Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 01/2011/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 04 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2010/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước tại Tờ trình số 1523/TTr-LĐTBXH ngày 29/12/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 (có Đề án kèm theo).

Điều 2.

1. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở Đề án này, chủ trì phối hợp các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Đề án đã được phê duyệt đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.

3. Giao Sở tài chính cân đối, bố trí nguồn kinh phí hàng năm và giai đoạn theo đề án để thực hiện triển khai tốt Đề án.

Điều 3.

Các ông (bà): Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2020
(Kèm theo Quyết định số 01/2011/QĐ-UBND ngày 04/01/2011 của UBND tỉnh)

I. Đặc điểm tình hình địa phương

Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, có diện tích tự nhiên là 6857,35 km2, có đường biên giới với nước bạn Campuchia dài 240 km, dân số trung bình năm 2009 là 874.714 người, gồm 41 dân tộc anh em, các dân tộc ít người chiếm khoảng 18,47% dân số, số trẻ em dưới 16 tuổi cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục là 366.012 em, chiếm 41,25% dân số toàn tỉnh, trong thời gian qua công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được các ngành, các cấp, các hội đoàn thể quan tâm giúp đỡ cùng với sự hưởng ứng của cộng đồng cũng đã hạn chế những mặt thiệt thòi cho trẻ em.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bỏ học ngày càng phổ biến. Nhằm tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh và thân thiện để trẻ em được sống, vui chơi, được học tập để phát triển tài năng cho đất nước sau này, nên không ngừng tăng cường củng cố công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong tình hình mới là cần thiết.

II. Thực trạng

1. Thực trạng về công tác tổ chức:

Thời gian gần đây, đặc biệt là từ khi giải thể và thành lập lại bộ máy công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em giao về ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSTE) gặp nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện, thị và xã, phường, thị trấn. Cụ thể như:

- Cấp huyện, thị xã:

+ Biên chế: Hiện số công chức được bố trí làm công BVCSTE tại huyện, thị xã là 10 công chức (01người/huyện) 4 cán bộ chuyên trách, chiếm tỷ lệ 40%, số còn lại kiêm nhiệm thêm một hoặc nhiều nhiệm vụ khác, hầu hết mới đảm nhận nhiệm vụ này, do không có cán bộ nào từ Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em (sau khi giải thể) chuyển sang làm công tác BVCSTE.

+ Mỗi huyện bố trí 01 lãnh đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách công tác BVCSTE.

- Cấp xã, phường, thị trấn: Hiện nay, tất cả các xã, phường, thị trấn đều không còn Ban Dân số - Gia đình và Trẻ em (Ban DSGĐTE), quản lý nhà nước về BVCSTE do cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách, trong đó 100% là kiêm nhiệm, trình độ văn hóa thấp (Tốt nghiệp THPT chiếm 70%, còn lại là tốt nghiệp THCS chiếm 30%) và trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế (Trình độ đại học chiếm 6,8%, Trung cấp chuyên nghiệp chiếm tỷ lệ 52%, còn lại 41,12% trình độ sơ cấp)

Có thể nói từ khi giải thể Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở không còn.

2. Thực trạng về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em:

- Cán bộ lao động ở xã, phường, thị trấn chủ yếu thực hiện chính sách trợ cấp xã hội và giảm nghèo đã vượt khả năng đảm đương công việc, nay lại kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em nên không thể thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn. Bên cạnh đó, ở một nơi chưa thật sự quan tâm, còn giao khoán trắng cho cán bộ chuyên môn. Do đó, công tác chỉ đạo, quản lý chưa chặt chẽ, chưa sát với thực tế và cũng chưa quan tâm tổ chức vận động các nguồn lựctrong khi đó, nguồn kinh phí từ ngân sách chưa nhiều nên việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình vì trẻ em chưa tốt.

Mặt khác, hiện nay đang phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc cần quan tâm giải quyết như: Khoảng cách giàu, nghèo còn lớn, tình trạng học sinh bỏ học, trẻ em vi phạm pháp luật trẻ em phải lao động sớm, trẻ em bị ngược đãi … và cơ hội tiếp cận với các dịch vụ vui chơi giải trí của trẻ em còn hạn chế, tình trạng trẻ em bị lôi kéo vào các dịch vụ Internet, game online bạo lực, các tệ nạn xã hội làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Để tiếp tục củng cố và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án tăng cường công tác Bảo vệ, chăm sóc Trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

III. Căn cứ pháp lý

- Luật Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em ngày 15/6/2004, Luật Phổ cập giáo dục tiểu học ngày 12/8/1991.

- Chỉ thị số 55-CT/TW ngày 28/6/2000 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 20-KH/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

- Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

- Chỉ thị số 03/2000/CT-TTg ngày 24/01/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các hoạt động vui chơi giải trí dành cho trẻ em.

- Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg ngày 26/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010.

- Quyết định số 197/2001/QĐ-TTg ngày 27/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phòng chống tai nạn thương tích.

- Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 11/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010.

- Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em.

- Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Quyết định số 1799/QĐ-BLĐTBXH ngày 31/12/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Chỉ thị số 1408/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

IV. Quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện

1. Quan điểm

1..1 Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển con người của Đảng, Nhà nước ta. Do đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, lâu dài, cần đẩy mạnh liên ngành và đẩy mạnh việc huy động toàn xã hội tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.

1.2. Tạo cơ hội, môi trường thuận lợi phát triển bình đẳng cho trẻ em, trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện về thể lực, trí tuệ, nhân cách.

1.3. Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp, đi đôi với việc huy động đông đảo đội ngũ cộng tác viên thôn, ấp và gia đình đóng vai trò then chốt trong công tác tuyên truyền vận động, phòng ngừa và bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, ngược đãi.       

1.4. Đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là đầu tư góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của đất nước, mang lại hiệu quả xã hội cao.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Hướng tới tạo cơ hội cho trẻ em đều được bình đẳng phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện;

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp kịp thời, vượt qua khó khăn, có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản để phát triển và hòa nhập.

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2020

- Mục tiêu 1: Xây dựng môi trường thân thiện, an toàn và lành mạnh; phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm việc lạm dụng, xâm hại trẻ em để mọi trẻ em được sống, bảo vệ và phát triển.

- Mục tiêu 2: Xây dựng tổ chức đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến cơ sở thôn, ấp, khu phố; nhằm thực hiện tốt các quyền của trẻ em được pháp luật quy định.

- Mục tiêu 3: Phòng ngừa, phát hiện và bảo vệ sớm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, ngược; trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp và tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa vui chơi. Trẻ em và người chưa thành niên có hoàn cảnh đặc biệt (nghiện ma túy, trẻ em làm trái pháp luật …) được chăm sóc, giáo dục, phục hồi và hòa nhập cộng đồng.

- Mục tiêu 4: Tạo cơ hội cho trẻ em được tiếp cận với thông tin, được tham gia vào các hoạt động xã hội, được bày tỏ ý kiến của mình về những vấn đề có liên quan đến trẻ em thông qua các diễn đàn trẻ em ở tất cả các cấp và các cuộc giao lưu đối thoại giữa trẻ em với các cơ quan quản lý, các đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

3. Các chỉ tiêu cơ bản cần thực hiện đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020

3.1. Giai đoạn 2011 - 2015:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2011- 2020; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011- 2015.

- Phát hiện và báo cáo trẻ em bị xâm hại, ngược đãi, lạm dụng sức lao động, buôn bán… để các cơ quan có thẩm quyền, xử lý kịp thời.

- 100% lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cam kết thể hiện trong kế hoạch, nghị quyết, chương trình hành động của chính quyền, địa phương;

- 65% xã, phường, thị trấn được công nhận “xã, phường phù hợp với trẻ em”.

- 40% gia đình đạt tiêu chuẩn “ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em”;

- 40% xã, phường có điểm vui chơi cho trẻ em;

- 80 % trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc;

- 95% số trẻ em được đăng ký khai sinh trước 5 tuổi;

- 100% công chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp; viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cộng tác viên thôn, ấp, khu phố được bồi dưỡng nghiệp vụ cung cấp kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

3.2. Giai đoạn 2015 - 2020:

- Triển khai thực hiện đạt hiệu quả tốt giai đoạn 2 (2015 - 2020) Chương trình hành động vì trẻ em;

- 75% xã, phường, thị trấn được công nhận “xã, phường phù hợp với trẻ em”.

- 70% gia đình đạt tiêu chuẩn “ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em”.

- 45% xã phường có điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em.

- 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc.

- 98% số trẻ em được đăng ký khai sinh trước 5 tuổi.

V. Giải pháp thực hiện

1. Lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp:

- Chính quyền các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, ban hành các nghị quyết, chính sách về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát và đầu tư nguồn lực để thực hiện các chương trình, mục tiêu, các đề án, dự án về bảo vệ chăm sóc trẻ em giai đoạn 2011 - 2020.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và giáo dục:

- Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng nhằm làm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và đề cao trách nhiệm gia đình, nhà trường và xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động cụ thể và tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động truyền thông để đáp ứng nhu cầu hoạt động bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em trong thời gian tới.

- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, phong trào “ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cái thảo hiền”, “người lớn gương mẫu, con cháu chăm ngoan”.

3. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em:

- Thực hiện tốt các quyền của trẻ em theo quy định của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em quy định. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành thông qua việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tổ chức các hoạt động giao lưu học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh. Tổ chức thực hiện phong trào “toàn dân bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao cho trẻ em…các hoạt động nhân đạo từ thiện nhằm tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em. Đưa các nội dung bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào hương ước, quy ước, xây dựng khu dân cư văn hóa và xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em.

- Đầu tư xây dựng các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em tại các xã, phường, thị trấn.

- Khen thưởng kịp thời các tổ chức cá nhân, gia đình tiêu biểu, gương mẫu thực hiện tốt có thành tích bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Xử lý nghiêm khắc và lên án những hành vi xâm hại bạo hành đối với trẻ em.

4. Củng cố kiện toàn bộ máy, cán bộ và nâng cao năng lực quản lý:

Bố trí ở mỗi xã, phường, thị trấn 01 định suất phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bố trí ở mỗi thôn, ấp, khu phố 01 cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

5. Chính sách về đầu tư nguồn lực:

- Ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em để tăng cường hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến khích cộng đồng thôn, ấp, khu phố lồng ghép đưa nội dung bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào nội dung của hương ước, quy ước.

- Rà soát các văn bản của tỉnh về chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đề án, dự án của tỉnh có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để sửa đổi bổ sung cho phù hợp và xây dựng các đề án cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội giai đọan 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

- Tăng cường hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương cho các chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

VI. Kinh phí thực hiện

Để thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, hàng năm ngân sách tỉnh cân đối đảm bảo cho các hoạt động:

1. Kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch, UBND tỉnh cân đối hỗ trợ theo tình hình thực tế của địa phương.

2. Chi tra phụ cấp cho cán bộ xã, phường, thị trấn phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em với mức bằng 0,15 mức lương tối thiếu chung; cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn ấp, khu phố được hỗ trợ mức bằng 0,1 hệ số lương tối thiểu chung.

VII. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2010 và những năm tiếp theo.

- Quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Huy động nguồn nhân lực của ngành và phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra thuộc lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã bố trí cán bộ phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các xã, phường, thị trấn và lực lượng cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, ấp, khu phố nhằm tổ chức quản lý và thực hiện tốt chương trình mục tiêu vì trẻ em tỉnh tại địa phương, đảm bảo thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện và định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện chương trình hành động vì trẻ em hàng năm.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định số 60/2006/QĐ-UBND ngày 31/5/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách khen thưởng đối với công tác dân số, gia đình và trẻ em trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào “toàn dân bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện các sở, ngành, địa phương. Theo dõi, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp tình hình báo cáo kết quả cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn UBND các huyện, thị xã bố trí cán bộ phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các xã, phường, thị trấn và lực lượng cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, ấp, khu phố.

3. Sở Tài chính

- Tham mưu UBND tỉnh phân bổ ngân sách hàng năm cho các chương trình mục tiêu vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020 và những nhiệm vụ chi theo kế hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt.

- Giám sát, kiểm tra việc sử dụng ngân sách của chương trình mục tiêu vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020 và các kế hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt nhằm đảm bảo chi tiêu đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nội dung chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh vận động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức từ thiện xã hội tạo thêm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ của đề án, chương trình và kế hoạch của tỉnh đã ban hành.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục pháp luật có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đồng thời xây dựng các tin, bài, phóng sự tuyên dương, nêu gương người tốt việc tốt và phê phán những cá nhân, tập thể vi phạm các quyền của trẻ em.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan nghiên cứu và triển khai có hiệu quả các hoạt động xây dựng trường học thân thiện với trẻ em, tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề cho thanh niên, học sinh sinh viên trong và ngoài nhà trường cùng tham gia nhằm nâng cao nhận thức về các quyền và trách nhiệm của trẻ em theo luật định, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Làm tốt công tác vận động toàn dân đưa trẻ đến trường.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch xây dựng điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em ở các xã, phường, thị trấn.

- Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; lồng ghép chỉ tiêu về xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em vào việc công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

- Nhân rộng các mô hình gia đình điển hình tiêu biểu, gia đình có trẻ em vượt khó vươn lên học giỏi, mô hình “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”; đồng thời, duy trì tốt nội dung tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong các hoạt động về xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, trong chiếu phim, thông tin lưu động tại các tụ điểm công cộng và ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

8. Ban Dân tộc

Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, theo dõi việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số nhất là trẻ em bỏ học, trẻ em chưa được đến trường để có hướng đề xuất giải quyết, vận động gia đình và nhà trường giúp các em thực hiện tốt.

9. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Phước

- Tham mưu UBND tỉnh cho phép mở chuyên mục “Bảo vệ quyền trẻ em”, nội dung tuyên truyền về chủ đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và phát sóng định kỳ hàng tuần nhằm phổ biến rộng rãi trong cộng động về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, để vận động chuyển đổi hành vi, biểu dương, động viên những điển hình xuất sắc tiêu biểu, phản ánh những bất cập trì trệ và là cầu nối phản biện xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

- Phối hợp với ngành Sở động - Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng nội dung tuyên truyền. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cung cấp tư liệu, nội dung tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho các cơ quan thông tin đại chúng.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi… tăng cường phối hợp tuyên truyền vận động các đoàn viên, hội viên hưởng ứng thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

- Lồng ghép các mục tiêu xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh; tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách đối với trẻ em.

- Kêu gọi, vận động các nhân sỹ, trí thức, các già làng, chức sắc tôn giáo cùng hưởng ứng, vận động nhân dân thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

11. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh

- Triển khai phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và của địa phương về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho công chức, viên chức và người lao động thực hiện.

- Phát động phong trào thi đua thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền vận động các tổ chức Công đoàn vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh.

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách đối với trẻ em ở các cấp Công đoàn.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

- Trên cơ sở nội dung Đề án, tham mưu cho Huyện ủy, Thị ủy lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương tham gia thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án. Bố trí kinh phí của địa phương để thực hiện. Nếu huyện, thị xã nào để tình trạng bạo hành, ngược đãi, xâm hại trẻ em xãy ra thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và chịu trách nhiệm trước Huyện ủy, Thị ủy về nhiệm vụ được giao.

- Chỉ đạo xây dựng, tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020 tuyến huyện, thị xã. Đặc biệt chú trọng đến các hoạt động như tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

- Bố trí kinh phí từ ngân sách huyện, thị xã đảm bảo các hoạt động trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Chỉ đạo và theo dõi các xã, phường, thị trấn củng cố đội ngũ cộng tác viên ở thôn, ấp, cán bộ chuyên trách về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn đã được giao. Chỉ đạo các ban, ngành ở địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đề án đã đề ra.