Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/NQ-HĐND

Đắk Lắk, ngày 08 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VÀ NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ VIỆC GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG ĐỂ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN NÔNG, LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ NĂM

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 30 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chương trình hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2017;

Sau khixem xét Báo cáo số 97/BC-ĐGS ngày 01 tháng 12 năm 2017của Đoàn giám sát về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và việc giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc chấp hành pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và việc giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, với những đánh giá về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và các kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau:

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực; nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được ban hành; việc triển khai các văn bản được ban hành đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền địa phương, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường; các chương trình, dự án về bảo vệ và phát triển rừng được triển khai thực hiện, góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là các hộ dân sống gần rừng, vùng đồng bào khó khăn; tăng độ che phủ của rừng, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bước đầu đã đem lại hiệu quả, khuyến khích được người dân, các tổ chức cá nhân tham gia trồng rừng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế, tình trạng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác quản lý cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, quản lý nhà nước của ngành còn bộc lộ nhiều yếu kém. Tiềm năng, lợi thế về rừng và đất rừng của tỉnh chưa được phát huy hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội; trách nhiệm của chủ rừng chưa rõ; trách nhiệm của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chưa cao, còn buông lỏng quản lý; công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng chưa hiệu quả; xử lý vi phạm lâm luật chưa nghiêm, nên không đủ sức răn đe hành vi xâm hại đến rừng; công tác trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng không đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, không phát huy hiệu quả sử dụng vốn; chất lượng rừng trồng kém; tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp; công tác giao đất, giao rừng,cho thuê đất, thuê rừng hiệu quả đạt thấp; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông,lâm nghiệp chậm, tình trạng tranh chấp đất giữa dự án với người dân liên tục xảy ra, đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết, nhiều diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch cho trồng rừng trong thời gian dài nhưng không thực hiện.

Điều 2. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và việc giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thấy rõ được vai trò của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Phát huy việc giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể quần chúng, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

2. Tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 19/01/2015 của Ban thường vụ Tỉnh ủyvề tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản chỉ đạo khác.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành về lâm nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng; xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

4. Chỉ đạo rà soát tất cả các dự án trồng rừng; tạo điều kiện cho các dự án thực hiện có hiệu quả và xem xét đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng có sai phạm; đồng thời, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm.

Kiểm kê diện tích rừng hiện có; đo đạc cắm mốc, giao trách nhiệm quản lý cụ thể, xử lý nghiêm tình trạng để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên diện tích được giao.

Đánh giá hiệu quả công tác quản lý, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng của các công ty, doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân được giao đất, giao rừng để thực hiệncác dự án nông, lâm nghiệp, trên cơ sở đó, có biện pháp quản lý thích hợp để phát triển rừng. Quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu trồng rừng thay thế của các chủ dự án để có biện pháp chỉ đạo, đảm bảo thực hiện đúng chỉ tiêu được giao.

5. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc bàn giao diện tích đất thu hồi tại các dự án thực hiện không đúng phương án bị thu hồi; đặc biệt đối với dự án trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, để mất rừng trên địa bàn huyện Ea Súp: Công ty Thực phẩm lâm nghiệp Rừng xanh (diện tích 1.600ha); Công ty TNHH Anh Quốc (diện tích 1.165ha); Công ty Cổ phần Địa ốc Thái Bình Phát (diện tích 714ha) và các dự án khác.

Chỉ đạo giải quyết chồng lấn giữa diện tích rừng quốc phòng với rừng giao cho doanh nghiệp khoanh nuôi quản lý, bảo vệ của Công ty TNHH Bảo Ngọc, huyện Ea Súp.

6. Khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến rừng, chất lượng rừng, đặc biệt đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Có cơ chế quản lý, giám sát các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch,... chú trọng đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo cam kết.

7. Chỉ đạo xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật đối với những địa phương, đơn vị quản lý, bảo vệ rừng để mất rừng và đất rừng bị lấn chiếm, mua bán sang nhượng, xây dựng nhà cửa, lều lán trái phép mà không có báo cáo, không có biện pháp ngăn chặn. Điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, để mất rừng, mua bán sang nhượng đất rừng trái phép, trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự thì phải khởi tố. Đối với những vùng đất xấu không thể trồng cây cao su, cây ăn quả thì quản lý khoanh nuôi tái sinh rừng, trồngrừng.

8. Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã; các cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng phối hợp đồng bộ, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để hạn chế tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch đến địa bàn. Có phương án quy hoạch, sắp xếp số dân di cư ngoài kế hoạch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh ổn định cuộc sống. Khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, hoàn thành việc giao đất, giao rừng, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng vào năm 2019. Ở cấp huyện, thành lập tổ liên ngành để kiểm tra xử lý vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn và giao nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền cấp xã.

9. Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên rừng. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đẩy mạnh trồng rừng. Thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp được giao đất, giao rừng khoanh nuôi bảo vệ và thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp. Thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên hiện đang còn cây rừng sangmục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai; không chuyển đổi cải tạo rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.

Điều 3. Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, Ủy ban nhân dâncác cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Nghị quyết.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khoá IX, Kỳ họp thứ Năm thông qua ngày 07 tháng 12năm 2017 và có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 12 năm 2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Y Biêr Niê