HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 72/2004/NQ-HĐND | Tuyên Quang, ngày 05 tháng 1 năm 2004 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
KHÓA XV - KỲ HỌP THỨ 10
(Từ ngày 21 tháng 12 năm 2003 đến ngày 22 tháng 12 năm 2003)
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2004
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Sau khi xem xét báo cáo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2003, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh, các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Nhất trí thông qua các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp.
Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề sau:
I- Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2004:
1- Tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 15%.
2- Sản lượng lương thực (thóc, ngô) trên 33 vạn tấn.
3- Trồng mới trên 4.000 ha rừng.
4- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 23%.
5- Giá trị xuất khẩu: 5,5 triệu USD.
6- Thu ngân sách (các khoản thuế, phí và lệ phí theo quy định): 182 tỷ đồng.
7- Duy trì kết quả phổ cập trung học cơ sở, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, thực hiện phổ cập các bậc học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục bậc trung học.
8- Đạt chuẩn quốc gia về y tế: 93 xã (thực hiện năm 2004: 50 xã).
9- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống 25%.
10- Tạo việc làm mới cho 8.400 lao động.
11- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 3%.
II- Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện:
1. Về sản xuất nông, lâm nghiệp:
Khắc phục ngay tình trạng sản xuất phân tán manh mún hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng những cánh đồng cùng loại, cùng trà với 4 loại cây trồng chính là: Lúa, ngô, lạc, đậu tương. Mở rộng diện tích trồng lúa lai, ngô lai. Từ vụ xuân năm 2004 toàn bộ diện tích trồng lạc, đậu tương phải sử dụng bằng giống mới có năng suất cao. Những diện tích không đủ điều kiện trồng được lúa, phải trồng ngô, lạc, đậu tương giống mới năng suất cao; kiên quyết không để đất hoang hóa.
Chỉ đạo chặt chẽ thời vụ gieo trồng và thâm canh trên toàn bộ diện tích. Tập trung đầu tư phát triển dịch vụ làm đất để làm đất kịp thời vụ. Tăng cường kiểm tra đôn đốc các chủ sử dụng đất thực hiện đúng quy trình canh tác đối với từng loại cây trồng, đảm bảo việc bồi bổ đất đai. Xử lý nghiêm, đúng pháp luật các hành vi vi phạm quy trình canh tác, làm nghèo kiệt suy thoái đất.
Tăng cường quản lý, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Ngân sách tỉnh trợ giá phần chênh lệch giông lạc, đậu tương mới có năng suất cao để thực hiện chương trình chuyển đổi 100% giống mới trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức sản xuất giống lúa thuần ở những hợp tác xã có đủ điều kiện. Ngân sách tỉnh cấp bổ sung vốn để Công ty Giống vật tư Nông, lâm nghiệp liên doanh với các hộ nông dân sản xuất đủ giống lúa thuần đảm bảo chất lượng cung ứng theo yêu cầu của nhân dân.
Không mở thêm diện tích trồng chè mới, tập trung thâm canh diện tích chè hiện có. Tiếp tục thanh lý những nương chè có thời gian sinh trưởng trên 10 năm, năng suất dưới 5 tấn/ha. Thanh lý đến đâu phải trồng lại ngay đến đó bằng giống chè có năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo quy trình kỹ thuật.
Ban hành cơ chế điều hành sản xuất lâm nghiệp, quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) các ngành đối với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Khuyến khích và mở rộng cơ chế liên doanh trồng rừng nguyên liệu giấy, đảm bảo hoàn thành kế hoạch diện tích trồng rừng nguyên liệu cho Nhà máy giấy An Hòa. Lựa chọn các cây trồng phù hợp để tổ chức trồng cây trong phạm vi bảo vệ hành lang đường bộ của các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường huyện trên địa bàn toàn tỉnh.
Triển khai và thực hiện ngay các dự án chăn nuôi đã phê duyệt. Các chủ dự án (cá nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần) được dùng toàn bộ tài sản hợp pháp của cá nhân và tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp vay vốn. Đẩy nhanh việc cho hộ nông dân thuộc hộ nghèo ở các xã thuộc chương trình 135 vay vốn chăn nuôi bò từ nguồn vốn hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi và vốn hỗ trợ đồng bào dân tộc, đặc biệt khó khăn. Có giải pháp bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân ở những khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Ủy ban nhân dân tỉnh sớm ban hành chính sách khuyến khích và huy động mọi thành phần kinh tế tham gia thực hiện các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Nhà nước đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò sữa cho các chủ dự án thuê. Hàng năm, chủ dự án phải trả khấu hao tài sản chuồng, trại theo quy định (khi hết khấu hao. chuồng, trại vẫn thuộc sở hữu Nhà nước).
Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu sữa như đối với dự án chăn nuôi bò sữa đã ban hành.
Khuyến khích các cơ sở đầu tư chế biến thức ăn gia súc, nếu mua nguyên liệu tại địa phương thì được hưởng các ưu đãi tại Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về "Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản, hàng hóa thông qua hợp đồng".
Chú trọng công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Công bố khu vực cách ly nhằm đảm bảo an toàn đối với các khu chăn nuôi bò sữa, bò thịt cao sản, trâu sữa tập trung. Thực hiện nghiêm ngặt công tác kiểm dịch động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về Pháp lệnh thú y.
Hỗ trợ xi măng, rọ sắt làm đập dâng để trữ nước phục vụ sản xuất, quản lý chặt chẽ nguồn nước, điều tiết tưới, tiêu nước hợp lý, sử dụng tiết kiệm nước phục vụ tốt cho sản xuất.
Rà soát và thực hiện chặt chẽ đúng quy định công tác "dồn điền, đổi thửa", tỉnh cấp hỗ trợ cho mỗi xã 20 triệu đồng để thực hiện công tác "dồn điền, đổi thửa", hỗ trợ xi măng và kinh phí 10 triệu đồng/1km) để kiên cố hóa kênh mương đối với những xã đã hoàn thành công tác "dồn điền, đổi thửa".
Tiếp tục rà soát, đánh giá tuyển chọn đội ngũ cán bộ khuyến nông toàn tỉnh, không bố trí, sử dụng những cán bộ khuyến nông chưa đủ tiêu chuẩn và năng lực yếu, không có mô hình sản xuất tốt.
2. Sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải:
Hoàn thành quy hoạch điều chỉnh tổng thể thị xã Tuyên Quang và quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Long Bình An và khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm. Ban hành cơ chế khuyến khích và chính sách ưu đãi đầu tư tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào cụm công nghiệp này.
Tập trung nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh: Cầu và đường dẫn cầu An Hòa, cầu Tân Hà; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 2, xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, xây dựng chuồng, trại chăn nuôi bò sữa và nhà máy chế biến sữa...
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện bảo vệ hành lang đường bộ, đường thủy không để xẩy ra các hành vi vi phạm hành lang đường, kiên quyết giải tỏa, xử lý đối với các trường hợp đã vi phạm, không để trường hợp nào hoạt động sản xuất kinh doanh ở hành lang đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện.
Tiếp tục phát triển máy điện thoại đến các vùng nông thôn, nhanh chóng phủ sóng điện thoại di động dọc các trục đường quốc lộ và các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh.
3. Về tài chính - tín dụng:
Quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách cấp.
Thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính Nhà nước theo Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg ngày 17/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chế độ tài chính áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp có thu theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ.
Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp thụ hưởng kinh phí ngân sách cấp có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn kinh phí được giao khoán, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.
Điều chỉnh hệ số định mức chi thường xuyên đối với ngành Kiểm lâm lên 2 lần, sử dụng kinh phí tăng thêm để chi phụ cấp nghề nghiệp gắn với nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong ngành.
Dành 10 tỷ đồng của kinh phí chi thường xuyên để lập quỹ tuyển công chức dự bị phục vụ công tác lựa chọn tuyển đụng công chức.
Lập quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về quản lý, sử dụng quỹ để triển khai thực hiện.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn phải tích cực đẩy mạnh huy động vốn đảm bảo đủ vốn và cho vay kịp thời các dự án phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi của ngân sách, Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển của tỉnh để cho vay đối với các dự án đầu tư thuộc các chương trình phát triển kinh tế.
Tăng cường kiểm tra trước và sau khi cấp đăng ký kinh doanh; cơ quan cấp đăng ký kinh doanh phải quản lý chặt chẽ việc cấp và quản lý đăng ký kinh doanh trên địa bàn theo đúng quy định của Nhà nước. Từ ngày 01/01/2004 nghiêm cấm sản xuất kinh doanh và cấp đăng ký kinh doanh trong hành lang bảo vệ đường bộ và vỉa hè.
4. Khoa học - công nghệ và môi trường:
Đánh giá, nghiệm thu các đề tài khoa học đã hoàn thành, ứng dụng vào sản xuất. Tiếp tục triển khai các đề tài chuyển tiếp năm 2003 và các đề tài dự án mới, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất giống cây trồng vật nuôi, bảo quản, chế biến nông sản; chương trình phát triển bò sữa của tỉnh.
5. Lĩnh vực văn hóa - xã hội:
- Giáo dục - đào tạo: Chuẩn bị tốt các điều kiện về sách giáo khoa, thiết bị dạy học đặc biệt là bồi dưỡng giáo viên phục vụ đổi mới chương trình thay sách giáo khoa lớp 3, lớp 8, lớp 10 vào năm học 2004 - 2005. Tiếp tục thực hiện chế độ ưu đãi theo Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 09/7/2001 của Chính phủ để thu hút giáo viên giảng dạy ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 169/2003/QĐ-UB ngày 16/12/2003 về chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non và hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non theo Quyết định số 809/QĐ-UB ngày 23/8/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ dạy và học bổ túc văn hóa để duy trì phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập bậc trung học.
Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học, trong năm 2004 đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng 99 trường học trước khi bước vào năm học 2004 - 2005.
Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, mở rộng ngành nghề đào tạo của Trường Kỹ nghệ tỉnh theo cơ chế mở, điều chỉnh cơ cấu đào tạo theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xuất khẩu lao động.
Đẩy mạnh thực hiện việc chuẩn hóa giáo viên, xây dựng trường chuẩn quốc gia đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và phổ cập bậc trung học; năm 2004 mở 4 lớp đào tạo nâng cao sau đại học và 1 lớp thạc sỹ quản lý giáo dục cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên của tỉnh.
- Văn hóa: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Thực hiện tất cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa.
Từng bước xây dựng các trạm truyền thanh xã, tăng thời lượng tiếp sóng và phát thanh các chương trình nông nghiệp, nông thôn. Năm 2004 tỷ lệ dân số được xem truyền hình 75%, tỷ lệ dân số được nghe đài phát thanh 82%.
- Y tế: Tiếp tục củng cố và hoàn thiện màng lưới y tế cơ sở. Năm 2004 cung cấp đủ trang thiết bị khám chữa bệnh cần thiết cho các trạm y tế cơ sở, đào tạo, đào tạo lại cán bộ cho các trạm y tế xã để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu 50 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trong năm 2004.
- Lao động việc làm và các vấn đề xã hội: Khuyến khích và tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân hộ gia đình tự tạo việc làm cho mình và tạo việc làm cho xã hội. Năm 2004, xuất khẩu ít nhất 500 lao động, mở rộng các hình thức đào tạo nghề, tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn có việc làm ổn định nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động ở nông thôn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo; hoàn chỉnh chính sách và biện pháp trợ giúp người nghèo trong học tập và khám chữa bệnh. Có biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất ở các thôn bản có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Thực hiện toàn dân quản lý người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn, tăng cường quản lý cai nghiện ma túy theo quy trình 3 giai đoạn; Ngăn chặn không có ma túy xâm nhập vào học đường, hạn chế thấp nhất người tái nghiện và phát sinh người nghiện mới.
6. Công tác di dân - tái định cư xây dựng thủy điện Tuyên Quang:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân vùng lòng hồ hiểu rõ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước để nhân dân đồng tình ủng hộ công tác di dân - tái định cư. Quản lý chặt chẽ vốn di dân tái định cư đảm bảo sử dụng nguồn vốn phục vụ chương trình di dân, tái định cư đạt hiệu quả cao, thực hiện thanh toán kịp thời cho các hộ dân phải di chuyển. Năm 2004 di chuyển 1.733 hộ dân.
7. Công tác củng cố chính quyền, quản lý biên chế hành chính sự nghiệp:
Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa" nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp, các ngành. Thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 vào ngày 25/4/2004. Thực hiện đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo và điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Thực hiện tốt việc quản lý biên chế và sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp với tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2004 là 16.803 biên chế, trong đó:
- Quản lý hành chính: 1.508 biên chế.
- Sự nghiệp giáo dục - đào tạo: 13.050 biên chế.
- Sự nghiệp y tế: 1.503 biên chế.
- Sự nghiệp văn hóa thông tin, TDTT: 422 biên chế.
- Sự nghiệp khác: 320 biên chế.
8. Công tác an ninh - quốc phòng:
Nắm chắc tình hình địa bàn, xử lý kịp thời, đúng pháp luật ngay tại cơ sở các hành vi vi phạm, các vấn đề có liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để phát sinh thành điểm nóng. Tấn công trấn áp. các tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tổ chức tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; bảo vệ an toàn tuyệt đối cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Hoàn thành kế hoạch tuyển quân; huấn luyện lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên. Nâng cao chất lượng luyện tập các phương án tác chiến, phương án A2, phương án phòng chống lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn và phòng cháy chữa cháy. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật, công tác tiếp dân, công tác thanh tra; giải quyết kịp thời đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm mạnh tai nạn giao thông.
Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết này, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giám sát, kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành thực hiện Nghị quyết.
Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi nhân dân các dân tộc, cán bộ công nhân viên chức Nhà nước, lực lượng vũ trang trong tỉnh đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2004.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 22 tháng 12 năm 2003.
| TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG |
- 1 Nghị quyết 88/2013/NQ-HĐND điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
- 2 Nghị quyết 18/2012/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của thành phố Hà Nội
- 3 Quyết định 61/2008/QĐ-UBND điều chỉnh các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Mê Linh nhập vào thành phố Hà Nội theo Nghị quyết 15/2008/QH12 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 4 Nghị quyết 09/2004/NQ.HĐNDK7 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội an ninh, quốc phòng năm 2005 do Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành
- 5 Quyết định 169/2003/QĐ-UB về chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non của tỉnh Tuyên Quang
- 6 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7 Quyết định 139/2002/QĐ-TTg về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Nghị định 10/2002/NĐ-CP về Chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu
- 10 Quyết định 192/2001/QĐ-TTg về mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Nghị định 35/2001/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
- 1 Nghị quyết 88/2013/NQ-HĐND điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
- 2 Nghị quyết 18/2012/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của thành phố Hà Nội
- 3 Quyết định 61/2008/QĐ-UBND điều chỉnh các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Mê Linh nhập vào thành phố Hà Nội theo Nghị quyết 15/2008/QH12 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 4 Nghị quyết 09/2004/NQ.HĐNDK7 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội an ninh, quốc phòng năm 2005 do Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành