BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2006/QĐ-BTNMT | Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 2006 |
BAN HÀNH QUY CHẾ THÀNH LẬP, DI CHUYỂN, NÂNG CẤP, HẠ CẤP, GIẢI THỂ TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn ngày 02 tháng 12 năm 1994;
Căn cứ Nghị định số 24/CP ngày 19 tháng 3 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn;
Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khí tượng Thuỷ văn và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thành lập, di chuyển, nâng cấp, hạ cấp, giải thể trạm khí tượng thủy văn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Chỉ thị số 540/KTTV ngày 03 tháng 8 năm 1977 của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn về thủ tục xây dựng và di chuyển trạm khí tượng thủy văn.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Khí tượng Thủy văn, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
THÀNH LẬP, DI CHUYỂN, NÂNG CẤP, HẠ CẤP, GIẢI THỂ TRẠM KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2006/QĐ-BTNMT ngày 17 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định trình tự, thủ tục, nội dung về việc thành lập, di chuyển, nâng cấp, hạ cấp và giải thể trạm khí tượng bề mặt, khí tượng nông nghiệp, khí tượng cao không, khí tượng hải văn và thuỷ văn (sau đây gọi chung là trạm khí tượng thủy văn) và việc tiếp nhận trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng vào mạng lưới trạm khí tượng thủy văn cơ bản.
2. Quy chế này áp dụng đối với trạm khí tượng thủy văn cơ bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý và trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng được tiếp nhận.
Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Trạm khí tượng thủy văn là công trình để quan trắc các yếu tố khí tượng thủy văn, các yếu tố môi trường không khí và nước trên mặt đất, dưới nước, trên sông, hồ, biển và trên không.
2. Trạm khí tượng thủy văn cơ bản là trạm được Nhà nước đầu tư xây dựng, nhằm điều tra cơ bản về khí tượng thủy văn, do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, khai thác ổn định, lâu dài phục vụ cho nhu cầu của xã hội.
3. Trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng là trạm do các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế, quốc phòng, an ninh và cá nhân (gọi chung là Chủ công trình) xây dựng, quản lý, khai thác chủ yếu phục vụ mục đích, nhu cầu chuyên ngành.
4. Loại trạm là khái niệm để phân loại các trạm khí tượng thuỷ văn theo bộ môn mà trạm thực hiện quan trắc.
5. Hạng trạm là khái niệm chỉ cấp bậc của từng loại trạm, xác định trên cơ sở nhiệm vụ và yếu tố quan trắc của trạm, được quy định thống nhất đối với từng loại trạm.
6. Thành lập trạm là xây dựng mới trạm và triển khai hoạt động quan trắc tại một địa điểm mà trước đây chưa có trạm hoặc có trạm nhưng đã giải thể.
7. Nâng cấp trạm là tăng thêm nhiệm vụ hoặc yếu tố quan trắc cho trạm và nâng hạng trạm lên hạng cao hơn.
8. Hạ cấp trạm là giảm nhiệm vụ hoặc yếu tố quan trắc của trạm và hạ hạng trạm xuống hạng thấp hơn.
9. Di chuyển trạm là sự di chuyển toàn bộ trạm hoặc một số hạng mục công trình của trạm khỏi vị trí hiện đang hoạt động đến vị trí mới đã được lựa chọn.
10. Giải thể trạm là ngừng hẳn toàn bộ công việc quan trắc và chấm dứt mọi hoạt động khác của trạm.
11. Công trình chuyên môn là công trình để lắp đặt các thiết bị quan trắc hoặc phục vụ quan trắc các yếu tố khí tượng thuỷ văn, môi trường không khí và nước.
1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định di chuyển các trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản thuộc loại đặc biệt và thuộc mạng lưới phát báo quốc tế theo Điều 11 Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, Điều 3 và khoản 2 Điều 11 Nghị định 24/CP ngày 19 tháng 3 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn;
b) Phê duyệt chủ trương xây dựng trạm, vị trí đặt trạm; quyết định thành lập trạm; phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm (trừ các dự án đầu tư xây dựng trạm đã phân cấp cho Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia); quyết định đưa trạm mới xây dựng và công trình nâng cấp trạm vào hoạt động; quyết định nâng cấp, hạ cấp, giải thể đối với các trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản;
c) Quyết định di chuyển các trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản không thuộc quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
d) Quyết định tiếp nhận trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng vào mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản.
2. Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia: Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản theo phân cấp.
THÀNH LẬP TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN CƠ BẢN
1. Việc thành lập trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản phải theo quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trường hợp chưa có trong quy hoạch nhưng cần thành lập trạm để đáp ứng yêu cầu mới phát sinh về điều tra cơ bản, cảnh báo, dự báo phục vụ, nghiên cứu khoa học và các yêu cầu khác của xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Điều 5. Yêu cầu chung về vị trí đặt trạm
1. Vị trí đặt trạm khí tượng thủy văn cơ bản phải có tính đại biểu cho khu vực hoặc lưu vực sông về điều kiện tự nhiên, khí tượng thuỷ văn, đặc biệt đối với các yếu tố khí tượng thuỷ văn mà trạm quan trắc; phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, được quy định trong các quy phạm quan trắc khí tượng thuỷ văn tương ứng.
2. Hành lang an toàn kỹ thuật của từng loại trạm khí tượng thuỷ văn phải thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 24/CP ngày 19 tháng 3 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn.
3. Điều kiện về giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước; điều kiện về sinh hoạt, làm việc của quan trắc viên phải bảo đảm theo yêu cầu của từng loại trạm. Quy hoạch xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực không ảnh hưởng đến hoạt động sau này của trạm.
Điều 6. Trình tự thành lập trạm
Thành lập trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản phải theo trình tự sau:
1. Khảo sát sơ bộ, xác định vị trí đặt trạm;
2. Thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền về vị trí đặt trạm;
3. Khảo sát kỹ thuật, xác định quy mô, kiểu loại công trình quan trắc;
4. Thẩm định, quyết định thành lập trạm của cấp có thẩm quyền;
5. Khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư xây dựng trạm;
6. Thẩm định, phê duyệt dự án xây dựng trạm của cấp có thẩm quyền;
7. Xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị cho trạm;
8. Nghiệm thu kỹ thuật, vận hành thiết bị, quan trắc kiểm tra;
9. Quyết định đưa trạm vào hoạt động chính thức.
1. Khảo sát chung, gồm các nội dung sau:
a) Khảo sát các điều kiện tự nhiên về địa hình, thổ nhưỡng, thảm thực vật, lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió thịnh hành, bão, lũ, lụt, môi trường xung quanh để xem xét, đánh giá tính đại biểu cho khu vực hoặc lưu vực sông dự kiến đặt trạm;
b) Khảo sát điều kiện bảo đảm về hành lang an toàn kỹ thuật của trạm;
c) Tìm hiểu, nắm vững tình hình quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tại khu vực dự kiến đặt trạm;
d) Khảo sát các điều kiện về sinh hoạt, giao thông, thông tin liên lạc, nguồn cung cấp điện và nước;
e) Xác định sơ bộ toạ độ, cao độ vị trí khu đất đặt trạm, vị trí dự kiến xây dựng công trình quan trắc;
f) Xin ý kiến của chính quyền địa phương về vị trí trạm đã khảo sát sơ bộ.
2. Ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, cần khảo sát một số nội dung riêng đối với các loại trạm khác nhau:
a) Trạm khí tượng bề mặt, khí tượng nông nghiệp, khí tượng cao không cần xác định sơ bộ vị trí, chiều cao của các vật che chắn; khoảng cách, hướng của các vật che chắn đối với vị trí đặt vườn quan trắc hoặc công trình chuyên môn;
b) Trạm thuỷ văn cần tìm hiểu đặc điểm chung và các đặc trưng về thuỷ văn của lưu vực sông; lựa chọn đoạn sông có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để đặt trạm; tìm hiểu đặc điểm dòng chảy; điều tra sơ bộ mực nước cao nhất, mực nước thấp nhất, hiện tượng nước vật, hiện tượng phân lưu, nhập lưu, hiện tượng mất nước trên đoạn sông; xác định khả năng khống chế lũ cao của đoạn sông; tìm hiểu việc sử dụng, khai thác đoạn sông, tình hình sử dụng, khai thác nước sông hiện tại và dự kiến biến đổi do sự phát triển dân sinh, kinh tế, việc xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện...;
c) Trạm khí tượng hải văn cần khảo sát đặc điểm, chế độ thuỷ triều ở khu vực dự kiến đặt trạm; khảo sát độ thông thoáng về phía biển đối với các hướng gió chính, hướng gió thịnh hành; xác định sơ bộ độ sâu của biển ở khu vực quan trắc sóng, mực nước cao nhất, mực nước thấp nhất, độ dốc và độ khúc khuỷu của đường bờ; khảo sát sơ bộ các đảo, bãi cát nổi, bãi đá ngầm hay các chướng ngại vật khác (nếu có)...
3. Lập báo cáo khảo sát sơ bộ theo Mẫu số 1 Phụ lục 1 Quy chế này.
1. Khảo sát kỹ thuật chỉ được tiến hành sau khi vị trí đặt trạm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một số trường hợp, khi vị trí của trạm cơ bản đã được xác định, thông tin liên quan đến các nội dung khảo sát sơ bộ đã rõ ràng (thường là các trạm khí tượng), hoặc khu vực phải khảo sát ở quá xa, hẻo lánh, đi lại khó khăn (thường là các trạm thuỷ văn) thì có thể kết hợp luôn cả khảo sát sơ bộ và khảo sát kỹ thuật, nhưng phải được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Nội dung khảo sát kỹ thuật đối với từng loại trạm theo quy định tại
Phụ lục 2 Quy chế này.
3. Lập báo cáo khảo sát kỹ thuật theo Mẫu số 2 Phụ lục 1 Quy chế này.
Điều 9. Xây dựng và đưa trạm vào hoạt động
1. Việc khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư và xây dựng trạm phải thực hiện theo các quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng.
2. Công trình chuyên môn, máy móc, thiết bị sau khi lắp đặt phải được nghiệm thu kỹ thuật, vận hành, quan trắc kiểm tra nhằm đánh giá chất lượng lắp đặt, độ ổn định của công trình, thiết bị trước khi đưa trạm vào hoạt động, chính thức thu thập số liệu.
1. Hồ sơ khảo sát sơ bộ (2 bộ), nội dung gồm:
a) Tờ trình của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia;
b) Báo cáo khảo sát sơ bộ do Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực lập theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Quy chế này;
c) Văn bản đồng ý của chính quyền địa phương về vị trí đặt trạm (bản sao);
d) Văn bản thẩm định của đơn vị chuyên môn thuộc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia.
2. Hồ sơ khảo sát kỹ thuật (2 bộ), nội dung gồm:
a) Tờ trình của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia;
b) Báo cáo khảo sát kỹ thuật do Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực lập theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Quy chế này;
c) Văn bản của chính quyền địa phương đồng ý cấp đất và cho phép xây dựng trạm (bản sao);
d) Các văn bản pháp lý khác liên quan đến việc thành lập trạm (nếu có);
e) Bản sao hồ sơ kỹ thuật trạm (nếu là trạm cũ đã giải thể nay phục hồi lại);
f) Văn bản thẩm định của đơn vị chuyên môn thuộc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia.
