Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2006/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 08 tháng 7 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO; VIỆC LÀM VÀ ĐỀ ÁN HỖ TRỢ XÂY DỰNG VÀ SỬA CHỮA NHÀ Ở CHO HỘ GIA ĐÌNH CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ HỘ NGHÈO TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2006 – 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 36/2006/NQ-HĐND ngày 15/5/2006 của HĐND tỉnh khóa X về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm 2006-2010;

Xét Tờ trình số 1689/TTr-UBND ngày 26/6/2006 của UBND tỉnh về việc đề nghị HĐND tỉnh thông qua Chương trình mục tiêu giảm nghèo; Việc làm và Đề án hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng và hộ nghèo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006 - 2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Thông qua Chương trình mục tiêu giảm nghèo; Việc làm và Đề án hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng và hộ nghèo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006 - 2010.

Nội dung cơ bản của các Chương trình, Đề án như sau:

I. VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO

1. Mục tiêu: Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới từ 31,94% năm 2005 xuống còn 19,44% năm 2010, trong đó khu vực miền núi giảm tỷ lệ từ 74,95% năm 2005 xuống còn 35,00% năm 2010.

2. Các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2010:

Thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 1,45 lần so với năm 2005; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã nghèo cơ bản có đủ công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy định; đảm bảo 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 30.000 lượt hộ nghèo được khuyến nông - lâm - ngư và hướng dẫn cách làm ăn; 6.000 người nghèo được miễn, giảm học phí học nghề; đảm bảo 100% người nghèo được thực hiện Bảo hiểm y tế; 350.000 lượt học sinh nghèo được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường; 7.000 lượt cán bộ tham gia làm công tác giảm nghèo ở các cấp được tập huấn nâng cao năng lực, trong đó 85% là cán bộ cấp cơ sở; 17.000 hộ nghèo được hỗ trợ xoá nhà tạm.

3. Nội dung hoạt động của chương trình:

3.1. Tổ chức thực hiện các chính sách, dự án tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số; dự án khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, dự án dạy nghề cho người nghèo; dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; dự án ODA và các dự án khác; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo nhằm tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

3.2. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở và nước sinh hoạt, nâng cao năng lực và nhận thức, tổ chức các hoạt động giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án, chính sách nhằm tạo cơ hội cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội.

4. Nguồn vốn để thực hiện Chương trình:

4.1.Tổng nguồn vốn: 803.000 triệu đồng, trong đó:.

+ Ngân sách Trung ương:                                   325.525 triệu đồng (40,54%);

+ Ngân sách địa phương:                                   94.275 triệu đồng (11,74%), Trong đó:

- Cấp tỉnh:                                                         68.175 triệu đồng (72,32%),

- Cấp huyện:                                                      26.000 triệu đồng (27,68%);

+ Huy động cộng đồng:                                      33.100 triệu đồng ( 4,12%);

+ Vốn tín dụng :                                                 344.400 triệu đồng (42,89%);

+ Huy động doanh nghiệp, các tổ chức:               40.150 triệu đồng (0,71%).

4.2. Phân theo nội dung hoạt động của Chương trình:

Tạo điều kiện để người nghèo phát triển sản xuất 535.000 triệu đồng. Tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội 268.000 triệu đồng.

II. VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU VỀ VIỆC LÀM

1. Mục tiêu tổng quát: Tạo việc làm mới và đảm bảo việc làm cho người có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; giúp cho người lao động chưa có việc làm sớm có việc làm; người thiếu việc làm hoặc có việc làm không ổn định, hiệu quả thấp có thêm việc làm hoặc việc làm ổn định mang lại hiệu quả cao hơn. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

2. Chỉ tiêu cụ thể: Mỗi năm tạo việc làm mới và thêm việc làm cho từ 33.000 lao động trở lên, trong đó tạo chỗ làm việc mới cho từ 16.000 - 18.000 lao động. Phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị từ 0,2 - 0,3% để đến cuối năm 2010 tỷ lệ này còn khoảng 3,3 - 3,8%. Nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn đến năm 2010 là 82%. Phấn đấu đến năm 2010 đưa 2.000 - 2.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

3. Nội dung hoạt động của Chương trình:

3.1. Phát triển kinh tế - xã hội tạo mở việc làm:

- Về công nghiệp: Tập trung thúc đẩy sự phát triển Khu kinh tế Dung Quất, các Khu công nghiệp của tỉnh và các cụm công nghiệp, làng nghề ở các huyện để thu hút lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề vào làm việc, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh.

- Về nông nghiệp, nông thôn: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả nhằm tăng thêm việc làm và nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn.

- Về thương mại - dịch vụ và du lịch: Tăng cường xúc tiến thương mại, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các loại hình dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình du lịch nhằm tạo việc làm mới và thêm việc làm cho người lao động.

3.2. Thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp hỗ trợ trực tiếp: Tăng cường công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh phổ thông; tác động thay đổi nhận thức của toàn xã hội để thu hút lao động học nghề. Củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề của các trường và cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh nhằm tăng tỷ lệ và chất lượng lao động qua đào tạo nghề. Phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm của trung ương và Quỹ giải quyết việc làm của địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm. Thực hiện có hiệu quả Đề án về xuất khẩu lao động. Tổ chức Hội chợ việc làm, tháng việc làm, thông tin về thị trường lao động để tăng cơ hội tìm việc làm người lao động.

3.3. Lập Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh:

- UBND tỉnh có trách nhiệm lập Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh để người lao động vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm.

- Nguồn hình thành Quỹ:

+ Hàng năm bố trí 1.000 triệu đồng từ ngân sách tỉnh bổ sung cho Quỹ.

+ Huy động nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

+ Các nguồn thu khác.

III. VỀ HỖ TRỢ XÂY DỰNG, SỬA CHỮA NHÀ Ở CHO HỘ GIA ĐÌNH CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ HỘ NGHÈO

1. Mục tiêu: Đến năm 2010 hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 17.000 nhà ở cho hộ gia đình có công cách mạng và hộ nghèo đang gặp khó khăn bức xúc về nhà ở; trong đó, hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình có công cách mạng vào năm 2007; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 134 vào năm 2008 và hộ nghèo còn lại vào năm 2010. Phấn đấu huy động mạnh các nguồn lực hoàn thành mục tiêu của Đề án trước năm 2010.

2. Đối tượng thuộc phạm vi hỗ trợ của đề án: Đối tượng được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở là hộ nghèo chưa có nhà ở và hộ nghèo có nhà ở nhưng tạm bợ, dột nát, không có khả năng tự xây dựng, sửa chữa, bao gồm ba nhóm đối tượng: hộ nghèo thuộc diện có công với cách mạng (1.760 hộ); hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Đề án 134 (8.642 hộ); hộ nghèo thuộc diện khó khăn nhà ở còn lại (6.598 hộ).

3. Mức hỗ trợ:

3.1. Đối với hộ gia đình có công với cách mạng:

- Hỗ trợ làm mới (nhà tình nghĩa):                        15 triệu đồng/nhà;

- Hỗ trợ cùng gia đình làm lại nhà mới:                8 triệu đồng/nhà;

- Hỗ trợ để sửa chữa nhà:                                  5 triệu đồng/nhà.

3.2. Đối với hộ nghèo người dân tộc thiểu số thuộc diện theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg: Mức hỗ trợ 6 triệu đồng/nhà.

3.3. Đối với hộ nghèo còn lại: Mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 22/2005/NQ-HĐND ngày 16/7/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X.

Từ năm 2007 trở đi, tuỳ theo khả năng ngân sách của tỉnh và nguồn vốn huy động, UBND tỉnh có thể trình HĐND tỉnh xem xét tăng mức hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở (phần Ngân sách của tỉnh) cho cho các đối tượng thuộc Đề án này.

4. Huy động nguồn kinh phí để thực hiện Đề án:

+ Tổng kinh phí để thực hiện Đề án: 91.521 triệu đồng, trong đó:

+ Hỗ trợ của Trung ương:                                      55.710 triệu đồng

Trong đó:

+ Hỗ trợ theo QĐ 134:                                           43.210 triệu đồng

+ Hỗ trợ từ Quỹ vì người nghèo:                            2.500 triệu đồng

+ Hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công:                 10.000 triệu đồng

- Huy động các nguồn lực ở địa phương, thực hiện theo Nghị quyết số 22/2005/NQ-HĐND ngày16/7/2005 của HĐND tỉnh khóa X: 35.811 triệu đồng.

Hàng năm, UBND tỉnh tổ chức huy động các nguồn lực để thực hiện Đề án, phân bổ kinh phí thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho ba nhóm đối tượng được quy định tại Mục III, khoản 3 Nghị quyết này.

Điều 2: Giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết này.

Điều 3: Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết đạt kết quả.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 08 tháng 7 năm 2006./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Thanh Quang