TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2-QĐ/PCTT | Hà Nội, ngày 13 tháng 1 năm 1983 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC SỐ 2-QĐ/PCTT NGÀY 13-1-1983 VỀ VIỆC UỶ QUYỀN THƯỜNG XUYÊN CHO CÁC CƠ QUAN TRỌNG TÀI KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP VỀ HỢP ĐỒNG KINH TẾ
CHỦ TỊCH TRỌNG TÀI KINH TẾ
Căn cứ vào Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế Nhà nước và hoạt động của Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành kèm theo nghị định số 75-CP ngày 14-4-1975 của Hội đồng Chính phủ;
Căn cứ vào quyết định số 6-CP ngày 5-1-1981 của Hội đồng Chính phủ về thẩm quyền xử lý của các cơ quan Trọng tài kinh tế đối với các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế;
Căn cứ vào nghị định số 24-HĐBT ngày 10-8-1981 của Hội đồng bộ trưởng sửa đổi, bổ sung một số điểm về tổ chức Trọng tài kinh tế ở các cấp các ngành;
Để bảo đảm việc xét xử các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế được khẩn trương kịp thời, tránh phiền hà và đỡ tốn kém cho các bên đương sự, đồng thời tạo điều kiện từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử cho các cơ quan Trọng tài kinh tế các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương;
Theo đề nghị của các đồng chí chủ tịch Trọng tài kinh tế các cấp, các ngành.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. - Nay uỷ quyền thường xuyên cho các tổ chức Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương xét xử các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế sau đây:
1. Tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa hai đơn vị thuộc hai ngành trung ương quản lý cùng đóng trong một địa phương; tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa một đơn vị thuộc trung ương quản lý và một đơn vị thuộc địa phương quản lý và một đơn vị thuộc địa phương quản lý cùng đóng trong một địa phương, được các bên đương sự đã thoả thuận ghi vào biên bản hiệp thương yêu cầu Trọng tài kinh tế địa phương nơi xảy ra tranh chấp hợp đồng xét xử.
2. Tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa hai đơn vị thuộc hai ngành trung ương quản lý đóng ở hai địa phương khác nhau; giữa một đơn vị thuộc trung ương quản lý và một đơn vị thuộc địa phương quản lý đóng ở hai địa phương khác nhau: giữa hai đơn vị thuộc hai địa phương khác nhau quản lý mà các bên đương sự thảo thuận ghi vào biên bản hiệp thương yêu cầu Trọng tài kinh tế địa phương nơi xảy ra tranh chấp xét xử thì Trọng tài kinh tế địa phương ấy xét xử.
Điều 2. - Đối với các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế nói ở các khoản 1 và 2 của điều 1 trên đây, nếu trong biên bản hiệp thương các bên không thoả thuận ghi Trọng tài kinh tế địa phương nào xét xử, thì các vụ tranh chấp đó thuộc thẩm quyền xét xử của Trọng tài kinh tế Nhà nước. Trọng tài kinh tế địa phương chỉ được xét xử các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế này kho có quyết định uỷ quyền xét xử của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước.
Điều 3. - Các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa hai đơn vị thuộc hai ngành trung ương quản lý hoặc một đơn vị thuộc trung ương quản lý và một đơn vị thuộc địa phương cùng đóng trên lãnh thổ thành phố Hà nội, thành Hải Phòng thì vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Trọng tài kinh tế Nhà nước.
Điều 4. - Trong khi giải quyết các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế được uỷ quyền, nếu gặp những vụ quá phức tạp, khó khăn, thì Trọng tài kinh tế địa phương phải xin ý kiến của Trọng tài kinh tế Nhà nước trước khi xét xử.
Điều 5. - Trong các trường hợp được uỷ quyền xét xử nói trong quyết định này, nếu đương sự không tán thành quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế địa phương thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký quyết định xét xử đương sự có quyền kháng cáo lên chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước, nhưng trong khi chờ đợi được giải quyết, vẫn phải chấp hành quyết định xét xử đó.
Điều 6. - Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 2 năm 1983.
Điều 7. - Các đồng chí chủ tịch Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục, tỉnh thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| Nguyễn Quang Xá (Đã ký) |