3. Hồ sơ xây dựng trạm (2 bộ), nội dung gồm:
a) Tờ trình của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia kèm văn bản thẩm định các tiêu chuẩn về khí tượng thuỷ văn của đơn vị chuyên môn thuộc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia (nếu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ);
b) Hồ sơ về đầu tư xây dựng trạm, được Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực lập theo các quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng;
c) Bản sao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập trạm khí tượng thuỷ văn;
d) Bản sao Quyết định cấp đất của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kèm theo sơ đồ mặt bằng khu đất đặt trạm;
4. Hồ sơ đề nghị đưa trạm vào hoạt động chính thức (2 bộ), nội dung gồm:
a) Tờ trình của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia;
b) Biên bản nghiệm thu kỹ thuật công trình chuyên môn, biên bản nghiệm thu lắp đặt thiết bị, máy móc;
c) Báo cáo của Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực về kết quả quan trắc kiểm tra, đánh giá chất lượng lắp đặt và độ ổn định của công trình, thiết bị;
d) Văn bản thẩm định của đơn vị chuyên môn thuộc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia.
DI CHUYỂN TRẠM KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN CƠ BẢN
Điều 11. Các trường hợp phải di chuyển
1. Vị trí trạm đang hoạt động không còn phù hợp với quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Do yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh Nhà nước cần thu hồi đất thuộc khu vực trạm.
3. Hành lang an toàn kỹ thuật hoặc công trình quan trắc của trạm không còn bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, không an toàn để quan trắc do các biến đổi tự nhiên, do đô thị hoá hoặc do ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế - xã hội.
1. Vị trí mới phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để đặt trạm khí tượng thuỷ văn. Điều kiện khí tượng thuỷ văn ở vị trí trạm cũ và vị trí trạm mới về cơ bản phải tương tự nhau để số liệu khí tượng thuỷ văn quan trắc tại hai vị trí bảo đảm tính đồng nhất, liên tục, có thể chuyển đổi lẫn nhau thông qua quan hệ tương quan giữa hai trạm.
2. Trường hợp vị trí cũ và mới không thoả mãn điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì không được coi là di chuyển trạm mà phải xem là giải thể trạm cũ và thành lập trạm mới.
3. Khi di chuyển trạm khí tượng thuỷ văn có quan trắc các yếu tố môi trường không khí và nước, vị trí mới được lựa chọn phải thoả mãn đồng thời các điều kiện về quan trắc các yếu tố khí tượng thuỷ văn và quan trắc các yếu tố môi trường. Trong trường hợp không thể thoả mãn yêu cầu này thì ưu tiên chọn vị trí thoả mãn điều kiện để quan trắc các yếu tố khí tượng thuỷ văn, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền cho chuyển quan trắc các yếu tố môi trường không khí và nước sang vị trí khác thích hợp.
4. Việc di chuyển các trạm khí tượng thuỷ văn có liên quan đến quốc phòng, an ninh cần phải tham khảo ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
1. Khảo sát hiện trạng hành lang an toàn kỹ thuật trạm, hiện trạng công trình, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến điều kiện quan trắc và độ chính xác của số liệu, kiến nghị hình thức di chuyển, trình cấp có thẩm quyền.
2. Khảo sát vị trí mới, nơi trạm hoặc công trình sẽ di chuyển đến, lập và trình hồ sơ xin di chuyển trạm.
3. Phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
4. Xây dựng trạm hoặc công trình tại vị trí mới, dẫn nối cao độ giữa hai vị trí cũ và mới.
5. Tổ chức quan trắc đồng thời giữa hai vị trí.
6. Đưa trạm mới, công trình mới vào hoạt động, giải thể trạm cũ, công trình cũ.
Điều 14. Khảo sát để di chuyển
1. Trường hợp di chuyển toàn bộ trạm, phải thực hiện như thành lập mới trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản theo quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 Quy chế này.
2. Trường hợp di chuyển một hoặc một số hạng mục công trình, phải thực hiện khảo sát bổ sung để thẩm định, xét duyệt, xây dựng mới các hạng mục công trình này.
1. Đối với trạm phải di chuyển toàn bộ, hồ sơ trình duyệt như khi thành lập trạm, quy định tại Điều 10 Quy chế này.
2. Đối với trạm phải di chuyển một hoặc một số hạng mục công trình, hồ sơ trình 2 bộ, nội dung gồm:
a) Tờ trình của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia nêu rõ sự cần thiết phải di chuyển hạng mục công trình của trạm khí tượng thuỷ văn;
b) Báo cáo khảo sát cho phần công trình phải di chuyển do Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực lập;
c) Bản sao văn bản đồng ý cấp đất và văn bản cho phép xây dựng phần công trình phải di chuyển của chính quyền địa phương (trong trường hợp phần công trình đó nằm ngoài khuôn viên đất của trạm)
d) Văn bản thẩm định của đơn vị chuyên môn thuộc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia;
e) Thoả thuận đền bù giải toả và các văn bản pháp lý liên quan khác (nếu có).
Điều 16. Xây dựng trạm (hoặc công trình) và quan trắc đồng thời
1. Việc xây dựng và đưa trạm (hoặc công trình) vào hoạt động tại vị trí mới được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Quy chế này.
2. Quan trắc đồng thời:
a) Việc quan trắc đồng thời tại hai vị trí cũ và mới được thực hiện theo quy phạm chuyên môn của các bộ môn khí tượng thuỷ văn;
b) Thời gian, nội dung quan trắc đồng thời cụ thể trong từng trường hợp do Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia xem xét, quyết định;
c) Kết thúc quan trắc đồng thời, Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực lập báo cáo, đề nghị đưa trạm mới hoặc công trình mới vào hoạt động chính thức, giải thể trạm cũ hoặc công trình cũ. Trường hợp đặc biệt, sau khi kết thúc quan trắc đồng thời, số liệu tại hai vị trí không đồng nhất, không xác định được tương quan giữa hai chuỗi số liệu, Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để thay thế quyết định di chuyển trạm bằng quyết định thành lập trạm mới;
d) Tài liệu quan trắc đồng thời phải giao nộp lưu trữ.
NÂNG CẤP TRẠM KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN CƠ BẢN
Điều 17. Các trường hợp nâng cấp
1. Theo quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Cần tăng cường thêm nhiệm vụ, yếu tố quan trắc của trạm để đáp ứng các nhu cầu khai thác, sử dụng số liệu cho mục đích điều tra cơ bản, nghiên cứu, dự báo phục vụ phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
1. Trình, duyệt chủ trương, nội dung nâng cấp trạm.
2. Quyết định nâng cấp trạm của cơ quan có thẩm quyền.
3. Khảo sát kỹ thuật để xây dựng công trình có liên quan đến yếu tố quan trắc sẽ bổ sung; lập hồ sơ, dự toán và trình duyệt.
4. Thực hiện xây dựng công trình, lắp đặt, bổ sung trang thiết bị.
5. Đưa công trình nâng cấp trạm vào hoạt động.
1. Hồ sơ đề nghị nâng cấp trạm (2 bộ), nội dung gồm:
a) Tờ trình của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia;
b) Đề nghị nâng cấp trạm của Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực kèm hồ sơ khảo sát các hạng mục có liên quan đến nâng cấp trạm. Nội dung được thực hiện như khi thành lập trạm đối với các hạng mục này;
c) Các văn bản pháp lý liên quan như trích lục quy hoạch mạng lưới trạm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; yêu cầu của các ngành, địa phương về nâng cấp trạm; văn bản cấp đất của chính quyền địa phương để xây dựng công trình nâng cấp trạm (nếu có)...;
d) Văn bản thẩm định của đơn vị chuyên môn thuộc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia.
2. Hồ sơ xây dựng công trình nâng cấp trạm (2 bộ), nội dung gồm:
a) Tờ trình của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia kèm văn bản thẩm định các tiêu chuẩn về khí tượng thuỷ văn của đơn vị chuyên môn thuộc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia (nếu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ);
b) Hồ sơ đầu tư xây dựng công trình nâng cấp trạm, được Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực lập theo các quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng;
c) Bản sao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc nâng cấp trạm khí tượng thuỷ văn;
d) Bản sao Quyết định cấp đất của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kèm theo sơ đồ mặt bằng khu đất xây dựng công trình nâng cấp trạm (nếu có).
3. Hồ sơ đề nghị đưa công trình nâng cấp trạm vào hoạt động (2 bộ), nội dung gồm:
a) Tờ trình của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia;
b) Biên bản nghiệm thu kỹ thuật công trình chuyên môn, biên bản nghiệm thu lắp đặt thiết bị, máy móc;
c) Báo cáo của Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực về kết quả quan trắc kiểm tra, đánh giá chất lượng lắp đặt và độ ổn định của công trình, thiết bị;
d) Văn bản thẩm định của đơn vị chuyên môn thuộc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia.
HẠ CẤP TRẠM KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN CƠ BẢN
Điều 20. Các trường hợp hạ cấp
1. Theo quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thời gian quan trắc của một hoặc một số yếu tố khí tượng thuỷ văn tại trạm đã đủ dài, tài liệu quan trắc đã đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tính toán, phục vụ, không cần quan trắc thêm.
3. Nhu cầu phục vụ số liệu không đòi hỏi trạm phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ như hiện tại (có thể giảm yếu tố quan trắc, giảm số lần quan trắc; không cần điện báo, phát báo quốc tế...).
4. Hành lang an toàn kỹ thuật bị xâm hại do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động kinh tế - xã hội làm cho điều kiện kỹ thuật để quan trắc một số yếu tố không còn bảo đảm, hoặc quan trắc được nhưng số liệu không còn tính đại biểu, không phản ảnh đúng quy luật tự nhiên của yếu tố khí tượng thuỷ văn như trước đó.
5. Việc quan trắc một số yếu tố quá khó khăn, không bảo đảm an toàn cho quan trắc viên mà không có điều kiện khắc phục.
1. Xem xét, đánh giá nhu cầu quan trắc, tình hình tài liệu đã thu thập được của yếu tố quan trắc; khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của hành lang an toàn kỹ thuật, các điều kiện tự nhiên và hoạt động kinh tế- xã hội đến yếu tố quan trắc; đánh giá về điều kiện quan trắc; lập báo cáo đề nghị hạ cấp trạm.
2. Quyết định hạ cấp trạm của cấp có thẩm quyền.
3. Thu hồi trang thiết bị (nếu có); thực hiện quan trắc theo nội dung quy định của hạng trạm mới.
4. Trong khi chưa có quyết định hạ cấp, trạm vẫn phải duy trì quan trắc các yếu tố bình thường. Trường hợp không thể quan trắc được, hoặc quan trắc được nhưng không an toàn cho quan trắc viên, Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực cần kịp thời báo cáo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia xin ý kiến chỉ đạo.
Hồ sơ đề nghị hạ cấp trạm (2 bộ), nội dung gồm:
1. Tờ trình của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia;
2. Báo báo, hồ sơ khảo sát các vấn đề liên quan đến hạ cấp trạm do Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực lập theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Quy chế này;
3. Các văn bản pháp lý, kỹ thuật khác có liên quan như trích lục quy hoạch mạng lưới trạm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo, ảnh chụp hiện trạng công trình, hiện trạng đoạn sông, bờ sông, khu vực trạm hoặc công trình bị ảnh hưởng...;
4. Văn bản thẩm định của đơn vị chuyên môn thuộc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia.
GIẢI THỂ TRẠM KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN CƠ BẢN
Điều 23. Các trường hợp giải thể
1. Trạm đang hoạt động không còn trong quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thời gian quan trắc các yếu tố khí tượng thuỷ văn tại trạm đã đủ dài, tài liệu quan trắc đã đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tính toán, phục vụ, không cần quan trắc thêm.
3. Trạm không thể tồn tại ở vị trí cũ do yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh Nhà nước cần thu hồi đất của trạm; do hành lang an toàn kỹ thuật bị xâm hại; do ảnh hưởng các điều kiện tự nhiên dẫn đến không còn đủ điều kiện kỹ thuật để quan trắc, hoặc quan trắc được nhưng số liệu không còn tính đại biểu, không phản ảnh đúng quy luật tự nhiên và điều kiện khí tượng thuỷ văn tại trạm; quan trắc tại trạm quá khó khăn hoặc không bảo đảm an toàn cho quan trắc viên mà không thể khắc phục được, đồng thời cũng không tìm được vị trí khác thoả mãn các điều kiện để di chuyển trạm như quy định tại Điều 12 Quy chế này.
1. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào quy hoạch mạng lưới trạm, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để thực hiện khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của hành lang an toàn kỹ thuật đến yêu cầu quan trắc của trạm; đánh giá điều kiện quan trắc, nhu cầu quan trắc, tình hình tài liệu đã thu thập được của trạm để lập báo cáo, đề nghị giải thể trạm.
2. Quyết định giải thể trạm của cấp có thẩm quyền.
3. Thực hiện giải thể trạm, thu hồi trang thiết bị.
4. Trong khi chưa có quyết định giải thể, trạm vẫn phải duy trì quan trắc bình thường. Trường hợp đặc biệt không thể tiếp tục quan trắc, Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực cần kịp thời báo cáo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia xin ý kiến chỉ đạo.
Hồ sơ đề nghị giải thể trạm (2 bộ), nội dung gồm:
1. Tờ trình của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia;
2. Hồ sơ khảo sát, đánh giá các vấn đề liên quan đến giải thể trạm do Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực lập theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Quy chế này;
3. Các văn bản pháp lý, kỹ thuật liên quan như trích lục quy hoạch mạng lưới trạm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực trạm, văn bản thông báo thu hồi đất khu vực trạm của chính quyền địa phương, thoả thuận đền bù giải toả (nếu trạm phải giải thể do Nhà nước thu hồi đất); báo cáo, ảnh chụp hiện trạng công trình, hiện trạng đoạn sông, bờ sông, khu vực trạm (nếu trạm phải giải thể vì không đủ điều kiện để quan trắc)...;
4. Báo cáo của Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực về lịch sử trạm, thời gian đã quan trắc, tài liệu đã thu thập;
5. Văn bản thẩm định của đơn vị chuyên môn thuộc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia.
Điều 26. Xử lý các vấn đề liên quan khi giải thể trạm
1. Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia chỉ đạo Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực điều động, bố trí công tác cho các cán bộ, viên chức của trạm. Nhà trạm, công trình quan trắc, tài sản, đất đai của trạm được giải quyết theo các quy định hiện hành.
2. Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực có trách nhiệm thu hồi, kiểm kê, phân loại, bảo quản thiết bị, máy móc, phương tiện quan trắc của trạm; thông báo cho chính quyền địa phương về việc giải thể trạm; có kế hoạch bảo vệ mốc độ cao của trạm lâu dài (đối với các trạm khí tượng hải văn, thuỷ văn trong trường hợp mốc không bị giải toả).
3. Hồ sơ kỹ thuật của trạm phải giao nộp lưu trữ.
TIẾP NHẬN TRẠM KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN CHUYÊN DÙNG VÀO MẠNG LƯỚI TRẠM KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN CƠ BẢN
1. Trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng được tiếp nhận vào mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản khi Chủ công trình không có yêu cầu tiếp tục duy trì quan trắc nhưng vị trí, loại trạm phù hợp với quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tài liệu quan trắc của trạm có thể phục vụ cho các ngành và các mục đích khác.
2. Điều kiện tiếp nhận:
a) Vị trí trạm, hành lang an toàn kỹ thuật của trạm thoả mãn các tiêu chuẩn kỹ thuật;
b) Công trình quan trắc của trạm đáp ứng hoặc có thể nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định đối với trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản;
c) Trạm có điều kiện để duy trì hoạt động ổn định, lâu dài.
1. Trình, duyệt chủ trương tiếp nhận trạm.
2. Khi đã có chủ trương tiếp nhận, thực hiện khảo sát, đánh giá các điều kiện kỹ thuật của trạm, hoàn thiện hồ sơ và trình duyệt.
3. Phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
4. Tiếp nhận trạm vào mạng lưới.
Hồ sơ trình duyệt việc tiếp nhận trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng vào mạng lưới trạm cơ bản có 2 bộ, nội dung gồm:
1. Tờ trình của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia;
2. Các văn bản do Chủ công trình trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng lập, bao gồm:
a) Văn bản đề nghị chuyển giao trạm;
b) Bản sao Hồ sơ kỹ thuật trạm. Trong trường hợp không có Hồ sơ kỹ thuật trạm, cần có bản tóm tắt hiện trạng kỹ thuật của trạm theo Mẫu số 3 Phụ lục 1 Quy chế này;
c) Bản sao hồ sơ cấp đất của cấp có thẩm quyền;
d) Bản sao hồ sơ báo cáo tài sản gần nhất của trạm;
e) Trích ngang hồ sơ nhân sự các cán bộ của trạm (nếu đề nghị tiếp nhận cán bộ);
3. Báo cáo khảo sát, đánh giá hiện trạng hành lang an toàn kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, nhà trạm, công trình, trang thiết bị, máy móc quan trắc của trạm do Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực, nơi có trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng, lập theo Mẫu số 4 Phụ lục 1 Quy chế này.
4. Văn bản thẩm định của đơn vị chuyên môn thuộc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia.
5. Các văn bản kỹ thuật, pháp lý khác (nếu có).
Điều 30. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị
1. Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực:
a) Thực hiện nhiệm vụ khảo sát, đánh giá các vấn đề về kỹ thuật; lập các hồ sơ trình Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia; tổ chức nghiệm thu công trình, nghiệm thu máy móc, thiết bị; tổ chức quan trắc kiểm tra, quan trắc đồng thời và các nhiệm vụ chuyên môn khác có liên quan khi xây dựng, di chuyển, nâng cấp, hạ cấp, giải thể trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản, tiếp nhận trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng vào mạng lưới trạm cơ bản;
b) Liên hệ với chính quyền địa phương để thực hiện các thủ tục cấp đất, đền bù, giải toả (nếu có).
2. Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia:
a) Tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này;
b) Thẩm định hồ sơ, đề nghị Bộ phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các nội dung có liên quan khi thành lập, di chuyển, nâng cấp, hạ cấp, giải thể các trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản, tiếp nhận trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng vào mạng lưới trạm cơ bản;
c) Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Bộ tình hình thực hiện Quy chế.
3. Vụ Khí tượng Thuỷ văn:
a) Phúc thẩm hồ sơ, trình Bộ trưởng phê duyệt;
b) Đôn đốc, theo dõi và kiểm tra tình hình thực hiện Quy chế.
4. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ảnh bằng văn bản về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết.
1. Mẫu số 1: Báo cáo khảo sát sơ bộ xác định vị trí trạm khí tượng thuỷ văn
2. Mẫu số 2: Báo cáo khảo sát kỹ thuật trạm khí tượng thuỷ văn
3. Mẫu số 3: Báo cáo tóm tắt hiện trạng trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng
4. Mẫu số 4: Báo cáo khảo sát, đánh giá hiện trạng trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
xác định vị trí trạm khí tượng thuỷ văn
Tên trạm:
Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực:
I. Mục đích, yêu cầu đặt trạm
1. Thuyết minh nhu cầu thành lập trạm.
2. Trích dẫn các văn bản liên quan như Quy hoạch mạng lưới trạm đã được phê duyệt; chủ trương thành lập trạm...
3. Nhiệm vụ quan trắc của trạm: Các yếu tố quan trắc, thời gian dự kiến quan trắc...
II. Tổ chức công tác khảo sát
1. Thành phần đội khảo sát: Nêu rõ thành phần đội khảo sát, tên, trình độ chuyên môn từng người.
2. Máy móc, thiết bị dùng cho khảo sát: Mô tả chủng loại, tính năng kỹ thuật các máy móc, thiết bị dùng để khảo sát.
3. Thời gian khảo sát: Thời gian bắt đầu, kết thúc khảo sát.
III. Nội dung khảo sát
1. Thuyết minh nội dung khảo sát: Thuyết minh rõ những nội dung khảo sát đã thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 7 của Quy chế.
2. Các bản vẽ:
a) Sơ đồ khu vực khảo sát;
b) Sơ đồ vị trí đặt trạm.
Kích thước, tỷ lệ các bản vẽ tuỳ chọn, phụ thuộc vào phạm vi và mức độ phức tạp của khu vực.
IV. Nhận xét và kiến nghị
1. Đánh giá, nhận xét về khu vực khảo sát và công tác khảo sát.
2. Kết luận, kiến nghị về vị trí đặt trạm.
Ngày..... tháng ..... năm .....
Thay mặt đội khảo sát
(Ký tên)
Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực
Giám đốc
(Ký tên, đóng dấu)
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
khảo sát kỹ thuật trạm khí tượng thuỷ văn
Tên trạm:
Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực:
I. Mục đích, yêu cầu khảo sát
1. Trích dẫn Quyết định phê duyệt vị trí trạm của cấp có thẩm quyền.
2. Nhiệm vụ quan trắc của trạm: Các yếu tố quan trắc, thời gian dự kiến quan trắc...
3. Mục tiêu, nhiệm vụ khảo sát: Nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ khảo sát; những vấn đề đặc biệt cần quan tâm, xử lý...
II. Tổ chức công tác khảo sát
1. Thành phần đội khảo sát: Nêu rõ thành phần đội khảo sát, tên, trình độ chuyên môn từng người.
2. Máy móc, thiết bị dùng cho khảo sát: Mô tả chủng loại, tính năng kỹ thuật các máy móc, thiết bị dùng để khảo sát.
3. Thời gian khảo sát: Thời gian bắt đầu, kết thúc khảo sát.
III. Nội dung khảo sát
1. Thuyết minh nội dung khảo sát.
2. Các bản vẽ.
Thuyết minh rõ những nội dung khảo sát đã thực hiện và lập các bản vẽ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Quy chế.
IV. Nhận xét và kiến nghị
1. Đánh giá, nhận xét kết quả công tác khảo sát.
2. Đánh giá mức độ đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của trạm.
3. Kết luận và kiến nghị.
Ngày..... tháng ..... năm .....
Thay mặt đội khảo sát
(Ký tên)
Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực
Giám đốc
(Ký tên, đóng dấu)
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng
1. Tên trạm: địa danh, toạ độ địa lý;
2. Ngày thành lập trạm;
3. Đơn vị thành lập, đơn vị hiện đang quản lý trạm;
4. Yếu tố quan trắc, thời gian quan trắc các yếu tố;
5. Sơ đồ mặt bằng trạm, vẽ theo tỷ lệ ít nhất là 1/5.000;
6. Độ cao mốc chính và các mốc khác (nếu có);
7. Hiện trạng hành lang an toàn kỹ thuật;
8. Hiện trạng công trình, máy móc, thiết bị quan trắc;
9. Riêng đối với các trạm thuỷ văn cần có thêm thông tin: tên sông, thuộc hệ thống sông nào, diện tích lưu vực khống chế, loại công trình quan trắc mực nước, loại công trình quan trắc lưu lượng nước;
10. Các ghi chú đặc biệt khác (nếu có).
Ngày..... tháng ..... năm .....
Thay mặt đơn vị quản lý trạm
(Ký tên)
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng
Tên trạm :
Đơn vị quản lý trạm:
I. Mục đích khảo sát, đánh giá
1. Trích dẫn văn bản phê duyệt chủ trương tiếp nhận trạm của cấp có thẩm quyền.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ: Nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ khảo sát, đánh giá; những vấn đề cần quan tâm, xử lý...
II. Tổ chức công tác khảo sát, đánh giá
1. Thành phần đội khảo sát: Nêu rõ thành phần đội khảo sát, tên, trình độ chuyên môn từng người.
2. Phương pháp khảo sát, đánh giá: Thuyết minh rõ phương pháp khảo sát, đánh giá.
3. Thời gian khảo sát: Thời gian bắt đầu, kết thúc khảo sát.
III. Đánh giá hiện trạng trạm
1. Hành lang an toàn kỹ thuật:
a) Mô tả chi tiết hành lang an toàn kỹ thuật;
b) Đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.
2. Cơ sở hạ tầng, nhà trạm:
a) Mô tả chi tiết cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, nhà trạm, nhà công vụ, các công trình phụ trợ khác...;
b) Đánh giá chất lượng hạ tầng kỹ thuật và các công trình của trạm.
3. Công trình chuyên môn:
a) Mô tả chi tiết các công trình chuyên môn, mốc độ cao của trạm;
b) Đánh giá chất lượng và mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.
4. Trang thiết bị:
a) Mô tả chi tiết các trang thiết bị, máy móc hiện có của trạm (kể cả thiết bị dự phòng, nếu có);
b) Đánh giá chất lượng và mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.
IV. Nhận xét và kiến nghị
1. Đánh giá, nhận xét kết quả công tác khảo sát.
2. Đánh giá chung về mức độ đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của trạm.
3. Kết luận và kiến nghị.
Ngày..... tháng ..... năm .....
Thay mặt đội khảo sát
(Ký tên)
Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực
Giám đốc
(Ký tên, đóng dấu)
NỘI DUNG KHẢO SÁT KỸ THUẬT KHI THÀNH LẬP CÁC TRẠM KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
I. TRẠM KHÍ TƯỢNG BỀ MẶT, KHÍ TƯỢNG NÔNG NGHIỆP, KHÍ TƯỢNG CAO KHÔNG
1. Khảo sát sơ lược khu vực đặt trạm trong vòng bán kính 10 km:
- Xác định độ cao trung bình của khu vực so với mặt biển;
- Xác định hướng phân bố các đỉnh núi lớn, các đồi đất cao, các trung tâm công nghiệp, kỹ nghệ, thành phố, khu dân cư, các công trình xây dựng;
- Xác định vị trí các dòng sông, suối, hồ, biển.
2. Khảo sát chi tiết địa điểm đặt trạm trong vòng bán kính 300m:
- Khảo sát độ cao, độ dốc của đồi núi, các khu đất cao; độ cao các cây cối quanh trạm;
- Xác định mực nước lũ cao nhất, khả năng úng ngập tại khu vực trạm;
- Dự kiến sơ đồ bố trí mặt bằng trạm (vườn quan trắc, nhà làm việc, nhà ở, nhà bếp, tường bao, vị trí đặt tháp ăng ten vô tuyến của trạm rađa thời tiết...);
- Xác định sơ đồ góc che khuất chân trời, sơ đồ tầm nhìn ngang (xác định rõ số tiêu điểm có thể thích hợp, những điều kiện có thể ảnh hưởng tới tầm nhìn ngang).
- Xác định độ cao mặt vườn quan trắc, vị trí trạm (địa danh, tọa độ địa lý), khoảng cách từ vị trí đặt máy, thiết bị quan trắc tới các chướng ngại vật, các vùng nước ở quanh trạm;
3. Lập các bản vẽ trong hồ sơ khảo sát, gồm:
- Sơ đồ khu vực đặt trạm trong phạm vi bán kính 10 km, tỷ lệ 1/100.000;
- Bình đồ trạm chi tiết trong phạm vi 300m x 300m, tỷ lệ 1/1.000.
1. Khảo sát chi tiết đặc điểm khu vực đoạn sông đặt trạm:
- Khảo sát đặc điểm về đoạn sông: địa hình lòng sông, đặc điểm lòng sông, bờ sông, bãi tràn, thung lũng, mức độ khống chế mực nước lớn nhất. Đánh giá sự ổn định của bờ sông, đặc biệt tại vị trí bố trí tuyến đo, công trình đo;
- Xác định vị trí trạm (địa danh, toạ độ địa lý);
- Xác định khoảng cách đến các trạm thuỷ văn khác đang hoạt động phía trên và phía dưới (nếu có), yếu tố quan trắc của các trạm đó;
- Đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế - xã hội, dân sinh đến chế độ dòng chảy tự nhiên trong đoạn sông.
2. Khảo sát kỹ thuật:
- Xác lập mốc độ cao để sử dụng thống nhất cho toàn bộ quá trình khảo sát;
- Đo đạc và lập bình đồ đoạn sông đặt trạm;
- Điều tra, tính toán mực nước cao nhất, thấp nhất; điều tra, tính toán nước vật (nếu có) trên đoạn sông đặt trạm;
- Xác định vị trí tuyến đo, vị trí mặt cắt tuyến bố trí công trình;
- Khảo sát sự phân bố tốc độ dòng chảy trên mặt cắt ngang tuyến đo lưu lượng và đo vẽ bình đồ hướng chảy (nếu trạm có quan trắc lưu lượng nước);
- Đo vẽ mặt cắt ngang tại tuyến bố trí công trình;
- Xác định sơ bộ đặc điểm địa chất ở hai bờ sông, tại vị trí tuyến bố trí công trình đo đạc và nhà trạm.
Các nội dung khảo sát kỹ thuật trên được thực hiện theo “Hướng dẫn khảo sát trạm thuỷ văn” của Cục Kỹ thuật Điều tra cơ bản - Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, xuất bản năm 1985.
3. Lập các bản vẽ trong hồ sơ khảo sát, gồm có:
- Bản đồ lưu vực sông tỷ lệ 1/100.000;
- Bản sơ hoạ đoạn sông đặt trạm;
- Mặt cắt ngang tại tuyến đo mực nước;
- Bình đồ đoạn sông đặt trạm tỷ lệ không nhỏ hơn 1/5.000;
- Mặt cắt ngang tại tuyến đo lưu lượng, đo độ dốc; bản vẽ phân bố tốc độ dòng chảy trên thủy trực và trên mặt cắt ngang, bình đồ hướng nước chảy (đối với trạm đo lưu lượng nước).
4. Xác định kiểu công trình quan trắc và dự kiến sơ đồ bố trí mặt bằng của trạm.
1. Khảo sát kỹ thuật:
- Khảo sát, tính toán mực nước cao nhất và thấp nhất; xác định khoảng cách, kích thước các chướng ngại vật trong phạm vi bán kính 10 km tính từ tuyến đo về phía biển;
- Khảo sát, đánh giá sự ổn định của bờ biển, đặc biệt tại vị trí tuyến đo;
- Xác định vị trí trạm (địa danh, toạ độ địa lý);
- Khảo sát lập bình đồ đáy biển tại khu vực đặt trạm.
2. Lập các bản vẽ trong hồ sơ khảo sát, gồm có:
- Sơ đồ vùng đặt trạm trong phạm vi bán kính 10 km, tỷ lệ 1/100.000;
- Bình đồ đáy biển tại vị trí đặt trạm trong phạm vi 200m x 500m, tỷ lệ 1/5.000
(200 m dọc bờ, 500 m cách mép nước ròng nhất).
3. Xác định kiểu công trình quan trắc và dự kiến sơ đồ mặt bằng của trạm.
IV. TRẠM KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN CÓ QUAN TRẮC CÁC YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ VÀ NƯỚC
1. Phải khảo sát đầy đủ các nội dung như đối với trạm khí tượng thuỷ văn cơ bản tương ứng, ngoài ra thực hiện khảo sát thêm các điều kiện kỹ thuật để quan trắc các yếu tố môi trường. Vị trí trạm trước hết phải thoả mãn các yêu cầu kỹ thuật đối với loại trạm khí tượng thuỷ văn tương ứng, đồng thời phải thoả mãn mục đích và yêu cầu kỹ thuật để quan trắc các yếu tố môi trường.
2. Khi các yêu cầu về vị trí đặt trạm để quan trắc các yếu tố khí tượng thuỷ văn không đồng thời thoả mãn với các yêu cầu để quan trắc các yếu tố môi trường mà không thể tìm được vị trí khác thì ưu tiên chọn vị trí thoả mãn yêu cầu của trạm khí tượng thuỷ văn. Trong trường hợp này cần khảo sát, xem xét, phân tích kỹ điều kiện ảnh hưởng để kiến nghị cấp có thẩm quyền về việc có bố trí quan trắc các yếu tố môi trường tại trạm khí tượng thuỷ văn hay không.
- 1 Quyết định 1065/QĐ-BTNMT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến hết ngày 31/12/2013
- 2 Thông tư 13/2021/TT-BTNMT quy định về việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 3 Thông tư 13/2021/TT-BTNMT quy định về việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 1 Nghị định 91/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- 2 Nghị định 24/1997/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn
- 3 Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn năm 1994
- 4 Chỉ thị 05-TTg năm 1962 về thành lập và di chuyển các đài trạm khí tượng do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 1 Chỉ thị 05-TTg năm 1962 về thành lập và di chuyển các đài trạm khí tượng do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1065/QĐ-BTNMT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến hết ngày 31/12/2013
- 3 Thông tư 13/2021/TT-BTNMT quy định về việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành