Hệ thống pháp luật

Nhận con nuôi có bắt buộc phải thay đổi giấy khai sinh không?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: HC114

Câu hỏi:

Tôi nhận con của em trai làm con nuôi năm 2007, do em tôi bị bệnh nan y, mất năm 2010, nhưng chưa làm khai sinh mới cho cháu theo tôi ngay, sau đó tôi sang Đức, đến năm 2015 mới có đủ điều kiện về nước và làm thủ tục khai sinh để đón cháu đoàn tụ. Bên Đức yêu cầu sửa theo quy định năm 2007, tôi muốn hỏi theo Nghị định năm 2007 tôi có bắt buộc phải sửa khai sinh cho cháu ngay theo tôi hay tôi có thể khai sinh lại cho cháo khi nào tôi cần?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

Vì bạn nhận con nuôi vào năm 2007 nên căn cứ vào Điều 28 Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định về bổ sung, sửa đổi Giấy khai sinh của con nuôi như sau:

1. Trong trường hợp con nuôi là trẻ bị bỏ rơi mà phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh còn để trống, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh, căn cứ vào Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi ghi bổ sung các thông tin của cha, mẹ nuôi vào phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi, nếu cha mẹ nuôi có yêu cầu. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”.

2. Trong trường hợp giữa cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi có sự thỏa thuận về việc thay đổi phần khai về cha, mẹ từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho con nuôi đăng ký khai sinh lại theo những nội dung thay đổi đó. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ“cha, mẹ nuôi”. Việc đăng ký khai sinh lại phải được ghi rõ trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh trước đây. Bản chính và bản sao Giấy khai sinh của con nuôi được cấp theo nội dung mới. Giấy khai sinh cũ phải thu hồi.

Việc thay đổi phần khai về cha, mẹ nói tại khoản 2 Điều này phải được sự đồng ý của con nuôi, nếu con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên.

Đối với trường hợp của bạn, nếu có sự thỏa thuận giữa cha, mẹ đẻ của con nuôi và bạn có sự thỏa thuận về việc thay đổi phần khai về cha, mẹ từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng lý khai sinh của con nuôi, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đăng ký khai sinh lại theo những nội dung thay đổi đó. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "cha, mẹ nuôi". Việc đăng ký khai sinh lại phải được ghi rõ trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh trước đây. Bản chính và bản sao giấy khai sinh của con nuôi được cấp theo nội dung mới. Giấy khai sinh cũ phải thu hồi. Nếu con nuôi của bạn đủ 9 tuổi trở lên thì việc thay đổi phần khai về cha, mẹ phải được sự đồng ý của con nuôi.

Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam bạn không bắt buộc phải sửa khai sinh cho cháu ngay, mà có thể khai sinh lại cho cháu khi nào bạn cần.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn