Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/1999/NQ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 1999

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 07/1999/NQ-CP NGÀY 09 THÁNG 7 NĂM 1999PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 6 NĂM 1999

Trong hai ngày 05 và 06 tháng 7 năm 1999, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 năm 1999, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Thông qua Báo cáo về những giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 1999 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá trình bày, ý kiến bổ sung của các đại biểu dự họp và ý kiến kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải. Giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Báo cáo trên thành Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 1999, trong đó cần chú ý cụ thể hoá và bảo đảm tính khả thi của các chương trình hành động theo 7 nhóm giải pháp lớn mà Chính phủ đã cho ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 15 tháng 7 năm 1999.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ căn cứ vào Nghị quyết trên, xây dựng chương trình công tác của Bộ, ngành mình để thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 1999. Các thành viên Chính phủ được phân công theo dõi các địa phương có trách nhiệm giúp địa phương thấu suốt tinh thần phiên họp này, đánh giá đúng đắn tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nắm bắt sâu sát, kịp thời và có phương hướng phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 1999.

2. Thông qua Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 38/CP ngày 04 tháng 5 năm 1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao trình. Chính phủ nhất trí đánh giá qua 5 năm triển khai Nghị quyết số 38/CP, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã thu được một số kết quả tốt: đã tiến hành sửa đổi, ban hành một khối lượng đáng kể các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính; đồng thời rà soát, bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp, góp phần hoàn thiện thể chế hành chính phù hợp với sự vận hành của cơ chế mới; tạo bước đổi mới trong quan hệ công tác, phương thức, lề lối làm việc trong hệ thống cơ quan hành chính các cấp... Việc chọn thủ tục hành chính với 7 lĩnh vực trọng điểm làm khâu đột phá của cải cách hành chính là đúng đắn. Tác dụng của việc thực hiện khâu đột phá này không chỉ ở chỗ giảm bớt phiền hà cho dân và các doanh nghiệp, mà qua đó còn bộc lộ những mặt yếu kém cần khắc phục, đó là những bất cập trong hệ thống thể chế, chính sách; những bất hợp lý trong tổ chức, vận hành của bộ máy hành chính và những yếu kém của đội ngũ công chức nhà nước.

Chính phủ khẳng định cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên liên tục của bộ máy nhà nước. Chính phủ cần xây dựng chương trình dài hạn về cải cách hành chính. Trước mắt, trong giai đoạn 1999 - 2000 cần tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là soát xét lại để xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, từng cấp chính quyền, từng cá nhân trong bộ máy nhà nước; đồng thời cải cách một bước chính sách tiền lương để tạo động lực khắc phục sự trì trệ, bảo đảm cho công cuộc cải cách hành chính đạt được kết quả tốt hơn, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

3. Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo "Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao" do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng trình và dự thảo "Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo" do Tổng Thanh tra Nhà nước Tạ Hữu Thanh trình, Chính phủ nhất trí thông qua hai dự thảo Nghị định này.

Giao Bộ Tài chính và Thanh tra Nhà nước phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh hai Nghị định trên, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 7 năm 1999.

4. Chính phủ thông qua đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt nam và Văn phòng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia để tư vấn cho Chính phủ trong việc quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ về chính sách tiền tệ theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt nam.

Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định thành lập Hội đồng này trên cơ sở bổ sung nhiệm vụ và thành phần của Hội đồng Tài chính - Tiền tệ Nhà nước được quy định tại Quyết định số 23/1998/QĐ-TTg , ngày 31 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Tại phiên họp này Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao đã trình Chính phủ "Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành và tình hình thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ 6 tháng đầu năm 1999".

Trong 6 tháng đầu năm 1999, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành đồng bộ, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời đề ra các quyết sách đúng để triển khai thực hiện theo chương trình công tác đã đề ra; lề lối làm việc có chuyển biến tốt trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề bức xúc như sự phối hợp xử lý các vấn đề liên ngành, xây dựng và thực hiện chương trình công tác, cải cách hành chính, xây dựng thể chế và kiểm tra việc thực hiện, công tác thông tin báo cáo... vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt Quy chế làm việc. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ soát xét lại đề án đã đăng ký trong Chương trình công tác 6 tháng cuối năm; đồng thời rà soát, điều chỉnh kịp thời Chương trình công tác trong từng tháng; có kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai ngay việc xây dựng nội dung các đề án đã được phân công theo đúng tiến độ.

Phan Văn Khải

(Đã ký)