BỘ TÀI NGUYÊN VÀ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2005/NQLT-HND-BTNMT | Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 2005 |
VỀ VIỆC PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,
Căn cứ Quyết định số 17/ttg ngày 24 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định trách nhiệm của các Bộ, các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả,
Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Căn cứ Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (sửa đổi) được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2003,
Để đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ tài nguyên và môi trường và nâng cao vai trò của người nông dân trong công tác bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng đất đai, Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất ban hành Nghị quyết liên tịch về việc “phối hợp hành động bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng đất đai” với những nội dung cơ bản sau:
1. Nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng đất đai cho toàn thể cán bộ, hội viên và nông dân nhằm thay đổi các hành vi, phong tục tập quán lạc hậu ảnh hưởng xấu đến môi trường nông thôn; hạn chế các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai; phòng ngừa ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
2. Phát huy vai trò "trung tâm và nòng cốt" của các cấp Hội nông dân trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường nông thôn gắn với ba phong trào và năm chương trình công tác trọng tâm do Đại hội IV Hội Nông dân Việt Nam (nhiệm kỳ 2003-2008) đề ra.
3. Xây dựng và nhân rộng các mô hình hội viên, nông dân tham gia có hiệu quả vào việc quản lý, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường; đổi mới nội dung, phương thức tập hợp nông dân, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp Hội.
4. Tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan nhằm giải quyết, xử lý triệt để những vi phạm gây nên suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và tranh chấp đất đai trong nông dân
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP
1. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, truyền thông và nâng cao nhận thức nhằm trang bị các kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai cho các cán bộ, hội viên, nông dân, giúp họ nắm vững và chấp hành tốt quyền và nghĩa vụ của mình. Tổ chức biên soạn và phổ cập các tài liệu về bảo vệ môi trường phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân. Xây dựng và thực hiện các hương ước, quy định về bảo vệ môi trường tại vùng nông thôn và miền núi.
2. Hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ các cấp hội và hội viên, nông dân tham gia công tác bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng đất đai.
3. Gắn liền công tác bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng đất đai với chương trình xóa đói giảm nghèo, với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
4. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên là cán bộ, hội viên nông dân và các ngành liên quan có đủ kiến thức và kỹ năng vận động, huy động nông dân cùng tham gia bảo vệ môi trường.
5. Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, mít tinh; xây dựng các mô hình cấp nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn; biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể tham gia quản lý, sử dụng và bảo vệ tốt môi trường; tạo cơ hội cho cán bộ, hội viên, nông dân giỏi đi tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm ở trong nước và nước ngoài.
6. Xây dựng và tổ chức thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học nhằm làm rõ vai trò của các cấp Hội trong hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát các cấp, cán bộ, hội viên, nông dân thực thi chính sách pháp luật về đất đai và môi trường, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm; đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng đất đai.
A. TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
1. Chỉ đạo, tổ chức triển khai quán triệt và hướng dẫn thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch đến các cấp Hội Nông dân, vận động sự tham gia tích cực, đông đảo của cán bộ, hội viên, nông dân trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường.
2. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cụ thể hóa các nội dung bảo vệ môi trường của các cấp hội phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương; lồng ghép vấn đề bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng đất đai với chương trình xóa đói giảm nghèo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung hoạt động đã nêu trong Nghị quyết liên tịch.
3. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền pháp luật về môi trường, đất đai; giải quyết các tranh chấp đất đai; phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và đất đai; nghiên cứu biên soạn các tài liệu, ấn phẩm về bảo vệ môi trường phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và tập huấn cho các cấp Hội và hội viên nông dân; xây dựng mô hình trình diễn về sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đất đai, môi trường và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; xây dựng các câu lạc bộ nông dân tự quản, chi hội nông dân thu gom, phân loại, xử lý, tái chế chất thải; thi tìm hiểu các chính sách pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường; đẩy mạnh các phong trào: "sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà", "ăn sạch, ở sạch, uống sạch", "nông dân chỉ sản xuất, chế biến và sử dụng các sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh"; tham gia các chiến dịch truyền thông hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn; Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, Ngày Môi trường thế giới hàng năm và các sự kiện môi trường khác; đưa các nội dung hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn vào nội dung sinh hoạt chi hội, tổ hội nông dân.
4. Giám sát, kiểm tra các cấp Hội và hội viên nông dân thực hiện chính sách pháp luật về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, quản lý và bảo vệ môi trường tại các vùng nông thôn, miền núi.
5. Huy động và khai thác các nguồn vốn hỗ trợ nông dân nghèo áp dụng các mô hình quản lý đất đai và bảo vệ môi trường, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.
6. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây đựng các chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm, xây dựng quản lý và thực hiện tốt mô hình hội viên nông dân sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường; chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi thông tin, phương pháp để nâng hiệu quả và nhân rộng các mô hình điển hình.
B. TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
1. Chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan, đơn vị quản lý tài nguyên và môi trường các cấp phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các cấp thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch.
2. Chủ trì, phối hợp với các cấp Hội Nông dân tổ chức lấy ý kiến hội viên, nông dân tham gia, góp ý vào việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường; các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
3. Cung cấp thông tin, tài liệu, ấn phẩm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia giúp Hội Nông dân Việt Nam trong các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường tại các chi hội, tổ hội nông dân; bồi dưỡng, tập huấn cho các cán bộ Hội và nông dân giỏi trở thành các tuyên truyền viên tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai.
4. Phối hợp với các cơ quan chức năng phân bổ kinh phí hàng năm từ ngân sách Nhà nước và các nguồn lực khác để hỗ trợ Hội Nông dân Việt Nam thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường.
5. Phối hợp và tạo điều kiện cho các cấp Hội trong công tác giám sát, kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm, sự cố môi trường, suy thoái, cạn kiệt và xâm hại tài nguyên thiên nhiên, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai và môi trường.
1. Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai quán triệt Nghị quyết liên tịch cho cán bộ chủ chốt của hai ngành ở Trung ương và 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm; chỉ đạo các cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung đã ký kết.
2. Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường nông thôn; phối hợp đề xuất và kiến nghị với Đảng, Chính phủ những vấn đề mới nảy sinh nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và các giải pháp thiết thực, phù hợp để quản lý, sử dụng, bảo vệ tốt tài nguyên và môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
3. Vụ Môi trường, Vụ Đất đai và Ban Kiểm tra, Trung tâm Môi trường nông thôn là các cơ quan đầu mối tham mưu cho Lãnh đạo Bộ và Hội chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn triển khai và định kỳ kiểm tra đôn đốc thực hiện các nội dung trong Nghị quyết. Hàng năm tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng và đề xuất kế hoạch thực hiện chương trình hoạt động năm tiếp theo. Sau 5 năm sẽ tổng kết, đánh giá công tác tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết.
4. Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cấp Hội Nông dân, các Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch này; 6 tháng và hàng năm có báo cáo kết quả về Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cấp của Hội và cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường ở địa phương cần phản ánh kịp thời về Trung ương để xem xét và giải quyết.
5. Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng của mỗi cấp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để Nghị quyết liên tịch phối hợp hoạt động giữa 2 cơ quan đạt hiệu quả cao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX: "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường".
6. Nghị quyết liên tịch này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Mai Ái Trực (Đã ký) | Vũ Ngọc Kỳ (Đã ký) |
- 1 Quyết định 3169/QĐ-BTNMT năm 2014 về tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 2 Quy chế 01/QCLN-TCMT-TCHQ năm 2013 phối hợp công tác bảo vệ môi trường giữa Tổng cục Hải quan và Tổng cục Môi trường trong quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu
- 3 Nghị quyết 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do Bộ Chính trị ban hành
- 4 Quyết định 256/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Luật Đất đai 2003
- 6 Nghị định 91/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- 7 Quyết định 17/1998/QĐ-TTg về trách nhiệm của các Bộ, các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội nông dân Việt Nam hoạt động của hiệu quả do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Luật Bảo vệ môi trường 1993
- 1 Quyết định 256/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quy chế 01/QCLN-TCMT-TCHQ năm 2013 phối hợp công tác bảo vệ môi trường giữa Tổng cục Hải quan và Tổng cục Môi trường trong quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu
- 3 Quyết định 3169/QĐ-BTNMT năm 2014 về tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành