- 1 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 4 Luật Đầu tư công 2019
- 5 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 6 Quyết định 26/2020/QĐ-TTg về hướng dẫn Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Luật Lâm nghiệp 2017
- 8 Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/2020/NQ-HĐND | Cao Bằng, ngày 16 tháng 12 năm 2020 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NÔNG LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025;
Xét Tờ trình số 2832/TTr-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về dự thảo Nghị quyết ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này và báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XVI, Kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 12 năm 2020./.
| KT. CHỦ TỊCH |
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NÔNG LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 48/2020/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng)
1. Quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
2. Các chính sách về phát triển nông lâm nghiệp không có trong Quy định này được thực hiện theo quy định hiện hành.
1. Các hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, cộng đồng dân cư thôn (xóm) sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Riêng nội dung hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm được áp dụng cho cả đối tượng doanh nghiệp.
2. Các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện hỗ trợ theo Quy định này.
1. Một đối tượng được xem xét hưởng nhiều nội dung hỗ trợ của Quy định này khi phù hợp với đối tượng và điều kiện riêng của từng nội dung hỗ trợ. Chỉ áp dụng một lần cho một đối tượng với một nội dung hỗ trợ.
2. Trong cùng một thời điểm, có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau về phát triển nông lâm nghiệp được triển khai trên địa bàn tỉnh, đối tượng hỗ trợ được lựa chọn áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất.
3. Các đối tượng hỗ trợ sử dụng vốn vay, kinh phí hỗ trợ không đúng mục đích sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều 4. Hỗ trợ phát triển chăn nuôi và thủy sản
1. Hỗ trợ mua con giống
a) Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình.
b) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng để chăn nuôi trâu bò cái sinh sản, trâu bò vỗ béo, bò sữa, lợn cái sinh sản.
c) Mức hỗ trợ:
Chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản: Hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay mua trâu, bò cái giống để sinh sản. Mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 15 triệu đồng/con, thời gian hỗ trợ 36 tháng.
Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo: Hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay mua trâu, bò chăn nuôi theo hướng vỗ béo. Mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 15 triệu đồng/con, thời gian hỗ trợ 12 tháng.
Chăn nuôi bò sữa: Hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay mua bò cái giống nuôi để lấy sữa. Mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 20 triệu đồng/con, thời gian hỗ trợ 36 tháng.
Chăn nuôi lợn cái sinh sản: Hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay mua lợn cái giống để sinh sản. Mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 05 triệu đồng/con, thời gian hỗ trợ 24 tháng.
Đối với cá nhân, hộ gia đình sử dụng các giống gia súc nhập ngoại để nuôi thì được hỗ trợ bổ sung như sau: trâu, bò cái sinh sản giống thịt, hỗ trợ 05 triệu đồng/con; bò sữa giống cao sản, hỗ trợ 10 triệu đồng/con; lợn cái sinh sản giống thịt, hỗ trợ 03 triệu đồng/con.
d) Điều kiện hỗ trợ:
Chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản: Quy mô từ 3 con trở lên.
Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo: Quy mô từ 05 con trở lên.
Chăn nuôi bò sữa: Quy mô từ 02 con trở lên.
Chăn nuôi lợn cái sinh sản: Quy mô từ 5 con trở lên.
Các loại vật nuôi nêu trên phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
2. Hỗ trợ cải tạo, nâng cao chất lượng giống trâu bò
a) Đối tượng hỗ trợ: Người làm công tác thụ tinh nhân tạo.
b) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ thụ tinh nhân tạo sử dụng tinh giống được cơ quan có thẩm quyền công nhận (bao gồm chí phí mua tinh, bảo quản tinh, dụng cụ, tiền công thực hiện)
c) Mức hỗ trợ: 500.000 đồng/trâu, bò được phối giống.
d) Điều kiện được hỗ trợ: Sử dụng tinh giống được cơ quan có thẩm quyền công nhận, phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho 01 con trâu, bò cái có chửa và bê, nghé được sinh ra.
3. Hỗ trợ xây dựng mới chuồng trại chăn nuôi gia súc
a) Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình.
b) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ chi phí xây dựng mới chuồng trại chăn nuôi trâu bò cái sinh sản, trâu bò vỗ béo, bò sữa, lợn cái sinh sản gắn với xử lý chất thải chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường.
c) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần, không quá 30 triệu đồng/chuồng nuôi. Mức hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu bò cái sinh sản, trâu bò vỗ béo, bò sữa, lợn cái sinh sản là 02 triệu đồng/con.
d) Điều kiện được hỗ trợ:
Đối với trâu, bò cái sinh sản: Diện tích chuồng nuôi tối thiểu 5m2/con; quy mô tối thiểu 03 con.
Đối với trâu, bò nuôi vỗ béo: Diện tích chuồng nuôi tối thiểu 3m2/con; quy mô tối thiểu 05 con.
Đối với chăn nuôi bò sữa: Diện tích chuồng nuôi tối thiểu 5m2/con; quy mô tối thiểu 02 con.
Đối với lợn cái sinh sản: Diện tích chuồng nuôi tối thiểu 4 m2/con; quy mô tối thiểu 05 con.
Chuồng trại chăn nuôi gia súc được xây dựng theo thiết kế mẫu chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
4. Hỗ trợ trồng cỏ, cây trồng để chăn nuôi
a) Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã.
b) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ mua giống cỏ, giống cây trồng, phân bón để sản xuất nguyên liệu phục vụ chăn nuôi.
c) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần 05 triệu đồng/01 ha.
d) Điều kiện được hỗ trợ: Trồng mới, diện tích trồng tối thiểu là 0,2 ha đối với cá nhân, hộ gia đình và 01 ha đối với tổ hợp tác, hợp tác xã.
5. Hỗ trợ nuôi trồng thủy sản
a) Hỗ trợ mua giống thủy sản quý hiếm, đặc hữu của địa phương, có giá trị kinh tế cao.
Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình.
Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ mua giống cá Chiên, cá Anh Vũ, cá Bỗng, cá Rầm Xanh, cá Lăng, cá Tầm, cá Hồi.
Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần bằng 50% chi phí mua con giống; mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/cá nhân, hộ gia đình.
Điều kiện được hỗ trợ: Có mặt nước nuôi thủy sản, diện tích tối thiểu 100 m2 hoặc lồng nuôi có thể tích tối thiểu 50 m3.
b) Hỗ trợ kinh phí làm lồng bè nuôi thủy sản trên sông, hồ
Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình (thông qua các dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã).
Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ kinh phí làm lồng nuôi thủy sản trên sông, hồ.
Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần 200.000 đồng/m3 lồng; mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/cá nhân, hộ gia đình.
Điều kiện được hỗ trợ: quỵ mô lồng nuôi có thể tích tối thiểu 50 m3/lồng; đảm bảo mật độ nuôi, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm; lồng được làm bằng vật liệu sử dụng được lâu dài do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
Điều 5. Hỗ trợ phát triển trồng trọt
1. Hỗ trợ xây dựng vườn ươm
a) Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác (thông qua các dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã).
b) Nội dung hỗ trợ: Xây dựng vườn ươm sản xuất giống cây Gừng, Nghệ, Cam, Quýt, Lê, Chanh leo và các giống cây trồng đặc hữu, có giá trị kinh tế cao được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
c) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần 60% tổng chi phí trang thiết bị, xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới. Mức hỗ trợ không quá 600 triệu/vườn ươm.
d) Điều kiện được hỗ trợ: Vườn ươm đảm bảo đủ các điều kiện sản xuất giống cây trồng theo quy định của pháp luật, có quy mô sản xuất tập trung từ 0,5 ha trở lên; có quy mô sản xuất các giống cây Gừng, Nghệ, Cam, Quýt, Lê, Chanh leo, Dẻ và các giống cây trồng đặc hữu, có giá trị kinh tế cao từ 70% trở lên so với tổng quy mô sản xuất của vườn ươm.
2. Hỗ trợ giống, phân bón cây trồng
a) Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác.
b) Nội dung hỗ trợ:
Hỗ trợ mua giống Gừng, Nghệ.
Hỗ trợ mua cây giống, phân bón cây Rau (rau ăn lá, rau ăn củ, rau ăn quả, rau ăn hạt).
Hỗ trợ mua cây giống, phân bón cây Chanh leo, Cam, Quýt, Lê, Dẻ.
Hỗ trợ mua giống các cây trồng đặc hữu, có giá trị kinh tế cao được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
c) Mức hỗ trợ:
Đối với cây Gừng, Nghệ: Hỗ trợ một lần 40 triệu đồng/ha.
