Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/1999/NQ-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 1999

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 06/1999/NQ-CP NGÀY 03 THÁNG 6 NĂM 1999 PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 5 NĂM 1999

Ngày 29 tháng 5 năm 1999, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 năm 1999, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau:

1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ trình bày "Đề án phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng".

Tình hình thời tiết và thiên tai trong một số năm gần đây có những diễn biến rất bất thường. Để chủ động đối phó với những tình huống phức tạp nhất khi xảy ra lũ lớn và đặc biệt lớn, Chính phủ thống nhất nhận định ngay trong năm nay phải chuẩn bị những giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết và trình tự của việc phân lũ, chậm lũ nhằm bảo vệ các địa bàn và công trình đặc biệt quan trọng, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do lũ gây ra.

Về cơ bản, Chính phủ thông qua Đề án này; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, khẩn trương hoàn chỉnh Đề án báo cáo Thường vụ Bộ Chính trị; đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay trong tháng 6 năm 1999 Nghị quyết của Chính phủ về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng, làm căn cứ pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch có thể đối phó được với những tình huống lũ, lụt phức tạp nhất.

2. Chính phủ thông qua Dự thảo "Nghị định của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước" và "Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển" do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao trình.

Chính phủ khẳng định việc tiếp tục đổi mới cơ chế tín dụng đầu tư của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả của việc sử dụng vốn, khai thác đúng mức lợi thế của các quan hệ tín dụng, bãi bỏ việc phân phối vốn tín dụng ưu đãi theo cơ chế xin - cho; góp phần thực hiện chủ trương phát huy nội lực, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và Nghị quyết Trung ương 6 (lần 1).

Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, tiếp thu các ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh 2 dự thảo Nghị định nêu trên, lưu ý tính đồng bộ về nội dung với các Nghị định ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, Nghị định về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, Nghị định về Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 6 năm 1999.

3. Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự án Pháp lệnh thương phiếu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình và dự án Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình, Chính phủ nhất trí thông qua 2 dự án Pháp lệnh này.

Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh 2 dự án Pháp lệnh trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

4. Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá đã trình Chính phủ "Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch tháng 5, năm tháng đầu năm 1999 và một số vấn đề tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch trong tháng tới".

Chính phủ nhất trí với báo cáo trên và thống nhất nhận định: trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm 1999 vẫn giữ được ổn định và có bước phát triển, xuất khẩu có tăng hơn tháng trước, nhưng nhiều ngành sản xuất - kinh doanh vẫn còn khó khăn, chưa có nhiều chuyển biến tích cực, những biện pháp khắc phục đã được đề ra nhưng việc triển khai còn chậm và không triệt để, một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh tiếp tục giảm sút.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế chính sách đã ban hành. Đặc biệt, cần tập trung chỉ đạo trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ tu bổ đê điều, nhất là các tuyến đê xung yếu ở đồng bằng sông Hồng; đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ xuất khẩu, thực hiện có hiệu quả các chính sách kích cầu nhằm huy động tối đa nội lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Phan Văn Khải

(Đã ký)