Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 353/NQ-HĐND

Sơn La, ngày 10 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA  ĐẾN NĂM 2020 VÀ XÉT TRIỂN VỌNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 384/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc ban hành quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 207/TTr-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2010; Báo cáo thẩm tra số 614/BC-KTNS ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; Tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La đến năm 2020 và xét triển vọng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm, mục tiêu quy hoạch

1.1. Quan điểm phát triển

- Đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Phát triển nhanh các ngành kinh tế, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tạo ra bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực, gắn với nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.

- Ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp với tốc độ cao, bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng chung của cả nước, của Vùng trung du miền núi Bắc bộ, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng lợi thế tại chỗ, đặc biệt là thủy điện, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản; Tập trung phát triển nguồn nguyên liệu đủ lớn phục vụ cho đầu tư các cơ sở công nghiệp quy mô lớn có công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường.

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất công nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài tỉnh, trong nước cũng như ngoài nước. Chú trọng phát huy nội lực để đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản thực phẩm.

- Việc phát triển công nghiệp phải gắn với quy hoạch phát triển đô thị, với việc hình thành các trung tâm kinh tế và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát triển công nghiệp phải gắn liền với việc bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm gìn giữ các di sản thiên nhiên, các công trình văn hoá, lịch sử có giá trị của dân tộc, phù hợp với yêu cầu củng cố an ninh, quốc phòng, an toàn xã hội.

- Phát triển nguồn nhân lực có trí thức cao phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp trong giai đoạn quy hoạch. Chú trọng đào tạo đội ngũ lao động công nghiệp có trình độ, có tác phong công nghiệp, hiện đại phù hợp với nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, xu thế phát triển xã hội thông tin và kinh tế trí thức cũng như phù hợp với từng giai đoạn phát triển công nghiệp trên địa bàn.

1.2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

- Tập trung chuẩn bị đầu tư và đầu tư các dự án phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản phù hợp với tiềm năng tài nguyên và nhu cầu thị trường; phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản phù hợp với quy mô và gắn với các cơ sở chế biến; thu hút nhiều lao động sang sản xuất công nghiệp… phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh.

- Ưu tiên, hỗ trợ các chủ đầu tư để hoàn thành xây dựng các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn. Phát triển thêm các nhà máy thuỷ điện tích năng theo quy hoạch; cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện quốc gia đảm bảo cấp điện cho các khu, cụm công nghiệp, nâng tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lên 100% vào năm 2020.

- Hoàn hiện cơ sở hạ tầng và phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

b) Mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 21,83%/năm (trong đó công nghiệp địa phương (không tính các thủy điện trên 100MW) tăng 13,1%/năm), trong đó:

- Giai đoạn 2011 - 2015: Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh đến năm 2015 đạt 7.405 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân trên địa bàn đạt 38,56%/năm (trong đó công nghiệp địa phương tăng 16,57%/năm).

- Cơ cấu ngành công nghiệp địa phương là: Chế biến nông sản thực phẩm 27,69%, khai thác và chế biến khoáng sản 23,5%, Sản xuất phân phối điện năng 23%, vật liệu xây dựng 21,56%, còn lại là các ngành khác.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh đạt 10.546 tỷ đồng (công nghiệp địa phương là 5.072 tỷ). Tốc độ tăng trưởng bình quân trên địa bàn đạt 7,33%/năm (công nghiệp địa phương tăng 10,2%/năm).

Dự báo tốc độ bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 3,94%/năm (công nghiệp địa phương đạt 3,22%/năm). Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2030 đạt 15.500 tỷ đồng (trong đó địa phương đạt 7.000 tỷ đồng).

2. Nội dung quy hoạch phát triển các chuyên ngành công nghiệp

2.1. Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản

a) Phương hướng phát triển

- Triển khai các dự án khai thác khoáng sản, đặc biệt là những loại khoáng sản gắn với các cơ sở chế biến sâu tại Sơn La như: đồng, niken, sắt, đá vôi sét làm xi măng, than các loại, cao lanh… Tập trung khai thác gắn với chế biến sâu, phục vụ theo tiến độ sản xuất của các nhà máy chế biến. Duy trì sản lượng khai thác phù hợp với nhu cầu, tiến độ sản xuất của các nhà máy chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh như quặng sắt, đồng, than mỡ, manhezit, tanl...

- Ưu tiên đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại, đồng bộ trong công nghiệp khai thác để tăng năng suất lao động, giảm giá thành, tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Chú trọng công tác thăm dò tìm kiếm mỏ mới, trữ lượng mới.

b) Mục tiêu phát triển: Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đến năm 2015 đạt 600 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm 11,84%/năm, đạt tỷ trọng 19,45% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Đến năm 2020 đạt 947 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm 10%, đạt tỷ trọng 18% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương của tỉnh. Dự báo đến năm 2030 đạt 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 14,4% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương của tỉnh.

c) Các dự án chủ yếu

- Khai thác và chế biến quặng sắt: Đầu tư khai thác mỏ sắt Mường Trai, huyện Mường La; mỏ sắt Suối Cù, huyện Phù Yên; Mỏ sắt Suối Bàng, huyện Mộc Châu; Nhà máy chế biến (tuyển tinh quặng) sắt tại Mường Trai, Phù Yên. Tổ chức thăm dò các điểm quặng sắt có triển vọng trên địa bàn để đảm bảo nhu cầu nguyên liệu cho Nhà máy gang thép.

- Khai thác và chế biến quặng đồng, đồng - niken: Khai thác các mỏ đồng -niken Bản Phúc, các điểm quặng đồng Suối On, Đá Đỏ, Bắc Đá Đỏ, Phiêng Lương, Là Nậy, Suối Bau, Vạn Sài, Quy Hướng, Xuân Giàng, Bản Cóc, Bản Cải, Phai Làng, Suối Sập, Bản Long, Cốc Phát, Bản Sa, Bản Pưn, đồng - vàng Suối Chát... và một số biểu hiện quặng đồng khác. Đầu tư nhà máy chế biến (tuyển) quặng đồng-niken Bản Phúc, nhà máy tuyển đồng Đá Đỏ - Phù Yên, Tân Hợp - Mộc Châu…

- Khai thác than: Khai thác gắn với chế biến các điểm mỏ than Suối Bàng-Mộc Châu; than nâu Hang Mon - Yên Châu; Khai thác gắn với sản xuất than cốc sản lượng than mỡ của các mỏ Tô Pan, Mường Lựm - huyện Yên Châu.

- Khai thác và chế biến quặng chì kẽm: Khai thác gắn với tuyển quặng chì tại mỏ Suối Cù, Suối Bốc và Suối Tọ, Huyện Phù Yên. Điều tra thăm dò một số điểm tiềm năng khác trên địa bàn.

- Khai thác quặng vàng: Khai thác các điểm vàng sa khoáng trên các dòng sông bãi bồi, nhất là khu vực trên lòng sông Mã, suối Nậm Hóa... Tổ chức khai thác gắn với thăm dò bổ sung các điểm vàng gốc đã được tỉnh giao: Mỏ vàng gốc Ít Ong, huyện Mường La; Điểm mỏ vàng Hua Và, xã Chiềng Phung, huyện Sông Mã; Điểm mỏ vàng xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai; Điểm mỏ vàng bản Cầm, thành phố Sơn La; Chiềng Mai, huyện Mai Sơn....

- Khai thác khoáng sản làm phân bón: Khai thác quặng photphorit tại điểm quặng hang Bản Thắm, xã Chiềng Ve, huyện Mai Sơn, quặng Pyrit tại bản Sai, huyện Sông Mã, điểm quặng photphorit bản Giáo, than bùn Tân Lập, Chiềng Ve huyện Mộc Châu; than bùn Bản Ban, Phù Yên ...

- Khai thác Quặng Talc và Đôlômit: Khai thác mỏ quặng talc ở Bản Tà Phù - Mộc Châu; điều tra đánh giá quặng Talc/Đôlômit Ten Ư, điểm Talc Pom Nhung, điểm Talc Ngu Hấu và điểm Talc Pa Nó... gắn với đầu tư nhà máy chế biến bột Talc Tại Sông Mã.

- Khoáng sản sét gốm sứ và kaolin: Nghiên cứu khai thác gắn với chế biến các điểm mỏ sét gốm Mường Chanh, kaolin Trò A ...

- Khai thác đá các loại: Đảm bảo sản lượng khai thác để phục vụ nhu cầu vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh.

2.2. Quy hoạch ngành chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống

a) Phương hướng phát triển

- Đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng quy mô các cơ sở chế biến nông, lâm sản phù hợp với quy mô vùng nguyên liệu tập trung. Khuyến khích đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ của các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và nhu cầu xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới.

- Giảm dần các sản phẩm sơ chế, phát triển chế biến sâu, chế biến các sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, nhằm tăng giá trị của sản phẩm.

- Tập trung đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, có chất lượng cao để thu hút đầu tư các nhà máy chế biến quy mô vừa và lớn, có công nghệ hiện đại.