Đối với cây Rau: Hỗ trợ một lần 10 triệu đồng/ha.
Đối với cây Chanh leo, Cam, Quýt, Lê, Dẻ: Hỗ trợ một lần 25 triệu đồng/ha.
Đối với cây trồng đặc hữu, có giá trị kinh tế cao: Hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống, mức hỗ trợ không quá 25 triệu đồng/ha.
d) Điều kiện hỗ trợ:
Diện tích vùng sản xuất cây Gừng, Nghệ, Rau: đối với tổ hợp tác tối thiểu 1,0 ha; đối với cá nhân, hộ gia đình tối thiểu 0,3 ha.
Diện tích vùng sản xuất cây Chanh leo: đối với tổ hợp tác tối thiểu 2,0 ha; đối với cá nhân, hộ gia đình tối thiểu 0,5 ha.
Diện tích vùng sản xuất Cam, Quýt, Lê, Dẻ: đối với tổ hợp tác tối thiểu 2,0 ha; đối với cá nhân, hộ gia đình tối thiểu 0,3 ha.
Diện tích vùng sản xuất cây trồng đặc hữu, có giá trị kinh tế cao: đối với tổ hợp tác tối thiểu 2,0 ha; đối với cá nhân, hộ gia đình tối thiểu 0,3 ha.
Các đối tượng hỗ trợ tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sản xuất theo quy trình VietGap, hoặc hữu cơ, hoặc an toàn.
3. Hỗ trợ hệ thống tưới, vật tư tạo tán, dây dàn, cọc bê tông một số cây trồng
a) Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác (thông qua các dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã).
b) Nội dung và mức hỗ hỗ trợ:
Đối với cây Rau: Hỗ trợ vật tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, màng phủ nông nghiệp, hệ thống tưới một lần 15 triệu đồng/ha.
Đối với Chanh leo: Hỗ trợ vật tư xây dựng hệ thống tưới một lần 15 triệu đồng/ha. Hỗ trợ vật tư xây dựng hệ thống giàn (dây thép, cọc bê tông) một lần 10 triệu đồng/ha.
Đối với cây Cam, Quýt, Lê, Dẻ: Hỗ trợ vật tư xây dựng hệ thống tưới một lần 15 triệu đồng/ha. Hỗ trợ vật tư tạo tán, vin cành (dây thép) một lần 05 triệu đồng/ha.
c) Điều kiện hỗ trợ: áp dụng theo nội dung tại Điểm d, Khoản 2, Điều 5, Quy định này.
4. Hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế
a) Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác (thông qua các dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã).
b) Nội dung hỗ trợ: Xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị.
c) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần chi phí xây dựng nhà sơ chế, mua sắm hệ thống trang thiết bị, mức hỗ trợ không quá 300 triệu đồng/nhà.
d) Điều kiện hỗ trợ:
Quy mô nhà sơ chế tối thiểu 100 m2, kết cấu nhà 01 tầng, nền đổ bê tông, tường xây gạch, mái lợp tôn hoặc fibro xi măng do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
Có giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
5. Hỗ trợ xây dựng kho bảo quản lạnh
a) Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác (thông qua các dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã).
b) Nội dung hỗ trợ: Xây dựng kho, mua máy móc thiết bị làm lạnh.
c) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần chi phí xây dựng kho bảo quản lạnh, mua sắm hệ thống trang thiết bị, mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/kho.
d) Điều kiện hỗ trợ:
Quy mô tối thiểu 100 m2, kết cấu nhà 01 tầng, nền đổ bê tông, tường xây gạch, mái lợp tôn hoặc fibro xi măng do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định. Công suất bảo quản đạt 20 tấn/kho.
Có giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Điều 6. Hỗ trợ phát triển lâm nghiệp
1. Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp
a) Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác (thông qua các dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã).
b) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, mua vật tư thiết bị sản xuất cây giống lâm nghiệp, bằng công nghệ sản xuất cây giống nuôi cấy mô, cây giống gieo từ hạt.
c) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần 50% tổng mức chi phí, mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/cơ sở sản xuất.
d) Điều kiện hỗ trợ: Là cơ sở sản xuất có diện tích đất tập trung tối thiểu là 1,0 ha (bao gồm đất để xây dựng nhà xưởng, đất làm vườn ươm), đất được quy hoạch cho phát triển sản xuất lâm nghiệp, quy mô sản xuất trên 1.000.000 cây/năm.
2. Hỗ trợ trồng rừng gỗ nhỏ, gỗ lớn
a) Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn (xóm).
b) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ chi phí mua cây giống, phân bón.
c) Mức hỗ trợ:
Trồng các loài cây sản xuất gỗ nhỏ (khai thác trước 10 năm tuổi): Hỗ trợ một lần 5.000.000 đồng/ha.
Trồng các loài cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi): Hỗ trợ một lần 8.000.000 đồng/ha.
d) Điều kiện hỗ trợ: Quy mô thực hiện trồng rừng tối thiểu từ 0,5 ha trở lên. Chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn (xóm) phải có đất được quy hoạch để trồng rừng sản xuất, được cấp có thẩm quyền giao hoặc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất ổn định trong vòng 3 năm trở lên không có tranh chấp. Giống đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, phải có xuất xứ từ cơ sở sản xuất giống đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận về nguồn giống theo quy định.
3. Hỗ trợ đầu tư trồng Trúc, Hồi, Quế, Cây dược liệu
a) Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn (xóm).
b) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ chi phí mua cây giống trồng Trúc, Hồi, Quế, Cây dược liệu (Hà thủ ô, Lan Kim Tuyến, Bảy lá một hoa, Tam thất).
c) Mức hỗ trợ: Đối với trồng Quế, Hồi hỗ trợ 1 lần 5.000.000 đồng/ha; Đối với trồng Trúc hỗ trợ 1 lần 10.000.000 đồng/ha; Đối với trồng cây dược liệu hỗ trợ 1 lần 15.000.000 đồng/ha.
d) Điều kiện hỗ trợ:
Quy mô trồng Trúc, Hồi, Quế tối thiểu từ 0,5 ha trở lên, là đất quy hoạch để trồng rừng sản xuất.
Quy mô trồng Cây dược liệu tối thiểu từ 0,3 ha trở lên, là đất nông nghiệp khác hoặc trồng dưới tán rừng đảm bảo theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Giống đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, phải có xuất xứ từ cơ sở sản xuất giống đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận về nguồn giống theo quy định.
Điều 7. Hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm
1. Đối tượng hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp.
2. Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ chứng nhận chất lượng (VietGAP, GlobalGAP, Hữu cơ, an toàn...); truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bao bì nhãn mác; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Mức hỗ trợ:
a) Hỗ trợ chí phí thuê tư vấn đánh giá và chứng nhận chất lượng (VietGAP, GlobalGAP, Hữu cơ, an toàn...). Hỗ trợ một lần, mức tối đa không quá 10 triệu đồng/01 lần cấp chứng nhận/01 loại sản phẩm.
b) Hỗ trợ 100 % chi phí cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
c) Hỗ trợ chi phí thiết kế nhãn mác, bao bì, truy suất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ 1 lần, không quá 10 triệu đồng/cơ sở.
4. Điều kiện hỗ trợ:
a) Chứng nhận chất lượng:
Đối với chứng nhận cây trồng: các cây trồng được nêu trong Quy định này thì áp dụng điều kiện tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 5 và Điểm đ, Khoản 3, Điều 6.
Đối với chứng nhận trong chăn nuôi: cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã đảm bảo điều kiện quy mô tối thiểu 10 đơn vị vật nuôi được quy định tại Điều 21, Chương IV, Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ, hướng dẫn chi tiết Luật chăn nuôi.
b) Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm: các cơ sở phải đảm bảo đủ các điều kiện quy định về an toàn thực phẩm.
c) Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thiết kế nhãn mác, bao bì cho các sản phẩm: là các sản phẩm cây trồng, vật nuôi được nêu trong Quy định này.
Nguồn vốn thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp, bao gồm: nguồn vốn từ Trung ương (vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương; vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình, dự án khuyến nông; Chương trình, dự án khoa học công nghệ....); nguồn ngân sách địa phương (nguồn cân đối hàng năm); nguồn huy động, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác./.
- 1 Nghị quyết 14/2018/NQ-HĐND "quy định về cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho phát triển hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020"
- 2 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- 3 Quyết định 45/2018/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- 4 Quyết định 2164/QĐ-UBND năm 2018 về điều chỉnh, bổ sung Điều 1 Quyết định 740/QĐ-UBND do tỉnh Quảng Ngãi ban hành