Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51-HĐBT

Hà Nội, ngày 22 tháng 2 năm 1985

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 51-HĐBT NGÀY 22 THÁNG 2 NĂM 1985VỀ CẢI TIẾN QUẢN LÝ NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH

Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trương ương Đảng (khoá V) và Chỉ thị số 50-CT/TƯ của Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng quyết định việc cải tiến công tác tổ chức sản xuất và quản lý nông trường quốc doanh như sau:

I. VỀ SẮP XẾP VÀ TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH

1. Về sắp xếp lại hệ thống các nông trường quốc doanh.

Việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất trong nông trường quốc doanh trước hết phải bảo đảm phát triển sản xuất theo quy hoạch và kế hoạch Nhà nước nhằm phát huy tốt thế mạnh kinh tế của các ngành, các vùng, các địa phương; kết hợp chặt chẽ kinh tế quốc doanh với tập thể và gia đình và phát huy vai trò chủ đạo của thành phần quốc doanh trong nông nghiệp xã hội chủ nghĩa. Phải đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, chất lượng sản phẩm tốt, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ về khoa học kỹ thuật; bảo đảm thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung cấp giống cây, giống con cho sản xuất nông nghiệp, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, nông sản cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Năm 1985, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm, Tổng cục Cao su, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cùng với Uỷ ban Kê hoạch Nhà nước rà xét lại quy hoạch, phương hướng sản xuất, quy mô, hiệu quả của các nông trường hiện có để cải tiến tổ chức sản xuất và quản lý cho đúng.

Cần tập trung vốn đầu tư và cung ứng vật tư, thiết bị, đầu tư chiều sâu vào những nông trường đã có phương hướng sản xuất ổn định, quy mô thích hợp và kinh doanh có hiệu quả nhằm khai thác triệt để tiềm năng về đất đai, lao động và các cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển sản xuất.

Đối với nông trường mà sản xuất chưa ổn định, hiệu quả sản xuất, kinh doanh quá thấp hoặc bị lỗ vốn, quy mô quá lớn, thì phải xác định lại phương hướng sản xuất, quy mô nông trường và hệ thống tổ chức lao động, quản lý cho thích hợp với yêu cầu của Nhà nước, các điều kiện sản xuất và khả năng quản lý của cán bộ để thực hiện có hiệu quả việc kết hợp lao động với đất đai, phát huy khả năng máy móc, thiết bị, không bỏ đất hoang hoá và sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Việc xây dựng mới các nông trường ở những vùng có vị trí kinh tế, quốc phòng trọng yếu, có yêu cầu tập trung chuyên canh thâm canh sản phẩm xuất khẩu, hay làm nguyên liệu cho công nghiệp và hợp tác với nước ngoài, phải có luận chứng kinh tế - kỹ thuật và có kế hoạch kết hợp chặt chẽ với công nghiệp chế biến, dịch vụ kỹ thuật ngay từ khi xây dựng nông trường và từng bước hình thành các tổ hợp nông - công nghiệp một cách hợp lý theo ngành kinh tế - kỹ thuật.

2. Tổ chức sản xuất trong các nông trường.

Phương hướng sản xuất của nông trường phải thể hiện rõ nguyên tắc chuyên môn hoá đồng thời kinh doanh tổng hợp để phát huy tốt các tiềm năng kinh tế của của đất đai và năng lực hiện có của lao động, máy móc, thiết bị của từng nông trường. Cần chú trọng xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý ngay trong từng nông trường, trên từng địa bàn vùng, kết hợp chặt chẽ nông nghiệp với lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, trồng trọt với chăn nuôi. Phải thực hiện nghiêm ngặt chế độ thâm canh tăng năng suất ngay từ đầu, tăng vụ để nâng cao hệ số sử dụng đất đai, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Cần phát triển và mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết, liên doanh giữa các nông trường với nhau, với công nghiệp chế biến, dịch vụ, nông trường quốc doanh với hợp tác xã và kinh tế gia đình, sản xuất với khoa học để mở rộng sản xuất, xâydựngcơ sở vật chất - kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức các dịch vụ sản xuất, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, v.v... theo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi nhằm tận dụng những năng lực hiện có của từng nông trường, nâng cao trình độ chuyên môn hoá sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cùng với việc phát triển kinh tế nông trường, cần coi trọng việc phát triển kinh tế gia đình của cán bộ, công nhân theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 18-1-1984 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 95-HĐBT ngày 21-9-1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Tuỳ theo điều kiện cụ thể ở từng nơi và ở từng nông trường, cần có quy hoạch dành một số diện tích đất đai và giúp đỡ hướng dẫn về các mặt cần thiết để phát triển sản xuất rau màu, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, làm nhà ở. Tuy nhiên cần có sự chỉ đạo chặt chẽ việc phát triển kinh tế gia đình cho đúng hướng, đúng mức, có tác dụng bổ sung cho kinh tế nông trường và không gây ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế nông trường.

Các sản phẩm sản xuất từ khu vực kinh tế gia đình, ngoài phần tiêu dùng trực tiếp của cán bộ, công nhân nông trường, các sản phẩm hàng hoá , nhất là các sản phẩm phù hợp với phương hướng sản xuất của nông trường (cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi...), các nông trường cần tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ.

Trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ và quy mô đã được rà xét lại, cần cải tiến công tác tổ chức lao động trong nông trường cho phù hợp để nâng cao năng suất lao động và sản xuất có hiệu quả cao. Trước hết cần chú trọng chấn chỉnh các đội sản xuất cơ bản, củng cố các đội chuyên khâu (chế biến, sửa chữa cơ khí, các đội máy kéo) các tổ chức dịch vụ, cung ứng vật tư... và xây dựng quy chế cụ thể về quan hệ hợp đồng và trách nhiệm vật chất, nhằm gắn chặt toàn bộ hoạt động cuả các đơn vị này với kết quả sản xuất cuối cùng.

Đồng thời, khẩn trương tiến hành việc tinh giản bộ máy quản lý nông trường, kiên quyết bỏ khâu trung gian không cần thiết. Thực hiện việc khoán quỹ lương đối với bộ máy quản lý trên cơ sở định mức và tiêu chuẩn công việc được xác định cụ thể. Kết hợp chặt chẽ việc tinh giản bộ máy quản lý nông trường với yêu cầu tăng cường cán bộ có năng lực cho các đơn vị trực tiếp sản xuất.

3.Về tổ chức ngành kinh tế - kỹ thuật

Để tăng cường hơn nữa trình độ chuyên môn hoá sản xuất và phát triển chế độ hợp tác, cần tiến hành việc sắp xếp các nông trường theo các ngành kinh tế - kỹ thuật. Trong điều kiện nước ta hiện nay, cần tổ chức các xí nghiệp liên hợp (xí nghiệp nông-công nghiệp) hoặc các xí nghiệp liên doanh, các liên hiệp xí nghiệp, liên hiệp khoa học - sản xuất trên từng vùng lãnh thổ hoặc trên phạm vi cả nước như cao su, cà phê, chè, mía, đường, dầu thực vật, rau quả, sữa, gia cầm, vv..., thực hiện nhiệm vụ liên kết các khâu trong quá trình từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến ra sản phẩm hoàn chỉnh và tiêu thụ sản phẩm.

Các Bộ quản lý nông trường quốc doanh cùng với Bộ Công nghiệp thực phẩm căn cứ vào quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức các hoạt động liên kết trong kinh tế, tiến hành củng cố các liên hiệp xí nghiệp hiện có, chuyển các công ty chuyên doanh sang hình thức liên hiệp xí nghiệp, tổ chức các liên hiệp xí nghiệp mới đối với một số ngành sản xuất có nhiệm vụ phát triển lớn; xây dựng quy chế cụ thể của liên hiệp các xí nghiệp để củng cố việc hiệp tác, liên kết chặt chẽ, quán triệt đầy đủ các nguyên tắc chỉ đạo về kinh tế, trên cơ sở đó, phát huy hiệu quả kinh tế cao.

Đối với các tỉnh, thành phố có nhiều nông trường, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, nếu thấy cần thiết cũng có thể sắp xếp các nông trường vào một số chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật (liên hiệp xí nghiệp) để thống nhất quản lý và chỉ đạo sản xuất - kinh doanh, nhưng tránh hình thức, không xuất phát từ hiệu quả kinh tế thiết thực.

4. Về phân cấp quản lý nông trường.

Trên cơ sở tổ chức lại sản xuất theo ngành kinh tế - kỹ thuật, cần tiến hành ngay việc phân cấp quản lý các nông trường .

Tiêu chuẩn cơ bản trong việc phân cấp quản lý nông trường là sản xuất phát triển có hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm giao nộp cho Nhà nước và thu ngân sách tăng. Vì vậy phải căn cứ vào phương hướng sản xuất, nhiệm vụ kinh tế của nông trường, điều kiện kỹ thuật, năng lực quản lý của các cấp mà tổ chức phân giao, phân cấp cho các địa phương tránh máy móc, không có hiệu quả thiết thực, thậm chí có hại.

Những nông trường sau đây do Trung ương trực tiếp quản lý:

- Các nông trường sản xuất giống cây trồng và giống gia súc nguyên chủng, một phần giống cấp I, có yêu cầu kỹ thuật cao, để cung cấp cho cả nước hoặc vùng kinh tế lớn.

- Các nông trường sản xuất nông sản xuất khẩu hợp tác kinh tế với nước ngoài.

Những nông trường khác phân cấp cho tỉnh và từng bước phân cấp cho huyện quản lý, trên cơ sở cấp huyện được tăng cường về các mặt có đủ sức quản lý có hiệu quả.

Đối với các nông trường do các ngành Trung ương trực tiếp quản lý, Uỷ ban nhân dân các địa phương có trách nhiệm quản lý Nhà nước về các mặt xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước của nông trường, thực hiện sự hợp tác và phân công với kinh tế địa phương để phát huy tốt các khả năng sản xuất, bảo đảm việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước và giải quyết các vấn đề khác có liên quan giữa nông trường với địa phương.

Các Bộ trực tiếp quản lý nông trường phải thông báo cho Uỷ ban nhân dân các địa phương quy hoạch xây dựng nông trường kế hoạch đầu tư, tạo điều kiện cho địa phương xây dựng quy hoạch trên lãnh thổ, tổ chức lại sản xuất, xây dựng các mối quan hệ hiệp tác kinh tế hợp lý giữa các nông trường của Trung ương với kinh tế địa phương. Các nông trường (do Trung ương quản lý) có trách nhiệm báo cáo với Uỷ ban nhân dân các địa phương (tỉnh, huyện) dự án kế hoạch, kết quả thực hiện và các vấn đề có liên quan với địa phương.

Đối với các nông trường phân cấp cho địa phương quản lý, các Bộ chủ quản có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn về kinh tế và kỹ thuật để thực hiện việc thống nhất quản lý theo ngành trong phạm vi cả nước.

II. VỀ CẢI TIẾN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH

1. Về kế hoạch hoá.

Kế hoạch của nông trường là kế hoạch sản xuất - kỹ thuật - tài chính thống nhất. Nông trường chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh toàn diện trên cơ sở khai thác 4 nguồn khả năng và trình cấp trên có thẩm quyền xét duyệt.

Kế hoạch của nông trường phải được cân đối cả về hiện vật và giá trị, hai mặt kết hợp và thống nhất với nhau. Cùng với việc thông qua kế hoạch chính thức hàng năm, cần có dự kiến kế hoạch năm sau để bảo đảm sản xuất liên tục. Nhà nước tập trung cân đối những điều kiện vật chất chủ yếu (năng lượng, nguyên liệu, vật liệu, phụ tùng, vận tải, dịch vụ...) cho các sản phẩm trọng yếu và những nông trường trọng điểm, giao các chỉ tiêu pháp lệnh cho các liên hiệp hoặc các nông trường trên cơ sở cân đối các điều kiện vật chất chủ yếu, bao gồm cả những điều kiện vật chất do Trung ương hoặc địa phương cung ứng hoặc do các nông trường tự tạo một cách ổn định để đưa vào cân đối kế hoạch và phương hướng nhiệm vụ sản xuất theo quy hoạch.

Chỉ tiêu pháp lệnh áp dụng đối với nông trường quốc doanh bao gồm:

- Giá trị sản lượng hàng hoá thực hiện, trong đó ghi rõ phần cho xuất khẩu.

- Sản phẩm giao nộp, theo chủng loại, chỉ tiêu chất lượng theo quy định của Nhà nước và theo hợp đồng kinh tế, trong đó, ghi rõ phần cho xuất khẩu (đối với nông trường mới xây dựng, là giá trị và khối lượng xây dựng cơ bản thực hiện).

- Mức giảm giá thành, cụ thể là mức giảm giá thành so với năm trước đối với những sản phẩm so sánh được, mức giảm giá thành so với giá thành kế hoạch đối với những sản phẩm mới, tổng mức giảm giá thành.

- Lợi nhuận và các khoản nộp ngân sách, trong đó, có phần tích luỹ bằng ngoại tệ nếu nông trường có sản xuất sản phẩm xuất khẩu hoặc tham gia xuất khẩu.

- Những vật tư chủ yếu do Nhà nước cung ứng (do Trung ương hoặc địa phương cung ứng) theo chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh.

Ngoài những chỉ tiêu pháp lệnh, còn có một số chỉ tiêu chỉ tiêu hướng dẫn như giá trị tổng sản lượng, tổng diện tích gieo trồng, năng suất, đàn gia súc, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mức tiêu hao vật tư, mức tăng năng suất lao động, tổng quỹ lương, mức doanh lợi...

Thời gian cấp trên giao số hướng dẫn kế hoạch cho nông trường vào tháng 5 và giao chỉ tiêu pháp lệnh trước năm kế hoạch vào thời gian cần thiết để nông trường bố trí kế hoạch sản xuất và kinh doanh kịp thời vụ.

Nhà nước khuyến khích các nông trường thực hiện vượt mức kế hoạch, tận dụng đất đai, lao động, tăng thêm sản phẩm, khuyến khích nông trường khai thác thêm vật tư để bổ sung khả năng cân đối vật chất và sản xuất những sản phẩm trong chỉ tiêu kế hoạch và sản phẩm phụ của nông trường.

2. Về cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm.

Các cơ quan cung ứng vật tư và năng lượng cho nông trường phải đảm bảo cung ứng đúng số lượng, chất lượng địa điểm, thời gian và giá chỉ đạo theo kế hoạch và hợp đồng đã ký kết. Cố gắng lập quỹ dự trữ cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho nông trường bảo đảm thời vụ sản xuất, thâm canh tăng năng suất nông nghiệp.

Nông trường có nghĩa vụ giao nộp sản phẩm đầy đủ theo kế hoạch và hợp đồng ký kết. Trường hợp cơ quan tiêu thụ không nhận đúng kế hoạch và hợp đồng thì nông trường được phép bán cho các tổ chức tiêu thụ quốc doanh hay tập thể khác; tổ chức tiêu thụ đã ký hợp đồng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho nông trường.

Đối với sản phẩm thuộc loại tươi sống, mau hỏng cần tổ chức tốt việc giao trực tiếp cho các tổ chức tiêu thụ không qua các khâu trung gian. Nếu sản xuất phát triển vượt mức kế hoạch mà các tổ chức kinh tế không nhận hết, nông trường được phép bán cho các tổ chức tiêu thụ khác hoặc tự tổ chức chế biến.

Cho phép các nông trường có đủ điều kiện mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm mới, bán sản phẩm sản xuất phụ hoặc thừa do hộ tiêu thụ theo hợp đồng không nhận hết; nhưng phải chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về quản lý thị trường, giá cả, quản lý tài chính, tiền tệ.

Cho phép nông trường được sử dụng một phần sản phẩm vượt kế hoạch, sản phẩm tận thu (gia súc, vườn cây đã khấu hao xong, sản phẩm thu bói) để trao đổi lấy vật tư, để làm quỹ thưởng hiện vật cho cán bộ, công nhân viên và được dành một số sản phẩm bán cho cán bộ, công nhân viên theo giá bán buôn xí nghiệp (trừ những loại sản phẩm Nhà nước thống nhất quản lý), nhưng phải được Bộ trưởng ngành quản lý trực tiếp hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương duyệt.

Trọng tài kinh tế Nhà nước có trách nhiệm xử lý kịp thời mọi sự vi phạm chế độ hợp đồng của Nhà nước đối với các tổ chức tiêu thụ cũng như nông trường.

3. Hạch toán kinh tế.

Hạch toán kinh tế đang là khâu rất yếu trong lĩnh vực quản lý nông trường quốc doanh, không phản ánh đúng thực chất hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc đổi mới công tác kế hoạch hoá, cần coi trọng chấn chỉnh công tác hạch toán kinh tế phù hợp với đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và chế độ quản lý nông trường.

Trước mắt, phải từng bước hạch toán đủ các chi phí sản xuất cần thiết vào giá thành để thúc đẩy việc tăng năng suất, nâng cao chất lượng và hiệu quả, đồng thời khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong lao động cũng như quản lý.

Bộ Tài chính cần cụ thể hoá quyền tự chủ về tài chính của nông trường, định rõ quyền hạn và trách nhiệm vật chất của nông trường. Trên cơ sở đó, nông trường xác định quyền hạn và trách nhiệm của các đội, tổ sản xuất và người lao động.

Để thực hiện tốt công tác hạch toán kinh tế, cần hoàn thiện các định mức kinh tế - kỹ thuật trên cơ sở các nước trung bình tiên tiến đã đạt được; chấn chỉnh lại công tác hạch toán giá thành cho hợp lý trên cơ sở các định mức kinh tế - kỹ thuật và các chế độ kinh tế, tài chính của Nhà nước.

Cần mở rộng việc hạch toán kinh tế đến các cấp đội, tổ sản xuất; hạch toán nội bộ bao gồm hạch toán sản xuất, vật tư, năng lượng, nhiên liệu, thiết bị máy móc, lao động, tiền lương và kết quả thực hành tiết kiệm. Có thể thực hiện rộng rãi việc hạch toán đến nhóm và người lao động về các mặt kết quả thực hiện các định mức sản xuất, vật tư , năng lượng, nhiên liệu, kết quả sản xuất...

Cần thường xuyên phân tích hoạt động kinh tế nông trường, đội, tổ và chú ý cả ba mặt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Thực hiện nghiêm túc các chế độ kế toán Nhà nước, thanh tra, kiểm tra và quyết toán về tài chính, vật tư.

4. Về chế độ tự chủ tài chính.

a) Để tạo điều kiện cho nông trường có đủ vốn cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nông trường được sử dụng vốn tự có, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn lưu động như đối với xí nghiệp công nghiệp quốc doanh theo Nghị quyết số 156-HĐBT ngày 30-11-1984 của Hội đồng Bộ trưởng.

Vốn tự có. Nông trường được xây dựng và mở rộng vốn tự có từ các nguồn sau đây:

- Vốn cố định và vốn lưu động do ngân sách cấp theo chế độ hiện hành.

- Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, trong đó gồm có một phần hay toàn bộ khấu hao cơ bản để lại cho nông trường theo yêu cầu tái trang bị tài sản cố định.

- Quỹ phúc lợi tập thể.

- Quỹ ngoại tệ từ phần lãi xuất khẩu được Nhà nước phân phối (nếu có).

- Các nguồn thu khác như tiền thưởng về tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu , vốn hỗ trợ của cấp trên, v.v...

Nông trường có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn tự có đạt hiệu quả cao, sử dụng đúng mục đích tăng cơ sở vật chất - kỹ thuật và phát triển sản xuất; nghiêm cấm việc sử dụng vào các mục đích khác.

Vốn tự có năm trước nếu không dùng hết được chuyển sang năm sau, không phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Nhà nước tập trung đầu tư lần đầu theo luận chứng kinh tế - kỹ thuật được duyệt.

Các công trình xây dựng nhỏ, đầu tư chiều sâu thì nông trường đầu tư bằng nguồn vốn tự có của mình, hoặc vay ngân hàng, kể cả vay vốn nước ngoài.

Vốn lưu động.

Nhà nước cấp 50% vốn lưu động định mức, còn lại nông trường vay ngân hàng. Hàng năm nông trường dùng một phần vốn tự có để bổ sung vốn lưu động. Trường hợp có thay đổi nhiệm vụ sản xuất, giá vật tư, tiền lương mà vốn tự có của nông trường không đủ thì ngành tài chính, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chủ quản phải kịp thời xác định lại vốn lưu động định mức cho nông trường.

b) Lợi nhuận và phân phối lợi nhuận.

Lợi nhuận định mức cho các loại nông sản của ngành nông nghiệp được tính theo tỷ lệ từ 10 đến 20% trên giá thành hợp lý.

Bộ Tài chính chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các ngành có liên quan quy định tỷ lệ cụ thể cho từng loại sản phẩm.

Lợi nhuận định mức của sản phẩm sản xuất bằng vật tư do nông trường tự tìm kiếm có đăng ký trong kế hoạch được xác định bằng lợi nhuận định mức theo số tiền tuyệt đối của sản phẩm cùng loại do Nhà nước cung ứng vật tư.

Lợi nhuận thực hiện của nông trường được phân phối như sau:

- Nếu là sản phẩm do Nhà nước cung ứng vật tư, thì để lại cho nông trường 50%; nộp ngân sách (bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) 50%.

- Nếu là sản phẩm sản xuất bằng vật tư tự tìm kiếm, thì để lại cho nông trường từ 60 đến 80%; nộp ngân sách (bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) từ 20 đến 40%.

Lợi nhuận để lại cho nông trường sau khi thanh toán các khoản nộp bắt buộc như phạt vì vi phạm hợp đồng kinh tế, phạt nợ ngân hàng quá hạn, chi trả các khoản bất hợp lý, bất hợp lệ không được hạch toán vào giá thành... số còn lại (coi như 100%) được phân phối cho các quỹ theo tỷ lệ sau:

- Trích cho quỹ khuyến khích phát triển sản xuất định mức từ 20 đến 40%, trong đó, dành 1% để lập quỹ dự trữ tập trung ở cấp trên.

- Số còn lại, sau khi đã dành 1% để lập quỹ cơ quan quản lý cấp trên (quỹ Bộ trưởng, quỹ liên hiệp các xí nghiệp, sở), là để lập quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng. Giám đốc nông trường cùng với công đoàn quyết định tỷ lệ trích cho mỗi quỹ theo hướng khoảng 1/3 cho quỹ phúc lợi và khoảng 2/3 cho quỹ khen thưởng.

Khoản trích quỹ phúc lợi của các nông trường quốc doanh Trung ương đóng tại địa phương, góp vào ngân sách địa phương theo điểm 9, mục II của nghị quyết số 138-HĐBT ngày 19-11-1983 của Hội đồng Bộ trưởng sẽ do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu nhận và quyết định sử dụng, chủ yếu để góp phần xây dựng những công trình phúc lợi tại nơi nông trường đóng. Ngoài ra, nông trường không phải đóng góp cho ngân sách địa phương (tỉnh, quận, huyện, phường, xã) bất cứ khoản nào khác trích từ quỹ phúc lợi của nông trường.

Nếu quỹ khen thưởng vượt quá 30% của quỹ lương cơ bản thì nông trường phải nộp tỷ lệ phần trăm theo luỹ tiến từng phần vào ngân sách Nhà nước theo quy định cụ thể của Bộ Tài chính.

Toàn bộ quỹ phúc lợi để lại cho nông trường do công đoàn cơ sở chủ động cùng với giám đốc lập phương án sử dụng, đưa ra hội nghị công nhân, viên chức thảo luận và quyết định.

c) Khuyến khích sản xuất nông sản xuất khẩu.

Lợi nhuận định mức của những nông sản xuất khẩu (kể cả nông sản nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến) cao hơn so với lợi nhuận định mức của sản phẩm cùng loại làm ra tiêu thụ trong nước từ 10% đến 20%.

Các nông trường quốc doanh có mặt hàng xuất khẩu trực tiếp hoặc cung cấp nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu được hưởng quyền sử dụng ngoại tệ theo quy định hiện hành và có quỹ ngoại tệ phục vụ cho việc phát triển sản xuất.

Nông trường giao nộp sản phẩm xuất khẩu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch thì được thưởng khuyến khích bằng ngoại tệ. Nông trường được sử dụng số ngoại tệ thưởng để mua vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất và mua một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống của cán bộ, công nhân viên.

Các xí nghiệp liên hợp, liên hiệp các xí nghiệp, nông trường có mặt hàng và khối lượng xuất khẩu lớn, có kế hoạch ổn định, được cấp trên cho phép trực tiếp tham gia xuất khẩu và thành lập tổ chức chuyên lo công tác xuất, nhập khẩu.

5. Tín dụng.

Ngân hàng nghiên cứu sửa đổi chế độ tín dụng đối với nông trường, chú trọng cho vay để cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất những sản phẩm trọng yếu và sản phẩm xuất khẩu, cho vay triển khai các tiến bộ kỹ thuật mới, có quy mô vừa và nhỏ, có hiệu quả và thu hồi vốn nhanh.

Ngân hàng sớm định lại mức tiền mặt tồn quỹ hợp lý, quy định chế độ cho vay, rút tiền mặt, đáp ứng kịp thời yêu cầu của nông trường để khai thác các nguồn vật tư tự tìm kiếm.

Ngân hàng Nhà nước cần phát huy vai trò trung tâm thanh toán để thúc đẩy luân chuyển vốn sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau, công nợ dây dưa giữa các đơn vị kinh tế.

Các nông trường phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ tín dụng của Nhà nước, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu qủa và trả nợ đúng hạn quy định.

6. Về giá cả.

Thực hiện chế độ giá bán buôn xí nghiệp nông nghiệp đối với tất cả các sản phẩm chính của nông trường có ghi trong chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh của Nhà nước.

Giá bán buôn xí nghiệp nông nghiệp được xác định trên cơ sở giá thành được tính toán theo những định mức hợp lý của từng vùng về tiêu hao vật chất và hao phí lao động do cơ quan có thẩm quyền xét duyệt cộng với lãi định mức được quy định ở điểm 3 nêu trên. Khi giao nộp sản phẩm, nông trường đượcthanh toán bằng giá bán buôn xí nghiệp.

Các nông trường quốc doanh có trách nhiệm thu và nộp ngay, nộp đủ vào ngân sách Nhà nước số chênh lệch giữa giá bán buôn công nghiệp với giá bán buôn xí nghiệp khi giao sản phẩm cho đơn vị tiêu thụ. Trường hợp nông trường tự tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho các cơ quan, xí nghiệp khác và hộ tiêu dùng, phải thực hiện theo giá và chế độ thu quốc doanh do Nhà nước quy định. Bộ Tài chính cùng Bộ chủ quản quy định phần nộp vào ngân sách và phần dành cho nông trường.

Đối với những sản phẩm chưa có giá, yêu cầu cơ quan vật giá phải duyệt kịp thời cho nông trường chậm nhất là 30 ngày (nếu là sản phẩm thời vụ thì 15 ngày) kể từ khi nhận được phương án giá đúng thể thức và nội dung quy định. Quá hạn đó, nông trường được quyền bán và mua theo giá đã đề nghị trong phương án giá.

Các nông trường phải chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ quản lý giá của Nhà nước.

7. Về lao động tiền lương và tiền thưởng.

Nông trường chủ động xây dựng quỹ lương căn cứ vào chỉ tiêu giá trị sản lượng hàng hoá thực hiện, sản phẩm giao nộp.

Mở rộng và hoàn chỉnh việc thực hiện chính sách khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, bảo đảm nguyên tắc gắn mọi loại lao động với kết quả sản xuất cuối cùng; thực hiện khoán quỹ lương đối với bộ máy quản lý nông trường trên cơ sở định mức và tiêu chuẩn được xây dựng hợp lý.

Cho phép nông trường trả lương khoán sản phẩm phần vượt kế hoạchvà sản phẩm ngoài chỉ tiêu pháp lệnh cao hơn đơn giá định mức sản phẩm trong kế hoạch.

Soát lại các định mức kinh tế kỹ thuật hiện có, căn cứ vào định mức trung bình tiên tiến mà điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện thực tế và bổ sung những định mức còn thiếu để bảo đảm mọi sản phẩm đều có định mức và định mức hợp lý làm cơ sở thực hiện chính sách khoán đúng đắn.

Khuyến khích thích đáng việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và tiết kiệm vật tư.

Cho phép nông trường được thuê thêm lao động ngoài xã hội để cân đối nhu cầu lao động khi thời vụ khẩn trương và giảm nhẹ biên chế.

Đối với các nông trường ở các vùng có đồng bào sống xen canh xen cư, căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế và khả năng giải quyết các nhu cầu sinh hoạt cụ thể ở từng nơi mà thu hút họ vào nông trường, riêng đối với đồng bào dân tộc ít người, được phép thu nhận cả gia đình (bao gồm cả người lao động và người ăn theo) vào nông trường.

Căn cứ vào yêu cầu phát triển sản xuất trước mắt cũng như lâu dài, nông trường được cử cán bộ, công nhân đến các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân; khắc phục tình trạng mất cân đối giữa khâu đào tạo và khâu sử dụng cán bộ, công nhân hiện nay.

Mở rộng quyền hạn và trách nhiệm của giám đốc nông trường trong việc định hình thức trả lương, tiền thưởng thích hợp để gắn việc phân phối với kết quả sản xuất và trong việc tuyển dụng, đào tạo, sắp xếp và buộc thôi việc đối với những công nhân viên trong nông trường theo đúng pháp luật của Nhà nước; đồng thời xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người lao động trong quan hệ hợp đồng lao động với nông trường.

III. CHẤN CHỈNH HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ

Để tăng cường quản lý Nhà nước đối với hệ thống nông trường quốc doanh, Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm thống nhất quản lý trên phạm vi cả nước về quy hoạch, phương hướng sản xuất, chính sách kinh tế kỹ thuật, cơ chế quản lý nông trường, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật và quản lý.

Cần xây dựng quy chế cải tiến công tác để thực hiện việc tập trung quản lý các nông trường trực thuộc một số Bộ khác.

Cần hết sức coi trọng việc chấn chỉnh tổ chức quản lý ở cơ sở, Bộ quản lý nông trường phải thực sự gọn nhẹ, gồm giám đốc, từ 1 đến 2 phó giám đốc, các kỹ sư trưởng, một số phòng ban. Kiên quyết giảm nhẹ biên chế gián tiếp, giảm bớt các khâu trung gian không cần thiết để tăng cường cán bộ có năng lực cho đội sản xuất.

Thực hiện đầy đủ quy định của Nhà nước về quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của cán bộ, công nhân, viên chức (Nghị định số 182- CP ngày 26-4-1979). Hàng năm phải tổ chức đại hội công nhân viên chức để phát huy vai trò làm chủ tập thể của cán bộ, công nhân.

Tổ chức hội đồng nông trường làm tư vấn cho cho giám đốc. Hội đồng nông trường bao gồm giám đốc, các phó giám đốc, các cán bộ kinh tế, kỹ thuật và quản lý chủ chốt, và đại biểu công nhân. Hội đồng có quyền thảo luận các dự án kế hoạch phát triển kinh tế, các chủ trương cải tiến quản lý trong nội bộ nông trường, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân...

Mở rộng trách nhiệm và quyền hạn của giám đốc nông trường trong việc tổ chức các hoạt động kinh tế, quản lý sản xuất, quản lý lao động trong nông trường theo các yêu cầu cải tiến quản lý nói ở trên. Cần lựa chọn các cán bộ có năng lực quản lý, có phẩm chất tốt làm tổng giám đốc các liên hiệp xí nghiệp nông - công nghiệp, các nông trường lớn có vị trí kinh tế quan trọng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Cần tổ chức phổ biến Nghị quyết cho đến mọi cán bộ, công nhân, viên chức ở cơ sở, làm quán triệt sâu sắc Nghị quyết thấy rõ nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý và ra sức thực hiện một cách chủ động, tích cực, và đạt kết quả tốt.

Bộ Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cùng với Ban Nông nghiệp Trung ương, Ban Công nghiệp Trung ương, Ban Tổ chức của Chính phủ, Tổng Công đoàn Việt Nam và các Bộ, Tổng cục khác có liên quan xây dựng quy chế về tổ chức ngành kinh tế - kỹ thuật, điều lệ các liên hiệp xí nghiệp nông - công nghiệp, xí nghiệp liên doanh nông - công nghiệp và quy chế cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nông trường cho phù hợp với yêu cầu cải tiến quản lý kinh tế của Trung ương.

Các Bộ Tài chính, Lao động, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng các Bộ, Tổng cục chủ quản và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương căn cứ vào những quy định trên đây sớm ban hành các văn bản cần thiết để hướng dẫn cụ thể trong phạm vi trách nhiệm của mình cho các ngành, địa phương và nông trường thực hiện. Các văn bản hướng dẫn phải có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ.

Các quy chế và văn bản hướng dẫn cụ thể nói trên đây cần được ban hành trong quý I năm 1985.

Dựa vào Nghị quyết này, các Bộ, Tổng cục và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan xây dựng chương trình cụ thể để thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Nghị quyết này đều bãi bỏ.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)