- 1 Quyết định 384/QĐ-TTg năm 2006 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 73/2006/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2413/QĐ-UBND | Sơn La, ngày 15 tháng 10 năm 2007 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2007 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 384/QĐ-TTg ngày 9/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006-2020; Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg ngày 04/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể các ngành công nghiệp Việt Nam theo vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020;
Căn cứ Công văn số 775/BCN-KH ngày 14/02/2006 của Bộ Công nghiệp về việc phê duyệt Quy hoạch công nghiệp tỉnh Sơn La;
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ-TU ngày 14/7/2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010; Nghị quyết số 153/NQ-HĐND ngày 10/8/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khoá XII, kỳ họp thứ 8 về Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Sơn La đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Xét Tờ trình số 378/TTr-SCN ngày 09/7/2007 của Sở Công nghiệp và Báo cáo thẩm định số 178/BC-KHKTN ngày 16/7/2007 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Sơn La đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. Quan điểm, mục tiêu và định hướng ưu tiên phát triển
1. Quan điểm
- Phát triển công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khoáng sản, nguồn thuỷ năng, sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
- Tập trung các nguồn lực để đầu tư đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hiện đại hoá. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá các ngành công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, đảm bảo kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững.
- Quy hoạch và khai thác tốt nguồn thuỷ năng để tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy thuỷ điện, trọng tâm là đầu tư các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ; tập trung phát triển công nghiệp chế biến gắn với khai thác khoáng sản; xây dựng hình thành các khu, cụm công nghiệp...
- Tiếp tục củng cố và đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, như: chè, cà phê, chế biến sữa, tinh bột sắn, măng tre xuất khẩu…Tập trung xây dựng và phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, công tác di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La.
- Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp kết hợp chặt chẽ với sự phát triển các ngành kinh tế - xã hội khác; bảo đảm ổn định dân cư các vùng xung yếu, vùng cao, biên giới, vùng tái định cư thuỷ điện Sơn La; bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
2. Định hướng phát triển
- Về cơ cấu ngành: Ưu tiên phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ, các ngành công nghiệp chế biến khoáng sản, nông lâm sản và các ngành phục vụ nông thôn.
- Về mô hình công nghiệp: Lựa chọn phát triển một số doanh nghiệp lớn giữ vị trí chủ đạo ở các ngành hàng có tiềm năng lợi thế: thuỷ điện, khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông sản chất lượng cao, xi măng, chế biến nông lâm sản theo chương trình mục tiêu nông lâm nghiệp của tỉnh... Tập trung phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ưu tiên phát triển các doanh nghiệp gắn với nghề và làng nghề, với sản xuất kinh tế hộ gia đình - nhất là các vùng tái định cư thuỷ điện.
- Về công nghệ: Đi thẳng vào công nghệ tiên tiến, với phương châm đi trước, nắm bắt kịp thời và phù hợp với thực tế của tỉnh để sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế.
- Về vốn: Khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngân sách nhà nước giành cho công tác quy hoạch, đào tạo nghề, phát triển hạ tầng và hỗ trợ kinh phí xử lý môi trường trong các khu, cụm điểm công nghiệp.
- Về thị trường: Khuyến khích sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường để mở rộng thị trường trong nước và hướng mạnh vào xuất khẩu. Chú trọng thị trường trong tỉnh, nhất là thị trường nông thôn, phục vụ thi công thuỷ điện và thị trường khu vực lân cận; đẩy mạnh phát triển thị trường thống nhất với tỉnh bạn và với cả nước.
- Về vùng kinh tế:
Vùng kinh tế dọc quốc lộ 6: Hình thành rõ cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tiếp tục củng cố, phát triển các vùng sản xuất tập trung chuyên canh sử dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, các sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu như chè, cà phê, sữa, thịt, hoa quả...
Vùng kinh tế dọc sông Đà và vùng cao biên giới: Khai thác các tiềm năng về thuỷ điện, khoáng sản, lòng hồ các thuỷ điện, xây dựng các khu, cụm công nghiệp phù hợp: cụm công nghiệp thuỷ điện; công nghiệp chế biến khoáng sản ... các điểm công nghiệp sơ chế nông lâm sản, cơ khí sửa chữa...
3. Mục tiêu
3.1. Mục tiêu chung: Phát triển công nghiệp với nhịp độ tăng trưởng cao và có bước đột phá nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; bảo đảm tính bền vững, phù hợp với quá trình đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn; giải quyết nhiều việc làm, đảm bảo đời sống của người lao động; tăng nguồn thu cho ngân sách, đồng thời thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
3.2. Mục tiêu cụ thể: (chưa tính đến giá trị thuỷ điện Sơn La, Huổi Quảng):
- Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp theo giá hiện hành đạt 1.470 tỷ đồng vào năm 2010, đạt 2.600 tỷ đồng vào năm 2015 và 3.128 tỷ đồng vào năm 2020.
- Giá trị sản xuất công nghiệp (giá 1994) năm 2010 đạt 1.558 tỷ đồng, năm 2015 đạt 2.680 tỷ đồng và năm 2020 đạt 3.050 tỷ đồng, tốc độ tăng GOCN giai đoạn 2005-2010 là 23,6%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 12%/năm, giai đoạn 2011-2020 là 3%/năm.
- Giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 2.518 tỷ đồng năm 2010, đến năm 2015 đạt 4.250 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 4.960 tỷ đồng.
3.3. Cơ cấu ngành công nghiệp
Năm 2010: công nghiệp khai thác - chế biến khoáng sản: 42%; vật liệu xây dựng 17%; sản xuất và phân phối điện: 15%; chế biến nông sản thực phẩm 15%; các ngành công nghiệp khác 11%.
Năm 2015: công nghiệp khai thác - chế biến khoáng sản: 35%; vật liệu xây dựng 15%; sản xuất và phân phối điện: 30%; chế biến nông sản thực phẩm 12%; các ngành công nghiệp khác 8%.
Năm 2020: công nghiệp khai thác - chế biến khoáng sản: 36%; vật liệu xây dựng 13%; sản xuất và phân phối điện: 31%; chế biến nông sản thực phẩm 13%; các ngành công nghiệp khác 7%.
II. Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu
1. Ngành công nghiệp khai khoáng
1.1. Định hướng phát triển
- Ưu tiên, khuyến khích và đẩy mạnh khai thác tối đa các loại khoáng sản vùng ngập lòng hồ của các công trình thủy điện.
- Nâng cao tính tập trung công nghiệp, đặc biệt là hạn chế số lượng cơ sở chế biến, hạn chế số lượng chủ đầu tư khai thác mỏ nhằm khắc phục những bất lợi do quy mô nhỏ, lẻ của hầu hết các điểm khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
- Kết hợp quy mô vừa với quy mô nhỏ, cơ giới hóa với bán cơ giới, chế biến thô (tuyển) với tinh chế biến (sau tuyển) phù hợp với từng loại khoáng sản và mỗi giai đoạn phát triển cụ thể.
- Tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ nguyên liệu khoáng như than, talc... và hướng cung cấp cho các tỉnh lân cận và trong nước.
- Tăng cường quản lý nhà nước và kỷ cương pháp luật trong mọi hoạt động khoáng sản trên toàn tỉnh.
1.2. Quy hoạch các nhóm khoáng sản chủ yếu
1.2.1. Thăm dò, khai thác và chế biến quặng đồng
- Đẩy mạnh khai thác quặng đồng tại vùng ngập lòng hồ thủy điện; ở điểm Bản Long, điểm Cốc Phát - Thuận Châu đã cấp phép khai thác.
- Khai thác đồng - ni ken Bản Phúc- Bắc Yên;
- Đầu tư thăm dò gắn với khai thác các điểm quặng đồng Suối On; Đá Đỏ, Bắc Đá Đỏ; Phiêng Lương; Nà Lạy; Suối Bau; Vạn Sài, Xuân Giàng, Bản Pưn và Suối Chát... thuộc huyện Phù Yên; Quy Hướng - Mộc Châu; đồng - chì, kẽm Suối Sập - Phù Yên.
- Đầu tư nhà máy luyện đồng công suất 5.000-10.000 tấn đồng thỏi/năm tại Phù Yên; một số xưởng tuyển theo quy mô khai thác ở từng điểm mỏ...
1.2.2. Khai thác than
- Ưu tiên tập trung khai thác tối đa các điểm, mỏ than ở huyện Quỳnh Nhai. Khai thác gắn với chế biến (ở mức cho phép) than mỡ Tô Pan Yên Châu, Mường Lựm Yên Châu; Khai thác điểm than nâu Tà Vàn Yên Châu.
- Khai thác mỏ than Suối Bàng- Mộc Châu, than đá Mường Lựm- Yên Châu. Điểm than đá Suối Lúa - Suối In - Phù Yên.
1.2.3. Khai thác và chế biến quặng chì kẽm: Thăm dò - khai thác gắn với tuyển quặng chì kẽm Suối Bốc và Suối Cù - Phù Yên. Điều tra thăm dò một số điểm tiềm năng khác trên địa bàn.
1.2.4. Quy hoạch khai thác quặng vàng: Tổ chức khai thác các điểm vàng tại khu vực lòng hồ Sông Đà; Suối Trai huyện Quỳnh Nhai; Hua Non (xã Ít Ong, Mường La); vàng gốc Bản Đứa và vàng sa khoáng Pi Toong (xã Pi Toong, Mường La). Điều tra - thăm dò gắn với khai thác công nghiệp vàng gốc tại hai điểm vàng Mường Giôn và Bản Cằm.
1.2.5. Quy hoạch quặng photphorit, Pyrit: Khai thác quặng photphorit tại điểm quặng hang Bản Thắm, huyện Mai Sơn; photphorit Bản Giáo, Phù Yên; pyrit tại Bản Sai, xã Mường Sai, huyện Sông Mã...
1.2.6. Tiếp tục đầu tư để nâng công suất khai thác than bùn ở huyện Mộc Châu gắn với nhà máy chế biến phân bón vi sinh phục vụ cho chương trình phát triển cây công nghiệp: chè, cà phê, cao su... trên địa bàn tỉnh. Khai thác điểm than bùn Bản Ban - Phù Yên để sản suất phân bón vi sinh tại Phù Yên (gắn với nhà máy sản xuất phân NPK Phù Yên).
1.2.7. Quy hoạch quặng talc và đôlômit: Huy động hết công suất khai thác của mỏ quặng talc ở bản Tà Phù Mộc Châu. Nâng công suất khai thác và đầu tư chế biến quặng thành bột talc thương mại. Thực hiện đề án điều tra đánh giá quặng talc trên diện tích gồm các điểm talc/đôlômit Ten Ư, điểm talc Pom Nhung, điểm talc Ngu Hấu + Pa Nó...
1.2.8. Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng: Đủ phục vụ cho các nhà máy xi măng, gạch, ngói và khai thác đá, cát, sỏi.
1.2.9. Thăm dò và sản xuất nước khoáng đóng chai nguồn Bản Cát - Phù Yên; đánh giá, thăm dò nguồn nước Ít Ong tại xã Ít Ong - Mường La gắn với đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, du lịch...
2. Công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm
2.1. Định hướng phát triển
- Xây dựng các cơ sở chế biến chè, cà phê, tinh bột sắn và các sản phẩm sau tinh bột, mall cho sản xuất bia… có quy mô và công nghệ phù hợp, gắn với vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh.
- Củng cố và phát triển một số cơ sở chế biến gỗ gắn với phát triển rừng kinh tế với quy mô và công nghệ phù hợp.
- Phát triển các cây công nghiệp chất lượng cao: cây cao su, cây dầu cọc rào (chiết suất lấy tinh dầu)...đảm bảo đủ quy mô, sản lượng để phục vụ cho dự án xây dựng các nhà máy chế biến tại địa bàn tỉnh.
- Xây dựng các cơ sở chế biến thực phẩm phục vụ thị trường trong tỉnh và vùng lân cận (Điện Biên, Lai Châu và các tỉnh Bắc Lào); tập trung vào các sản phẩm đồ uống, nước giải khát, thực phẩm chế biến …
2.2. Quy hoạch phát triển các ngành chế biến nông lâm sản
a) Định hướng phát triển
- Xây dựng các cơ sở chế biến chè, cà phê, tinh bột sắn và các sản phẩm sau tinh bột… có quy mô và công nghệ phù hợp, gắn với vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh.
- Củng cố và phát triển một số cơ sở chế biến gỗ gắn với phát triển rừng kinh tế với quy mô và công nghệ phù hợp.
- Phát triển các cây công nghiệp chất lượng cao: cây cao su, cây dầu cọc rào (chiết suất lấy tinh dầu)...đảm bảo đủ quy mô, sản lượng để phục vụ cho dự án xây dựng các nhà máy chế biến tại địa bàn tỉnh.
- Xây dựng các cơ sở chế biến thực phẩm phục vụ thị trường trong tỉnh và vùng lân cận (Điện Biên, Lai Châu và các tỉnh Bắc Lào), Tập trung vào các sản phẩm đồ uống, nước giải khát, thực phẩm chế biến …
b) Phát triển các ngành chế biến nông lâm sản
* Công nghiệp mía đường
- Giai đoạn đến 2010: Tập trung thâm canh ổn định diện tích mía nguyên liệu 3.000 - 3.500 ha tại Mai Sơn, Yên Châu... nhân nhanh diện tích mía giống mới có năng suất, trữ đường cao đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất 1.500 tấn mía/ngày, đạt sản lượng 20 - 25 ngàn tấn đường/năm.
- Giai đoạn 2011 - 2020: Thâm canh ổn định diện tích mía nguyên liệu, nâng sản lượng sản xuất đạt 30 ngàn tấn đường kết tinh/năm. Nghiên cứu đầu tư chế biến rỉ đường để sản xuất hoặc cung cấp cho nhà máy sản xuất cồn công nghiệp hoặc chế biến Bio-Diezen làm nhiên liệu thay xăng. Thu hồi bã bùn sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh. Nghiên cứu xây dựng các công nghệ chế biến sau đường như sản xuất bánh kẹo, cồn, rượu, phân bón, ván ép…
* Công nghiệp chế biến sắn
- Giai đoạn đến năm 2010: Nghiên cứu đầu tư chiều sâu (sản xuất sản phẩm biến tính, sau tinh bột) gắn với dây chuyền thiết bị đã đầu tư; đầu tư nâng công suất của nhà máy; đầu tư giống mới năng suất cao và xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà máy với hộ dân để phát triển vùng nguyên liệu, ổn định vùng nguyên liệu quy mô 3.000 ha. Sử dụng công nghệ vi sinh chế biến bã sắn để sản xuất thức ăn gia súc, phân vi sinh hữu cơ... nhân rộng mô hình chế biến tinh bột sắn ướt quy mô hộ, nhóm hộ gia đình cho các vùng sâu, xa đường quốc lộ làm vệ tinh cho Nhà máy chế biến sắn Mai Sơn.
- Giai đoạn 2011 - 2020: Tuỳ theo quy mô vùng nguyên liệu, nghiên cứu đầu tư thêm 1 - 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn biến tính, mỗi nhà máy có công suất 100 tấn bột/ngày.
* Công nghiệp chế biến chè
+ Giai đoạn đến năm 2010: Phát huy công suất thiết bị chế biến chè hiện có ở các vùng trồng chè tập trung, sửa chữa nâng cấp và hoàn thiện công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới, hoàn thiện mẫu mã, bao bì...Đầu tư xây dựng một số cụm chế biến chè xanh, chè đen quy mô vừa và nhỏ với công nghệ hiện đại để có thể bố trí phân tán, tạo điều kiện phát triển cây chè ở những vùng xa, giao thông vận tải còn khó khăn.
+ Giai đoạn 2011- 2020: Phát triển ổn định diện tích chè khoảng 15.000 ha, sản lượng đạt khoảng 50.000 tấn búp tươi, 12.000 tấn thành phẩm. Mở rộng các cơ sở đã xây dựng giai đoạn trước và xây dựng thêm các cơ sở chế biến mới với tổng công suất khoảng 300 tấn/ngày.
* Công nghiệp chế biến cà phê
- Phát triển vùng nguyên liệu, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật để hỗ trợ cho nông dân về giống, kỹ thuật canh tác, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Nâng cấp các dây truyền chế biến cà phê hiện có để nâng cao chất lượng chế biến. Giai đoạn sau 2015, nghiên cứu thị trường xây dựng một nhà máy chế biến cà phê tinh với công suất và công nghệ phù hợp tại khu công nghiệp tập trung Mai Sơn. Đến năm 2020, phát triển thêm 3 cơ sở chế biến cà phê tại Mai Sơn, Thuận Châu với tổng công suất 5.500 tấn cà phê nhân.
* Công nghiệp chế biến hoa quả: Đến năm 2010 đầu tư các nhà máy chế biến hoa quả đóng hộp và đóng chai với tổng công suất 10.000 tấn/năm tại các địa bàn có vùng nguyên liệu phù hợp.
* Công nghiệp chế biến gỗ, giấy
- Giai đoạn đến năm 2010: Cùng với việc quy hoạch vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ hiện có hoạt động đạt công suất, cần đầu tư cải tiến, nâng cao thiết bị công nghệ nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
- Giai đoạn đến năm 2020: Khi diện tích rừng trồng đi vào khai thác ổn định, xem xét năng lực sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp chế biến để phát triển các cơ sở chế biến hướng vào ván ghép, ván dăm, gỗ xây dựng, sản xuất bột giấy...
* Công nghiệp chế biến cao su: Thực hiện chủ trương phát triển cây cao su với quy mô từ 10.000 - 30.000 ha trên các địa bàn chủ yếu: Mường La, Mai Sơn, Sông Mã và các diện tích lưu vực của các công trình thuỷ điện ở những nơi phù hợp và có điều kiện. Dự kiến chế biến tại tỉnh Sơn La từ 1- 2 nhà máy với công suất phù hợp và mạng lưới các xưởng sơ chế mủ, trong đó có một nhà máy đặt tại cụm công nghiệp Mường La.
3. Quy hoạch công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống
3.1. Công nghiệp chế biến sữa
- Giai đoạn đến năm 2010: phát triển đàn bò sữa tập trung gắn với nhà máy chế biến sữa quy mô đạt 7.000 con, sản lượng sữa tươi qua chế biến đạt 14.000-15.000 tấn.
- Giai đoạn 2011 - 2020: Tập trung phát huy công suất nhà máy hiện có, đầu tư sản xuất các loại sản phẩm từ sữa nhằm đa dạng hoá sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế từ sữa tươi...
3.2. Công nghiệp rượu bia, nước giải khát
- Giai đoạn đến năm 2010: Tập trung nâng cao chất lượng của các cơ sở sản xuất bia hiện có; tổ chức quy hoạch và tổ chức sắp xếp để các cơ sở sản xuất bia phát triển bền vững, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, bảo vệ sức khoẻ và phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng người tiêu dùng. Ổn định và nâng công suất các cơ sở sản xuất nước lọc, giải khát phục vụ nhu cầu thị trường.
Nâng cao công suất và chất lượng các cơ sở sản xuất rượu từ hoa quả: rượu sơn tra Mường La, Bắc Yên, Thị xã; rượu mận tại Mộc Châu...
- Giai đoạn 2011 - 2020: Nghiên cứu đầu tư một nhà máy bia có công suất 10 - 20 triệu lít/năm tại Thị xã theo hướng liên doanh. Đầu tư mới nhà máy nước khoáng Phù Yên công suất khoảng 10 - 20 triệu lít/năm.
3.3. Công nghiệp chế biến thực phẩm: Xây dựng tại khu công nghiệp tập trung một nhà máy giết mổ, chế biến gia súc, công suất 15 - 20 tấn sản phẩm/ngày. Giai đoạn sau năm 2010 mở rộng nâng công suất các nhà máy theo quy mô phát triển nguồn nguyên liệu và thị trường.
4. Công nghiệp hàng tiêu dùng và nghề truyền thống
4.1. Công nghiệp dệt may: Xây dựng cơ sở dệt may dự kiến đặt tại Cụm công nghiệp Mộc Châu (hoặc Mai Sơn) với công suất kinh tế tối thiểu 1 triệu SP/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 500 - 1.000 lao động. Du nhập phát triển một số cơ sở dệt may xuất khẩu gắn với làng nghề nông thôn như dệt khăn xuất khẩu, dệt và may các sản phẩm vải dân tộc... Sau năm 2010 mở rộng công suất lên gấp đôi, 4 triệu sản phẩm/năm, thị trường định hướng xuất khẩu.
4.2. Công nghiệp da giầy: Nghiên cứu xây dựng một xí nghiệp thuộc da trong Khu công nghiệp Mai Sơn, để thuộc da trâu bò từ nhà máy giết mổ, công suất khoảng 300.000 bia da (tương đương 18 - 19.000 m2/năm); đầu tư cơ sở sản xuất giầy vải tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, công suất khoảng 1,2 triệu đôi/năm tại Khu công nghiệp Mai Sơn, giải quyết việc làm cho 500 lao động.
4.3. Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề
- Thực hiện các chương chương trình đào tạo nghề, xây dựng các mô hình điểm về phát triển nghề và làng nghề thông qua các chương trình khuyến công. Phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp nông thôn.
- Phát triển làng nghề dệt thổ cẩm, dệt khăn bông, khăn lau tay, đồ trang sức của các dân tộc song song với dịch vụ du lịch ở Thị xã, Mộc Châu, Mường La…Các sản phẩm độc đáo, sáng tạo phù hợp với thị hiếu khách hàng và không mất đi bản sắc dân tộc, và các sản phẩm có nguyên liệu tại chỗ như mây, song tre… Đầu tư cho mỗi làng nghề khoảng 300 - 2.000 triệu đồng.
- Tập trung hoàn thành một số dự án làng nghề như: gốm sứ Mường Chanh - Mai Sơn; dệt thổ cẩm Thèn Luông - Chiềng Đông - Yên Châu và dệt thổ cẩm Bản Cá, Bản Cọ - Chiềng An - Thị xã...; dệt khăn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tại một số bản nghề ở Phù Yên, các bản, làng dân cư thuộc khu vực thị trấn, thị tứ, đô thị nhất là các bản di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La. Các dự án bản nghề mây tre, giang đan ở một số huyện có điều kiện, gắn các dự án nghề với việc xây dựng làng nghề, bản nghề, doanh nghiệp bà đỡ, bản, làng nghề doanh nghiệp TTCN sử dụng lao động nông thôn.
- Tạo dựng, khởi sự doanh nghiệp làng nghề, HTX làng nghề, nhóm hộ hợp tác có hộ đầu tầu.
5. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
- Giai đoạn đến năm 2010:
+ Sản xuất xi măng: Đầu tư nhà máy xi măng lò quay công suất 2.500 tấn Clanhke/ ngày tại Nà Pát - Mai Sơn dự kiến 2009 nhà máy đi vào sản xuất.
+ Sản xuất, phát triển gạch ngói đất sét nung và không nung: Đầu tư một số các cơ sở gạch tuy nel tại Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Sông Mã, Phù Yên quy mô 5 - 10 triệu viên/năm/cơ sở phục vụ nhu cầu của tỉnh. Củng cố và phát triển các cơ sở gạch không nung tại Thị xã, Mộc Châu và một số địa bàn khác khi có nhu cầu.
Cùng với các nhà máy hiện có và các nhà máy dự kiến xây dựng mới sẽ đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu của tỉnh là 150 triệu viên vào năm 2010.
- Giai đoạn 2011 - 2020:
+ Mở rộng các cơ sở đã đầu tư giai đoạn trước, tăng công suất từ 1,3 - 1,5 lần và xây dựng mới các cơ sở sản xuất gạch ngói, nâng công suất lên 280 triệu viên, gấp đôi so với mức năm 2010.
+ Khai thác, sản xuất đá các loại phục vụ nội tỉnh.
+ Sản xuất và khai thác cát xây dựng đến 2020: Đầu tư khai thác trên sông Mã có công suất 36 - 60 ngàn m3/năm. Khai thác cát tại các sông suối có điều kiện trên địa bàn.
+ Sản xuất tấm lợp Fibro xi măng: Tập trung nâng cao chất lượng, đưa công suất cơ sở sản xuất tấm lợp đạt 100% công suất. Không đầu tư cơ sở sản xuất mới, số thiếu thị trường tự cân đối từ các tỉnh khác.
+ Một số loại vật liệu xây dựng khác: Phát huy công suất các cơ sở sản xuất bê tông, cột điện bê tông, cấu kiện lắp ghép nhà sàn Thái.... Đầu tư cơ sở sản xuất bê tông tươi phục vụ nhu cầu của tỉnh.
6. Công nghiệp phân bón
- Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất của các cơ sở có mặt bằng, dây chuyền sản xuất, phục vụ trực tiếp cây trồng của dự án chuyên canh tại các doanh nghiệp: Công ty chè Mộc Châu, Công ty dâu tằm tơ Mộc Châu, Công ty mía đường Sơn La,... Phát triển và đầu tư công nghệ, tổ chức sản xuất để đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng dẫn, tuyên truyền sử dụng cho nhân dân để xây dựng thị trường.
- Xây dựng một nhà máy NPK cao cấp, công suất 150.000 tấn/năm tận dụng sản phẩm phụ nhà máy chế biến Đồng và nhà máy chế biến Chì - Kẽm tại Phù Yên vốn 100 tỷ đồng.
- Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân super lân (NPK) Phù Yên công suất khoảng 50.000 - 100.000 tấn/năm để sử dụng hết khoảng 20.000 - 40.000 tấn axit sunphuaric do nhà máy luyện đồng Phù Yên sản xuất ra mỗi năm. Vốn đầu tư khoảng 60 - 100 tỷ đồng.
- Ngoài ra, xây dựng các cơ sở chế biến phân vi sinh gắn với nhà máy chế biến tinh bột sắn, các chương trình dự án chuyên ngành khác.
7. Công nghiệp cơ khí
- Đầu tư cho 01 cơ sở cơ khí để có đủ năng lực đại tu ô tô, xe máy thi công, công suất khoảng 100 xe/ năm, chế tạo, sản xuất phụ tùng thay thế các loại máy móc thiết bị chế biến nông sản và thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, cấu kiện thép cho xây dựng điện, đảm bảo dụng cụ cơ khí dân dụng, nghề, làng nghề TTCN đảm bảo việc duy tu sửa chữa các thiết bị công nghệ cơ điện cho các xí nghiệp trong tỉnh và các huyện, cũng như các thiết bị dân dụng của nhân dân như động cơ, tủ lạnh…
- Dự kiến giai đoạn sau năm 2010 xây dựng xưởng cơ khí đóng tàu thuyền tại Mường La, công suất khoảng 200 - 300 tàu thuyền/năm và một xưởng sửa chữa tàu thuyền cơ giới Tà Hộc, công suất từ 300 - 500 tàu thuyền/năm.
- Hình thành các cơ sở cơ khí sửa chữa, thay thế ở các trung tâm đô thị, thị tứ, trung tâm cụm xã.
8. Ngành công nghiệp điện lực: Phát triển theo quy hoạch được Bộ Công nghiệp phê duyệt.
a) Nguồn điện
+ Giai đoạn 2007-2010 triển khai xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La công suất 6 x400MW, dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào năm 2010; Nhà máy thuỷ điện Nậm Chiến công suất 215 MW dự kiến vận hành vào năm 2010; 38 thuỷ điện vừa và nhỏ đang lập dự án và xây dựng với tổng công xuất 517 MW. Đến 2010, có 25 nhà máy hoàn thành đầu tư và phát 785 triệu kWh.
+ Giai đoạn 2011-2015: Trong các năm 2011-2012 vận hành 5 tổ máy Nhà máy thuỷ điện Sơn La. Đến năm 2013 tổng công suất phát là 2.400 MW. Thuỷ điện Huội Quảng công suất 540 MW dự kiến vận hành vào năm 2012-2013. Gần 20 nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ hoàn thành xây dựng và phát điện vào lưới.
b) Lưới điện 220KV, 110 KV
- Lưới điện 220kv, 110kv: đến năm 2010 Xây dựng 01 trạm 220KV công suất 125 MVA tại Mai Sơn và 188 km đường dây tải điện. Xây mới 209,8 km và cải tạo 74 km đường dây; 5 trạm biến áp 110 kv công suất 175 KVA, cải tạo nâng công suất 2 trạm biến áp Thị xã, Mộc Châu.
- Lưới trung thế: Xây dựng mới 1.168 km và cải tạo 112 km đường dây; Xây dựng mới 2 trạm biến áp trung gian; 910 trạm biến áp hạ thế với tổng dung lượng 115 MA; cải tạo 105 trạm biến áp.
- Lưới hạ thế: Xây dựng mới 1.615 km đường dây; lắp đặt mới 46.200 công tơ.
c) Phát triển năng lượng gió: Dự kiến xây dựng nhà máy điện gió 10MW tại Mộc Châu giai đoạn 2011-2015.
9. Quy hoạch phân bố các khu, cụm công nghiệp
Đến 2010, trên địa bàn Sơn La có thể hình thành các khu - cụm công nghiệp sau: Khu công nghiệp Mai Sơn; Cụm công nghiệp Mộc Châu; Khu - cụm công nghiệp Phù Yên; Cụm công nghiệp thị xã Sơn La; Cụm công nghiệp Mường Bú - Mường La và một số điểm công nghiệp.
10. Nhu cầu vốn đầu tư và nguồn vốn đầu tư. (Có phụ lục kèm theo).
- Tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch khoảng 18.621 tỷ đồng.
- Nguồn vốn đầu tư: Chủ yếu của doanh nghiệp và vay các tổ chức tín dụng: 17.021 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài: 1.300 tỷ đồng; Vốn Ngân sách nhà nước chủ yếu cho đầu tư lưới điện, quản lý nhà nước hỗ trợ đào tạo khoảng 321 tỷ đồng.
11. Nhu cầu về đất đai: Diện tích theo quy hoạch khoảng 1.450ha.
III. Những giải pháp và chính sách thực hiện
1. Giải pháp về vốn
- Đối với vốn đầu tư trong nước: Huy động vốn trong các doanh nghiệp, vốn trong dân và vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản; Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho việc tạo vốn các doanh nghiệp.
- Huy động vốn nước ngoài thực hiện bằng hình thức liên doanh; BOT hoặc 100% vốn nước ngoài hoặc bán cổ phiếu, trái phiếu.
- Vốn ngân sách: Tập trung vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các khu cụm điểm công nghiệp; làng nghề; hạ tầng lưới điện. Hỗ trợ vốn đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại…thông qua các chương trình khuyến công, chương trình đào tạo nghề …
2. Giải pháp về thị trường
- Khuyến khích hỗ trợ hình thành các khu - cụm công nghiệp, dịch vụ, hàng công nghiệp trên cơ sở quy hoạch công nghiệp đã được phê duyệt.
- Hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp thông tin thị trường, tạo điệu kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, tiếp xúc với thị trường trong nước và thế giới. Từng bước chủ động thâm nhập thị trường đối với các sản phẩm mà tỉnh có ưu thế.
- Từng bước hiện đại hoá phương thức kinh doanh cho các doanh nghiệp công nghiệp phù hợp với xu thế của thương mại thế giới. Thành lập Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp để giúp đỡ các doanh nghiệp về thị trường và các hỗ trợ cần thiết khác, phát triển các HTX công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn các huyện.
- Tổ chức và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các cuộc tiếp xúc, hội thảo, triển lãm... để giới thiệu sản phẩm công nghiệp của tỉnh. Tổ chức tiếp thị, môi giới, tư vấn cho các doanh nghiệp công nghiệp phát triển thị trường trong và ngoài nước.
3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
- Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề nhằm thu hút mọi nguồn lực cho các hoạt động đào tạo nghề, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm.
- Khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động thông qua các dự án đầu tư. Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo thông qua nguồn vốn chương trình, dự án đào tạo hàng năm của Nhà nước.
- Tỉnh tạo điều kiện pháp lý, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động được đào tạo tại các trường đào tạo công nhân, trung cấp, cao đẳng của Bộ Công nghiệp và các cơ sở đào tạo khác trong nước.
- Hỗ trợ kinh phí thông qua các chương trình khuyến công, đào tạo cho người lao động nông thôn đào tạo huấn luyện các kỹ năng chuyên ngành: kỹ thuật khai thác khoáng sản, vận hành thuỷ điện nhỏ, quản lý vận hành lưới điện nông thôn, sản xuất các sản phẩm truyền thống... Đào tạo nghề dài hạn đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ lành nghề đủ khả năng tiếp cận và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại.
- Tăng tốc đào tạo cho người lao động theo nhiều hình thức đào tạo tại bản, tại các doanh nghiệp, đưa đi đào tạo tại các địa phương khác đã có nghề truyền thống phát triển; đặc biệt chú ý hình thức nhân cấy nghề, phát triển nghề tại các hộ gia đình, dòng họ và bản, trong đó tập trung vào nghề dệt, may, thêu, thủ công mỹ nghệ mây tre giang đan; mời chuyên gia giỏi, nghệ nhân để dậy và truyền nghề.
4. Giải pháp về công nghệ và bảo vệ môi trường
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nhất là đối với ngành công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản... Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp được đầu tư máy móc, thiết bị mới hoặc cải tiến nâng cấp máy móc, thiết bị.
Ứng dụng khoa học công nghệ phải gắn kết với chiến lược phát triển ngành công nghiệp, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
5. Giải pháp phát triển ngành nghề truyền thống
- Sớm triển khai công tác quy hoạch phát triển ngành nghề; tập trung vào việc xác định ngành nghề phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, ưu tiên phát triển ở các vùng có nhu cầu bức xúc về việc làm và có lợi thế so sánh. Phát triển ngành nghề gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu phục vụ phát triển nghề...
- Phát triển nguồn nhân lực: Tăng tốc đào tạo cho người lao động theo nhiều hình thức đào tạo tại bản, tại các doanh nghiệp, đưa đi đào tạo ở các địa phương khác đã có nghề truyền thống và phát triển. Đặc biệt chú ý hình thức tự nhân cấy nghề, phát triển nghề tại các hộ gia đình, dòng họ và bản, trong đó tập trung vào nghề dệt, may, thêu, nghề thủ công mỹ nghệ mây, tre, giang đan; Mời chuyên gia giỏi, nghệ nhân khác để dạy và truyền nghề.
- Khai thác tìm kiếm thị trường; trước mắt những nghề du nhập phải dựa vào doanh nghiệp “bà đỡ” bao tiêu sản phẩm, sau đó các HTX, tổ hợp, doanh nghiệp của các bản nghề, làng nghề tự tiềm kiếm mở rộng thị trường. Về lâu dài, các cơ quan chức năng giúp đỡ tìm kiếm thị trường, giới thiệu trên mạng INTERNET để tìm kiếm khách hàng. Có cơ chế chính sách để các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tiếp nhận lao động đã được đào tạo để hành nghề.
- Ngoài vốn di dân tái định cư để đào tạo nghề và hỗ trợ công cụ, tư liệu sản xuất để hành nghề và phát triển nghề. Tỉnh cần ưu tiên cho các HTX, Tổ hợp tác, Doanh nghiệp làng nghề vay vốn ưu đãi để tổ chức sản xuất phát triển nghề. Tranh thủ các nguồn vốn đào tạo từ quỹ quốc gia, các tổ chức và doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh xây dựng và hình thành làng nghề: Các nghề sử dụng nhiều lao động đầu tư tập trung ở các bản, làng theo quy hoạch nhằm xây dựng và sớm hình thành làng nghề, hình thành tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp làng nghề ra đời...
- Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển nghề, làng nghề, HTX, Tổ hợp tác, Doanh nghiệp nghề. Đặc biệt là vốn vay ưu đãi, hỗ trợ cước vận chuyển nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.
- Gắn với xây dựng phát triển thị tứ, thị trấn, cụm công nghiệp, khu, điểm di dân tái định cư đô thị với phát triển nghề làng, bản nghề.
- Bảo vệ môi trường sinh thái cho làng nghề.
- Hình thành các tổ chức tư vấn, dịch vụ, cung cấp các thông tin về thị trường nguyên liệu, sản phẩm. Cung cấp, giới thiệu công nghệ, thiết bị, giới thiệu việc làm... khi nghề, làng nghề phát triển hình thành các Hiệp hội ngành nghề nhằm bảo vệ quyền lợi người sản xuất, uy tín sản phẩm của làng nghề.
- Công tác quản lý của Nhà nước: Tập trung vào việc hoạch định mục tiêu, quy hoạch và kế hoạch đào tạo, phát triển nghề, làng nghề, HTX, tổ hợp, doanh nghiệp nghề vùng di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La; xây dựng, củng cố và tăng cường chức năng quản lý công nghiệp - TTCN của các huyện, thị để thực hiện.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện, thị đến xã, phường, thị trấn phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động nhân, cấy nghề và phát triển nghề, xây dựng làng nghề, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp. Các cấp uỷ đảng, chính quyền phải giao chỉ tiêu lãnh đạo và thực hiện, ở huyện, thị phải có cán bộ chuyên trách, UBND xã có người trực tiếp phụ trách ngành nghề, có quy chế hoạt động chỉ đạo thực hiện.
Củng cố và nâng cao năng lực quản lý điều hành và tổ chức thực hiện của Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp của Sở Công nghiệp đến bộ phận khuyến công của huyện và cơ sở, với bộ máy biên chế đủ mạnh và hoạt động chuyên trách để đảm nhận thực thi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
6. Giải pháp về nâng cao tính cạnh tranh của ngành công nghiệp
- Để nâng cao tính cạnh tranh của ngành công nghiệp, tỉnh Sơn La cần có quy định cấm nhập và bắt buộc phải áp dụng công nghệ, thiết bị với tiêu chuẩn cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo phát triển bền vững.
- Đầu tư vào những mặt hàng có năng lực cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ hoặc năng lực sản xuất của các khu vực kinh tế khác chưa đủ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định về an toàn thực phẩm; tiêu chuẩn công nghệ của sản phẩm, đầu tư thiết bị, tổ chức kiểm tra, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng theo các quy định của từng khu vực thị trường.
7. Giải pháp về nâng cao năng lực tổ chức, quản lý ngành công nghiệp
- Thực hiện tốt vai trò, chức năng của Sở Công nghiệp, phòng công nghiệp các huyện thị trong công tác tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý công nghiệp địa phương.
- Thống nhất và phân rõ chức năng quản lý công nghiệp ở các cấp tỉnh, huyện nhằm tránh phân tán lực lượng trong đầu tư phát triển và phát triển không theo quy hoạch, tập trung các nguồn lực cho phát triển công nghiệp.
8. Giải pháp về đất đai
- Xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm và kế hoạch sử dụng đất hàng năm để đáp ứng tiến độ các dự án đầu tư phát triển và hiệu quả sử dụng đất đai, theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai theo quy hoạch.
- Tổ chức việc đền bù, giải phóng mặt bằng vừa đảm bảo các dự án đầu tư đúng tiến độ, vừa đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả....
9. Giải pháp về tăng cường công tác quản lý nhà nước
- Thực hiện việc quản lý nhà nước bằng quy hoạch, kế hoạch và các công cụ quản lý thông qua luật pháp, chính sách của nhà nước. Tăng cường chức năng kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng pháp luật. Xử lý nghiêm minh sai phạm của các nhà đầu tư. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính về đăng ký hoạt động của các dự án đầu tư.
- Thực hiện tốt các cam kết, liên kết, hỗ trợ phát triển; Đẩy mạnh thu hút đầu tư.
- Củng cố và hoàn thiện bộ máy khuyến công từ tỉnh đến huyện, xã và bản.
1. Sở Công nghiệp:
- Chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện đề án quy hoạch theo đúng các nội dung được phê duyệt trong quyết định này.
- Công bố công khai quy hoạch được phê duyệt. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã thực hiện các giải pháp quy hoạch.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp chặt chẽ với Sở Công nghiệp hướng dẫn công tác chuẩn bị đầu tư, tư vấn tiếp thị cung cấp thông tin... Bố trí kế hoạch đầu tư, kế hoạch lồng ghép các chương trình, vốn ngân sách hỗ trợ hàng năm để thực hiện quy hoạch.
3. Sở Tài chính: Chủ trì kết hợp với Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch huy động vốn, phân bổ nguồn vốn cho các dự án đầu tư sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước; kế hoạch đào tạo nghề từ các nguồn vốn, lồng ghép các chương trình đào tạo hàng năm trên địa bàn.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy hoạch và tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với các cơ sở chế biến; tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất nông, lâm nghiệp liên quan đến việc xây dựng các cơ sở công nghiệp trên địa bàn.
5. Sở Xây dựng: thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, Quy hoạch và tổ chức thực hiện, phát triển ngành công nghiệp vật liệu trên địa bàn.
6. Các sở: Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường... theo chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hàng năm phục vụ kịp thời tiến độ các dự án đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn
7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã: Phối hợp với Sở Công nghiệp và các ngành chức năng tập trung quản lý tốt các hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quản lý. Tổ chức thực hiện công tác đến bù giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu tiến độ của các dự án đầu tư.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Thủ trưởng các ngành, đơn vị, các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
CÁC DỰ ÁN CHỦ YẾU VÀ VỐN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2008-2020
(Kèm theo Quyết định số: 2413/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2007 của UBND tỉnh Sơn La)
TT | Tên dự án | Tiến độ đầu tư (triệu đồng) | ||||
2008 | 2009 | 2010 | 2011-2015 | 2016-2020 | ||
I | Công nghiệp CB NS TP | 3.000 | 17.000 | 44.000 | 64.000 | 17.000 |
1 | Nâng cấp nhà máy CB sắn MSơn | 2.000 | 8.000 | 10.000 | 2.000 |
|
2 | Các dự án CB chè | 1.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 |
3 | Dự án chế biến cà phê |
| 5.000 | 1.000 |
|
|
4 | Dự án sản xuất rượu sơn tra |
|
| 3.000 | 3.000 | 3.000 |
5 | Dự án sản xuất rượu mận |
| 2.000 | 5.000 | 5.000 |
|
6 | Dự án sản xuất thức ăn gia súc |
|
| 1.000 | 5.000 | 2.000 |
7 | Nhà máy bia |
|
|
| 20.000 |
|
8 | Nhà máy nước khoáng |
|
| 10.000 | 20.000 |
|
9 | Nhà máy sản xuất nước giải khát |
|
| 10.000 | 5.000 | 5.000 |
10 | Các cơ sở sản xuất bánh kẹo |
|
| 2.000 | 2.000 | 5.000 |
11 | Nhà máy chế biến mủ cao su |
|
|
|
| 20.000 |
12 | Nhà máy chế biến dầu |
|
|
|
| 10.000 |
II | Công nghiệp VLXD | 800.000 | 400.000 | 6.000 | 10.000 | 10.000 |
1 | Cụm Nhà máy xi măng (1000tấn) | 790.000 | 395.000 | 1.000 | 5.000 | 5.000 |
2 | Các dự án SX gạch xây | 10.000 | 5.000 | 5.000 | 5.000 | 5.000 |
III | Công nghiệp khai khoáng | 256.000 | 506.000 | 227.000 | 96.000 | 106.000 |
1 | Dự án Cu-Ni | 100.000 | 200.000 | 100.000 | 30.000 | 40.000 |
2 | Dự án Cu-Au | 100.000 | 200.000 | 60.000 | 5.000 | 5.000 |
3 | Dự án Pb-Zn | 50.000 | 80.000 | 10.000 |
|
|
4 | Quặng manhêzit |
| 20.000 | 50.000 | 50.000 | 50.000 |
5 | Than sạch (tấn) | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 |
6 | Khai thác Talc |
|
| 1.000 | 1.000 | 1.000 |
7 | Khai thác đá XD | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 5.000 | 5.000 |
8 | Khai thác cát XD | 3.000 | 3.000 | 3.000 | 3.000 | 3.000 |
IV | Công nghiệp tiêu dùng | 6.000 | 7.000 | 15.000 | 50.000 | 45.000 |
1 | Các dự án dệt may | 1.000 | 2.000 | 10.000 | 30.000 | 20.000 |
2 | Các dự án mây tre đan, da giày | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 5.000 | 5.000 |
3 | Các dự án làng nghề | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 5.000 | 10.000 |
4 | Các dự án sản xuất sản phẩm khác | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 10.000 | 10.000 |
V | Công nghiệp cơ khí | 5.000 | 5.000 | 10.000 | 50.000 | 50.000 |
VI | Công nghiệp điện lực | 1.235,000 | 2.876,000 | 2.498,000 | 3.923,000 | 5.134,000 |
1 | Các dự án thuỷ điện | 1.210,000 | 2.836,000 | 2.448,000 | 3.773,000 | 4.984,000 |
2 | Đầu tư phát triển lưới điện | 25.000 | 40.000 | 50.000 | 150.000 | 150.000 |
VII | Vốn đầu tư hạ tầng, đào tạo | 30.000 | 30.000 | 30.000 | 30.000 | 30.000 |
Cộng vốn đầu tư | 2.335,000 | 3.841,000 | 2.830,000 | 4.223,000 | 5.392,000 |
- 1 Nghị quyết 353/NQ-HĐND năm 2010 thông qua Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020 và xét triển vọng đến năm 2030
- 2 Quyết định 50/2008/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2006-2015, tầm nhìn đến năm 2020 do tỉnh Bình Phước ban hành
- 3 Quyết định 1445/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2015 và định hướng đến năm 2020
- 4 Nghị quyết 6a/2008/NQCĐ-HĐND thông qua quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 5 Quyết định 02/2008/QĐ-UBND về quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, có xét đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành
- 6 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 7 Quyết định 73/2006/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Quyết định 384/QĐ-TTg năm 2006 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 02/2008/QĐ-UBND về quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, có xét đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành
- 2 Quyết định 1445/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2015 và định hướng đến năm 2020
- 3 Nghị quyết 6a/2008/NQCĐ-HĐND thông qua quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 4 Quyết định 50/2008/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2006-2015, tầm nhìn đến năm 2020 do tỉnh Bình Phước ban hành
- 5 Nghị quyết 353/NQ-HĐND năm 2010 thông qua Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020 và xét triển vọng đến năm 2030