HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/NQ-HĐND | Quảng Nam, ngày 07 tháng 12 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG CÔNG TÁC KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỂN QUỸ ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 04 tháng 12 năm 2015;
Sau khi xem xét Báo cáo số 25/BC-ĐGS ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát về tình hình khai thác và phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về “Tình hình khai thác, phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh” với các nội dung chủ yếu sau:
1. Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung và công tác khai thác và phát triển quỹ đất nói riêng đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện, góp phần quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, phát huy nguồn lực từ đất để đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo diện mạo khu dân cư đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
2. Tuy nhiên, việc tham mưu các văn bản liên quan về công tác tạo lập, phát triển quỹ đất còn chậm, chưa đầy đủ. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án khai thác quỹ đất chưa được quan tâm đúng mức, nhiều dự án triển khai chậm, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công cộng, xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông, thoát nước, xử lý nước thải tại các khu tái định cư; công tác quản lý nhà nước một số cơ quan còn bất cập; hiệu quả về kinh tế - xã hội, hiệu quả sử dụng đất chưa được đánh giá cụ thể; Quỹ Phát triển đất hoạt động chưa hiệu quả.
3. Những tồn tại, hạn chế nêu trên ngoài nguyên nhân do các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thường xuyên sửa đổi, bổ sung, còn có vai trò trách nhiệm cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý nhà nước về khai thác và phát triển quỹ đất như: chưa tích cực trong việc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách liên quan, chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cấp huyện trong việc quản lý các dự án khai thác quỹ đất. Việc chuyển các Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất từ huyện về tỉnh đã gây những khó khăn, trở ngại trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Một số địa phương còn bị động, lúng túng trong công tác tạo lập và phát triển quỹ đất; năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tạo lập và phát triển quỹ đất còn có những hạn chế nhất định.
Điều 2. Một số nhiệm vụ, giải pháp về công tác khai thác và phát triển quỹ đất
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác khai thác và phát triển quỹ đất trong thời gian đến, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
1. Đối với UBND tỉnh
a) Rà soát tất cả các dự án khai thác quỹ đất (dự án bất động sản, nhà ở, khu dân cư, đô thị, thương mại dịch vụ) đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, từ khâu quy hoạch, thiết kế, dự toán, chất lượng công trình, nghiệm thu, bàn giao, nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, tiến độ thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công cộng, nhất là dự án trên địa bàn Khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, Khu Kinh tế mở Chu Lai để có giải pháp, quản lý tốt hơn và có biện pháp xử lý dứt điểm những hạn chế của từng dự án.
b) Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế tạo lập và phát triển quỹ đất sạch để tạo điều kiện thu hút đầu tư; khẩn trương xây dựng đề án sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 132/2014/NQ-HĐND về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở, làm cơ sở xây dựng các danh mục dự án cụ thể được phép xây dựng nhà ở thương mại.
c) Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đảm bảo tỷ lệ diện tích đất công cộng, cây xanh, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao.. trong các dự án khai thác quỹ đất; không điều chỉnh giảm diện tích đất công cộng của dự án đã phê duyệt.
d) Khi quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chí phát triển đô thị theo hướng xanh, văn minh, hiện đại. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao năng lực thẩm định dự án, xét duyệt lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo có uy tín, năng lực tài chính, phương án tài chính rõ ràng (tính đúng, tính đủ); ràng buộc điều kiện hoàn thiện hạ tầng mới sang nhượng dự án theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 1, Nghị định 43/2014/NĐ-CP và thời gian thực hiện dự án theo Điều 33, Luật Đầu tư; có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với nhà đầu tư không thực hiện đúng quy định.
e) Xác định rõ trách nhiệm và giao cơ quan chức năng chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý nhà nước đối với công tác tạo lập và phát triển quỹ đất ngay từ khâu lập, tổ chức thực hiện dự án đến khi bàn giao, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng. Tăng cường hơn nữa công tác thẩm định dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật, bản vẽ thiết kế, thi công, dự toán, giám sát tiến độ thi công, chất lượng công trình, nghiệm thu, tiếp nhận bàn giao. Đối với dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư cần nâng cao chất lượng thẩm tra, phê duyệt dự án, dự toán nhằm đảm bảo chất lượng hạ tầng, kiểm soát chi phí đầu vào.
f) Sớm ban hành quy trình thủ tục liên quan thực hiện dự án khai thác quỹ đất; tuân thủ việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo Điều 22, Luật Nhà ở năm 2014 và Điều 118, Luật Đất đai năm 2013 nhằm tạo sự công khai, minh bạch khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, góp phần tăng thu ngân sách từ đất.
g) Tiếp tục thực hiện các giải pháp chống thất thu tiền đất từ hoạt động kinh doanh bất động sản, đảm bảo thu đúng, thu đủ các khoản thu phát sinh từ đất, nhất là đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng không đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc chi nhánh tại tỉnh Quảng Nam. Tăng cường công tác thẩm định, phê duyệt giá đất, đảm bảo sát với giá thực tế, thời điểm quyết định giao đất (theo từng đợt).
h) Tăng cường vai trò Quỹ Phát triển đất trong việc theo dõi các nguồn thu sử dụng đất phát sinh từ dự án trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời bổ sung nguồn vốn cho quỹ. Thực hiện quản lý quỹ đất đúng quy định pháp luật, phục vụ cho các dự án của nhà nước. Kiểm soát chặt hoạt động ứng vốn nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, có biện pháp kiên quyết đối với các đơn vị chậm hoàn ứng. Tăng cường trách nhiệm điều hành, quản lý quỹ đúng mục tiêu, nhiệm vụ theo quy định. Có giải pháp hiệu quả nhằm tăng vòng quay vốn, hạn chế thấp nhất số dư tồn quỹ.
i) Củng cố bộ máy, tổ chức Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, thực hiện chuyển các chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất về UBND các huyện quản lý theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII). Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn cho đội ngũ làm công tác địa chính (nhất là cấp xã) để thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng nhiệm vụ trong công tác quản lý đất đai nói chung và trong công tác tạo lập và phát triển quỹ đất nói riêng.
2. Đối với các địa phương
a) Tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền địa phương các cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác thanh tra, giám sát việc sử dụng đất đai. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với cán bộ đảng viên có hành vi làm ngơ, bao che, tiếp tay việc sử dụng đất sai mục đích, trái phép; xử lý nghiêm các đối tượng chây ỳ, xây dựng nhà, các công trình và trồng cây trái phép trong các vùng quy hoạch đã công bố. Tăng cường công tác quản lý hiện trạng; chủ động rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý chặt chẽ hồ sơ địa chính, quỹ đất công, đất chưa sử dụng, không để lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Kiểm soát chặt việc khai thác đất lẻ, không khai thác quỹ đất trên đất trồng lúa, đất dọc theo quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ.
b) Tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan trong quá trình đề xuất lập, thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch; đồng thời, phối hợp tốt trong kiểm tra, giám sát chất lượng kết cấu hạ tầng của chủ đầu tư các dự án triển khai trên địa bàn.
c) Tập trung thực hiện các dự án khai thác quỹ đất gắn với việc hình thành các khu dân cư tập trung, dự án chỉnh trang đô thị, phối hợp với nhà đầu tư ưu tiên bố trí quỹ đất tái định cư của từng dự án.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này; hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa IX, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 7 tháng 12 năm 2017./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 98/KH-UBND năm 2019 về tăng cường công tác quản lý trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 2 Kế hoạch 5925/KH-UBND năm 2019 về thực hiện Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021 và xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 3 Quyết định 18/2018/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 4 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015
- 5 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6 Nghị quyết 132/2014/NQ-HĐND về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 7 Luật Đầu tư 2014
- 8 Luật Nhà ở 2014
- 9 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
- 10 Luật đất đai 2013
- 1 Kế hoạch 98/KH-UBND năm 2019 về tăng cường công tác quản lý trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 2 Kế hoạch 5925/KH-UBND năm 2019 về thực hiện Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021 và xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 3 Quyết định 18/2018/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng