CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2006/NQ-CP | Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 10 NĂM 2006
Ngày 02 tháng 11 năm 2006, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10, bàn và quyết nghị những vấn đề sau:
1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị định về Kinh doanh xổ số, đặt cược và trò chơi có thưởng.
Nhu cầu về các hoạt động vui chơi, giải trí có thưởng là một thực tế trong xã hội. Việc Nhà nước cho phép tổ chức các hoạt động xổ số, đặt cược và trò chơi có thưởng là nhằm huy động sự đóng góp của nhân dân bổ sung nguồn vốn cho các công trình phúc lợi công cộng, với phưong châm vừa ích nước, vừa lợi nhà và đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của dân cư. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh này có tính nhậy cảm và rủi ro cao, cần có sự kiểm soát của Nhà nước. Việc xây dựng một hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất đối với các hoạt động kinh doanh này là rất cần thiết.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về xổ số, trình Chính phủ ban hành.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ủy ban Thể dục thể thao nghiên cứu đánh giá về hình thức kinh doanh đặt cược và đề xuất giải pháp quản lý cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào Quý I năm 2007.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát các quy định pháp lý về tổ chức hoạt động các trò chơi có thưởng, casino, đề xuất quy hoạch mạng lưới và biện pháp quản lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 01 năm 2007.
2. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về khám bệnh, chữa bệnh và tiêu chuẩn vật chất ý tế đối với người đang làm công tác cơ yếu; thực hiện bảo hiểm ý tế bắt buộc đối với thân nhân người đang làm công tác cơ yếu.
Giao Ban cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
3. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo về thời điểm giải quyết chính sách đối với người lao động ở doanh nghiệp nhà nước bị phá sản và chính sách đối với các chức danh quản lý doanh nghiệp nhà nước khi sắp xếp lại.
Chính phủ thảo luận và thống nhất:
- Giải quyết chính sách đối với lao động trong doanh nghiệp nhà nước bị phá sản tại thời điểm Tòa án quyết định mở thủ tục phá sản, nếu đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp xử lý nhưng không thể phục hồi khả năng hoạt động của doanh nghiệp và có văn bản cam kết sẽ không áp dụng các biện pháp tiếp theo để phục hồi hoạt động của doanh nghiệp.
- Các chức danh quản lý doanh nghiệp gồm: thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, thành viên Ban kiểm soát ở các doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại trong năm 2006 (kể cả trường hợp đã làm thủ tục trong năm 2005 mà chưa được giải quyết) nhưng không tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp đó hoặc ở khu vực Nhà nước thì được hưởng chính sách quy định tại Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2000 của Chính phủ về tinh giản biên chế trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP .
4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Thương mại trình Báo cáo kết quả đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.
Phiên đàm phán đa phương ngày 26 tháng 10 năm 2006, tại Giơ-ne-vơ, Thụy sỹ, đã thông qua toàn bộ các tài liệu về gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam, chính thức đánh dấu việc Việt Nam hoàn tất quá trình đàm phán để trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Đây là kết quả của những nỗ lực trong suốt nhiều năm qua, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc đưa nền kinh tế hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương chủ động triển khai thực hiện các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế thông qua WTO. Trước mắt là hoàn thiện bộ tài liệu gia nhập WTO trình Quốc hội và Chủ tịch nước; tổ chức tốt lễ gia nhập WTO và các công việc khác có liên quan; đồng thời tiếp tục vận động Hòa Kỳ sớm thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam.
5. Chính phủ nghe Báo cáo kết quả giao ban sản xuất, kinh doanh, đầu tư tháng 10 và tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2006 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; Báo cáo tình hình thương mại tháng 10 năm 2006 do Bộ trưởng Bộ Thương mại trình; Báo cáo thực trạng quản lý, điều hành giá cả thị trường năm 2006 và định hướng điều hành giá hàng hóa, dịch vụ năm 2007 do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình; Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chống tham nhũng do Tổng Thanh tra Chính phủ trình.
Chính phủ nhất trí với đánh giá và định hướng điều hành giá trong báo cáo của Bộ Tài chính. Nguyên tắc chung trong điều hành giá là phải làm cho giá cả phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất, kinh doanh theo nguyên lý thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước khuyến khích cạnh tranh về giá theo pháp luật và từng bước đưa hệ thống giá trong nước tiệm cận với giá thị trường thế giới. Các mục tiêu và giải pháp cụ thể điều hành giá cần được nghiên cứu hoàn chỉnh để trở thành một nội dung trong Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2006 tiếp tục phát triển ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao, nhất là khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh. Thị trường nội địa phát triển, kim ngạch xuất khẩu tăng. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khá. Thu, chi ngân sách Nhà nước bảo đảm tiến độ. Các hoạt động xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực, công tác xóa đói giảm nghèo thu được những kết quả tốt. Chỉ số giá hàng hóa và dich vụ tiêu dùng không có biến động lớn. Công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 6 đã được thực hiện khẩn trương, giảm thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Tuy nhiên, trong hai tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua. Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2006, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương rà soát lại các nhiệm vụ, đánh giá tiến độ thực hiện và tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ và tín dụng đầu tư nhà nước; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương dập tắt dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hại lúa, có biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại giống mới có hiệu quả, năng suất cao vào sản xuất, thực hiện các chính sách hỗ trợ để khôi phục và đưa nông nghiệp phát triển; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm; nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua, đã có hiệu lực thi hành.
Các Bộ, địa phương có liên quan chỉ đạo chặt chẽ, phối hợp với cơ quan chức năng để tổ chức thành công Hội nghị APEC lần thứ 14 tại Hà Nội. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ tổ chức tốt lực lượng, triển khai các phương án cần thiết, giữ ổn định an ninh, trật tự xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong thời gian diễn ra Hội nghị./.
Nơi nhận: | TM.CHÍNH PHỦ |
- 1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2006 do Chính phủ ban hành
- 2 Nghị quyết 09/2003/NQ-CP về việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp do Chính phủ ban hành, để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ về việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp
- 3 Nghị quyết 16/2000/NQ-CP về việc tinh giảm biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp do Chính phủ ban hành