Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND TỈNH - HỘI NÔNG DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/QCPH/UBND-HNDT

Thành phố Huế, ngày 01 tháng 04 năm 2016

 

QUY CHẾ

VỀ MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ HỘI NÔNG DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Kết luận số 61/KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đề án: “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”;

Căn cứ Quyết định số 17/1998/QĐ-TTg ngày 24/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định trách nhiệm của các Bộ, các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện đề cập Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả;

Căn cứ Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Kế hoạch số 70/KH-UBND, ngày 19/6/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tiếp tục triển khai Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ;

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất ban hành Quy chế Phối hợp hoạt động giữa UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy chế quy định về phối hợp hoạt động và mối quan hệ công tác trong quá trình xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhằm phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng

Mối quan hệ công tác giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh và Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế là quan hệ phối hợp, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, dân chủ, công khai, nhằm tạo điều kiện để mỗi bên thực hiện, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân; vì lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân - nông dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Điều 3. Nội dung phối hợp

1. Phối hợp tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tạo điều kiện để Hội Nông dân tham gia giám sát cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Chính trị - Xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quy định về việc Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Chính trị- Xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.

2. Phối hợp tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Hội Nông dân như: Quyết định số 17/1998/QĐ-TTg ngày 24/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định trách nhiệm của các Bộ, các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cập Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả; Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011- 2020; Kế hoạch số 70/KH-UBND, ngày 19 tháng 6 năm 2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tiếp tục triển khai Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Phối hợp thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

4. Phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Hội Nông dân và hội viên nông dân.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG

Điều 4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Các kỳ họp của UBND tỉnh bàn về các nội dung liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, UBND tỉnh mời đại diện Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh tham gia. Chỉ đạo các sở, ban, ngành lấy ý kiến tham gia của Ban Thường vụ đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh về ban hành, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách, các vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội Nông dân tỉnh và quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương cho phù hợp với thực tiễn của nông dân, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Chỉ đạo các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động với Hội Nông dân cùng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các cán bộ, công chức thực thi công vụ theo đúng trình tự quy định, về việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà trọng tâm là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Chính trị - Xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; đồng thời có trách nhiệm nghiên cứu giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của Hội Nông dân theo đúng quy định của pháp luật.

3. Tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân tỉnh trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hàng năm xem xét, cấp một phần kinh phí khuyến nông- lâm- ngư cho các cấp Hội Nông dân tổ chức tập huấn, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế; cấp bổ sung kinh phí cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để cho nông dân vay đầu tư phát triển sản xuất- kinh doanh.

4. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hàng năm xây dựng định mức trích từ ngân sách Nhà nước bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện để cho nông dân vay phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

5. Khi có nhiệm vụ đột xuất của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Tỉnh giao cho Hội Nông dân, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cấp bổ sung kinh phí, để Hội Nông dân thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 5. Trách nhiệm của Hội Nông dân tỉnh

1. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục và vận động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội-nhân đạo, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Hội Nông dân tỉnh có nhiệm vụ xây dựng hệ thống tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh về mọi mặt; xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội. Tham gia giám sát và phản biện xã hội, chủ động đề xuất những ý kiến, giải pháp để thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở địa phương.

3. Thường xuyên tổ chức và vận động phong trào nông dân tham gia thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào Nông dân thi đua xây dựng Nông thôn mới; phong trào Nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng an ninh; vận động nông dân ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lao động, sản xuất; đoàn kết tương trợ, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư; tổ chức các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân; quản lý và điều hành tốt nguồn vốn Quỹ hỗ trợ Nông dân.

4. Hàng năm Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành các đơn vị có liên quan tiến hành tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua trong nông dân; kịp thời biểu dương khen thưởng những hộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, những tập thể và cá nhân điển hình, tiên tiến trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; phối hợp xem xét, giải quyết và trả lời đối với những kiến nghị của hội viên và nông dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

5. Hội Nông dân tỉnh có nhiệm vụ hướng dẫn và chỉ đạo hệ thống tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế hoạt động với Ủy ban nhân dân và các cơ quan có liên quan cùng cấp đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

6. Hội Nông dân tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu các chế độ, chính sách của Nhà nước và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của Hội viên, nông dân, chủ động đề xuất với Chính quyền giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.

- Phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh xem xét giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của nông dân, những vấn đề vướng mắc trong nội bộ nông dân và nông thôn, nhằm hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

- Vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần chống tiêu cực, tham nhũng và tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.

Điều 6. Chế độ thông tin, báo cáo

1. UBND tỉnh thường xuyên cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, của tỉnh và tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho Hội Nông dân tỉnh.

2. Định kỳ 06 tháng, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện các chủ trương chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các kiến nghị, đề xuất của nông dân.

3. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đánh giá kết quả phối hợp, đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới để báo cáo UBND tỉnh.

4. Định kỳ hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp kiểm tra; tổ chức Hội nghị để đánh giá kết quả thực hiện Quy chế. Thời gian, nội dung, chương trình hội nghị do Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Văn phòng Hội Nông dân tỉnh chuẩn bị. Khi có công việc cần thiết Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội Nông dân tỉnh họp đột xuất để kịp thời phối hợp giải quyết.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Tổ chức thực hiện

Trên cơ sở Quy chế này, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã và thành phố tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động của đơn vị mình với Hội Nông dân cùng cấp về các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quy chế phối hợp hoạt động giữa Ủy ban nhân dân và Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ban hành kèm theo Quyết định số 1045/1999/QĐ-UB, ngày 28 tháng 5 năm 1999 của UBND tỉnh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện có vấn đề gì cần điều chỉnh, bổ sung hoặc sửa đổi, Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội Nông dân tỉnh thảo luận trong các cuộc họp thường kỳ để giải quyết./.

 

TM. BTV HỘI NÔNG DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thị Minh Huệ

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

Nơi nhận:
- Trung ương Hội NDVN;
- TVTU, TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh;
- Các sở, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX, VP Hội ND tỉnh.