Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 56/2022/QH15

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2022

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 - VÙNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI

QUỐC HỘI

Căn cứHiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14, Luật số 72/2020/QH14 và Luật số 03/2022/QH15;

Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2022/QH15;

Căn cứ Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025;

Sau khi xem xét Tờ trình số 208/TTr-CP ngày 23 tháng 5 năm 2022, Báo cáo giải trình bổ sung số 218/BC-CP ngày 02 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra số 951/BC-UBKT15 ngày 05 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Báo cáo số 262/BC-UBTVQH15 ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, các tài liệu liên quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều1

Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (sau đây gọi là Dự án).

Điều 2

1. Mục tiêu:

Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

2. Phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư:

Đầu tư khoảng 112,8 km, chia thành 07 dự án thành phần; quy mô, hình thức đầu tư của từng dự án thành phần được xác định tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.

3. Công nghệ:

Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

4. Nhu cầu sử dụng đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.341 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư (đất ở) khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha. Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

5. Sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn:

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 85.813 tỷ đồng (tám mươi lăm nghìn, tám trăm mười ba tỷ đồng), trong đó:

a) Nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng (bốn mươi mốt nghìn, tám trăm sáu mươi tỷ đồng), bao gồm:

- Nguồn vốn ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 19.383 tỷ đồng (mười chín nghìn, ba trăm tám mươi ba tỷ đồng);

- Nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 là 22.477 tỷ đồng (hai mươi hai nghìn, bốn trăm bảy mươi bảy tỷ đồng), trong đó: thành phố Hà Nội là 19.477 tỷ đồng (mười chín nghìn, bốn trăm bảy mươi bảy tỷ đồng); tỉnh Hưng Yên là 1.000 tỷ đồng (một nghìn tỷ đồng) và tỉnh Bắc Ninh là 2.000 tỷ đồng (hai nghìn tỷ đồng);

b) Nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng (mười bốn nghìn, năm trăm linh sáu tỷ đồng), bao gồm:

- Nguồn vốn ngân sách trung ương là 8.790 tỷ đồng (tám nghìn, bảy trăm chín mươi tỷ đồng);

- Nguồn vốn ngân sách địa phương là 5.716 tỷ đồng (năm nghìn, bảy trăm mười sáu tỷ đồng), trong đó: thành phố Hà Nội là 4.047 tỷ đồng (bốn nghìn, không trăm bốn mươi bảy tỷ đồng); tỉnh Hưng Yên là 505 tỷ đồng (năm trăm linh năm tỷ đồng) và tỉnh Bắc Ninh là 1.164 tỷ đồng (một nghìn, một trăm sáu mươi bốn tỷ đồng);

c) Vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng (hai mươi chín nghìn, bốn trăm bốn mươi bảy tỷ đồng).

6. Tiến độ thực hiện:

Chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

7. Dự án thành phần 3:

Dự án thành phần 3 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Sơ bộ phương án tài chính như sau: vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 27.089 tỷ đồng (hai mươi bảy nghìn, không trăm tám mươi chín tỷ đồng), chiếm 48% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần 3; sơ bộ khung giá, phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo phương án tài chính của Dự án; phương án tài chính sẽ được tính toán quyết định cụ thể theo quy định của pháp luật và kết quả đấu thầu khi thực hiện Dự án.

Điều 3

1. Việc triển khai, thực hiện Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt sau đây:

a) Nguồn vốn đầu tư:

- Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 14.250 tỷ đồng (mười bốn nghìn, hai trăm năm mươi tỷ đồng) đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về các địa phương để thực hiện Dự án, trong đó: thành phố Hà Nội là 8.400 tỷ đồng (tám nghìn, bốn trăm tỷ đồng); tỉnh Hưng Yên là 3.740 tỷ đồng (ba nghìn, bảy trăm bốn mươi tỷ đồng) và tỉnh Bắc Ninh là 2.110 tỷ đồng (hai nghìn, một trăm mười tỷ đồng);

- Cho phép sử dụng phần vốn nhà nước tham gia tối đa là 66% sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án;

b) Tổ chức thực hiện:

- Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án;

- Dự án thành phần 3 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư;

- Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định;

- Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt dự án thành phần 3;

c) Trong 02 năm kể từ khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

d) Trong 02 năm kể từ khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua, cho phép trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại điểm này được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc:

a) Triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; đôn đốc, kiểm tra các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng Dự án; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các địa phương bảo đảm nguồn vốn thực hiện Dự án;

b) Lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm đúng mục tiêu, công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí; hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện Dự án; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai Dự án.

3. Các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc: bảo đảm nguồn vốn theo quy định tại khoản 5 Điều 2 của Nghị quyết này; tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án; tiến độ, chất lượng dự án thành phần được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền; quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ đất hành lang dự trữ đường sắt quốc gia đã bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần, địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền của dự án thành phần có trách nhiệm cân đối bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án thành phần đó. Trường hợp giảm tổng mức đầu tư của dự án thành phần, ngân sách trung ương dự kiến bố trí cho dự án thành phần đó giảm tương ứng.

Điều4

1. Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2022.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN THUỘC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 - VÙNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội)

TT

Dự án thành phần

Chiều dài dự kiến (km)

Quy mô

Sơ bộ tổng mức đầu tư
(tỷ đồng)

Nguồn vốn

Hình thức/ phương thức đầu tư

Cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền

Số làn xe cao tốc/ song hành (đường đô thị)

Cấp đường (km/h)

Ngân sách trung ương

Ngân sách địa phương

Vốn nhà đầu tư thu xếp

1

Nhóm dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

112,8

Phạm vi theo quy hoạch (m)

19.590

9.860

9.730

Đầu tư công

1.1

Dự án thành phần 1.1: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) thuộc địa phận thành phố Hà Nội

58,2

90-120-135

13.370

4.010

9.360

Đầu tư công

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

1.2

Dự án thành phần 1.2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên

19,3

90-120

3.740

3.740

Đầu tư công

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

1.3

Dự án thành phần 1.3: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật) thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh

35,3

90

2.480

2.110

370

Đầu tư công

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh

2

Nhóm dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị)

112,8

Theo phân kỳ đầu tư

60-80

9.687

9.687

Đầu tư công

2.1

Dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội

58,2

2

60-80

5.388

5.388

Đầu tư công

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

2.2

Dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Hưng Yên

19,3

2

60-80

1.505

1.505

Đầu tư công

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

2.3

Dự án thành phần 2.3: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Bắc Ninh

35,3

2

60-80

2.794

2.794

Đầu tư công

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh

3

Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

112,8

4

100-120

56.536

18.313

8.776

29.447

Phương thức đối tác công tư

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Tổng cộng

85.813

28.173

28.193

29.447