Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2007/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 28 tháng 02 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông;

Căn cứ Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Chính trị (Khoá VIII) về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

Căn cứ Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Bưu chính, Viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Viễn thông và Internet Việt Nam đến 2010;

Căn cứ Quyết định số 236/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam đến 2010;

Căn cứ Quyết định số 148/2005/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 2911/QĐ-UB ngày 5/8/2005 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đề cương và dự toán lập dự án Quy hoạch phát triển ngành bưu chính, viễn thông tỉnh Quảng Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 18/2006/CT-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2006 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc đẩy mạnh phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

Căn cứ Công văn số 2391/BBCVT-KHTC ngày 01 tháng 11 năm 2006 của Bộ Bưu chính, Viễn thông về việc đóng góp ý kiến về Dự thảo Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Quảng Nam;

Xét đề nghị của Sở Bưu chính, Viễn thông tại Tờ trình số 439/TTr-SBCVT ngày 08 tháng 11 năm 2006 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Bưu chính, Viễn thông tỉnh Quảng Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Công văn số 19/SBCVT ngày 16/01/2007 về bổ sung chỉnh sửa Quy hoạch;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch & Đầu tư tại Tờ trình số 34/TTr-KHĐT ngày 09/02/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Quảng Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, làm cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo phát triển bưu chính, viễn thông thống nhất, đồng bộ với quy hoạch của các ngành; tạo môi trường pháp lý thuận lợi thu hút đầu tư phát triển bưu chính, viễn thông và Internet trên địa bàn tỉnh.

2. Xây dựng mạng lưới điểm phục vụ rộng khắp với nhiều hình thức khác nhau, chất lượng tốt. Phổ cập dịch vụ có chất lượng cao, đảm bảo cung cấp các dịch vụ công ích đến tất cả các điểm phục vụ trên toàn tỉnh.

3. Xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông có công nghệ hiện đại, độ phủ đến xã, thôn với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao. Bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế kỹ thuật dịch vụ mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tạo nhiều việc làm cho xã hội và đóng góp vào sự tăng trưởng của GDP ngày càng cao.

4. Viễn thông tạo điều kiện cho phát triển các ứng dụng CNTT, nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân; đảm bảo phục vụ tốt và kịp thời cho công tác an ninh, quốc phòng trong mọi tình huống.

5. Đến năm 2010, chỉ tiêu phát triển Bưu chính, Viễn thông của tỉnh ngang bằng cả nước.

II. CÁC CHỈ TIÊU ĐẾN NĂM 2010

1. Chỉ tiêu phát triển Bưu chính:

a) Về phát triển dịch vụ:

- Phổ cập đa dạng dịch vụ, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công ích, từng bước cung cấp dịch vụ truy nhập Internet đến các điểm bưu điện văn hoá xã. Xây dựng hệ thống tài liệu, sách báo kỹ thuật nông nghiệp tại các điểm bưu điện văn hoá xã.

- Các dịch vụ bưu phẩm thường, bưu kiện duy trì tốc độ tăng trưởng 12- 15%/năm. Dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ tiết kiệm bưu điện tăng trưởng hàng năm trung bình từ 15-20%. Duy trì tốc độ tăng trưởng các dịch vụ phát hành báo chí 8% hàng năm.

b) Về phát triển mạng lưới:

- Mở rộng mạng vận chuyển để nâng cao chất lượng dịch vụ và rút ngắn thời gian phát báo, công văn xuống cấp xã. Chỉ tiêu số dân/điểm phục vụ còn 3.000 người/điểm phục vụ và bình quân bán kính phục vụ là 2,5 km/điểm phục vụ.

- Đến năm 2010, 100% xã có điểm BĐVHX, 20% thôn, bản có nhà Bưu điện văn hóa cộng đồng và các đại lý cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông.

2. Chỉ tiêu phát triển Viễn thông:

a) Về phát triển dịch vụ:

- Đến năm 2010 mật độ điện thoại toàn tỉnh đạt mức 39 - 44 máy/100 dân trong đó mật độ điện thoại cố định là 17 - 19 máy và điện thoại di động là 22 - 25 máy, mật độ Internet đạt 6,2 thuê bao/100 dân và tỷ lệ dân số sử dụng Internet là từ 25% - 35%.

- Mở rộng phổ cập dịch vụ điện thoại và Internet theo nguyên tắc và chương trình hoạt động của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích. Đảm bảo hạ tầng viễn thông, Internet cho ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, các dịch vụ ngân hàng, tài chính, hải quan.

b) Về phát triển mạng lưới:

- Phát triển mạng điện thoại cố định đến các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế lớn, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa.

- Phát triển mạng cáp quang đến tất cả các huyện, khu hành chính, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, du lịch trong tỉnh; tăng dung lượng mạng truyền dẫn để phục vụ cho các dịch vụ băng rộng.

- Khuyến khích các doanh nghiệp dùng chung cơ sở hạ tầng mạng cáp như: vị trí lắp đặt thiết bị kết nối, thiết bị trung chuyển, cống cáp, bể cáp, cáp, sợi cáp để tránh tình trạng triển khai xây lắp trùng lặp gây lãng phí đầu tư. Đến năm 2010, triệt để ngầm hoá mạng cáp đến các khu dân cư, khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu du lịch, trung tâm hành chính, trung tâm huyện thị, thành phố.

- Tăng cường độ phủ và chất lượng sóng di động đến các vùng nông thôn để phục vụ nhân dân. Nâng cấp hệ thống, triển khai các công nghệ và dịch vụ mới (GPRS, W-CDMA, HSDPA…), đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.

- Đẩy mạnh việc phổ cập Internet đến tất cả các xã trong tỉnh. Đến năm 2010 bảo đảm 70% số xã có điểm truy nhập Internet công cộng, 100% huyện được cung cấp dịch vụ Internet băng rộng.

- Phát triển mạng viễn thông nông thôn trên cơ sở tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng mạng các trạm vi ba hiện có, riêng đối với những địa phương địa hình phức tạp, giao thông còn gặp nhiều khó khăn như một số xã thuộc huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My và Nam Trà My, thông tin vô tuyến chưa thể phủ tới được sẽ phải sử dụng hệ thống thông tin qua vệ tinh VSAT, đặc biệt là VSAT băng rộng (VSAT-IP).

- Phát triển mạng viễn thông theo mô hình mạng NGN, cáp quang hoá toàn tỉnh, đưa dung lượng các tuyến nhánh trên 155Mbps và dung lượng vòng ring trên 2,5 Gbps. Mạng ngoại vi cần ưu tiên phát triển mạng truy nhập quang, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cáp quang xuống xã trong giai đoạn 2008 - 2012.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

1. Định hướng phát triển bưu chính:

Xây dựng các điểm phục vụ đến các khu vực dân cư vùng sâu, vùng xa. Ứng dụng công nghệ hiện đại triển khai tự động hoá trong khai thác và tin học hoá các công đoạn bưu chính. Đến năm 2015 hoàn thành triển khai ứng dụng công nghệ tự động hoá cấp tỉnh. Lộ trình ứng dụng tin học hoá cấp bưu cục, điểm phục vụ thực hiện trong giai đoạn 2010 - 2015.

2. Định hướng phát triển viễn thông:

Phát triển mạng truy nhập quang trong toàn tỉnh theo mô hình mạng NGN đa dịch vụ đảm bảo khách hàng được cung cấp dịch vụ băng rộng và truy nhập đa giao thức và các dịch vụ viễn thông tại nông thôn sẽ ngang bằng với thành thị. Thay thế các tuyến cáp đồng đưa xuống cấp xã bằng cáp quang trong giai đoạn 2010 - 2015. Thông tin di động ứng dụng công nghệ truy nhập vô tuyến băng rộng với các công nghệ WCDMA (3G) hoặc 4G và Wimax. Phần chuyển mạch và truyền dẫn sẽ được tích hợp với mạng NGN. Xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai theo hướng cùng đầu tư và chia sẻ hạ tầng.

IV. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

1. Các dự án phát triển bưu chính:

Stt

Nội dung

Đơn vị chủ trì

Thời gian thực hiện

Kinh phí đầu tư (Triệu

đồng)

Nguồn vốn

1

Phát triển mạng điểm phục vụ

Các doanh nghiệp

2006-

2010

6890

- Doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất,

- Quỹ dịch vụ viễn thông công ích

2

Phát triển nhà bưu điện - văn hoá cộng đồng

Sở BCVT và các doanh nghiệp

2007-

2010

5490

- Doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất,

- Quỹ dịch vụ viễn thông công ích,

- Ngân sách của tỉnh,

- Vốn ODA

3

Tủ sách kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp cho các điểm BĐVH xã, nhà bưu điện - văn hóa cộng đồng

Sở BCVT

2007- 2010

2894,5

- Ngân sách của tỉnh,

- Vốn ODA

Tổng cộng

 

2006- 2010

15.274,5

 

2. Các dự án phát triển viễn thông:

Stt

Nội dung

Đơn vị chủ trì

Thời gian thực hiện

Kinh phí đầu tư (Triệu đồng)

Nguồn vốn

1

Phát triển mạng điện thoại cố định

Các doanh nghiệp

2006- 2010

482.654

Doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất

2

Phát triển mạng điện thoại di động

Các doanh nghiệp

2006- 2010

166.215

Doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất

3

Phát triển mạng Internet

Các doanh nghiệp

2006- 2010

98.030

Doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất

4

Phát triển mạng truyền dẫn cáp quang

Các doanh nghiệp

2006- 2010

68.100

Doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất

5

Phát triển mạng viễn thông nông thôn

Sở BCVT và các doanh nghiệp

2006- 2010

83.009

- Doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất,

- Quỹ dịch vụ viễn thông công ích,

- Ngân sách của tỉnh,

- Vốn ODA

Tổng cộng

 

2006- 2010

898.008

 

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông Quảng Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 tập trung vào các nhóm giải pháp chính như sau:

1. Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư: Vốn ODA, nguồn vốn từ Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích nhằm mục đích hoàn thiện và hiện đại hóa mạng bưu chính, viễn thông.

2. Khuyến khích và tạo các điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng để tiết kiệm chi phí đầu tư và hạ giá cước dịch vụ.

3. Hình thành lộ trình thích hợp để chuyển đổi mạng bưu chính, viễn thông theo hướng hiện đại, độ phủ rộng, băng thông rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng các chỉ tiêu cần đạt được về bưu chính và viễn thông thích ứng với xu hướng phát triển của Quốc gia và Quốc tế.

4. Đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông tại các khu vực kinh tế hạt nhân của tỉnh như Khu kinh tế mở Chu Lai, KCN Điện Nam - Điện Ngọc, khu Du lịch Hội An, Mỹ Sơn và các khu KCN khác trên địa bàn tỉnh.

5. Tăng cường quản lý nhà nước trên cơ sở giám sát chất lượng mạng và dịch vụ theo các Tiêu chuẩn đã được Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định. Triển khai thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông với các công trình xã hội khác.

Điều 2. Quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch:

1. Sở Bưu chính, Viễn thông:

- Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện quy hoạch, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng và đề xuất với UBND tỉnh cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông đi trước đón đầu góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trình UBND tỉnh những nội dung cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện quy hoạch này.

- Báo cáo và phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông trong việc theo dõi và chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện quy hoạch. Đề xuất và phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông xây dựng tiêu chí xác định dịch vụ viễn thông công ích trên địa bàn tỉnh và xây dựng kế hoạch sử dụng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích phát triển và phổ cập dịch vụ viễn thông công ích.

- Phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông triển khai thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng mạng bưu chính, viễn thông.

- Phối hợp với Công an tỉnh đảm bảo an ninh trong sử dụng dịch vụ.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Bưu chính, Viễn thông cân đối, tổng hợp các nguồn lực trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh cho các dự án phát triển bưu chính, viễn thông sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì xây dựng cơ chế tạo điều kiện đảm bảo ưu tiên bố trí kinh phí và cấp đủ kinh phí cho các dự án phát triển bưu chính, viễn thông sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch được duyệt.

4. Các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố:

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quy hoạch này chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị khác để thực hiện các dự án phát triển bưu chính, viễn thông thuộc phạm vi của ngành, địa phương mình, bảo đảm đầu tư và thực hiện các dự án theo đúng nội dung, tiến độ, đạt kết quả và hiệu quả cao.

5. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông:

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông căn cứ vào Quy hoạch này để xây dựng chiến lược kinh doanh, quy hoạch và kế hoạch phát triển phù hợp với định hướng phát triển của ngành và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh góp phần thiết thực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển bưu chính, viễn thông nói riêng.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Hải