- Ưu tiên cho việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, hướng tiêu thụ ra thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu. Sản phẩm có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

b) Mục tiêu phát triển: Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2015 theo giá cố định đạt 450 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm 6,2%/năm, đạt tỷ trọng 47,7% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm 18%/năm, đạt tỷ trọng 28,6% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Dự báo đến năm 2030 đạt 2.000 tỷ đồng, tăng bình quân 10 năm 6,6%/năm, đạt tỷ trọng 34,23% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương.

c) Các dự án phát triển

- Chế biến mủ cao su: Dự kiến đến năm 2015 đầu tư 03 Nhà máy chế biến mủ cao su tại Mường La, Quỳnh Nhai và Sông Mã. Đến năm 2020 đầu tư thêm 03 cơ sở tại Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu. Quy mô công suất và tiến độ đầu tư tùy theo sản lượng mủ tại mỗi vùng, để chế biến toàn bộ số mủ cao su tại mỗi vùng và mang lại hiệu quả kinh tế trong đầu tư. Dự kiến sau năm 2020, đầu tư 01 nhà máy chế biến sâu sản phẩm mủ cao su tại Khu công nghiệp Mai Sơn với quy mô, sản phẩm phù hợp.

- Chế biến sản phẩm sữa: Tập trung phát huy công suất Nhà máy công suất 20 triệu lít/năm. Phát triển các sản phẩm từ sữa phù hợp với thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và mẫu mã. Đầu tư thêm Dây chuyền chế biến sữa công suất khoảng 20 triệu lít năm để sản xuất các sản phẩm từ sữa khi sản lượng sữa tươi đạt công suất.

- Chế biến chè: Phát huy công suất thiết bị chế biến chè hiện có ở các vùng trồng chè tập trung, sửa chữa nâng cấp và hoàn thiện công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì... Đầu tư xây dựng một số cụm chế biến (chè xanh, chè đen...) quy mô vừa và nhỏ với công nghệ hiện đại để có thể bố trí phân tán, tạo điều kiện phát triển cây chè ở những vùng xa, giao thông vận tải còn khó khăn.

- Công nghiệp chế biến cà phê: Phát triển các cơ sở chế biến cà phê (sát vỏ cà phê) theo công nghệ chế biến ướt gắn với vùng nguyên liệu tập trung tại một số huyện. Các cơ sở xây dựng mới cần lắp đặt các dây chuyền đồng bộ, từ xát tươi cà phê đến tuyển chọn đánh bóng cà phê nhân, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đầu tư dây chuyền chế biến phân bón vi sinh từ vỏ cà phê với quy mô phù hợp với từng cơ sở chế biến.

- Công nghiệp mía đường: Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm đường tại Nhà máy đường Mai Sơn. Nghiên cứu đầu tư chế biến rỉ đường để sản xuất hoặc cung cấp cho nhà máy sản xuất cồn công nghiệp hoặc chế biến Bio-Diezen làm nhiên liệu thay xăng. Thu hồi bã bùn sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh. Nghiên cứu xây dựng các công nghệ chế biến sau đường như sản xuất bánh kẹo, cồn, rượu, phân bón, ván ép,…

- Chế biến tinh bột sắn, ngô: Tiếp tục củng cố và phát triển Nhà máy chế biến sắn đưa vào hoạt động có hiệu quả, nghiên cứu đầu tư phát triển sản phẩm mới. Đầu tư các cơ sở chế biến sắn lát khô, tinh bột sắn ướt quy mô cụm hộ. Thu hút đầu tư chế biến ngô theo hướng sản xuất tinh bột ngô, tinh bột biến tính, cồn sinh học, nước giải khát - dinh dưỡng, thức ăn gia súc gắn với chăn nuôi tập trung... Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học từ sắn, ngô, rỉ đường tại Khu công nghiệp Mai Sơn.

- Chế biến hoa quả, bia, rượu, nước giải khát: Phát triển các cơ sở chế biến rượu mận tại Mộc Châu, Sản xuất rượu vang Sơn Tra, cùng với việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Sau năm 2015, sau khi xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, nghiên cứu đầu tư Nhà máy chế biến rượu vang quy mô 2 triệu lít năm tại Mường La (hoặc Bắc Yên).

- Chế biến sản phẩm chuối: Đầu tư chiều sâu cho các cơ sở chế biến chuối, hướng vào bán tươi và xuất khẩu sau khi bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật. Sản phẩm chế biến từ chuối chủ yếu là chuối sấy khô, chuối dẻo, chuối chiên và rượu chuối.

- Chế biến long nhãn: Khuyến khích đầu tư công nghệ, thiết bị có quy mô phù hợp với sản lượng nguyên liệu, thiết bị phải đảm bảo nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Dự kiến xây dựng một cơ sở chế biến Hoa quả (chủ yếu là nhãn) tại Sông Mã. Sản phẩm chủ yếu là nhãn sấy, nước hoa quả....

- Sản xuất bia: Nâng cấp từ 01 - 02 nhà máy bia lên quy mô 5 triệu - 10 triệu lít/năm để đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh, khu vực.

- Sản xuất thực phẩm đóng hộp: Xây dựng 1 cơ sở chế biến măng tre tại huyện Sốp Cộp khi phát triển được vùng nguyên liệu. Sản phẩm là măng đóng hộp, măng khô...

2.3. Công nghiệp chế biến lâm sản

a) Phương hướng phát triển: Tập trung phát triển sản xuất các mặt hàng từ tre như ván tre ép, chiếu tre, đũa, giấy đế ... phục vụ trong nước và xuất khẩu. Phát triển các cơ sở sản xuất dăm gỗ, gỗ ép, gỗ lạng, gỗ xẻ, sản xuất đồ gỗ gia dụng, đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu. Phát triển và đầu tư chế biến các loại dược liệu gắn với phát triển và bảo vệ rừng - nhất là rừng kinh tế, rừng phòng hộ.

b) Mục tiêu phát triển: Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến lâm sản đến năm 2015 đạt 10 tỷ đồng, tăng bình quân 11,6%/năm, đạt tỷ trọng 0,34% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Đến năm 2020 đạt 280 tỷ đồng, tăng bình quân 90%, đạt tỷ trọng 5,55% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Dự báo đến năm 2030 đạt 600 tỷ đồng, tăng bình quân 8%/năm, đạt tỷ trọng 8,7% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương.

c) Một số dự án phát triển

- Giai đoạn 2011 - 2015: Đầu tư nhà máy chế biến ván tre ép, chiếu tre, đũa, ... tại Cụm Công nghiệp Mộc Châu. 04 cơ sở sơ chế tre tại các vùng nguyên liệu. Củng cố, nâng cấp đầu tư chiều sâu của 3 cơ sở chế biến lâm sản (tại Mộc Châu, Lâm trường Phù Bắc Yên, Công ty Cổ phần chế biến lâm sản Sơn La) bằng giải pháp đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư nâng công suất các nhà máy chế biến. Sau khi đã hình thành được vùng nguyên liệu, đầu tư Nhà máy chế biến gỗ công suất 20.000 - 5.0000 m3/năm, nhà máy sản xuất giấy đế, công suất 2.550 tấn/năm, Nhà máy sản xuất ván ghép thanh (gỗ tre) công suất 20.000 m3/năm... Dự báo đến năm 2030 đạt 605 tỷ đồng, tăng bình quân 8%/năm, đạt tỷ trọng 8,7% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương.

2.4. Công nghiệp sợi dệt - may - da giày

a) Phương hướng phát triển: Phát triển vùng nguyên liệu bông công nghiệp: Quy mô 3.000 - 5.000 ha gắn với ngành công nghiệp sản xuất bông sợi và sợi công nghiệp. Đầu tư đào tạo nâng cao tay nghề công nhân; Tập trung sản xuất các sản phẩm dệt may hiện đang có thị trường ổn định; chú trọng phát triển thị trường vùng và thị trường tại chỗ.

b) Mục tiêu phát triển: Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp ngành nghiệp sợi, dệt may, da giày đến năm 2015 đạt 64 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm 26,19%, đạt tỷ trọng 0,86% giá trị sản xuất công nghiệp đạt tỷ trọng 1,24% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 là 20,58%. Giai đoạn 2021 - 2030: Trên cơ sở phát triển ngành sợi, phát triển ngành dệt, dệt thổ cẩm; ngành may mặc trên địa bàn.

c) Các dự án phát triển: Đầu tư một số cơ sở sản xuất da giầy tại Phù Yên, Quỳnh Nhai, Thành phố Sơn La; Nhà máy may xuất khẩu, các cơ sở may công nghiệp làm vệ tinh tại các địa bàn có nguồn lao động; Nhà máy cán bông quy mô 2.000 tấn/ năm; Nhà máy sợi công nghiệp, quy mô 2.000 tấn sợi công nghiệp/năm gắn với vùng nguyên liệu bông tập trung. Các làng nghề dệt và dệt thổ cẩm.

2.5. Công nghiệp luyện kim, chế tạo máy và gia công kim loại

a) Phương hướng phát triển

- Về luyện kim: Đầu tư một số nhà máy luyện kim trên cơ sở lợi thế về nguyên liệu (khoáng sản) trên địa bàn tỉnh; Ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.

- Về chế tạo máy và gia công kim loại: Phát triển cơ khí đáp ứng cơ bản các nhu cầu của tỉnh về các thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp và nông thôn; sản xuất một số sản phẩm, phụ tùng phục vụ công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim thay thế cho sản phẩm nhập khẩu.

b) Mục tiêu phát triển: Giá trị sản xuất công nghiệp ngành luyện kim, chế tạo máy, gia công kim loại đến năm 2015 đạt 140 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 4,42% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Đến năm 2020 đạt 271 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm 14,5%, đạt tỷ trọng 5,34% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Dự báo đến năm 2030 đạt 900 tỷ đồng, tăng bình quân 13%/năm, đạt tỷ trọng 6,4% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương.

c) Các dự án phát triển

- Đầu tư Nhà máy gang thép tại Cụm Công nghiệp Mường La, quy mô 150.000 tấn gang thép/năm. Nhà máy luyện đồng kim loại công suất 5.000-10.000 tấn đồng thỏi/năm tại Cụm Công nghiệp Phù Yên; Luyện đồng Tân Hợp 1.000 tấn/năm; luyện chì tại Phù Yên, công suất 2.000 - 5.000 tấn/năm.

- Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm của các cơ sở cơ khí hiện có. Phát triển một số cơ sở cơ khí phục vụ nông nghiệp nông thôn trên địa bàn các huyện.

- Đầu tư Nhà máy luyện quặng manhezit; Nhà máy sản xuất bột talc tại Sông Mã, công suất 35.000 tấn/năm. Đầu tư các nhà máy phụ trợ của Nhà máy gang thép và Nhà máy luyện đồng.

- Đầu tư Xưởng đóng mới và sửa chữa tầu thuyền tại Mường La (phục vụ giao thông vận tải trên Lòng hồ Sông Đà, Sơn La).

- Đầu tư Nhà máy cơ khí sản xuất phụ tùng, sửa chữa, sản xuất thiết bị thay thế phục vụ các ngành công nghiệp thủy điện, xi măng, luyện kim và các ngành công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh tại Cụm công nghiệp Mường La.

2.6. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

a) Phương hướng phát triển

- Duy trì và phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng để đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh và một số tỉnh lân cận.

- Phát triển trên cơ sở nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương gắn với hiệu quả kinh tế, tiết kiệm nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Đầu tư sản xuất các sản phẩm mới với công nghệ tiên tiến như: Đá ốp lát cao cấp, cấu kiện bê tông đúc sẵn. Phát triển các chế biến đá xây dựng phục vụ nhu cầu trong tỉnh; Phát triển sản xuất gạch không nung dần thay thế gạch nung.

b) Mục tiêu phát triển: Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp ngành vật liệu xây dựng đến năm 2015 đạt 670 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm 22,6%/năm, đạt tỷ trọng 21,6% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Đến năm 2020 đạt 870 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm 5,3%, đạt tỷ trọng 17,22% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Dự báo đến năm 2030 đạt 1.090 tỷ đồng, tăng bình quân 2,2%/năm, đạt tỷ trọng 15,6% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương.

c) Các dự án phát triển: Hoàn thành nhà máy sản xuất xi măng lò quay công suất 1.000.000 tấn/năm tại Mai Sơn; Đầu tư sản xuất gạch không nung, gạch terazo được ép từ cát, xi măng và bột đá với công suất 200 triệu viên/ năm vào năm 2020; Đầu tư Nhà máy sản xuất bê tông tươi, bê tông đúc sẵn. Công suất 100.000 m3.

2.7. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước

a) Phương hướng phát triển

- Hoàn thành xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ hòa mạng lưới điện quốc gia. Cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện theo quy hoạch. Phát triển các dạng năng lượng mới: điện năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện nhỏ độc lập cho các bản vùng xa, vùng hẻo lánh không thể đầu tư lưới điện.

- Phát triển và đảm bảo nguồn sinh thủy của các lưu vực lòng hồ thủy điện đảm bảo vận hành của các nhà máy thủy điện ổn định, bền vững thông qua các chương trình dự án bảo vệ và phát triển mạnh mẽ rừng kinh tế đầu nguồn;

- Cải tạo, xây dựng mạng lưới tuyến ống phân phối, trạm tăng áp, trang bị mới và thay thế thiết bị điều khiển và kiểm soát hệ thống cấp nước, nâng cao năng lực quản lý vận hành hệ thống cấp nước, phấn đấu đạt tỷ lệ thất thoát, lãng phí nước ở mức thấp.

b) Mục tiêu phát triển

- Giá trị sản xuất (không tính đến thủy điện trên 100MW): đến năm 2015 đạt 730 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm 23%/năm, đạt tỷ trọng 23% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương; Đến năm 2020 đạt 1.070 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm 7,9%/năm, đạt tỷ trọng 21% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Dự báo đến năm 2030 đạt 1.180 tỷ đồng, tăng bình quân 10 năm 1%/năm, đạt tỷ trọng 17% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương.

c) Các dự án tập trung triển khai

- Hoàn thành xây dựng trên 40 công trình thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp đặt khoảng 530 MW.

- Đầu tư và khởi công xây dựng Thủy điện tích năng Đông Phù Yên, công suất lắp đặt 1.500 MW; Thủy điện tích năng Mộc Châu, công suất 1.000 MW.

- Hoàn thành dự án đầu tư lưới điện nông thôn (đang xây dựng), đến năm 2015 có 100% số xã, 92% số hộ có điện lưới.

- Nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước nhà máy xử lý nước mặt công suất tăng thêm 6.000m3/ngày/đêm (tổng công suất của nhà máy là 12.000 m3/ngày/đêm). Nâng cao chất lượng nước, bổ sung hạng mục lọc than hoạt tính và ô xy hóa chất hữu cơ bằng ôzôn.

2.8. Quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp - Làng (bản) nghề

a) Định hướng phát triển: Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, phát triển một số làng nghề điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp quy mô hộ gia đình hướng vào sản xuất hàng tiêu dùng là chính như: chế biến lương thực thực phẩm, ươm tơ, dệt thổ cẩm, sản xuất nông cụ cầm tay; cơ khí sửa chữa; đồ gốm, rèn, mộc gia dụng, sản xuất gạch ngói thủ công nghiệp tại vùng sâu, vùng xa, vùng cao… tạo việc làm cho người lao động và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khôi phục các làng nghề truyền thống, thúc đẩy nhân cấy nghề mới. Khuyến khích các hình thức hợp tác, Phân công sản xuất và tiến hành chuyên môn hoá trong từng ngành hàng. Liên kết chặt chẽ giữa các chủ doanh nghiệp với các hộ sản xuất trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

b) Mục tiêu phát triển: Phấn đấu đến năm 2020 sẽ bảo tồn, khôi phục và phát triển ổn định được khoảng 12 bản nghề tiểu thủ công nghiệp. Đến năm 2030 được 40 bản nghề tiểu thủ công nghiệp.

c) Các dự án phát triển

- Tập trung triển khai thực hiện các dự án khôi phục nghề mây tre đan; nghề dệt thổ cẩm; mộc dân dụng, gỗ mỹ nghệ, chế biến nông sản, thực phẩm…

- Xây dựng và hình thành các làng nghề: Làng nghề dệt thổ cẩm bản Dân Chủ - Chiềng Pấc; Bản Mòn - Thôm Mòn, huyện Thuận Châu. Bản Hìn - phường Chiềng An, thành phố Sơn La; Bản Cò Nòi, huyện Mai Sơn; Bản Thèn Luông, bản Đông Tấu, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu; bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu. Làng nghề mây tre đan bản Hán - xã Chiềng Ly - huyện Thuận Châu; bản Co Trai - Hát Lót, huyện Mai Sơn; bản Thải Hạ - Mường Thải, huyện Phù Yên; Tiểu khu 67- thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu. Làng nghề sản xuất đồ gốm bản Cang Mường - Mường Chanh, huyện Mai Sơn...

2.9. Quy hoạch phát triển các sản phẩm công nghiệp trọng điểm: Sản phẩm chủ yếu đến 2020 là quặng kim loại, than, đá xây dựng, sữa và sản phẩm từ sữa, chè, cà phê, bông sợi, cao su sơ chế, đồng kim loại, gang thép, xi măng, gạch xây, cát xây dựng, đường, ván tre, ván gỗ.....

2.10. Quy hoạch phân bố ngành công nghiệp trên địa bàn

a) Luận chứng về quy hoạch phân bố công nghiệp trên địa bàn theo vùng và lãnh thổ đến năm 2020

- Vùng kinh tế dọc quốc lộ 6 là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp. Hình thành Khu công nghiệp Mai Sơn, công nghiệp Mộc Châu, công nghiệp Thuận Châu và các điểm công nghiệp khác.

- Vùng Lòng hồ Sông Đà: Hình thành các cơ sở công nghiệp khai thác khoáng sản, Cụm công nghiệp Mường La (gang thép, cơ khí, đóng tầu thuyền…) và Cụm công nghiệp Phù Yên (luyện đồng, chì, bông sợi…).

- Do đặc thù tỉnh Sơn La, tại mỗi huyện bố trí các cụm công nghiệp, cơ sở công nghiệp sản xuất các ngành công nghiệp có lợi thế.

b) Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh

- Giai đoạn 2011 - 2015: Hoàn thành xây dựng và thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Mai Sơn, Cụm công nghiệp Mộc Châu; công nghiệp Phù Yên; công nghiệp Mường La (xã Ít Ong); công nghiệp Thị trấn Phù Yên.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Hình thành các cụm công nghiệp nhỏ trên địa bàn huyện và thành phố. Đến năm 2020, mỗi huyện có ít nhất một cụm công nghiệp.

3. Danh mục một số dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020

- Hoàn thành 29 nhà máy thủy điện trên địa bàn trong giai đoạn 2011 - 2015 với tổng công suất 412 MW; giai đoạn 2015 - 2020 hoàn thành 11 nhà máy, tổng công suất khoảng 128 MW. Chuẩn bị và đầu tư 02 nhà máy thủy điện tích năng với tổng công suất đặt 2.500 MW.

- Dự án Nhà máy xi măng lò quay Mai Sơn.

- Dự án nhà máy gang thép Sơn La, công suất 150.000 tấn/năm (gắn với các dự án Nhà máy tuyển và khai thác mỏ sắt Mường Trai - huyện Mường La, Suối Cù - huyện Phù Yên...).

- Dự án Nhà máy luyện đồng Phù Yên, công suất 5.000 tấn/năm (gắn với các dự án 03 nhà máy tuyển quặng đồng, khai thác các điểm mỏ đồng theo tiến độ sản xuất của nhà máy).

- Dự án nhà máy tuyển và luyện Niken Bản Phúc.

- Dự án nhà máy chế biến bông và sản xuất sợi, công suất 4.000 tấn bông sợi/năm (gắn với quy hoạch trồng 3.000 ha cây bông công nghiệp).

- Dự án nhà máy chế biến sản phẩm tre xuất khẩu Mộc Châu, công suất 10.000 tấn/năm.

- Dự án Nhà máy chế biến gỗ ép, công suất 20.000 m2/năm...

- Các dự án chế biến sản phẩm từ ngô, sắn (cồn sinh học, tinh bột biến tính, tinh bột, thức ăn gia súc...).

- Các dự án chế biến hoa quả (nước giải khát, đóng hộp, sấy...).

- Các dự án sơ chế mủ cao su.

- Dự án xây dựng Khu công nghiệp Mai Sơn, quy mô 150 ha.

- Dự án xây dựng Cụm công nghiệp Mộc Châu, quy mô 59,3 ha.

- Dự án xây dựng Cụm công nghiệp Phù Yên, quy mô 38 ha.

- Dự án xây dựng Cụm công nghiệp Mường La, quy mô khoảng 40 ha.

4. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển công nghiệp đến năm 2020

Dự báo nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2020 là hơn 36.011 tỷ đồng (tương đương 1,85 tỷ USD). Bình quân 3.600 tỷ đồng/năm, tỷ trọng vốn đầu tư cho công nghiệp so với tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh khoảng 61,37% trong cả giai đoạn này. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 là 22.682 tỷ đồng (tương đương 1,17 tỷ USD); giai đoạn 2016 - 2020 là 13.329 tỷ đồng (tương đương 0,68 tỷ USD).

Giai đoạn 2021 - 2030, phạm vi quy hoạch chỉ định hướng cho các ngành nên không tính toán vốn đầu tư trong quy hoạch này.

5. Các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch

5.1. Về huy động và thu hút nguồn vốn cho phát triển công nghiệp

Nguồn vốn được huy động cho đầu tư phát triển công nghiệp chủ yếu từ các nhà đầu tư, được dự kiến như sau:

- Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chủ yếu hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, một phần lưới điện hạ thế cho nhân dân vùng dân tộc khó khăn. Tổng vốn ước tính 1.752 tỷ đồng (Vốn ngân sách Trung ương 1.552 tỷ, ngân sách địa phương 200 tỷ đồng).

- Nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nước và vay thương mại: 33.209 tỷ đồng (doanh nghiệp khoảng 10.000 tỷ, vay tín dụng 23.209 tỷ đồng).

- Nguồn vốn thu hút đầu tư từ nước ngoài (mỏ đồng - niken, Chế biến gỗ, vay hỗ trợ …): 1.050 tỷ đồng.

Để huy động nguồn vốn này, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp như: cải cách các thủ tục hành chính để giảm bớt thời gian cho nhà đầu tư, quy hoạch và tổ chức xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư...

5.2. Giải pháp về thị trường

- Các doanh nghiệp phải coi trọng việc chiếm lĩnh thị trường trong nước, trong tỉnh; phải đảm bảo chất lượng sản phẩm có sức cạnh tranh và thay thế được hàng nhập khẩu, phải thắng ngay trên “sân nhà” khi hội nhập.

- Không ngừng củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm xúc tiến thương mại để đáp ứng yêu cầu mới. Củng cố phát huy hiệu quả hoạt động của trung tâm này.

- Thắt chặt mối quan hệ với các tỉnh trong vùng, tăng cường hợp tác về thương mại với các địa phương trong cả nước, các tỉnh Bắc Lào. Cần hướng mạnh hơn nữa về thị trường nông nghiệp, nông thôn.

5.3. Giải pháp về công nghệ

- Lựa chọn đúng công nghệ cần đổi mới, sử dụng công nghệ nhiều tầng, kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại. Thông qua đổi mới công nghệ, chuyển từ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thô sang chế biến và xuất khẩu sản phẩm tinh, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu.

- Liên kết các viện nghiên cứu, các trường đại học, hỗ trợ kinh phí cho các công trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, không phân biệt sở hữu.

5.4. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp

- Mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo có trang bị hiện đại trong và ngoài tỉnh để đào tạo lao động kỹ thuật lành nghề. Khuyến khích các doanh nghiệp có sử dụng lao động góp vốn và trang bị phương tiện để nâng cao chất lượng đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại doanh nghiệp. Tạo sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp, các cơ quan tư vấn về phát triển kinh tế - kỹ thuật công nghệ, các doanh nghiệp với các trường đại học, các cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật để hỗ trợ nhau trong vấn đề đào tạo, cung ứng, sử dụng nhân lực một cách có hiệu quả nhất.

- Đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đóng trên địa bàn tỉnh; xây dựng và mở rộng thêm các cơ sở đào tạo, chú ý đến đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy nghề, nhằm nâng cao chất lượng và số lượng đào tạo đi đôi với việc liên kết, thu hút đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao về giảng dạy.

- Thường xuyên mở các lớp đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp để nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh.

5.5. Giải pháp về phát triển vùng nguyên liệu

Tăng cường phối hợp giữa 02 ngành công nghiệp và nông nghiệp nhằm xây dựng, hình thành mối liên kết giữa nhà máy và người sản xuất nông nghiệp cùng các nhà khoa học nghiên cứu triển khai xây dựng một số vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh phục vụ cho công nghiệp chế biến; đảm bảo đầu ra cho nông sản hàng hóa; Đảm bảo cung cấp cây, con giống phù hợp cho công nghiệp chế biến với năng suất - chất lượng cao, giá thành hạ.

5.6. Giải pháp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

- Kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường.

- Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường, các quy định thanh kiểm tra ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất.

- Đầu tư và hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình xử lý môi trường. Tăng cường giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp.

- Tăng cường năng lực và trách nhiệm quản lý môi trường cho các Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp.

5.7. Giải pháp về khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn

- Vận dụng triệt để chính sách ưu đãi: Miễn giảm thuế, hỗ trợ tiếp thị, xây dựng thương hiệu; kịp thời điều chỉnh, bổ sung chính sách thu hút khuyến khích đầu tư với sức hấp dẫn cao; xây dựng kết cấu hạ tầng hợp lý phục vụ cho phát triển công nghiệp.

- Tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, có chính sách thống nhất, không phân biệt các thành phần kinh tế và đây sẽ là giải pháp có tác động rất lớn cho quá trình phát triển công nghiệp.

5.8. Giải pháp về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng: Tích cực đầu t­ư nâng cấp các tuyến đường quan trọng từ trung tâm thành phố Sơn La đi các huyện. Tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.

Điều 2. Hiệu lực thi hành: Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày HĐND khoá XII thông qua.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, công bố công khai quy hoạch và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch này.

2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường tuyên truyền và giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh khoá XII, kỳ họp thứ 15 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước;
- Vụ Công tác đại biểu Văn phòng Quốc hội;
- Các Bộ: Công thương; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT Huyện uỷ, HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng UBND tỉnh;
- Lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng HĐND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh; Trung tâm Lưu trữ tỉnh;
- Lưu: VT. 240 bản.

CHỦ TỊCH




Thào Xuân Sùng