CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2006/NQ-CP | Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲTHÁNG 9 NĂM 2006
Ngày 02 tháng 10 năm 2006, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9, bàn và quyết nghị những vấn đề sau:
1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo nhanh về diễn biến của cơn bão số 6 và thiệt hại do bão gây ra.
Cơn bão số 6 là cơn bão rất mạnh đổ bộ vào các tỉnh miền Trung nước ta ngày 01 tháng 10, nhưng do công tác dự báo tốt, Chính phủ có chỉ đạo kịp thời, đồng bộ, quyết liệt và các ngành, địa phương chủ động phòng, chống với nỗ lực rất cao nên đã hạn chế tối đa thiệt hại do cơn bão gây ra.
Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả, Chính phủ yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên và Bắc Trung bộ, nơi có các con sông lớn đi qua, chủ động phòng, chống ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cần huy động các lực lượng trên địa bàn khắc phục thiệt hại, hỗ trợ cho các gia đình gặp nạn, tuyệt đối không được để dân bị đói, rét, dịch bệnh và không có nhà ở; các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra nắm tình hình và có phương án khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
2. Chính phủ đã xem xét dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định.
Rừng có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội. Để tạo cơ chế pháp lý đổi mới tổ chức và hoạt động của lực lượng Kiểm lâm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, việc ban hành Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm là rất cần thiết. Theo yêu cầu cải cách hành chính và xuất phát từ đòi hỏi thống nhất quản lý điều hành chung trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cần được tổ chức theo mô hình trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.
3. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính đọc Tờ trình Chính phủ về Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Luật này.
Nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; tăng cường công tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế - xã hội; khắc phục các mặt hạn chế, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới; góp phần đảm bảo tính ổn định và tạo nguồn lực cho ngân sách nhà nước, việc ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân là cần thiết.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân. Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về Dự án Luật này.
4. Chính phủ đã xem xét về Dự án Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn do Bộ Nội vụ trình; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về Dự án Pháp lệnh này.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân ngay từ cơ sở, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 1998 và sau đó, được thay thế bằng Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2003 ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Qua thời gian thực hiện, Quy chế thực hiện dân chủ ở xã đã góp phần mang lại những hiệu quả thiết thực, nhưng cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế về mặt nội dung và triển khai thực hiện đòi hỏi phải nghiên cứu hoàn thiện và nâng cao hiệu lực pháp lý.
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Dự án Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
5. Chính phủ đã xem xét Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự do Bộ Công an trình; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về Dự án Pháp lệnh này.
Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự được ban hành năm 2004 đã trở thành công cụ pháp lý giúp cho các cơ quan điều tra phát hiện kịp thời và tiến hành điều tra, xử lý đúng pháp luật các hành vi phạm tội; bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của nhân dân; giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, Pháp lệnh cũng đã bộc lộ một số vướng mắc về thẩm quyền điều tra của cơ quan An ninh điều tra, về hệ thống tổ chức của cơ quan Cảnh sát điều tra và quyền phân công điều tra vụ án của Thủ trưởng ngành. Để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trên, đồng thời thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng về việc thành lập đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự là cần thiết.
Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
6. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo Tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI); nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Kết quả giao ban sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 9 và tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2006.
Thực hiện chủ trương đẩy nhanh tốc độ xây dựng các văn bản phục vụ cho việc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và quán triệt Chỉ thị số 31/2006/CT-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, thời gian qua, các bộ, cơ quan đã rất khẩn trương trong công tác soạn thảo, thẩm tra, thẩm định văn bản. Công tác xây dựng văn bản đã có những chuyển biến tích cực rõ rệt, nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra. Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn công tác soạn thảo các văn bản mà bộ, cơ quan mình được giao, bảo đảm chất lượng và thời gian.
Trong 9 tháng đầu năm 2006, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, đạt mức tăng 7,84%. Sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ tăng khá. Nông nghiệp phát triển ổn định. Thu hút vốn đầu tư xã hội có nhiều tiến bộ, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn của dân cư. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng cao. Thị trường trong nước tiếp tục phát triển, tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hoạt động xã hội có nhiều tiến bộ: Ngành giáo dục - đào tạo tổ chức tốt khai giảng năm học 2006 - 2007 cho học sinh toàn quốc; công tác phòng chống dịch bệnh tiếp tục được đẩy mạnh; hoạt động văn hóa - thông tin diễn ra sôi động.
Để giải quyết có hiệu quả các khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; tập trung nghiên cứu làm rõ nguyên nhân tăng trưởng của một số ngành kinh tế chưa cao để có biện pháp tháo gỡ; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tạo điều kiện phát triển cho các ngành, lĩnh vực đang có cơ hội mở rộng thị trường, tăng nhanh năng lực sản xuất; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và thiên tai; có giải pháp kiềm chế tăng giá đi đôi với đẩy nhanh điều hành giá cả theo cơ chế thị trường, xóa bao cấp, bù lỗ; hạn chế tai nạn giao thông; quan tâm giải quyết khiếu kiện của dân; tích cực làm tốt công tác chuẩn bị gia nhập WTO và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC./.
| TM. CHÍNH PHỦ |
- 1 Nghị quyết số 22/2006/NQ-CP về Phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2006 do Chính phủ ban hành
- 2 Chỉ thị 31/2006/CT-TTg về đẩy mạnh công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị quyết số 14/2006/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2006 do Chính phủ ban hành
- 4 Nghị định 79/2003/NĐ-CP Quy chế thực hiện dân chủ ở xã
- 1 Nghị quyết số 22/2006/NQ-CP về Phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2006 do Chính phủ ban hành
- 2 Chỉ thị 31/2006/CT-TTg về đẩy mạnh công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị quyết số 14/2006/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2006 do Chính phủ ban hành
- 4 Nghị định 79/2003/NĐ-CP Quy chế thực hiện dân chủ ở xã