Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2017/NQ-HĐND

Hà Tĩnh, ngày 15 tháng 07 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2025 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 14/2008/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020”;

Thực hiện Quyết định số 1786/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Sau khi xem xét Tờ trình số 222/TTr-UBND, ngày 28 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Nghị quyết về phát triển công nghệ sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu chung

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, y - dược và bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường; thúc đẩy phong trào ứng dụng công nghệ sinh học rộng khắp trong các ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế; đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.

Điều 2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

1. Về giống cây trồng, vật nuôi: Giải quyết cơ bản việc chọn tạo giống có ưu thế từ kỹ thuật công nghệ sinh học, từ đó xác lập Quy hoạch sản xuất hàng hóa với một số sản phẩm chủ lực (03 - 05 giống lúa; 01-03 giống lợn; 02 - 03 giống bò; 02 - 03 giống thủy sản; 01 - 02 giống lạc, đậu, rau củ quả). Đồng thời hỗ trợ phát triển hoàn thiện các sản phẩm mang tính đặc sản từng địa phương theo hướng 01 xã, phường 01 sản phẩm.

2. Về cải tạo đất, xử lý chất thải, khắc phục và bảo vệ môi trường: Khuyến khích sử dụng các loại chế phẩm vi sinh để phân hủy các chất thải phế thải từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt của nhân dân. Bao gồm: Gốc rạ, thân lá còn lại của rau củ quả, rác thải sinh hoạt; tồn dư hóa chất trong đất, nước; chất thải chăn nuôi, chất thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh,... Phấn đấu đến năm 2020, việc sử dụng các chế phẩm vi sinh phổ biến rộng rãi, trở thành nhu cầu thường xuyên của đa số nhân dân; có 50% lượng phân bón sử dụng trong sản xuất có nguồn gốc hữu cơ đã qua xử lý vi sinh vật hoặc phân vi sinh chất lượng cao được sản xuất trên địa bàn tỉnh.

3. Về bảo quản chế biến sản phẩm nông sản: Đảm bảo hầu hết các sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng quy trình công nghệ kiểm soát phù hợp quy chuẩn, được sơ chế, bảo quản mức độ từ thấp đến cao; chế biến được một số sản phẩm hàng hóa có giá trị cao từ áp dụng thành tựu công nghệ sinh học và công nghệ cao khác.

4. Về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng chống có hiệu quả dịch bệnh cho người và gia súc:

a) Công nghệ sinh học phải được áp dụng mạnh mẽ trong việc sản xuất và phát triển dược liệu tại các địa phương, bào chế các loại thảo dược, thực phẩm chức năng; phát hiện và chẩn đoán sớm các loại bệnh trên người và gia súc, gia cầm, thủy hải sản để có biện pháp phòng chống chủ động và giảm nhẹ thiệt hại; phổ biến các loại thuốc chữa bệnh cho người và gia súc, thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học; phát triển các loại nấm, vi sinh vật có ích, côn trùng có lợi trong môi trường sống, bệnh viện, trường học, khu dân cư và các gia đình;

b) Từ năm 2018, dược liệu trở thành loại cây trồng được quy hoạch và liên kết chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Nấm ăn và nấm dược liệu trở thành loại cây trồng chủ lực của tỉnh có sản lượng và giá trị hàng hóa cao trong nông nghiệp;

c) Từ năm 2019, phổ biến thuốc điều trị bằng thảo dược trong bệnh viện; sử dụng rộng rãi các loại bẫy, bã Protein, chất dẫn dụ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học và các chế phẩm tạo ra từ công nghệ sinh học khác vào quá trình sản xuất của các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Điều 3. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Tăng cường nhận thức và hành động đối với phát triển công nghệ sinh học

Quán triệt, nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng, vai trò của công nghệ sinh học phục vụ sản xuất, đời sống, bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ sản xuất, đời sống thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, thông tin, truyền thông hàng năm.

2. Xây dựng và phát triển tiềm lực công nghệ sinh học

a) Đầu tư chiều sâu để nâng cấp các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học; bổ sung máy móc, thiết bị tiên tiến và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm;

b) Chú trọng thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ từ thấp đến cao về lĩnh vực công nghệ sinh học;

c) Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước: Thông qua chương trình, đề án về phát triển công nghệ sinh học đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt; các chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học của tỉnh; xã hội hóa các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển công nghệ sinh học từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; xã hội hóa theo hình thức đối tác công - tư (PPP); từ chương trình hợp tác trong và ngoài nước, các chương trình theo Nghị định thư.

3. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường

a) Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ sinh học trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp; công nghệ bảo quản, chế biến; y dược và bảo vệ môi trường;

b) Giai đoạn 2018 - 2025: Tập trung nguồn lực xây dựng và triển khai có hiệu quả 04 Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học: Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ công tác giống cây trồng, vật nuôi; Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ cải tạo đất, xử lý chất thải, khắc phục và bảo vệ môi trường; Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh người và gia súc; Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ công tác bảo quản chế biến nông sản phẩm.

Điều 4. Các nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết

1. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ các Chương trình, đề án về phát triển công nghệ sinh học đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt: Quyết định số 97/2007/QĐ-TTg, ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020"; Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020"; Quyết định số 1660/QĐ-TTg, ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2020"; Quyết định số 3056/QĐ-BKHCN ngày 30 tháng 9 năm 2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học”;

b) Nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hỗ trợ khác;

c) Nguồn vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Điều 5. Kinh phí thực hiện Nghị quyết

1. Tổng kinh phí: 168.800 triệu đồng, trong đó:

a) Ngân sách Trung ương: 10.000 triệu đồng;

b) Ngân sách tỉnh: 80.800 triệu đồng;

c) Nguồn vốn khác: 78.000 triệu đồng.

2. Kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh được phân bổ như sau:

a) Kinh phí đào tạo, tập huấn, thông tin, truyền thông hàng năm: 100 triệu đồng/năm;

b) Kinh phí thực hiện các chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học giai đoạn 2018 - 2025: Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ công tác giống cây trồng, vật nuôi: 25.000 triệu đồng; Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ cải tạo đất, xử lý chất thải, khắc phục và bảo vệ môi trường: 15.000 triệu đồng; Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh người và gia súc: 15.000 triệu đồng; Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ công tác bảo quản chế biến nông sản phẩm: 5.000 triệu đồng;

c) Kinh phí đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ sinh học: 20.000 triệu đồng.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện, nếu có nội dung cần thiết điều chỉnh, bổ sung, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 7 năm 2017./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Kiểm toán nhà nước khu vực II;
- Bộ Tư lệnh Quân khu IV;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Văn phòng HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trung tâm Công báo - tin học VP UBND tỉnh;
- Trang thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lê Đình Sơn