Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2003/QĐ-UB

Ngày 07 tháng 01 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CHÍNH SÁCH CÁN BỘ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN .

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Điều 49 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi 1994).

Thực hiện kết luận số 35/-KL/TU ngày 03/12/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Nghị Quyết ngày 18 + 19 tháng 12 năm 2002 tại kỳ họp lần thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII về một số nội dung chính sách cán bộ xã, phường, thị trấn.

Theo đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này "Quy định một số nội dung về chính sách cán bộ xã, phường, thị trấn " của tỉnh.

Điều 2: Chánh văn phòng HĐND - UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính Vật giá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

TM/ UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Vỹ Hà

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CHÍNH SÁCH CÁN BỘ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2003/QĐ-UB ngày 07/01/2002 của UBND tỉnh Gia Lai).

"Hệ thống chính trị ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư " (Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng lần thứ 5, khóa IX). Đi đôi với hệ thống chính trị ở cơ sở có một đội ngũ cán bộ cơ sở tương ứng. "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém " (Bác Hồ).

Phải xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở thực sự trong sạch-vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở (xã, phường, thị trấn ) trung thành với tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có trình độ, có năng lực công tác, có phẩm chất chính trị, có đạo đức lối sống lành mạnh, gần dân, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Kiên trì phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, xã, phường, thị trấn mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh tại cơ sở.

Mọi cấp, mọi ngành nhất là cấp huyện cần đặc biệt quan tâm sâu sát cơ sở, sát thôn - làng, sát dân trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn, thôn, làng, tổ dân phố phải mạnh, đủ khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Trong khi chờ TW ban hành chế độ chính sách, nếu TW quy định cao hơn, nhiều hơn thì thực hiện theo TW, nếu TW quy định thấp hơn, ít hơn thì thực hiện như quy định của tỉnh về cán bộ xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố và mức sinh hoạt phí, hoạt động phí, công tác phí, như sau:

1- Bí thư Đảng ủy (Chi ủy xã): 550.000 đ/tháng.

2- Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND: 500.000đ/tháng.

3- Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch ủy ban Mặt trận: 480.000đ/tháng.

4- Chỉ huy Trưởng quân sự, Trưởng Công an: 460.000đ/tháng.

Phó chỉ huy Trưởng Quân sự, Phó trưởng Công an: 400.000đ/tháng.

5- Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ nhiệm UB Kiểm tra Đảng ủy: 440.000đ/tháng.

6- Cán bộ chuyên môn: Văn phòng HĐND và UBND - thống kê; Địa chính - nhà đất; Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa xã hội (xoá đói giảm nghèo, truyền thanh...); Kinh tế- kỹ thuật - khuyến nông (nông nghiệp, giao thông, xây dựng, thủy lợi, môi trường...) có bằng cấp chuyên môn từ trung học chuyên nghiệp trở lên xếp ngạch, bậc lương theo quy định. Trường hợp không đủ trình độ chuyên môn theo quy định, tạm xếp: 320.000đ/tháng. Trong thời hạn 24 tháng nếu không đạt trình độ chuẩn phải thay thế người đủ bằng cấp chuyên môn.

Ủy viên UBND làm Chỉ huy Trưởng quân sự, Trưởng công an. Riêng ủy viên UBND làm các chức danh chuyên môn phải tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp trở lên. Hưởng theo chức danh đang đảm nhiệm.

7- Phó Chủ tịch Mặt trận, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó bí thư Đoàn Thanh niên xếp 1/2 mức của cấp trưởng tương ứng .

8- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xếp bằng mức Phó Chủ tịch ủy ban Mặt trận cấp xã. Các chức danh này cần bố trí cán bộ Mặt trận, cán bộ Đoàn thể cấp xã và cán bộ khác có hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp kiêm nhiệm.

9- Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố (hay liên thôn, tổ dân phố) làm Trưởng thôn, tổ dân phố nơi đang sinh sống, xếp bằng 1/3 mức Bí thư cấp xã. Trưởng thôn, tổ dân phố phụ trách chung và chịu trách nhiệm về sản xuất, kinh tế, đời sống nhân dân trong thôn, tổ dân phố.

Phó Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố (hay liên thôn, tổ dân phố) làm Trưởng hay Phó trưởng thôn, tổ dân phố nơi đang sinh sống, xếp tương ứng 1/3 mức Chủ tịch hay Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Phó trưởng thôn, tổ dân phố chịu trách nhiệm an ninh- trật tự, làm cả nhiệm vụ Công an viên.

Trường hợp thôn, tổ dân phố chưa có Bí thư chi bộ, Phó bí thư chi bộ hoặc chưa có đảng viên mới bố trí quần chúng (chưa phải là đảng viên) có lý lịch gia đình tốt, có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức tốt, có khả năng làm tốt nhiệm vụ trưởng, phó trưởng thôn, tổ dân phố xếp bằng 1/3 mức Chủ tịch hay Phó chủ tịch UBND cấp xã. Khi đã có Bí thư chi bộ, Phó bí thư chi bộ hoặc có đảng viên bố trí làm Trưởng thôn, Phó trưởng thôn- tổ dân phố.

Bí thư cấp ủy xã xét duyệt cán bộ thôn, tổ dân phố, lãnh đạo bầu trưởng thôn, tổ dân phố; Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã công nhận trưởng thôn, tổ dân phố. Trường hợp đặc biệt Bí thư cấp xã thống nhất, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, ủy ban nhân dân cấp xã bổ nhiệm trưởng thôn, tổ dân phố.

Phó trưởng thôn, tổ dân phố do cấp xã bổ nhiệm.

10- Trên cơ sở số lượng chức danh và mức hưởng nêu trên, cán bộ xã, phường, thị trấn, Bí thư, Phó bí thư chi bộ, Trưởng, Phó thôn, tổ dân phố phải kiêm nhiệm các chức vụ thấp hơn (kể cả các chức danh chưa có phụ cấp, trợ cấp) được hưởng 30% mức của chức danh kiêm nhiệm . Trường hợp một cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức danh thì chỉ được hưởng 1 mức kiêm nhiệm cao nhất.

11- Giao mỗi xã, phường, thị trấn được tuyển chọn 5 cán bộ dự nguồn. Yêu cầu cán bộ dự nguồn phải tốt nghiệp cấp 3, tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp trở lên, có lý lịch gia đình tốt, có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực, có triển vọng, để làm các công việc cho yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Qua thời gian làm việc, thử thách tốt thay dần cán bộ chủ chốt cơ sở. Mức hưởng cho số cán bộ này: 300.000 đ/tháng.

12- Cán bộ có mức tiền hưởng từ 300.000 đ/tháng trở lên (không kể mức trợ cấp kiêm nhiệm) được tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Khi nghỉ việc có đủ 15 năm (180 tháng) đóng bảo hiểm xã hội, nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, được hưởng chính sách xã hội. Trường hợp còn thiếu 24 tháng trở xuống chưa đóng bảo hiểm xã hội và từ 60 tháng trở xuống mới đủ tuổi nghỉ hưu khuyến khích tự đóng bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc chờ hưu hoặc nghỉ hưởng chế độ thôi việc một lần.

13- Cấp xã phải tuyển chọn kỹ cán bộ trước khi bổ nhiệm, bầu cử; chú ý cán bộ cấp trưởng và cán bộ chuyên trách. Nhiệm kỳ cán bộ bầu cử thực hiện theo quy định hiện hành; cán bộ thuộc diện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhiệm kỳ 5 năm 2 lần ( 2,5 năm/lần).

Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bầu cử, điều chuyển từ vị trí này sang chức vụ khác là cấp trưởng của cán bộ cấp xã đều phải có thoả thuận bằng văn bản của cơ quan chuyên môn, ngành của cấp huyện đồng ý.

14- Cán bộ cấp xã có mức hưởng 300.000 đ/tháng trở lên phải làm việc 40 giờ/tuần. Ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ lễ, tết phải phân công cán bộ lãnh đạo và một số người trực chỉ đạo và bảo vệ cơ quan.

15- Trụ sở cấp xã là cho cả hệ thống chính trị cơ sở làm việc, cần được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây mới theo hướng tầng hóa. Từng bước trang bị phương tiện như: máy vi tính, máy phô tô..., tin học hóa cho những xã, phường, thị trấn đủ điều kiện.

16- Phân cấp và định rõ nội dung một số nguồn thu mà cấp xã có khả năng thực hiện, từng bước thực hiện cấp xã thu đủ chi các nhu cầu thiết yếu.

17- Giao mỗi cấp huyện chọn 1-2 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm khoán chi hành chính.

18- Nguồn kinh phí cấp tăng thêm cho sinh hoạt phí, hoạt động phí, công tác phí của cán bộ cấp xã, thôn từ nguồn tăng thu do ngân sách tỉnh chi trả.

Kinh phí cấp cho cán bộ dự nguồn lấy từ nguồn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức do ngân sách tỉnh chi trả.

Thống nhất chỉ một cấp phó Quân sự, Công an, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội trở xuống cho các chức danh có trong quy định này mới được hưởng phụ cấp, trợ cấp.

19- Hàng năm thực hiện sơ kết rút kinh nghiệm từ cấp xã trở lên. Tỉnh sơ kết rút kinh nghiệm vào đầu năm 2005 và tiếp theo.

20- Giao Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh hướng dẫn cụ thể số lượng, chức danh hưởng phụ cấp, trợ cấp và theo dõi quản lý đội ngũ cán bộ; giao Sở Tài chính Vật giá hướng dẫn cụ thể việc cấp phát và thanh toán; giao Bảo hiểm Xã hội tỉnh hướng dẫn cụ thể việc bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; các sở, ban, ngành có chức năng nhiệm vụ liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện trong phạm vi sở, ngành mình phụ trách. Đồng thời tổng hợp, báo cáo đề xuất, giải quyết kịp thời cho ủy ban nhân dân tỉnh theo hàng quý, hàng năm để chỉ đạo.

Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2003./.