Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2017/NQ-HĐND

Quảng Bình, ngày 18 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 952/2011/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu;

Xét Tờ trình 1090/TTr-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết về Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Quảng Bình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035; báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Quảng Bình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, gồm các nội dung chính sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi và trở thành một ngành kinh tế có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo yêu cầu hiện đại hóa, kết nối liên ngành, liên vùng. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của tỉnh Quảng Bình đến năm 2025 đạt mức khá trong cả nước.

b) Công nghệ thông tin có vai trò quan trọng trong việc cải cách hành chính, hiện đại, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

c) Hình thành và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ưu tiên, chú trọng phát triển nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là nhân lực trình độ cao về an toàn, an ninh thông tin.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát.

Ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tác nghiệp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao, bảo đảm rút ngắn quy trình, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Hạ tầng thông tin của tỉnh được hiện đại, đồng bộ, liên thông với hạ tầng của quốc gia; đẩy mạnh xây dựng, khai thác có hiệu quả mạng diện rộng, trung tâm dữ liệu điện tử, cơ sở dữ liệu và phần mềm dùng chung; kết nối băng rộng chất lượng cao đến vùng sâu, vùng xa, triển khai và sử dụng có hiệu quả mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước.

Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc gia, quốc tế, bảo đảm nhu cầu của tỉnh về số lượng và chất lượng, có khả năng cung cấp nguồn nhân lực cho quốc gia và thế giới.

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành ngành kinh tế - kỹ thuật; thành lập khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh; khuyến khích các tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư vào Quảng Bình.

Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ thông tin. Bảo đảm an toàn an ninh thông tin, làm chủ trên không gian mạng; sẵn sàng đấu tranh, ngăn chặn chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử.

Khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử.

b) Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025.

100% các cơ quan, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ đảm bảo kết nối với mạng diện rộng, đường truyền tốc độ cao.

100% cán bộ, công chức; 70% viên chức được trang bị máy tính, kết nối Internet, được cấp hộp thư điện tử công vụ.

80% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được nâng cấp, xây dựng đồng bộ (thông tin kinh tế xã hội, dân cư, đất đai, tài nguyên, du lịch, văn hóa, giáo dục, y tế, quy hoạch, giao thông, đô thị,…).

80% - 90% nghiệp vụ chuyên môn các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và 60% nghiệp vụ chuyên môn cơ quan cấp xã được tin học hóa.

90% phần mềm dùng chung của tỉnh được đầu tư nâng cấp (quản lý văn bản, báo cáo trực tuyến, quản lý công chức, viên chức, số hóa tài liệu,…).

90% các văn bản, tài liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp được trao đổi trên môi trường mạng và có ứng dụng chữ ký số (trừ các văn bản quản lý theo chế độ mật).

100% sở, ngành, UBND cấp huyện; 80% Ủy ban nhân dân cấp xã có trang thông tin điện tử tích hợp kết nối trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

70% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 50% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.

70% doanh nghiệp tham gia giao dịch điện tử, giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.

100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện có cán bộ được phân công phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin.

100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan đoàn thể được đào tạo cập nhật, nâng cao kiến thức công nghệ thông tin.

70% hộ gia đình có người hiểu biết kiến thức công nghệ thông tin để sử dụng các dịch vụ công, tiếp cận được với internet.

3. Một số nhiệm vụ trọng tâm

a) Tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội về vị trí, vai trò của công nghệ thông tin, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghệ thông tin trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

b) Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển công nghệ thông tin; cơ chế thu hút, đãi ngộ thích hợp đối với cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin trong cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội; quy định mục chi ngân sách cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin theo quy định tại Điều 63 của Luật công nghệ thông tin.

c) Xây dựng khung kiến trúc và lộ trình triển khai chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình đảm bảo sự đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; công khai minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; phù hợp với Khung Chính phủ điện tử của Việt Nam.

d) Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin của tỉnh đồng bộ, hiện đại; tập trung đầu tư, xây dựng hạ tầng viễn thông và Internet; xây dựng, nâng cấp mạng diện rộng, trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh, hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức đảm bảo cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng các cơ sở dữ liệu của tỉnh, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hệ thống giao ban trực tuyến đảm bảo đồng bộ, phục vụ tốt các cuộc họp của tỉnh với Trung ương và của tỉnh đến các địa phương cấp huyện, xã trong toàn tỉnh; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Quảng Bình, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, cũng như kết nối với các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh trong cả nước.

e) Tập trung triển khai nhân rộng và ứng dụng có hiệu quả các phần mềm dùng chung, các phần mềm chuyên ngành; tổ chức rà soát, nâng cấp, xây dựng mới các phần mềm đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; khẩn trương triển khai hệ thống một cửa điện tử liên thông, cổng thông tin dịch vụ hành chính công, cung cấp dịch vụ công mức 3,4 phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

f) Tập trung thúc đẩy khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin, tạo tiền đề xây dựng trung tâm công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao của tỉnh; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

g) Tiếp tục xây dựng và triển khai các Chương trình, Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức về công nghệ thông tin theo chuẩn quốc gia, quốc tế; tổ chức nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ mới, phần mềm nguồn mở.

h) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13, ngày 19 tháng 11 năm 2015; tăng cường năng lực mạng lưới ứng cứu sự cố của tỉnh gắn kết chặt chẽ với mạng lưới ứng cứu sự cố của quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh, của quốc gia; tăng cường giám sát, phát hiện và kịp thời loại bỏ các thông tin phá hoại của các thế lực thù địch, thông tin trái với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet, mạng xã hội nhằm phát huy mặt tích cực; hạn chế mặt tiêu cực.

4. Định hướng phát triển công nghệ thông tin đến năm 2035

Tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; hiện đại, minh bạch hoạt động của cơ quan hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Tiếp tục đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao kỹ năng khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin cho người dân.

Hoàn thiện việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; hình thành và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế tri thức.

5. Kinh phí thực hiện và danh mục dự án

Ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Quy hoạch; tranh thủ nguồn vốn của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; xã hội hóa việc đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin.

Tùy vào điều kiện nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ dự án của Quy hoạch đảm bảo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin.

(Có Phụ lục danh mục dự án kèm theo).

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này; giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình Khóa XVII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2017./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Quảng Bình, Đài PTTH Quảng Bình;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, TH.

CHỦ TỊCH




Hoàng Đăng Quang

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN CỦA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số ……/2017/NQ-HĐND ngày … tháng 7 năm 2017 của HĐND tỉnh Quảng Bình)

Đơn vị tính: tỷ đồng

TT

Nội dung dự án, nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì

Thời gian thực hiện

Dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư, với kinh phí khoảng:

Tổng kinh phí

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

Doanh nghiệp, xã hội hóa

A

Giai đoạn 2017 - 2025

 

 

68,00

78,00

89,00

235,00

1

Đầu tư nâng cấp, triển khai nhân rộng phần mềm Một cửa liên thông và dịch vụ hành chính công tỉnh Quảng Bình

Sở TT&TT; các sở, ban, ngành, địa phương

2017 - 2025

 

7,00

3,00

10,00

2

Nâng cấp, triển khai nhân rộng hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành tỉnh Quảng Bình

Sở TT&TT; các sở, ban, ngành, địa phương

2018 - 2025

 

3,00

 

3,00

3

Xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình

Sở TT&TT

2018 - 2020

 

1,00

 

1,00

4

Nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử các cơ quan, tổ chức

Sở TT&TT; các sở, ban, ngành, địa phương

2018 - 2025

 

3,00

2,00

5,00

5

Đầu tư, nâng cấp Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh Quảng Bình; đảm bảo an toàn an ninh thông tin

Sở TT&TT

2019 - 2025

11,00

7,00

7,00

25,00

6

Đầu tư xây dựng mạng diện rộng (WAN) tỉnh Quảng Bình

Sở TT&TT

2019 - 2025

1,00

1,00

2,00

4,00

7

Đầu tư xây dựng hệ thống thông tin kinh tế xã hội

Sở TT&TT; Sở KH&ĐT; các sở, ban, ngành, địa phương

2018 - 2020

 

3,00

 

3,00

8

Nâng cấp, triển khai nhân rộng hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Quảng Bình

Sở TT&TT

2021 - 2025

 

3,00

 

3,00

9

Xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung tỉnh Quảng Bình (LGSP)

Sở TT&TT

2021 - 2025

8,00

2,00

 

10,00

10

Đầu tư triển khai các ứng dụng, tác nghiệp dùng chung (phần mềm báo cáo trực tuyến; quản lý hồ sơ cán bộ, công chức và đánh giá kết quả làm việc; số hóa tài liệu; giải quyết khiếu nại tố cáo; hệ thống thông tin địa lý dùng chung)

Sở TT&TT; các sở, ban, ngành, địa phương

2018 - 2025

3,00

13,00

9,00

25,00

11

Đầu tư nâng cấp phần mềm kế toán tài chính; quản lý cơ sở vật chất và tài sản

Sở Tài chính

2021 - 2025

1,00

3,00

4,00

8,00

12

Xây dựng, nâng cấp các phần mềm và cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong các cơ quan Đảng, đoàn thể và Nhà nước

Văn phòng Tỉnh ủy; Sở TT&TT; các sở, ban, ngành, địa phương

2018 - 2025

36,00

15,00

40,00

91,00

13

Đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin Trung tâm hành chính công

Văn phòng UBND tỉnh

2018 - 2020

 

3,00

 

3,00

14

Đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước

Sở TT&TT; các sở, ban, ngành, địa phương

2018 - 2025

5,00

2,00

10,00

17,00

15

Đầu tư, nâng cấp hệ thống giao ban trực tuyến tỉnh Quảng Bình

Sở TT&TT

2021 - 2025

 

3,00

5,00

8,00

16

Đầu tư phát triển thương mại điện tử

Sở Công thương; Sở TT&TT

2021 - 2025

2,00

1,00

1,00

4,00

17

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức và người dân

Sở TT&TT; các sở, ban, ngành, địa phương

2018 - 2025

1,00

3,00

6,00

10,00

18

Đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức

Sở TT&TT

2018 - 2025

 

5,00

 

5,00

B

Giai đoạn 2026 - 2035

 

 

 

 

 

 

1

Xây dựng đô thị thông minh

Sở TT&TT; các sở, ban, ngành, địa phương

2026 - 2035

 Kinh phí thực hiện các chương trình, dự án được khái toán theo tình hình thực hiện các dự án trong giai đoạn trước; tình hình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương; xu hướng phát triển công nghệ thông tin trong nước và trên thế giới; phù hợp với các chiến lược, chính sách phát triển công nghệ thông tin của Đảng, Chính phủ và của Tỉnh đề ra trong giai đoạn tới.

2

Phát triển và hoàn thiện Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình

Sở TT&TT; các sở, ban, ngành, địa phương

2026 - 2035

3

Xây dựng khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung

Sở Thông tin và Truyền thông

2026 - 2035

4

Hoàn thiện các dự án được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2025 và vận hành các hệ thống công nghệ thông tin

Sở TT&TT; các sở, ban, ngành, địa phương

2026 - 2035