Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/2016/NQ-HĐND

Bắc Kạn, ngày 08 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số: 03/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm;

Căn cứ Nghị định số: 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về một số chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;

Xét Tờ trình số: 92/TTr-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX về Chương trình việc làm tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của Đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chương trình việc làm tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017 - 2020 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung: Đảm bảo người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng làm việc, có nhu cầu tìm kiếm việc làm đều được tạo việc làm theo quy định của pháp luật.

b) Mục tiêu chủ yếu

Ổn định việc làm cho số lao động hiện có (trên 194.000 người); tạo việc làm mới cho khoảng 20.000 người, mỗi năm 5.000 người;

Nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên trên 85% vào năm 2020, kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới mức 3,5%;

Tổ chức tư vấn việc làm cho trên 14.000 người, mỗi năm trên 3.500 người, trong đó trên 40% số người được tư vấn tìm được việc làm;

Tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động hàng năm theo quy định của pháp luật để đảm bảo xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về việc làm;

Đầu tư hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển thị trường lao động chung của cả nước;

100% cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lao động việc làm trong tỉnh được tập huấn nâng cao nghiệp vụ.

2. Nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế chính sách chủ yếu

a) Tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phát huy chính sách việc làm công

Nhiệm vụ: Tạo việc làm thông qua các hoạt động, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở áp dụng các cơ chế, chính sách của trung ương và địa phương nhằm ổn định số việc làm hiện có, tạo việc làm mới trên 13.200 người, mỗi năm trên 3.300 người; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên 85% vào năm 2020; giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp xuống dưới 70%, tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ lên trên 30% vào năm 2020.

Giải pháp và cơ chế chính sách:

Huy động vốn đầu tư của toàn xã hội, phát huy các nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm cho lao động, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 6,5% - 6,8%/năm;

Việc triển khai các chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với chỉ tiêu tạo việc làm mới cho người lao động địa phương, đặc biệt là hai Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững;

Các hoạt động, dự án sử dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện chính sách việc làm công theo quy định tại Nghị định số: 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

b) Tạo việc làm thông qua hỗ trợ vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm

Nhiệm vụ: Duy trì và nâng cao hiệu quả việc làm hiện có, hỗ trợ tạo việc làm mới cả giai đoạn trên 3.200 người, mỗi năm trên 800 người thông qua hoạt động vay vốn giải quyết việc làm để hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng quy định tại Nghị định số: 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Giải pháp và cơ chế chính sách:

Hướng dẫn tổ chức tạo việc làm thông qua vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm;

Nhân rộng mô hình điển hình về giải quyết việc làm gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tăng năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

Hàng năm, xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu việc làm, nhu cầu vốn vay theo quy định tại Nghị định số: 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Thông tư số: 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều về Quỹ quốc gia về việc làm;

Quản lý cho vay hiệu quả Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn kinh phí bổ sung hàng năm.

c) Tạo việc làm thông qua hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng

Nhiệm vụ: Tổ chức tư vấn, tuyển chọn, đào tạo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên 1.200 người, mỗi năm trên 300 người; trong đó, dự kiến mỗi năm có 200 người thuộc đối tượng chính sách được hỗ trợ xuất khẩu lao động theo quy định hiện hành.

Giải pháp và cơ chế chính sách:

Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức và làm các thủ tục cần thiết cho người lao động theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;

Cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài với mức tối đa, lãi suất ưu đãi thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều về Quỹ quốc gia về việc làm;

Tổ chức tư vấn, định hướng, tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm việc ở thị trường ổn định về chính trị, thu nhập cao; tư vấn quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn thu nhập của người lao động gửi về, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

d) Hỗ trợ phát triển thị trường lao động

Nhiệm vụ: Đảm bảo 100% học sinh học cuối cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông được tư vấn nghề, việc làm; học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trên địa tỉnh được tư vấn về việc làm, nghề nghiệp; cung cấp đầy đủ thông tin thị trường lao động cho người lao động và người sử dụng lao động; tổ chức tư vấn việc làm mỗi năm trên 3.500 người (trong đó 40% số người được tư vấn tìm được việc làm), giới thiệu người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.

Giải pháp và cơ chế chính sách:

Tổ chức tư vấn về chính sách việc làm, nghề nghiệp, thông tin về nhu cầu tuyển dụng, điều kiện làm việc, điều kiện sống tại nơi làm việc cho người lao động, người sử dụng lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài để lựa chọn tuyển dụng; tổ chức giới thiệu việc làm cho người lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động hàng năm theo quy định của pháp luật để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về việc làm nhằm cung cấp đầy đủ thông tin thị trường lao động cho người lao động và người sử dụng lao động, phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội;

Đầu tư nâng cấp hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt đến năm 2020 đảm bảo thực hiện nhiệm vụ; mua sắm thiết bị, phương tiện, ứng dụng tin học cho Trung tâm và các điểm giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công về thông tin thị trường lao động;

Tổ chức nghiên cứu, khảo sát thị trường lao động ngoài tỉnh, ngoài nước để đưa lao động đến làm việc, quảng bá nguồn nhân lực của tỉnh để thu hút đầu tư.

đ) Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

Nhiệm vụ: Hỗ trợ các đối tượng là học sinh các trường trung học phổ thông; thanh niên đang học tại cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thanh niên đã tốt nghiệp cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện.

Giải pháp và cơ chế chính sách: Tổ chức định hướng nghề nghiệp; cung cấp thông tin về việc làm, nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tìm việc và làm việc; tham gia chương trình thực tập làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức; cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.

e) Hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp

Nhiệm vụ: Hỗ trợ cho các đối tượng là thanh niên có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp, thanh niên đã khởi sự doanh nghiệp.

Giải pháp và cơ chế chính sách: Cung cấp kiến thức về pháp luật, quản trị doanh nghiệp và các vấn đề có liên quan khởi sự doanh nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp; cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.

g) Hoạt động tổ chức triển khai, nâng cao năng lực, truyền thông, kiểm tra, đánh giá, giám sát, sơ kết, tổng kết Chương trình

Nhiệm vụ: Đảm bảo tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả các chính sách về việc làm trên địa bàn tỉnh; tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác lao động việc làm trong tỉnh; thường xuyên tuyên truyền các chính sách về việc làm bằng nhiều hình thức cho người lao động; kiểm tra, đánh giá, giám sát, sơ kết, tổng kết.

Giải pháp tổ chức thực hiện:

Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình việc làm cả giai đoạn và từng năm; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức triển khai Chương trình theo từng ngành, lĩnh vực; giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện theo quy định;

Tổ chức hội nghị triển khai Chương trình việc làm hàng năm, tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác quản lý lao động, chính sách việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã;

Thường xuyên thông tin, tuyên truyền về các chính sách, hoạt động của Chương trình việc làm trên các phương tiện thông tin từ tỉnh đến cơ sở; thông tin lồng ghép trong các hội nghị, hội thảo, tài liệu, tờ rơi;

Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá, giám sát để tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát hằng năm; sơ kết sau 02 năm, tổng kết Chương trình việc làm vào cuối năm 2020.

3. Kinh phí thực hiện

Tổng nguồn kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình việc làm, giai đoạn 2017 - 2020 là 193.338 triệu đồng, trong đó:

Nguồn Quỹ quốc gia về việc làm dư nợ năm 2016 chuyển sang là 65.411 triệu đồng; nguồn vốn cho vay xuất khẩu lao động dư nợ năm 2016 tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chuyển sang là 20.127 triệu đồng; nguồn bổ sung, cấp mới cả giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến là 107.800 triệu đồng, trong đó đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Trung ương 100.800 triệu đồng, huy động ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 7.000 triệu đồng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Th­ường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ Đại biểu Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã đư­ợc Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn khóa IX, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 18 tháng 12 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Du