THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 940/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP ĐẾN NĂM 2020 ĐỂ BẢO TỒN VOI Ở VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hoạt động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn voi ở Việt Nam;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam, bao gồm các nội dung chính như sau:
1. Tên gọi: Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
Bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã và voi nhà hiện có ở Việt Nam, đồng thời bảo tồn bền vững sinh cảnh nơi có quần thể voi đang sinh sống.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Ngăn chặn sự suy giảm số lượng voi, đảm bảo ít nhất 03 khu vực có voi sinh sống được bảo tồn, phát triển trong thế kỷ 21.
- Giảm thiểu khả năng xung đột voi/người tại vùng có voi phân bố.
- Bảo tồn và phát triển quần thể voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk.
- Tăng cường tuyên truyền bảo vệ vùng sinh cảnh nơi có voi sinh sống.
- Tăng cường hợp tác bảo tồn liên biên giới.
3. Các hành động bảo tồn voi
a) Tiếp tục thực hiện dự án bảo tồn sinh cảnh sống lâu dài của voi ở tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An đang có quy mô đàn, sinh cảnh, diện tích vùng sống đáp ứng yêu cầu bảo tồn voi bền vững.
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Ban Chỉ đạo kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam; xây dựng đề án tổng thể bảo tồn voi đến năm 2020.
c) Tổ chức bảo tồn tại chỗ những quần thể voi có số lượng ít, tạo cơ hội tối đa cho voi sinh sống trong thời gian dài. Trong trường hợp xấu nhất khi mọi nỗ lực không thực hiện được, xem xét di chuyển đi nơi khác. Giảm thiểu khả năng xung đột tại vùng có voi phân bố, lập phương án chi tiết thực hiện các giải pháp cụ thể cho từng vùng.
d) Tổ chức lập hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử voi nhà hiện có để giám sát việc bảo vệ voi chặt chẽ; nghiên cứu việc sinh sản voi thuần dưỡng nhằm bảo tồn và phát triển số voi nhà hiện nay; xây dựng và phát triển Trung tâm bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk làm cơ sở cho việc nghiên cứu và bảo tồn voi nhà.
đ) Triển khai chiến dịch giáo dục nhận thức về bảo tồn voi cho các cộng đồng dân cư ở những vùng có voi sinh sống.
e) Tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật đặc biệt ở các tỉnh liên biên giới, ngăn chặn có hiệu quả các hành động săn bắt, buôn bán voi và các sản phẩm của voi qua đường biên giới.
4. Nguồn kinh phí
Kinh phí thực hiện kế hoạch hành động bảo tồn voi từ các nguồn sau:
- Ngân sách nhà nước bố trí trong kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020;
- Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
5. Tổ chức thực hiện
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan xây dựng đề án bảo tồn voi tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối vốn bảo đảm kinh phí triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |