Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 02/2009/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 05 tháng 02 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ SỬ DỤNG QUỸ PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 50/CP ngày 10/5/1997 của Chính phủ ban hành quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ phòng, chống lụt, bão;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 47/STC-NS ngày 08/01/2009;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh:

Quỹ phòng, chống lụt, bão được lập ở cấp tỉnh, cấp huyện. Quỹ phòng, chống lụt, bão là một nguồn thu huy động từ các tổ chức cá nhân cư trú trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Việc đóng góp vào Quỹ phòng, chống lụt, bão là nghĩa vụ của tất các tổ chức kinh tế và mọi công dân cư trú trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ:

Quỹ phòng, chống lụt, bão là quỹ chuyên dùng của cấp tỉnh và cấp huyện nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống lụt, bão của địa phương, được theo dõi riêng không phản ánh vào thu chi ngân sách Nhà nước.

Quỹ phòng, chống lụt, bão được mở tài khoản tiền gởi tại Kho bạc Nhà nước để tập trung quản lý và theo dõi.

Quỹ phòng, chống lụt, bão của tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài chính làm chủ tài khỏan. Quỹ phòng, chống lụt, bão của cấp huyện do chủ tịch UBND cấp huyện ủy quyền cho Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch làm chủ tài khoản.

Điều 3. Đối tượng và mức thu:

1. Đối tượng huy động Quỹ phòng, chống lụt, bão:

- Công dân Việt Nam trong độ tuổi quy định: nam từ đủ 18 tuổi đến 60 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến 55 tuổi, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại Lâm Đồng từ 6 tháng trở lên.

- Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đóng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

2 Mức thu Quỹ phòng, chống lụt, bão:

- Đối với công dân trong độ tuổi quy định: thu tương đương 01kg thóc/năm/lao động nông nghiệp và 02 kg thóc/năm/lao động các ngành nghề khác.

- Đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể: tùy theo quy mô kinh doanh để thu.

Doanh nghiệp:

+ Doanh nghiệp có mức thuế môn bài 3.000.000 đ/năm: thu tương đương 160 kg thóc/năm;

+ Doanh nghiệp có mức thuế môn bài 2.000.000 đ/năm: thu tương đương 120 kg thóc/năm;

+ Các doanh nghiệp còn lại (bao gồm cả các hợp tác xã, các tổ chức kinh tế khác): thu tương đương 80 kg thóc/năm.

Hộ kinh doanh cá thể:

+ Thuế môn bài bậc 6: Thu tương đương 12 kg thóc/năm;

+ Thuế môn bài bậc 5: Thu tương đương 20 kg thóc/năm;

+ Thuế môn bài bậc 4: Thu tương đương 32 kg thóc/năm;

+ Thuế môn bài bậc 3: Thu tương đương 48 kg thóc/năm;

+ Thuế môn bài bậc 2: Thu tương đương 56 kg thóc/năm;

+ Thuế môn bài bậc 1: Thu tương đương 72 kg thóc/năm.

3. Về giá thóc:

Mức thu Quỹ phòng, chống lụt, bão được xác định theo mức giá thóc tính thuế do UBND tỉnh quyết định theo thẩm quyền tại từng thời điểm.

Điều 4. Các trường hợp miễn hoặc tạm hoãn đóng góp quỹ phòng, chống lụt, bão:

1. Đối tượng được miễn:

- Đồng bào ở các xã đặc biệt khó khăn theo danh sách các xã đặc biệt khó khăn quy định tại Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 và Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thương binh, bệnh binh và những người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh;

- Cha, mẹ, vợ hoặc chồng của liệt sỹ; cha mẹ ruột, vợ hoặc chồng của sỹ quan, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại vùng biên giới, hải đảo;

- Quân nhân làm nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí;

- Học sinh đủ 18 tuổi đang học phổ thông; học sinh, sinh viên đang học tập trung dài hạn tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học và dạy nghề;

- Người tàn tật không có khả năng lao động, người bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên;

- Các thành viên hộ gia đình nghèo đang hưởng trợ cấp của Quỹ xoá đói giảm nghèo; hộ gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới đang trong thời kỳ được hưởng chế độ miễn giảm theo quy định của Nhà nước;

- Các doanh nghiệp công ích và hợp tác xã nông nghiệp;

2. Đối tượng được miễn có thời hạn:

- Lao động thuộc các hộ gia đình ở vùng bị thiên tai, mất mùa được miễn đóng góp trong vòng 1 năm (bị thiên tai mất mùa năm nào thì được miễn đóng góp vào quỹ phòng chống bão lụt năm đó).

- Các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng;

3. Thẩm quyền quyết định miễn hoặc tạm hoãn đóng góp: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt (sau đây gọi là UBND cấp huyện) quyết định miễn, tạm hoãn đối với các đối tượng nêu trên.

4. Thời hạn được miễn, tạm hoãn: Việc xét miễn, tạm hoãn đóng góp Quỹ phòng, chống lụt, bão được tiến hành mỗi năm một lần vào thời điểm giao chỉ tiêu kế hoạch thu quỹ. Trường hợp đối tượng đã đóng góp tiền vào Quỹ phòng, chống lụt, bão nay được xét tạm hoãn thì số tiền đã nộp được trừ vào số tiền phải đóng góp năm sau.

Điều 5. Thu nộp, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão.

1. Thu nộp Quỹ phòng, chống lụt, bão.

- UBND cấp huyện tổ chức thu đóng góp quỹ và phân bổ chỉ tiêu thu cho các tổ chức ở phường, xã, thị trấn. Hàng năm UBND các phường, xã, thị trấn lập danh sách các đối tượng thu và mức thu báo cáo UBND cấp huyện xét duyệt và tổ chức thu nộp vào Quỹ.

- Quỹ phòng, chống lụt, bão thu mỗi năm một lần; tiền quỹ thu được nộp vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước ở địa phương.

- Quỹ phòng, chống lụt, bão sử dụng biên lai thu tiền do Sở Tài chính phát hành và quản lý theo quy định của Bộ Tài chính.

2. Quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão.

- Các xã, phường, thị trấn được trích để lại 7% trên số tiền thực thu để chi phục vụ công tác thu, số còn lại (xem như 100%) được trích nộp như sau:

+ Nộp 60% vào Quỹ phòng, chống lụt, bão cấp tỉnh để chi phục vụ công tác phòng, chống bão, lụt theo phương án chung của tỉnh và điều hoà kinh phí cho các địa phương trong tỉnh khi có bão, lụt;

+ Số còn lại 40% nộp vào Quỹ phòng, chống lụt, bão cấp huyện để chi cho công tác phòng, chống bão lụt của địa phương.

- UBND cấp huyện trực tiếp quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão được phân cấp.

- Quỹ phòng, chống lụt, bão được sử dụng như sau:

+ Tập huấn cho các đối tượng trong các đội xung kích;

+ Diễn tập các phương án phòng, chống bão, lụt;

+ Hỗ trợ xử lý sự cố đê, đập ở trong tỉnh;

+ Tuần tra canh gác đê, đập và trực phòng, chống bão, lụt;

+ Hỗ trợ tu sửa trường học.

Điều 6. Quyết toán thu, chi Quỹ phòng, chống lụt, bão:

Hàng năm Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện lập báo cáo quyết toán thu chi Quỹ phòng, chống, lụt bão trình UBND, HĐND cấp huyện phê duyệt và gửi về Sở Tài chính để tổng hợp. Sở Tài chính lập báo cáo quyết toán thu chi Quỹ phòng, chống, lụt bão cấp tỉnh và tổng hợp quyết toán thu chi Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương gửi UBND, HĐND tỉnh phê duyệt và gửi về Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký, các quy định về Quỹ phòng, chống lụt, bão trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 8: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt; các tổ chức, đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa