương; phân cấp Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y cho cấp huyện quản lý và sáp nhập vào Trung tâm này.

- Phân định rõ nhiệm vụ và tổ chức thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp của Chi cục Văn thư-Lưu trữ thuộc Sở Nội vụ.

- Soát xét lại tư cách pháp nhân của Công ty TNHH một thành viên Trường nghề của Trường Trung cấp Nghề thuộc Sở Lao động-TBXH.

- Hợp nhất Trung tâm Xúc tiến thương mại và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành một Trung tâm đảm bảo hai nhiệm vụ trên.

- Sắp xếp 07 Ban Quản lý rừng phòng hộ hiện tại thành 5 Ban và tiếp nhận diện tích rừng phòng hộ, cán bộ quản lý rừng phòng hộ từ 2 doanh nghiệp tương ứng với nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng phòng hộ chuyển giao.

- Sáp nhập Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành một khoa của Trường Đại học Hà Tĩnh theo lộ trình và bước đi thích hợp, theo xu thế phát triển, đảm bảo đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh về nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới trước mắt và lâu dài.

- Hợp nhất Trung tâm Thi đấu và Dịch vụ thể thao và Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện Thể dục Thể thao thành một Trung tâm.

- Hợp nhất Trung tâm Giáo dục thường xuyên với Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và bổ sung nhiệm vụ dạy nghề thành một trung tâm và phân cấp về cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý.

- Hợp nhất Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo.

- Sắp xếp lại mạng lưới các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đảm bảo quy mô hợp lý; bố trí, sử dụng có hiệu quả đội ngũ viên chức sự nghiệp giáo dục theo hướng nâng cao chất lượng và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương. Biên chế ngành giáo dục-đào tạo sẽ giảm khi tổ chức sắp xếp lại mạng lưới trường lớp.

3.2. Đơn vị chuyển sang đơn vị tự chủ 100%:

- Trung tâm Tư vấn kỹ thuật giao thông.

- Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời chuyển một số nhiệm vụ thuộc Trung tâm về Chi cục Bảo vệ môi trường.

* Về biên chế: Giảm 13 biên chế.

3.3. Đơn vị tổ chức đánh giá tự chủ hàng năm để giảm biên chế:

- Trung tâm Dịch thuật và Dịch vụ đối ngoại thuộc Sở Ngoại vụ.

- Đoàn Điều tra quy hoạch nông, lâm, nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Trung tâm Kỹ thuật địa chính - Công nghệ thông tin thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Năm 2012, giảm biên chế thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật địa chính, ổn định biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý dữ liệu công nghệ thông tin đến năm 2015 do chưa có dữ liệu khai thác.

- Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng thuộc Sở Xây dựng

- Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

- Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính công thuộc Sở Tài chính.

- Trung tâm Dịch vụ hạ tầng Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng.

- Trung tâm Tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

- Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương tích thuộc Uỷ ban nhân dân huyện Can Lộc.

- Ban Quản lý Khu du lịch biển Thiên Cầm thuộc Uỷ ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên.

- Viện Quy hoạch và Kiến trúc xây dựng thuộc Sở Xây dựng.

- Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.

- Trung tâm Phân tích, Thử nghiệm, Hiệu chuẩn thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.

- Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.

* Về biên chế: Các đơn vị này hàng năm đánh giá mức độ tự chủ để giảm biên chế bắt đầu từ năm 2012.

3.4. Đơn vị chuyển sang doanh nghiệp công ích năm 2015:

Trung tâm Cấp nước khu kinh tế Vũng Áng. Về biên chế: Năm 2015, sẽ giảm 10 biên chế.

3.5. Đơn vị chuyển về Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quản lý:

- 12 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chuyển về Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27/7/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông - Bộ Nội vụ. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phân bổ biên chế hợp lý cho các đài cấp huyện. Đối với số lao động Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đang hợp đồng chưa qua tuyển dụng, khi bàn giao cần xem xét, quan tâm với những người có chuyên môn phù hợp.

- Đối với Ban Quản lý Di tích Cố Tổng bí thư Hà Huy Tập và Ban Quản lý Di tích Trần Phú thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần cân nhắc, thận trọng để có lộ trình và bước đi thích hợp trong việc phân cấp quản lý đảm bảo tương xứng với vị trí các di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt này.

- Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Hướng nghiệp-Dạy nghề huyện, thị xã, thành phố.

- Trạm Bảo vệ thực vật, trạm Thú y sáp nhập vào Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật

- Trung tâm Dân số-KHHGĐ cấp huyện, Trạm Y tế cấp xã. Đối với Trung tâm Y tế dự phòng cần cân nhắc lộ trình và bước đi thích hợp trong phân cấp quản lý để hoạt động có hiệu quả; trước mắt chưa phân cấp về huyện để tiếp tục tranh thủ nguồn lực của các chương trình, dự án.

III. BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN

1. Ban Quản lý dự án thuộc tỉnh: Giữ nguyên 04 Ban như hiện nay, bao gồm: Ban Quản lý khu vực mỏ sắt Thạch Khê, Ban Quản lý dự án công trình thuỷ điện Ngàn Trươi - Cẩm trang, Ban Quản lý dự án ISDP - HIRDP và Ban Điều phối dự án cải thiện tham gia thị trường người nghèo (IMPP).

2. Ban Quản lý dự án thuộc ngành:

2.1. Sở Giao thông vận tải: 02 Ban (Ban Quản lý dự án vốn trong nước và Ban Quản lý vốn nước ngoài).

2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 02 Ban (Ban Quản lý dự án vốn trong nước và Ban Quản lý vốn nước ngoài) trên cơ sở các Ban Quản lý dự án hiện nay.

2.3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 01 Ban Quản lý vốn trong nước.

3. Ban Quản lý dự án thuộc huyện, thị xã, thành phố:

3.1. Củng cố 12 Ban chuyên trách và nhập các Ban không chuyên trách.

3.2. Các đơn vị sau có thêm Ban Quản lý dự án:

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tĩnh: 01 Ban Quản lý vốn nước ngoài.

- Uỷ ban nhân dân huyện Vũ Quang: 01 Ban Quản lý chuyên trách đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư công trình thuỷ lợi - thuỷ điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang.

4. Trong trường hợp đặc biệt hoặc yêu cầu của Nhà tài trợ phải thành lập Ban Quản lý dự án độc lập thì phải được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

5. Những dự án đang thực hiện thuộc Ban Quản lý dự án không chuyên trách (Ban kiêm nhiệm) thời gian dự án còn ngắn đề nghị cho triển khai đến khi dự án kết thúc. Trường hợp, dự án hoạt động lâu dài, đề nghị sáp nhập vào Ban Chuyên trách (Ban A) để tiếp tục triển khai theo quy định.

6. Về biên chế: Uỷ ban nhân dân tỉnh giao biên chế và kinh phí cho Ban Quản lý Khu vực mỏ sắt Thạch Khê và Ban Quản lý dự án công trình thuỷ điện Ngàn Trươi - Cẩm trang; các Ban khác giao biên chế và kinh phí hoạt động từ nguồn quản lý dự án và chỉ hỗ trợ khi khó khăn. Cụ thể là: bố trí biên chế cho Ban Quản lý dự án chuyên trách sau khi sắp xếp, kiện toàn lại nhưng không giao kinh phí. Hoạt động tự chủ, tiền lương, chi phí sử dụng trong nguồn kinh phí dự án. Trường hợp khi chưa có nguồn kinh phí dự án, như: giai đoạn chuẩn bị dự án, chưa có dự án xem xét bố trí kinh phí ngân sách Nhà nước cho số biên chế được giao. Kinh phí hỗ trợ theo cấp thẩm quyền quyết định thành lập Ban Quản lý dự án chuyên trách. Đối với các Ban Quản lý dự án chuyên trách (Ban A cấp huyện) việc giao biên chế thực hiện theo quy định tại Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Mỗi Ban Quản lý dự án từ 03 đến 05 biên chế.

IV. TỔ CHỨC HỘI

1. Căn cứ Quyết định số 2697/QĐ-UBND ngày 18/8/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách hội có tính chất đặc thù của tỉnh, của huyện, để cân đối ngân sách và biên chế theo quy định (Chỉ giao biên chế đối với một số hội nhất định, còn lại bố trí người nghỉ hưu, cân đối ngân sách cho hội hoạt động). Giao Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố đánh giá, rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét thận trọng để quyết định một số hội đặc thù cấp huyện, xã thực sự cần thiết đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, điều kiện, tiêu chuẩn hội đặc thù, phù hợp với khả năng ngân sách địa phương.

2. Các hội khác không giao biên chế: Ổn định tổ chức, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích của hội.

3. Rà soát đối với các tổ chức hội không hoạt động liên tục mười hai tháng, không thực hiện báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và không chấp hành hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật để xem xét quyết định giải thể.

4. Phụ cấp cho cán bộ lãnh đạo của hội thực hiện theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh cụ thể hoá Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội.

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I . THỜI GIAN THỰC HIỆN:

1. Từ tháng 12/2011 đến tháng 01/2012 các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị xây dựng xong đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Từ tháng 02/2012, các đơn vị tổ chức thực hiện Đề án sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện, xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo việc bàn giao về nhân sự, tài chính, tài sản theo quy định.

2. Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở Nội vụ và các ngành chức năng tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách, chế độ hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện dôi dư do sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy (không thuộc đối tượng về hưởng theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP) ngoài những quy định của Trung ương.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh lộ trình đầu tư để nâng cấp trụ sở, trang thiết bị cho một số đơn vị thuộc diện tổ chức, sắp xếp lại để chuyển dần sang tự trang trải theo quy định,

4. Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có trách nhiệm tập trung triển khai khẩn trương tại Văn phòng sở, Uỷ ban nhân dân huyện và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng đề án cụ thể để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm thời gian theo quy định của tỉnh. Có biện pháp và cách giải quyết đối với số công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp kiện toàn hợp lý, nhanh gọn, ổn định. Sắp xếp, kiện toàn phải gẵn với việc thực hiện nghiêm Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển đổi vị trí công tác.

5. Sở Giáo dục-Đào tạo chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai việc sắp xếp lại mạng lưới các trường học gắn với việc giảm biên chế dôi dư do giảm trường, giảm lớp.

Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tế để có lộ trình và bước đi phù hợp. Tiếp tục tranh thủ ý kiến các bộ, ngành trung ương liên quan để tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời có các giải pháp giải quyết đối tượng dôi dư sau sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; việc giải quyết lao động dôi dư cần bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch, rõ ràng, ổn định, đúng đối tượng, đúng chính sách, chế độ để sau sáp xếp, kiện toàn tăng thêm sức mạnh, niềm tin.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Căn cứ cơ chế, chính sách của UBND tỉnh về giải quyết chế độ cho các đối tượng dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy thực hiện theo đề án, Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối từ nguồn ngân sách của tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn để tổ chức thực hiện./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN