Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN GÒ VẤP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 04/2010/QĐ-UBND

Gò Vấp, ngày 27 tháng 9 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ HỖ TRỢ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VÀ KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA, PHỐI HỢP, CỘNG TÁC, GIÚP ĐỠ CÔNG AN NHÂN DÂN TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG NGỪA CÁC LOẠI TỘI PHẠM

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN GÒ VẤP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 43/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Công an nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
Xét đề nghị của Trưởng Phòng Tư pháp tại Tờ trình số 134/TTr-PTP ngày 17 tháng 9 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về hỗ trợ chế độ, chính sách và khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân trong đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm.

Điều 2.

2.1. Quyết định này có hiệu lực sau 07 ngày, kể từ ngày ký.

2.2. Thay thế Quyết định số 01/2007/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp về việc ban hành Quy chế hỗ trợ chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân, cơ quan phòng chống tham nhũng trong đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm; Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND ngày 11 tháng 04 năm 2008 của Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp về việc sửa đổi, bổ sung và công bố Quy định hỗ trợ chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân, cơ quan phòng chống tham nhũng trong đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm.

2.3. Đối với nội dung quy định về đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình, hình thức và thủ tục khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng xảy ra tại địa phương, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn quận Gò Vấp được thực hiện theo Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quy chế về bảo vệ và khen thưởng người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận, Trưởng Công an quận, Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trương Văn Non

 

QUY CHẾ

VỀ HỖ TRỢ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VÀ KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA, PHỐI HỢP, CỘNG TÁC, GIÚP ĐỠ CÔNG AN NHÂN DÂN TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG NGỪA CÁC LOẠI TỘI PHẠM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2010/QĐ-UBN ngày 27 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình, hình thức và thủ tục về hỗ trợ chế độ, chính sách và khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân trong đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tại địa phương trên địa bàn quận Gò Vấp.

Điều 2. Mục đích của việc hỗ trợ chế độ, chính sách, khen thưởng

1. Phát huy sức mạnh của toàn dân trong việc tấn công, trấn áp và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội làm mất an ninh, trật tự trên địa bàn và ảnh hưởng đến an sinh xã hội của nhân dân.

2. Ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích bằng lợi ích tinh thần và vật chất cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân trong đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội

Điều 3. Cơ quan tiếp nhận thông tin và thụ lý giải quyết; cơ quan đề xuất hỗ trợ chế độ, chính sách và khen thưởng; cơ quan giám định, xác định mức độ thiệt hại (gọi chung là cơ quan có thẩm quyền)

1. Cơ quan tiếp nhận thông tin và thụ lý giải quyết: cơ quan Công an quận Gò Vấp là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội quận và Công an 16 phường (gọi tắt là cơ quan thụ lý).

2. Cơ quan đề nghị hỗ trợ chế độ, chính sách và khen thưởng: cơ quan Công an quận và Công an 16 phường.

3. Cơ quan giám định, xác định mức độ thiệt hại về tài sản, thương tích, tổn hại về sức khỏe: Bệnh viện quận và cơ quan Công an quận.

Điều 4. Đối tượng và nguyên tắc hỗ trợ chế độ, chính sách và khen thưởng

1. Đối tượng bao gồm tất cả các tổ chức, tập thể, cá nhân có công trong việc cung cấp thông tin giúp lực lượng công an điều tra, khám phá các vụ án hình sự, kinh tế hoặc trực tiếp tham gia vây bắt đối tượng có hành vi phạm tội quả tang được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận thành tích, xác định mức độ thiệt hại về tài sản, mức độ thương tích và tổn hại về danh dự, sức khỏe, tính mạng và có đề xuất hỗ trợ chế độ, chính sách, khen thưởng.

2. Việc hỗ trợ chế độ, chính sách và khen thưởng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân trong phòng ngừa các loại tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

2.1. Khen thưởng bằng việc động viên tinh thần và khuyến khích bằng vật chất. Tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc, kết quả thu hồi về mặt kinh tế, giá trị nội dung nguồn tin cung cấp mà áp dụng hình thức và mức khen thưởng khác nhau.

2.2. Việc hỗ trợ chế độ, chính sách và khen thưởng có thể được áp dụng nhiều lần cho một đối tượng.

2.3 Thực hiện kịp thời, chính xác, hiệu quả, công bằng trong việc hỗ trợ chế độ, chính sách và khen thưởng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân trong phòng ngừa các loại tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Điều 5. Điều kiện hỗ trợ chế độ, chính sách và khen thưởng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia, phối hợp, cộng tác giúp đỡ Công an nhân dân phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung cụ thể nguồn tin, quá trình diễn biến khi trực tiếp tham gia vây bắt đối tượng có hành vi phạm tội quả tang và cung cấp chứng cứ, thông tin, tài liệu… có liên quan đến tội phạm.

2. Thông tin do người phát hiện cung cấp, phản ảnh cho cơ quan có thẩm quyền phải chính xác, trung thực và đầy đủ.

3. Cơ quan thụ lý tiếp nhận nội dung nguồn tin cung cấp, phản ảnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua các hình thức:

- Trực tiếp gặp;

- Gửi văn bản;

- Qua điện thoại;

- Qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY TRÌNH, HÌNH THỨC HỖ TRỢ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH

Điều 6. Quy trình hỗ trợ chế độ, chính sách

1. Căn cứ vào văn bản của cơ quan thụ lý, có xác định mức độ thiệt hại về tài sản, mức độ thương tích và tổn hại về sức khỏe, tính mạng và có đề xuất hỗ trợ chế độ, chính sách cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân cho việc khám phá án thành công, trực tiếp tham gia vây bắt đối tượng có hành vi phạm tội quả tang.

2. Thời gian thực hiện hỗ trợ chế độ, chính sách không quá 07 ngày sau khi cơ quan thụ lý xác định được mức độ thiệt hại về tài sản, mức độ thương tích và tổn hại về sức khỏe, tính mạng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân cho việc khám phá án thành công, trực tiếp tham gia vây bắt đối tượng có hành vi phạm tội quả tang.

Điều 7. Hình thức hỗ trợ chế độ, chính sách

1. Trường hợp cá nhân khi tham gia vây bắt tội phạm mà bị hư hỏng, thiệt hại tài sản, phương tiện thì sẽ được hỗ trợ chi phí sửa chữa thực tế theo giá trị tài sản bị hư hỏng, thiệt hại.

2. Trường hợp cá nhân khi tham gia vây bắt tội phạm bị thương tích, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân và gia đình sẽ được hỗ trợ chi phí điều trị và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Chương III 

QUY TRÌNH, HÌNH THỨC, THỦ TỤC KHEN THƯỞNG

Điều 8. Quy trình khen thưởng

1. Căn cứ vào văn bản ghi nhận thành tích và đề nghị của cơ quan thụ lý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong việc tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân cho việc khám phá án thành công, trực tiếp tham gia vây bắt đối tượng có hành vi phạm tội quả tang.

2. Thời gian thực hiện khen thưởng không quá 07 ngày sau khi cơ quan thụ lý xác định được giá trị của nguồn tin, thông tin của người trực tiếp tham gia vây bắt đối tượng có hành vi phạm tội quả tang.

3. Trường hợp đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận quyết định khen thưởng đột xuất tương xứng với thành tích của người cung cấp nguồn tin, người trực tiếp tham gia vây bắt đối tượng có hành vi phạm tội quả tang.

Điều 9. Hình thức khen thưởng

1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận thực hiện việc cấp Giấy khen và tiền thưởng theo đúng chế độ quy định của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ; Ngoài hình thức và mức khen thưởng quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ, trong một số trường hợp cụ thể, mức khen thưởng được quy định như sau:

1.1. Cung cấp nguồn tin có giá trị giúp Công an khám phá hoặc trực tiếp tham gia vây bắt đối tượng có hành vi phạm tội quả tang cho mỗi vụ:

- Trộm cắp tài sản, được thưởng 300.000 đồng;

- Đối tượng có lệnh truy nã, trốn trường trại, được thưởng 300.000đ;

- Cướp giật tài sản, được thưởng 400.000 đồng;

- Cướp tài sản, được thưởng 500.000 đồng.

1.2. Cung cấp nguồn tin có giá trị giúp Công an khám phá việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc chứa chấp, tổ chức sử dụng, sử dụng trái phép các chất ma túy:

1.2.1. Cung cấp nguồn tin có giá trị giúp Công an khám phá việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy:

- Các chất ma túy có trọng lượng dưới 50 gram, được thưởng 300.000đ;

- Các chất ma túy có trọng lượng từ 50 gram đến dưới 100 gam, được thưởng 500.000đ;

- Các chất ma túy có trọng lượng trên 100 gram, được thưởng 1.000.000đ.

1.2.2. Cung cấp nguồn tin có giá trị giúp Công an khám phá việc chứa chấp hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, được thưởng 300.000đ.

1.2.3 Cung cấp nguồn tin có giá trị giúp Công an bắt đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, được thưởng 300.000đ.

1.3. Cung cấp nguồn tin có giá trị giúp Công an khám phá các vụ vi phạm kinh tế:

- Kết quả thu hồi về mặt kinh tế có giá trị dưới 50 triệu đồng, được thưởng 400.000đ;

- Kết quả thu hồi về mặt kinh tế có giá trị từ 50 triệu đến dưới 100 triệu đồng, được thưởng 500.000đ;

- Kết quả thu hồi về mặt kinh tế có giá trị từ 100 triệu đến dưới 200 triệu đồng, được thưởng 1.000.000đ;

- Kết quả thu hồi về mặt kinh tế có giá trị từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng, được thưởng từ 2.000.000 đến 3.000.000đ;

- Kết quả thu hồi về mặt kinh tế có giá trị trên 500 triệu đồng, được thưởng từ 5.000.000 đến 10.000.000đ.

2. Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phát hiện, trực tiếp tham gia vây bắt tội phạm, có tầm ảnh hưởng rộng, tài sản thu hồi có giá trị lớn hơn với các quy định tại điểm 1.2 và 1.3 khoản 1 Điều 9 của Quy chế này thì đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có hình thức khen và mức thưởng cao hơn.

3. Kinh phí khen thưởng cấp quận được trích từ Quỹ thi đua khen thưởng của quận.

Điều 10. Thủ tục khen thưởng

1. Văn bản báo cáo kết quả xác minh, kiểm tra, hoặc điều tra vụ việc và quyết định xử lý tội phạm; báo cáo kết quả thu hồi về mặt kinh tế.

2. Văn bản đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân có tóm tắt thành tích, đề nghị hình thức khen và mức thưởng.

3. Thủ tục đề nghị từ Giấy khen Ủy ban nhân dân quận trở lên gửi Ban Chỉ đạo về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội quận xem xét; Trưởng Công an quận (Thường trực Ban Chỉ đạo về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội quận) có văn bản đề nghị Phòng Nội vụ (Cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận) trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận quyết định.

4. Trường hợp có thành tích xuất sắc, Thường trực Ban Chỉ đạo về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội quận xem xét và Trưởng Công an quận phối hợp Phòng Nội vụ lập thủ tục để Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm thực hiện

1. Thường trực Ban Chỉ đạo về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội quận trực tiếp đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đề nghị khen thưởng đối với tập thể, cá nhân.

2. Trưởng Công an quận là đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quy chế về hỗ trợ chế độ, chính sách và khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân trong đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm; có trách nhiệm lập thủ tục, tiếp nhận hồ sơ đề nghị khen thưởng; bảo đảm điều kiện thực hiện việc khen thưởng quy định tại khoản 1 Điều 9 của Quy chế; triển khai, quán triệt trong ngành việc thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

3. Trưởng phòng Nội vụ (Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận), Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch chịu trách nhiệm thực hiện việc khen thưởng theo chế độ quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và mức thưởng quy định tại Điều 9 của Quy chế này.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường, Thủ trưởng các phòng, ban có trách nhiệm phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội quận đề nghị biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích trong việc tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân trong phòng chống các loại tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội .

5. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ảnh về Thường trực Ban Chỉ đạo về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội quận có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân quận xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.