HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
SỐ: 09/2000/NQ-HĐ | Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 2000 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CÔNG TÁC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(HĐND TP Khoá XII, Kỳ họp thứ 3, từ ngày 18 đến ngày 21/7/2000)
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Nghị quyết số: 20 –NQ/TU, ngày 13/7/2000 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố (khoá XII) về công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô;
Căn cứ Báo cáo ngày 6/7/2000 của UBND thành phố về công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sau khi nghe ý kiến thuyết trình của các Ban HĐND, ý kiến của đại biểu HĐND thành phố.
QUYẾT NGHỊ
Thực hiện Luật đất đai năm 1993, Thành uỷ, HĐND và UBND thành phố đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng và bố trí định cư. Từ năm 1996 đến năm 1999, Thành phố đã tổ chức giải phóng mặt bằng thực hiện 1.108 dự án, với tổng diện tích đất 3.389,9 ha, tổng số tiền đền bù là 5.675,4 tỷ đồng và bố trí định cư 11.474 hộ dân, đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đại bộ phận nhân dân vùng thu hồi đất đồng tình với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tự giác thực hiện, nhiều người sẵn sàng chịu một phần thiệt thòi vì lợi ích chung, giúp cho công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi.
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, tồn tại do những nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Thiếu đồng bộ, chưa nhất quán trong một số chính sách và quy định cụ thể, có những quy định chưa phù hợp với thực tiễn chậm được bổ sung, sửa đổi; Trong một số trường hợp lãnh đạo các ngành, các cấp nhìn nhận thiếu nhất quán, chưa thấy rõ trách nhiệm của mình, xem việc giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của các nhà đầu tư và chủ dự án; Quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện còn nhiều khuyết điểm; Chưa coi trọng công tác tuyên truyền vận động nhân dân; Công tác quy hoạch, cắm mốc giới và quản lý mốc giới chưa được thực hiện đầy đủ và kịp thời; Các khu định cư mới còn thiếu hoặc chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để ổn định đời sống nhân dân; Một số nơi, đội ngũ cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng năng lực chuyên môn còn yếu, tinh thần trách nhiệm chưa cao, có sai phạm... đã làm chậm tiến độ thực hiện dự án, gây tổn hại về kinh tế và trật tự trị an xã hội, để xảy ra những vụ việc phức tạp kéo dài...
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, tồn tại và dự báo về công tác đền bù giải phóng mặt bằng thời gian tới; Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định chính trị xã hội Thủ đô, HĐND thành phố quyết nghị:
1. Công bố công khai các quy hoạch, các dự án, các mốc giới và hành lang bảo vệ công trình đã hoặc sẽ xây dựng, để chính quyền cơ sở có trách nhiệm quản lý và bảo vệ các công trình trên địa bàn; để nhân dân giám sát, thực hiện nghĩa vụ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
2. Thành phố xây dựng trước một bước các khu định cư mới có đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Các dự án xây dựng khu định cư mới cần gắn với các khu đô thị mới và được sử dụng từ nhiều nguồn vốn, trong đó vốn ngân sách được bố trí để xây dựng trước các công trình phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng.
3. Khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho xây dựng và bảo vệ các công trình, cho các dự án, căn cứ vào điều kiện cụ thể, áp dụng những hình thức đền bù như: Đền bù bằng tiền để tự lo chỗ ở mới; bằng nhà ở trong các khu định cư mới; bằng đất đối với các dự án định cư mới ở những nơi có điều kiện.
4. Giao UBND thành phố xây dựng các quy chế và tổ chức bộ máy chuyên trách thực hiện công tác giải phóng mặt bằng về các vấn đề sau:
a/ Quy hoạch các tuyến đường mới cần tiến hành đồng thời với quy hoạch xây dựng các tuyến phố mới hai bên đường để có thể thực hiện định cư tại chỗ, tạo cảnh quan kiến trúc đô thị, từng bước thu lại vào ngân sách phần giá trị tăng thêm do Nhà nước đầu tư mà có, tạo sự công bằng chung.
b/ Có chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm mới đối với các hộ dân bị thu hồi diện tích đất nông nghiệp với các mức phù hợp.
Các dự án đầu tư, trong điều kiện cho phép, cần ưu tiên tuyển lao động tại nơi sử dụng đất.
c/ Thành phố có chính sách ưu tiên hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các làng xã bị thu hồi hầu hết đất canh tác.
d/ Hình thành quỹ nhà ở và phát triển hạ tầng để xây dựng nhà ở, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ công tác giải phóng mặt bằng từ nhiều nguồn vốn, trong đó có thu lại một phần giá trị ở điểm a, sử dụng 100% tiền sử dụng đất thu được khi giao đất định cư, sử dụng 100% tiền bán nhà (thực thu) theo Nghị định 61/CP. Trong năm 2000, bố trí ngay một khoản ngân sách thoả đáng cho công tác giải phóng mặt bằng.
Sử dụng 30% diện tích nhà ở (trong đó tối thiểu có 20% diện tích đất) tại các dự án phát triển nhà ở đã được giao đất để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
e/ Có chính sách và bố trí vốn cần thiết để thu hồi diện tích đất của các đơn vị, cá nhân sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả, vi phạm Luật đất đai.
5. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích các chính sách về công tác quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng các khu công nghiệp, đền bù giải phóng mặt bằng.
Giải quyết khiếu lại kịp thời, đồng thời xử lý kiên quyết các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Khi thực hiện phải đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ; phối hợp thống nhất từ thành phố đến các ngành, quận, huyện và cơ sở; kết hợp chặt chẽ các biện pháp vận động - thuyết phục – kimh tế - hành chính và pháp luật.
6. Thành lập Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng thành phố có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và cơ quan nội chính, có bộ phận chuyên trách giúp việc.
Kiện toàn các tổ chức làm công tác giải phóng mặt bằng các cấp, đặc biệt chú trọng cấp phường, xã; tăng cường cán bộ chuyên trách và cải tiến các thủ tục thẩm định dự án giải phóng mặt bằng của thành phố.
UBND thành phố ban hành các quy định cụ thể về công tác giải phóng mặt bằng, trước hết ban hành “ Quy chế tổ chức thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, đảm bảo cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Hội đồng nhân dân thành phố kêu gọi các tầng lớp nhân dân ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng; Đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng tăng cường tuyên truyền hướng dẫn đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố và các Quyết định của UBND thành phố về công tác giải phóng mặt bằng; Yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật, các Ban chuyên trách của HĐND giám sát, xử lý vi phạm các quy định trong công tác giải phóng mặt bằng./.
| T/M HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
- 1 Chỉ thị 14/2002/CT-UB về tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng năm 2002 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Quyết định 04/2002/QĐ-UB về việc xử lý, thu hồi đất của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành