Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮKLẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/2012/NQ-HĐND

Buôn Ma Thuột, ngày 21 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH BẢO TỒN VOI TỈNH ĐẮK LẮK

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm;

Căn cứ Quyết định số 940/QĐ -TTg ngày 19 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn Voi ở Việt Nam;

Xét Tờ trình số 126/TTr-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk; Báo cáo thẩm tra số 69/BC-HĐND ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua Nghị quyết về quy định một số chính sách bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk với các nội dung sau:

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng:

a) Phạm vi điều chỉnh:

Nghị quyết này quy định một số chính sách bảo tồn Voi về: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bảo tồn Voi; quy hoạch đất đai tạo nơi chăn thả, chăm sóc sức khỏe, sinh sản Voi nhà; quy hoạch, bảo tồn các sinh cảnh cho đàn Voi hoang dã sinh sống, phát triển; phòng chống Voi hoang dã phá hoại hoa màu và hạn chế xung đột Voi với người.

b) Đối tượng áp dụng:

Nghị quyết này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình có nuôi dưỡng, sử dụng Voi nhà (sau đây gọi chung là chủ Voi); các cơ quan, tổ chức quản lý bảo tồn Voi và các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sinh sống, sản xuất, hoạt động hợp pháp trong khu rừng là nơi cư trú, hành lang di chuyển của Voi hoang dã.

2. Một số chính sách bảo tồn Voi:

a) Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm nhiệm vụ bảo tồn Voi:

- Đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng: Chủ Voi; Nài Voi; Cán bộ chuyên môn, quản lý trong các cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo tồn Voi.

- Các đối tượng khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về bảo tồn Voi được Nhà nước hỗ trợ như sau:

Hỗ trợ tiền vé đi, về bằng phương tiện giao thông công cộng từ nơi cư trú, công tác đến cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Nhà nước;

Hỗ trợ kinh phí mua tài liệu của chương trình khoá học theo quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng;

Các khoản chi phí tổ chức lớp học; thuê hội trường; thù lao giảng viên; tham quan, khảo sát thực tế theo quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng;

Chi phí ăn, ở theo quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

b) Chính sách quy hoạch đất đai tạo nơi chăn thả Voi nhà:

Quy hoạch hai khu chăn thả Voi tại huyện Buôn Đôn và huyện Lắk để các chủ Voi chăn thả chăm sóc sức khỏe, cho Voi ăn uống, giao phối sinh sản.

c) Chính sách chăm sóc sức khoẻ, bảo tồn và phát triển đàn Voi nhà:

Các chủ Voi đang nuôi dưỡng, sử dụng Voi nhà được Nhà nước hỗ trợ tiền khám, chữa bệnh định kỳ hoặc đột xuất, tiền thuốc phòng và điều trị bệnh cho Voi. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- Đối với khám, chữa bệnh định kỳ: hàng năm, cơ quan chuyên môn tổ chức khám, chữa bệnh định kỳ cho Voi một lần. Các chủ Voi được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền công khám và tiền thuốc điều trị bệnh cho Voi.

Trong trường hợp cơ quan chuyên môn phát hiện hoặc dự báo có thể xảy ra dịch bệnh đối với Voi và tổ chức khám, cấp thuốc phòng bệnh cho Voi thì các chủ Voi được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền công khám và tiền thuốc phòng bệnh cho Voi.

- Đối với khám, chữa bệnh đột xuất:

Khi chủ Voi phát hiện Voi bị bệnh đề nghị cơ quan chuyên môn khám, chữa bệnh cho Voi thì được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền công khám và 50% chi phí tiền thuốc điều trị bệnh cho Voi.

d) Chính sách hỗ trợ Voi nhà sinh sản:

- Các chủ Voi tự nguyện đưa Voi vào khu chăn thả để voi có cơ hội gặp gỡ, giao phối sinh sản thì được Nhà nước hỗ trợ một khoản kinh phí trong thời gian Voi gặp gỡ, giao phối, mang thai, sinh sản và nuôi con. Mức hỗ trợ cho các chủ Voi như sau:

+ Đối với chủ Voi cái:

Thời gian Voi gặp gỡ, động dục, giao phối hỗ trợ 30 ngày trên một chu kỳ động dục, mức hỗ trợ 500.000 đồng/ngày.

Thời gian Voi mang thai, sinh sản và nuôi con hỗ trợ 28 tháng, mức hỗ trợ như sau: 10 tháng đầu mang thai, mức hỗ trợ 300.000 đồng/ngày và từ tháng thứ 11 trở đi đến tháng thứ 6 sau khi sinh con hỗ trợ 18 tháng, mức hỗ trợ 600.000 đồng/ngày.

+ Đối với chủ Voi đực:

Thời gian Voi gặp gỡ, động dục, giao phối hỗ trợ 30 ngày trên một chu kỳ động dục, mức hỗ trợ: 600.000 đồng/ngày.

+ Đối với các nài Voi:

Nài Voi cái chăm sóc Voi trong thời gian Voi động dục, giao phối, sinh sản, nuôi con được hỗ trợ 200.000 đồng/ ngày/nài, thời gian hỗ trợ 28 tháng;

Nài Voi đực chăm sóc Voi trong thời gian Voi động dục, giao phối được hỗ trợ 200.000 đồng/ ngày/nài, thời gian hỗ trợ 30 ngày.

- Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học về bảo tồn Voi, về sinh sản đối với Voi. Những đề tài có hiệu quả thiết thực sẽ được ngân sách tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí nghiên cứu, ứng dụng.

e) Chính sách bảo tồn sinh cảnh nơi cư trú, sinh sống của Voi hoang dã:

Chủ rừng là các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao hoặc cho thuê rừng và đất rừng quản lý, sử dụng được xác định là nơi có Voi hoang dã thường xuyên cư trú, hành lang di chuyển của voi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo tồn Voi để quy hoạch bảo tồn các sinh cảnh, xây dựng nguồn thức ăn, nước uống cho Voi.

f) Chính sách hạn chế xung đột Voi với người tại Đắk Lắk

- Những địa phương (xã) có Voi hoang dã thường xuyên xuất hiện được thành lập các Tổ bảo vệ (số thành viên mỗi Tổ không quá 10 người) làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát di chuyển của Voi, nắm bắt thông tin báo cáo kịp thời để chính quyền địa phương tổ chức lực lượng xua đuổi Voi hoang dã phá hoại, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và tài sản của nhân dân. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các Tổ bảo vệ hoạt động, mức hỗ trợ như sau:

Chi mua sắm tài sản, vật dụng cho các Tổ bảo vệ để xua đuổi Voi (đèn pin, loa, kẻng, ống đốt đất đèn): 20.000.000 đồng/Tổ/ năm;

Chi hỗ trợ các thành viên trong Tổ bảo vệ (xăng xe phục vụ đi lại, bồi dưỡng trực,…): 2.000.000 đồng/người/ năm.

- Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sinh sống, sản xuất, hoạt động hợp pháp trong khu vực có Voi hoang dã cư trú, di chuyển khi bị voi tấn công gây hại, bị thiệt hại tính mạng, sức khoẻ, hoa màu và tài sản thì được Nhà nước xem xét hỗ trợ thiệt hại, mức hỗ trợ như sau:

Trường hợp thiệt hại về tài sản: Nhà nước hỗ trợ 100% giá trị tài sản bị thiệt hại do Voi phá hoại.

Trường hợp thiệt hại về sức khỏe: Người bị Voi tấn công được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền khám, tiền thuốc điều trị vết thương do Voi gây ra và được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động đối với phần (tỷ lệ) sức khỏe bị tổn thương; trường hợp bị tử vong thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất như đối với người lao động trong các cơ quan Nhà nước bị tai nạn lao động tử vong.

3. Nguồn kinh phí thực hiện:

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk lấy từ ngân sách Trung ương bố trí trong kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, ngân sách hàng năm của tỉnh, vốn của các tổ chức Quốc tế và các nguồn hợp pháp khác.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp; giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khoá VIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2012./.

 

 

CHỦ TỊCH




Niê Thuật